Thứ Sáu, 16 tháng 12, 2011

LÍNH CŨ ĐỒNG THÁP MƯỜI

Truyện ngắn

LÍNH CŨ ĐỒNG THÁP MƯỜI
Hồ Tĩnh Tâm

“Thời gian như nước chảy
Phù sa tình người lắng trong tim”
H.T.T.


Tôi với Toàn, hai đứa ngồi với ve rượu và mấy con rắn mối nướng lèo nằm chất chồng trên cái lá sen xòe như bàn tay thần tiên lật ngửa.
Toàn đã có vẻ say, nhưng uống vẫn rất lì từng nửa ly, nửa ly, không nhểu ra ngoài một giọt.
- Này, thằng Thặng chỉ hát mà trung tá rồi nghen!
- Bậy mầy! Sau 75, nó goánh biên giới chí mạng. Trung đội toàn tân binh, nhờ nó cầm chịch cứng khừ mới chịu nổi.
- Nhưng nó hát vẫn hay hơn nó trận mạc!
- Ừa, nó hát thì khỏi chê!
Thặng từng là lính trinh sát, rồi lính thông tin; A trưởng A vô tuyến điện của tiểu đoàn- một tiểu đoàn mà lính tráng gần hết là sinh viên đại học. Hồi còn trận mạc, tôi không hiểu nhiều về Thặng; còn sau giải phóng, tôi rành Thặng sáu câu vọng cổ. Quê Thường Tín, Hà Tây. Giáo viên dạy thể dục cấp 3; bắn súng trường thể thao TOZ8 hết sẩy. Đẹp trai, chưa vợ, tán gái tuyệt cú mèo, hát cực hay. Lúc còn goánh nhau thì cần khẩu súng, hòa bình rồi thì cần có thêm giọng hát. Thặng được điều về tổ chính trị của tôi. Giọng hát đâm ra ăn tiền. Nắm đội văn nghệ trong tay, Thặng quậy phong trào nổi đình nổi đám. Đến đâu thanh niên cũng réo: “Anh Thặng! Anh Thặng!”. Đến đâu các cô cũng đeo dính như đỉa. “Anh Thặng, chép giùm em BÀI CA MAY ÁO! Anh Thặng, dạy cho em BÀI CA HY VỌNG! Anh Thặng, tối nay các anh có…”. Trời đất! Làm như cả tiểu đoàn chỉ có mình ên anh Thặng.
Toàn nói Thặng chỉ nhờ giọng hát cũng có lý một phần. Bởi vì một sĩ quan làm công tác chính trị thì giọng hát, kỹ thuật hát, cũng chỉ là một lợi khí nhỏ mà thôi, còn bao nhiêu việc đòi hỏi anh ta phải vắt óc ra, phải chạy như cờ lông công.
Tôi nhớ năm 1979, Trần Oanh từ trung đoàn công binh, tìm đến trường đại học, khoe rối rít với tôi: “Thặng vừa dàn dựng cho sư đoàn một chương trình dự thi số dzach. Tiết mục về người lính bắn cối 60 giữa đồng nước nổi, do nó tự biên, tự độc tấu, huy chương vàng toàn quân. Tiết mục đơn ca TÔI LÀ LÍNH CỐI của nó cũng huy chương vàng”. Oanh đến chỉ để khoe với tôi chừng đó, rồi biến luôn về Vàm Cống thăm vợ vài hôm trước lúc trở lại chiến trường K.
