Thứ Năm, 8 tháng 12, 2011

nhớ lại trận đánh đồn Cái Xơ- Tân Thành- Hồng Ngự- Đồng Tháp

NHỚ LẠI TRẬN ĐÁNH ĐỒN CÁI XƠ- TÂN THÀNH- HỒNG NGỰ- ĐỒNG THÁP

Hồ Tinh Tâm




Trận đồn Cái Xơ là trận đánh mà tôi rất khó quên, trong đội hình D1 E207, tại Tân Thành- Hồng Ngự- Đồng Tháp, vào khoảng cuối mùa khô năm 1974, lúc tôi là A trưởng A vô tuyến điện của tiểu đoàn. Bấy giờ A vô tuyến điện của tôi có bốn máy PRC25, tôi bố trí ba máy đi cùng ba đại đội(C1, C2, C3), còn máy do tôi phụ trách đi cùng ban chỉ huy tiểu đoàn, nằm sát với trung đội trinh sát và trung đội hữu tuyến điện. Cùng đi chung máy với tôi là Phương(hình như là Nguyễn Văn Phương), quê ở Thường Tín Hà Tây; vừa thi xong tốt nghiệp lớp 10 thì nhập ngũ. Phương cao khoảng 1,70 mét, rất đẹp trai, với nét mặt rất ra dáng dân chơi Hà Nội, vừa lạnh kiểu phớt đời, vừa thư sinh trắng trẻo. Tôi kể hơi dài dòng, bởi tôi muốn nhớ lại một vài chi tiết, để hy vọng Phương và đồng đội, nếu đọc được bài viết này, thì nhớ rằng tôi là Hồ Xuân Tâm, sinh viên đại học địa chất, nhập ngũ trước Phương, Mỹ, Tùng… khoảng hai năm, và đã học qua trường quân chính(quân khu Tả Ngạn) trước khi vào chiến trường B2 Nam Bộ.



Từ một Sóc(Phum Sóc) bên kia sông Trăng biên giới, thuộc tỉnh Tà Keo, chúng tôi vượt sông vào buổi chiều, hành quân ròng rả đến gần khoảng 11g00 đêm thì tiếp cận vị trí tập kết, cách hàng rào thứ nhất đồn Cái Xơ khoảng một trăm mét. Lúc này tất cả các máy vô tuyến điện của tiểu đoàn đều mở chế độ trực sóng, nhưng chưa được phép liên lạc với nhau, tất cả mệnh lệnh đều được truyền qua đường dây hữu tuyến. Không hiểu sao đêm mùa khô mà trời tối như mực, Phương nằm sát bên tôi mà nhìn cũng không rõ mặt. Xung quanh im lặng như tờ. Bóng đêm và sự im lặng vây bủa, đã làm cho Phương trở nên căng thẳng, bởi đây là trận đánh đầu tiên của chàng trai quê lụa, mới chân ướt chân ráo vào tới chiến trường. Bởi vậy Phương xin phép tôi được lôi tờ mật mã ra xem lại, vì Phương sợ khi nổ súng sẽ quên mất. Biết rằng dù có mở ra cũng không thấy đường mà đọc, nhưng tôi vẫn gật đầu, nhằm tránh cho anh ta sự căng thẳng. Thế rồi chúng tôi được lệnh tiếp cận áp sát hàng rào thứ nhất, chờ giờ G nổ súng. Khi đã áp sát hàng rào, tôi mới phát hiện Phương bỏ quên tờ mật mã ở điểm tập kết. Biết rằng điều đó cũng không mấy quan trọng, nhưng theo nguyên tắc bảo mật thông tin, tôi vẫn quay lại để lấy. Khi tôi trở lại, nằm xuống bên cạnh Phương, nghe mùi khai nồng nặc bốc lên, tôi biết rằng Phương sợ quá đã đái ra quần. Đây là điều rất hay xãy ra với lính mới tò te đánh công đồn lần đầu. Vậy mà Phương còn ghé vào tai tôi hỏi đi hỏi lại. “Anh Tâm ơi, sao im lặng thế này?”. “Anh Tâm ơi, hay đã có lệnh rút mà họ quên báo cho mình?”. “Anh Tâm ơi, khi mình xung phong, phía sau họ bắn trúng mình thì sao?”. “Anh Tâm ơi, có bao giờ súng bị kẹt đạn không?”… Sự tác động lo sợ căng thẳng rất dễ lây lan, nên tôi phải gắt. “Cứ năm yên đấy. Khi nghe súng phát hỏa thì bám theo tao mà lao lên!”.



Chuẩn bị đến giờ G, tôi lệnh cho tất cả các máy chuyển sang kênh tần số đã quy định, mở chế độ trực 24/24, sẵn sàng chờ chỉ thị của tiểu đoàn. Khi pháo lệnh nổ vang trên bầu trời, lập tức bộc phá và DKZ điểm hỏa. Chớp lửa nhoáng lên loa lóa trước mắt. Rồi thì B40, B41 nổ ùng đoành như dội lửa. Tôi nghe rất rõ tiếng tiểu đoàn trưởng Hai Mai thét rất to. “Xung pho…ong! Xung pho… ong!”. Dưới ánh lửa chớp lóa của hỏa lực phá hàng rào, tôi nhìn thấy Hai Mai vung khẩu K54 vọt lên phía trước. “Theo tao!”. Tôi chỉ kịp nói với Phương như quát, rồi lập tức vọt lên, chạy bám sát Hai Mai, để chờ chỉ thị mệnh lệnh của anh. Cái máy PRC25 đập vào lưng tôi oành oạch. Tay phải tôi cầm cổ báng súng khẩu AK, tay trái tôi cầm tổ hợp áp sát vào tai. Chân tôi guồng như cái máy, vậy mà vẫn không thể nào chạy theo kịp Hai Mai. Phía sau, Phương vẫn bám sát tôi từng bước.



Loa lóa trong chớp lửa, tôi thấy bộ binh của ta căm cắm lao lên. Lao lên vùn vụt dưới sự yểm trợ của hỏa lực 12ly8, DKZ và B40, B41. Chừng nghe tiếng anh Nguyễn Bá Thiệu vang lên bên tai “xong rồi”, tôi mới nhận ra chúng tôi đã vào tới giữa đồn Cái Xơ. Phương ngơ ngác hỏi tôi, “xong rồi cái gì hả anh?”. Lúc đó tôi cảm thấy buồn cười nhưng vẫn nói, “chiếm xong đồn rồi chứ xong gì nữa, giờ thì phải nhanh lên, bám chặt theo tao, không thì ăn pháo dập đấy”. Nói xong tôi truyền lệnh của tiểu đoàn trưởng, cho tất cả các đại đội rút ra khỏi đồn, triển khai đội hình phòng thủ cặp theo sông Tân Thành.



Đội hình còn đang triển khai thì pháo địch từ Chi khu Ngã Sáu, từ Hồng Ngự, từ Mĩ An đã dội xuống đồn Cái Xơ như dội lửa. Chủ yếu là pháo khoan và pháo chụp. Cả pháo 105 ly và pháo 155 ly thi nhau bắn xối xả. Rồi một chiếc đầm già bay tới thả đèn dù và xối trọng liên ằng ặc dai dẳng như trâu đái đêm. Lúc này trời đã nhờ nhờ sáng, trông rõ chiếc máy bay C130 đen sì lượn quần quần trên bầu trời.



Mặc chiếc đầm già xả trọng liên và thả lựu đạn, thả đạn cối xuống không ngừng, chúng tôi quật sức ra đào công sự, chuẩn bị cho một ngày đối mặt với bộ binh sư đoàn 7 đã dàn quân phía bên kia sông Tân Thành.



Tôi nói với Phương:

- Bây giờ mới chuẩn bị đánh đấm ra trò đấy. Mày mệt thì dựa công sự chợp mắt một lúc đi, để tao trực máy cho. Trời sáng là không còn cơ hội để được ngồi yên đâu.




6 giờ sáng.