Hai tháng sau, Thặng đến, đưa cho tôi bộ dây ghi ta của Đức, rồi rầu rỉ thông báo: “Trần Oanh chỉ huy máy húc mở đường ở Pô Chen Tông, ủi nhằm mìn chống tăng, giờ nằm ngáp tại quân y viện 121. Tao với mày đến ngay với nó”.
Trần Oanh nguyên là sinh viên năm thứ nhất đại học bách khoa năm 69. Năm 70 vào thẳng chiến trường B2. Quê đúng ở nơi mà đại thi hào Nguyễn Trãi bị oan bởi giọt máu con rắn rớt từ xà nhà xuống, thấm qua ba trang giấy. Tiếng là dân của Lệ Chi Viên mà Oanh gộc ghệch lời ăn tiếng nói, ngôn từ chắp nối rời rạc như cơm nguội, chỉ giỏi cái sự thù thì thủ thỉ. Năm 72 từng bị lạc giữa đồng nước linh lang mười ba ngày trời với bàn chân trái bị đứt một phần ba gân Asin. Mười ba ngày gặm nhấm gốc đưng, nhai sống ốc lác, uống nước bạc giữa đồng. Chiều thứ mười ba, khi đã lả đi trên bờ bao Kinh Chuối, may mắn được hai mẹ con dân bản địa bơi xuồng ba lá ngang qua ngó thấy, đem về nuôi giấu, chữa trị, kế chốt Gãy, Kinh Nhứt, thuộc vùng bốn chiến thuật của Ngụy. Lạ vậy, nhờ ở sát cái đồn lớn có pháo 105 và cối 106,7 mà an toàn, thoát chết trở về. Vậy mà nay chịu nằm bẹp một đống trong viện, chằng chịt dây nhợ từ trên cao thòng xuống, cắm tua tủa vô người.
Xuân Hồng thức ròng mấy đêm, khóc ròng mấy đêm trong viện 121. Tiếng thút thít và đôi mắt chỏng lơ của cô đã kéo được Trần oanh trở về từ cửa tử. Xuân Hồng là con gái rượu của bà chủ nhà, nơi tổ chính trị của chúng tôi đóng quân vào khoảng tháng 12 năm 1975. thặng từng nói bô bô: “Trần Oanh phải tìm bằng được cô bơi xuồng ở Kinh Chuối mà trả nghĩa. Còn ông (tức là tôi), có trách nhiệm bồi dưỡng con gái rượu bà chủ nhà thành người của ta”. Tôi chưa kịp trổ tài bồi dưỡng con gái rượu bà chủ thì cổ đã dính cái gộc ghệch của anh chàng hay thù thì thủ thỉ xứ vườn vải BắcHà.
Mà thôi, chuyện của bốn chàng ngự lâm chúng tôi thì dài dòng lắm. Cái thời tuổi trẻ độc thân, lính tráng cũng y chang như thanh niên trong làng, kể cả ngày không hết chuyện phù phiếm.