Một bầy trực thăng từ hướng Đồng Tâm bay tới. Tôi không nhớ rõ là bao nhiêu chiếc, nhưng chắc chắn là hơn chục chiếc. Cuộc oanh tạc bằng rốc két và trọng liên bắt đầu. Lệnh của Hai Mai là cả tiểu đoàn phải nằm yên, không được nổ súng, tiết kiệm đạn dược chờ đánh bộ binh sư đoàn 7. Nhiệm vụ của chúng tôi là bằng mọi giá phải giữ vững trận địa. Sau này bằng kinh nghiệm riêng của mình, khi đến Tà Nu gặp một số anh em quân báo, tôi biết vào thời điểm đó, trung đoàn 207 của chúng tôi phải khai thông hành lang biên giới, đảm bảo cho Bộ tư lệnh Miền thực hiện ý đồ chuyển quân chiến lược, chuẩn bị cho một chiến dịch lớn. Bởi vậy chúng tôi đã án binh bất động, để mặc cho bầy trực thăng tha hồ chúi xuống sút rốc két và xối trọng liên như điên như cuồng. Ngồi bó gối ôm đầu chịu trận dưới công sự, Phương có vẻ ấm ức lắm. Anh ta nói với tôi. “Đám trực thăng này em thấy dễ xơi quá, sao mình lại không đánh nhỉ?!”. Tôi nói. “Thế đấy! Cánh lính nhà ta ai cũng như ai, làm lính thì non làm tham mưu con thì già, biết thế nào được ý đồ của cấp trên. Ăn lương khô đi! Đừng có để phải ủm củ tỏi với cái bụng rỗng”.



Bầy trực thăng sau mấy vòng quần đảo bắn phá mới rút đi. Thay vào đó là từng tốp phản lực F4 tới dội bom. Từng tiếng nổ chát chúa liên tục dội lên. Khói lửa, bụi cát mịt mù. Mặt đất rùng mình rung lên như động kinh. Bên hầm chỉ huy, Hai Mai hét lên, lệnh cho tôi liên lạc với các đơn vị, đề nghị kiểm tra báo cáo quân số. Tôi nghe rõ tiếng của từng điện đài viên vẫn vang lên trong tổ hợp. Các trận địa vẫn sẵn sàng chờ lệnh.



Dứt trận bom, pháo bầy từ các nơi thi nhau nả xuống. Bây giờ chủ yếu là pháo khoan và pháo phát quang. Mảnh pháo bay veo véo, xé gió rít trên đầu, nghe lạnh cả xương sống. Đất đổ rào rào xuống công sự, xuống đầu xuống cổ chúng tôi. Để không bị chôn sống, cứ sau mỗi lần bị đất vùi, tôi và Phương lại phải ra sức dùng xẻng hất đất ra khỏi công sự. Điều cốt tử là chúng tôi phải bảo vệ cái máy PRC25 dúi sâu trong hàm ếch. Và cứ sau mỗi đợt dứt tiếng pháo, tôi lại phải lôi máy ra, cắm ăng ten lá lúa vào để liên lạc với các trận địa. Trong một lần lên sóng, Mĩ từ C3 nói với tôi. “Địt mẹ nó. Đánh không đánh, toàn dội bom bắn pháo thế này”. Đây là việc làm vi phạm điều lệnh của lính thông tin, nhưng tôi hiểu tâm lý bị ức chế căng thẳng của anh em, nên chỉ bóp tổ hợp nhá tín hiệu cho Mĩ im lặng.



Suốt cả buổi sáng, quân lực Việt Nam cộng hòa chỉ dở đi dở lại trò hết sút rốc két, hết dội bom lại nả pháo như điên như cuồng, còn bộ binh sư 7 vẫn nằm im thin thít bên kia sông Tân Thành. Đội hình tác chiến của tiểu đoàn vẫn được giũ vững, các trận địa báo về không có thương vong.



Mãi quá trưa, khi chúng tôi đã đói mèm và khát cháy cổ, mới thấy hai người lính hậu cần xuất hiện trên công sự, mặt mũi đen nhẻm khói thuốc súng. Cả hai đều toét miệng cười trắng lóa, nói với chúng tôi. “Còn sống hả. Cơm đây! Chúng nó bắn khiếp quá, đừng trách tụi này nhé!”. Hai vắt cơm và một bi đông nước. Vậy là quá tốt. Đã xác định phải nhai gạo rang, vậy mà lại có cơm và nước. Hậu cần tiểu đoàn quá tuyệt còn gì. Phơi mình trên mặt đất dưới hỏa lực bom pháo để bò đến các trận địa, chẳng biết anh em có ai bị làm sao không. Nếu vì miếng ăn của chúng tôi mà anh em hy sinh thì… Tôi nhoài người lên, ôm đầu một người lính, hôn túi bụi lên mặt anh ta. Người lính kia nói với tôi. “Vừa phải thôi. Để dành đấy, ra Bắc tao cho hôn con Thoa em gái tao thoải mái. Da thịt con gái chúng nó thơm lắm, không như thằng này đâu!”. Nói xong, anh ta móc túi lôi ra gói thuốc rubi quân tiếp vụ, đưa cho tôi hai điếu, nói. “Còn phải để dành cho bọn nó nữa. Hút đỡ đi. Đừng có ngủ quên dưới công sự đấy!”.



14g30.

Lại một trận bom của F4.



15g10.

Pháo 105 ly, pháo 155 ly bắn cấp tập.



15g45.

Hỏa lực trọng liên của M48, M113 bên kia sông Tân Thành bắn sang như dội bão. Đạn vút chiu chíu xé gió trên đầu. Tiếng nổ chát chát đùng đùng đanh sắc tới chói óc.



Phương hỏi. “Bắt đầu rồi phải không anh? Tụi sư 7 đã sủa rồi đấy”. Tôi nói. “Cũng có thể. Mày nhận và dịch tin của trung đoàn đưa sang cho anh Hai Mai đi! Nhớ coi chừng cái mông đấy! Để mảnh pháo nó gọt mất thì ế vợ”. Phương nhận và dịch tin xong, vừa vọt khỏi công sự chạy sang hầm tiểu đoàn trưởng thì liên tục mấy trái pháo nả xuống xung quanh công sự của tôi. Bụi đất văng bắn tứ tung. Khói phả mịt mù. Tôi chỉ kịp xô cái máy xuống rồi nằm đè lên. Đất đổ xuống rào rào, ập lên người tôi cả đống, khiến tôi vừa ngạt thở vừa đau tức trong lồng ngực. Bụi đất tràn vào mồm buộc tôi phải vùng vẩy ngoi đầu lên, ho sặc sụa. Việc đầu tiên của tôi là phải moi cái máy lên, bươi đất ấn nó vào trong cái hàm ếch, rồi dùng xẻng hất bụi đất ra khỏi công sự. Trọng liên của M48, M113 vẫn quét ràn rạt trên đầu, nổ toác toác đùng đùng chói lói. Phương và tay liên lạc của tiểu đoàn trưởng xuất hiện trên miệng công sự, thấy tôi còn sống cả hai đều toét miệng cười. Sau đó tay liên lạc trở về, còn Phương trườn xuống với tôi, cùng tôi xúc đất và củng cố lại công sự. Xong xuôi mọi việc, chúng tôi ngồi tựa lưng vào công sự thở dốc, mặc cho đạn nhọn bay veo véo trên đầu. Nhưng thấy hỏa lực cấp tập của thiết giáp cứ liên tục bắn như vải trấu, mà không nghe tiếng súng giáp chiến của hai bên, tôi đâm ra sốt ruột, nghi ngờ có điều gì đó đang xãy ra. Nhìn cái đồng hồ Slava đeo tay, thấy đã 16g40 hơn, tôi liền lên sóng, bẻ cò lần tìm các tần số liên lạc của đối phương. Bầu trời ồn ào đến mức không tưởng được. Sóng mặt đất liên lạc với mặt đất. Sóng mặt đất liên lạc với trên không. Sóng trên không và mặt đất liên lạc với nhau. Tất cả đan qua đan lại. Nghe ồn ào và rất gần. Trong mớ sóng âm thanh hỗn độn ấy, thốt nhiên tôi nghe được tiếng gọi. “Du Lu gọi Hùng Cường. Du Lu gọi Hùng Cường. Nghe rõ trả lời. Đã vượt qua con trăn xanh. Đã chà xát mấy ụ mối, thu được mấy cây củi mục”. Linh tính mách bảo tôi rằng, chắc chắn tụi chiến xa núp dưới làn đạn trọng liên đã hộ tống lính bộ binh vượt sông Tân Thành. Mấy ụ mối, mấy cây củi mục, rất có thể là ám chỉ việc chúng đã chà xát trận địa hỏa lực của ta, thu được súng chống tăng của ta. Anh em thức trắng cả đêm qua, lại bị căng thẳng dưới hỏa lực suốt từ sáng đến giờ, rất có thể hoặc vì chủ quan, hoặc vì ngủ gật dưới công sự, đã bị bộ binh sư 7 bất ngờ vượt sông đột kích. Loạt pháo vừa rồi rất có thể là pháo bắn nghi trang gây tiếng nổ để xe tăng và thiết giáp vượt sông. Lo sợ cho trận địa hỏa lực bị chọc thủng, tôi muốn chạy ngay sang báo cho tiểu đoàn trưởng biết, nhưng lại sợ ông nóng tính, kỉ luật tôi về tội dám thăm dò sóng thông tin của đối phương. Nhưng tiếp tục dò thêm vài kênh tần số nữa, tôi vẫn nghe đối phương trao đổi với nhau về mấy ụ mối, mấy cành củi mục. Vậy là tôi liều mạng trườn sang hầm thủ trưởng tiểu đoàn. Nghe tôi báo cáo nghi vấn, Hai Mai đập tay vào vách công sự, quát ầm lên. “Vượt sông là thế nào! Tổ hỏa lực có tăng cường, chúng vượt sông thế nào được!”. Thấy mặt ông đỏ bừng, hai mắt long lên sòng sọc, tôi cũng đâm hoảng. Nhưng đúng lúc đó thì Thanh liên lạc của C2 nhảy ào xuống hầm với gương mặt đầm đìa những máu. Anh ta vừa thở vừa hổn hển nói. “Báo cáo… báo cáo thủ trưởng… tổ hỏa lực đã… đã bị tiêu diệt. Trận địa C2 có… có nguy cơ bị thủng. Thủ trưởng… thủ trưởng Biên đã hy sinh ”. Nghe đến đó, Hai Mai gầm lên, quát vào tai tôi. “Ông vác máy ngay qua đây! Lệnh C3 tăng cường lập tức hai trung đội cho C2!”. Xoay sang người liên lạc của C2, Hai Mai cũng nói như quát. “Về nói anh Tùng giữ vững trận địa. Sẽ có tăng viện. Đi nhanh lên’.