Năm 1987, tôi tham gia TRẠI SÁNG TÁC CA KHÚC ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG, do Hội nhạc sĩ Việt Nam tổ chức cho các tỉnh phía Nam, tôi có dịp được trở về vùng đất một thời đã trở thành hoài niệm. Đó là miền đất có dòng sông Trăng chạy ngang, phân định biên giới đất đai hai quốc gia láng giềng thân cận.
Một chiều mưa, tôi cùng anh em viết nhạc các tỉnh ngồi nhậu trong cái chòi của ông lão đóng nò cất sát mé sông, nhạc sĩ Phạm khiêm chỉ cái nhà sàn xập xệ phía bờ bên kia, nói với tôi: “Ông thích viết truyện, qua bển làm quen với bà góa, thể nào cũng có tư liệu. Có điều, phải cưa đôi nhuận bút với tụi này một trận tới bến. Thiếu tụi này bù”. Thấy Phạm Khiêm đá đuôi nheo với bạn bè, tôi chắc mẩm bà góa một là rất đẹp, hai là rất xấu, nhưng nhất định có chuyện hay. Tôi lạ gì cái thói đá đuôi nheo của các chàng văn nghệ lãng tử.
Nhưng rồi tôi cũng mò qua.
Trời ạ! Bà góa đẹp tới mê hồn. Phải tội chút chít tới bốn đứa con. Toàn là “vịt giời” Đồng Tháp. Tám con mắt tròn như bi ve, dúm vào một chổ, nhìn chúng tôi như nhìn người từ cung trăng rớt xuống. Hai con mắt của người mẹ cũng còn đen lắm, còn tỏa ra thứ ánh sáng hớp hồn kẻ đa tình đa cảm.
- Nhà còn con lươn gần hai ký, tui làm mồi các anh nhậu nghen!
Lươn gộc nằm mà hấp lá bầu thì khỏi chê. Còn rượu Tân Thành, Hồng Ngự là lửa lò bát quái, lỡ nuốt trôi một xị, cầm chắc hết biết đường về. Đám con nít thấy chúng tôi ca hát um sùm, trở nên dạn dĩ, xán tới đùa giỡn tíu tít như vịt đồng giỡn nước. Con bé út sán vào lòng tôi, chúm đôi môi bông súng, méc tỉnh queo: “Tụi con có tới hai ba lận, mà hổng ba nào còn sống. Chết hết trơn hết trọi, thành ra má tụi con mới nghèo như vầy”.
Trên bàn thờ kết bằng miếng ván còng, hai người đàn ông nhìn xuống tôi với ánh nhìn là lạ như trách móc, như thăm dò: không biết ai trong chúng tôi muốn nhào vô làm tía của sắp nhỏ vô tư này?!
Người đàn bà góa tên Huyền. Huỳnh Thị Huyền. Chị ta lớn hơn tôi ba tuổi, nhưng coi mòi còn trẻ hơn tôi cả chục tuổi là ít. Da trắng, tóc đen dày, mập nhưng không sồ sề. Gương mặt toát ra sự nhàn nhã, phong lưu đài các; không hề bợn lên chút xíu nào của sự nghèo khổ. Chị buôn bán hàng khô ngoài chợ xã, đồng tiền kiếm được chỉ đủ đắp đổi qua ngày. Được cái không phải dầm mưa dãi nắng, lội nước lội phèn, nên dáng người trắng trơn như dân thành thị.
- Tui tới sáu đứa lận. Hai đứa đầu là con của anh bên trái (người đàn bà góa chỉ lên bàn thờ), chúng đã lớn, đã đưa nhau đi làm ăn mụ mị dưới miệt U Minh Thượng. Bốn đứa này là con anh bên phải, học hành bù trớt, chỉ lỏm bỏm mỗi đứa vài ba chữ. Người ta biểu tui có tướng sát chồng. Trước tui sống ở Gãy Kinh Nhứt, cách đây hơn ngày xuồng.
Nghe nhắc tới Gãy Kinh Nhứt, tôi nhớ ngay tới vụ Trần Oanh bị lạc giữa đồng nước. Nghe gợi chuyện lòng vòng một hồi, chị ta nhớ ngay ra Trần Oanh.
- Chèng ơi, ảnh còn sống à! Có vợ con ở Vàm Cống à! Đại úy công binh à! Chèng ơi, ảnh… ảnh….
Những tiếng à thốt lên đầy ngạc nhiên, sững sốt. Thế rồi sau hàng loạt tiếng à à là tiếng khóc. Mới đầu còn khóc sụt sịt, về sau khóc to lên hù hụ, không biết do mừng hay do tủi. Chúng tôi ngồi ngay trân cả đám, men rượu bay biến đi đằng nào. Sắp nhỏ thấy vậy, líu ríu lủi hết vô buồng, nín khe cả một lượt.
Chị Huyền đứng dậy, đốt nhang cặm lên bàn thờ mẹ, vừa khóc vừa nói:
- Má ơi! Anh Hai Bắc Kỳ, ảnh còn sống. Có bạn bè của ảnh ngồi đây nè!