Thấy tôi chuyển lệnh xong, Hai Mai nói. “Bắt liên lạc ngay với trung đoàn cho tôi! Đù má! Tao ăn thua đủ với tụi mày nè!”. Tôi giương ăng ten bảy đốt, nối được liên lạc với Ban chỉ huy tiền phương của E. Hai Mai giằng ngay lấy tổ hợp, nói như gầm vào ống nghe. “Hai Mai D1 đây. Hai Mai xin hỏa lực tăng viện ngay. Bắn thẳng vào chúng tôi. Thiết giáp trung đoàn 10 vượt sông rồi. Bắn ngay đi!”. Quay sang người lính liên lạc của mình, Hai Mai cũng nói như quát. “Lệnh cho các bộ phận của D bộ lùi xa khỏi trận địa trăm mét. Lẹ lên! Không còn thời gian đâu!”. Quay sang tôi, ông nói. “Về công sự, chui hết vào hàm ếch. Nhanh lên!”.



Trở về công sự của mình, tôi với Phương ra sức đâu lưng vào nhau khoét rộng thêm cái hàm ếch. Đang đào thì tiếng súng từ trận địa C2 đã bùng lên chát chúa. Như vậy là cánh C2 đã chính thức giáp chiến với tụi trung đoàn 10. Đeo máy lên lưng, cả tôi và Phương đều quỳ trong công sự, hướng nòng AK về phía Tân Thành. Chúng tôi đều ý thức rằng, rất có thể bộ binh trung đoàn 10 đã ở ngay trước mặt, rất có thể chúng sẽ ập tới ngay lúc này; tại trận địa Ban chỉ huy tiểu đoàn lúc này, chỉ còn có hai chúng tôi và tiểu đoàn trưởng. Chính trị viên Thái đang trực tiếp chỉ huy tại trận địa phòng thủ của C3. Chính trị viên phó Biên đã hy sinh. Tham mưu trưởng Nguyễn Bá Thiệu thì không biết chết sống thế nào ở trận địa hỏa lực đã bị đối phương chọc thủng. Các bộ phận của D bộ chắc chắn đã nhận lệnh lùi về phía sau.



Trọng liên của M48, M113 đã không còn bắn về phía chúng tôi, mà dồn hết về phía C2. Mấy chiếc trực thăng cũng bâu về phía C2 sút rốc két. Toàn bộ cối 61, cối 82 của tiểu đoàn cũng bắn về phía ấy để chi viện cho C2. Tình hình trở nên khẩn trương và nguy hiểm cực kì. Nếu vỡ trận địa C2, toàn bộ tiểu đoàn sẽ bị phơi lưng, không còn lối thoát giữa cánh đồng Tân Thành mùa nắng đất khô rang nứt nẻ.



Giữa nắng chiều chiếu xiên khoai bỏng rát, bất ngờ tôi nhìn thấy nòng pháo của một chiếc M48 lòi ra từ trên một gò đất, cách chỗ chúng tôi khoảng hơn hai trăm mét. Như vậy là bộ binh sư 7 đang tiên về trận địa chốt giữ của D bộ, mà lúc này tại đây chúng tôi chỉ còn có vỏn vẹn có ba người. Tôi nói với Phương đặt hết lựu đạn lên bờ công sự, giương sẵn lưỡi lê để sẵn sàng đánh cận chiến. Cái chết mười mươi của chúng tôi đã trong tầm tay. Gương mặt người lính trẻ căng lên, đôi mắt đục ngàu, có vẻ đang ánh lên một chút ưu tư gì đó. Nhưng khi đầu chiếc tăng nhô lên, nhìn thấy cả tháp pháo, bỗng nhiên nó lại quay ngoắt về bên trái. Tiếp theo nó, tôi còn nhìn thấy một chiếc nữa cũng xoay nòng tiến về phía trận địa C2. Tôi rùng mình nghĩ tới cảnh C2 vừa bị đánh vỗ mặt, vừa bị đánh tạt sườn, vừa bị đánh tập hậu. Chẳng biết C2 có đủ sưc trụ nổi không, hay cũng bị bằm nát và bị xích sắt xe tăng chà xát như trận địa hỏa lực của tiểu đoàn.



Đúng lúc đang căng thẳng nhất, tôi nghe thấy mấy tiếng nổ đoành đoành rất lớn, mà không hề nghe thấy tiếng nổ đề ba đầu nòng súng. Kinh nghiệm cho tôi biết rằng, đó chính là cối 106,7 bắn cầu vồng của ta đã vào cuộc. Như vậy là hỏa lực đã tăng viện, đã bắn thẳng xuống trận địa của ta theo yêu cầu của Hai Mai. Tôi và Phương vội vàng chui ngay vào hàm ếch. Sự sống chết bây giờ hoàn toàn tùy thuộc vào mệnh trời. Cối 106,7 đầy uy lực của ta đang nả thẳng vào đối phương và xuống đầu chúng tôi. Đây là nước cờ cuối cùng mà Hai Mai buộc phải dùng để giũ vững trận địa. Nước cờ thí(kể cả tính mạng của ông) để giành phần thắng.



Sau này tôi biết thêm rằng, hôm đó ngoài hỏa lực cối 106,7, đoàn pháo Z56 của quân khu còn bắn chi viện cho trận địa chúng tôi hai trái DKP, khiến bộ binh trung đoàn 10 của sư 7 Sài Gòn phải rút hết về bên kia sông Tân Thành, bởi có lẽ chúng sợ sẽ đụng độ lớn với chủ lực của ta. Và cũng ngay vào sập hoàng hôn hôm đó, sư đoàn 7 triệt thoái toàn bộ lực lượng về căn cứ Đồng Tâm.



HTT

1 nhận xét:

nguyenthiphung nói...

Chào anh! Nhà văn hết mình cho cuộc sống!