Toàn đậy nắp ve rượu, chém chém bàn tay phải bị mất ba ngón cuối vào không khí, nói qủa quyết:
- Mơi tao vào bưng thăm mẹ con chị Huyền, mầy có gì gởi vô trỏng thì gói ghém để sẵn đó. Giờ cho tao nghỉ khỏe để tối nay qua Cần Thơ chiến đấu với thằng Thặng trận bia trước khi vô bưng.
Toàn đang là giáo viên dạy văn cấp ba, nghèo rớt mùng tơi từ A tới Z, nhưng phiêu lưu lãng tử thì ít ai bằng. Nhờ độc thân mà hè nào Toàn cũng rong ruỗi hết nơi này nơi khác. Có tiền đi đã đành, hết tiền cũng đi. Vừa đi vừa viết thơ, viết bài gởi đăng các báo địa phương, đăng tạp chí văn nghệ các tỉnh. Bài đăng cả năm vẫn để đó, tới hè mới lãnh nhuận bút để vi vu. Kể cũng là tay công tử Bạc Liêu kiểu mới. Toàn có tật xài tiền không bao giờ trả giá. Muốn mua gì cứ hỏi mua. “Cho mười ngàn heo quay”. “Lấy cái bọng vịt coi”. “Cho năm trăm vừa rau sống vừa giá, dì ba!”… Đã vậy lại còn thêm tật không bao giờ đếm tiền. Cứ thọc tay túi quần lôi ra, người bán hàng tự đếm lấy. Gặp quán quen, có khi anh ký sổ cả trăm ngàn, vài trăm ngàn; rồi có khi quên khuấy đi hàng tuần, hàng tháng. Có khi quên suốt cả năm học, hè đến chủ quán nhắc mới nhớ, mới trả tiền; có khi lại còn vừa trả vừa ký thêm mớ nữa. Anh ký vô tư mà trả cũng vô tư. Ai nhắc bao nhiêu trả bấy nhiêu; dư thì lấy lại, thiếu thì để đó, còn ký thì vẫn ký liền xì.
Chuyện Toàn vô lính chủ lực cũng khác người ta. Năm mười bốn tuổi, Toàn đến nhà vợ ông xã trưởng chùi thuê bộ lư đồng cùng các thứ đồ đồng và đánh bóng véc ny đồ gỗ cho nhà ổng, đặng kiếm chút đỉnh tiền tiêu Tết. Nhà ổng vừa nhiều đồ đồng vừa nhiều đồ gỗ từ xưa để lại, toàn là đồ cổ qúy giá, đắt tiền, nhưng con vợ xã trưởng keo kiệt, tính mướn con nít cho rẻ. Toàn lụi cụi lau chùi đánh bóng suốt ba ngày, tới ngày thứ tư, thốt nhiên con vợ xã trưởng la lớn um sùm là nhà bị mất cặp chân đèn từ đời Minh Mạng. Kẻ ăn người ở trong nhà nháo nhào cả lên, người này nghi kỵ người kia, nhìn nhau như nhìn kẻ trộm trong nhà. Toàn biết là cậu út trong nhà chôm đem bán đặng bao con bồ trên phố huyện, nhưng nể tình cậu út biếu cái hộp quẹt Jippo và hai gói Rubi đỏ nên nín thinh. Chừng ông xã trưởng về, thấy Toàn hút phì phà điếu thuốc thơm, mới kêu tới hỏi: “Con nít, tiền đâu hút thuốc thơm mầy?”. Toàn bị sặc khói thuốc, vừa ho vừa trả lời: “Tui có tiền chớ bộ! Tết tới nơi, người ta mướn chùi lư thiếu gì!”. Ông xã trưởng chỉ hỏi bi nhiêu đó rồi thôi, nhưng bà vợ ông ta thì níu lấy điều đó mà từ bán tin bán nghi chuyển sang vu vạ cho Toàn là đạo chích. Bà ta nói bóng nói gió: “Rõ tao già rồi con ngu. Tết nhứt tới nơi còn rước chồn cáo vô nhà cho mất gà mất vịt”. Rồi bà ta lại bày đặt ngoắt ngoéo với chồng: “Ông thấy chưa, ông làm việc cho quốc gia còn phải vấn thuốc rê Cao Lãnh. Thời buổi chiến tranh ì đùng, làm ăn khốn khó, chỉ có thứ đầu trộm đuôi cướp may ra mới có tiền xài Rubi ru bẻo”. Ông xã nạt vợ đừng xót của vu vạ cho người ta, mang tội. Nhưng vợ ông ta lại lồng lên hằn học: “Ông sống nhờ hương hỏa ba đời nhà tui làm Hội đồng, chứ thứ thương người không phải lổ như ông, xểnh tui ra, tới nước mắm cũng không có mà húp”. Bà ta vừa xỉa xói chồng vừa đá mắt nhìn Toàn hằn học.
Cả ngày hôm đó và cả đêm hôm đó Toàn không thể nào quên được ánh mắt ấy. Gần sáng thì Toàn quyết định hành động trừng phạt người đàn bà cậy quyền ỉ thế, bày đặt gieo tai giáng vạ cho người.
Toàn xé giấy tập, viết lá thư bằng những nét chữ nguệch ngoạc, sai chính tả và ngữ pháp tùm lum tà la. Đại ý như sau: “Kính gửi ông xã trưởng! Tui đứng tên dưới đây là Nguyễn Đức Toàn. Nếu không trọng ông là người tốt, tui thiêu rụi cơ ngơi của ông để trả thù bả vu khống. Nay tui chỉ đốt cái ghe ông dùng thâu lúa góp, để vợ ông nhớ, tui không phải là thứ chồn cáo trộm cắp vịt gà. Ông đừng mất công tìm kiếm tui vô ích. Kính thư! Toàn”.
Lối bốn giờ sáng, Toàn dựng thằng em mười hai tuổi thức dậy, khều nó ra vườn, dặn tìm cách đưa lá thư nội nhựt trong ngày cho ông xã trưởng. Dặn xong, Toàn vỗ vỗ cái đầu trọc lóc của thằng em, nói: “Mầy ở nhà phải thương con Út. Nay tao tìm theo giải phóng, khi nào mầy lớn, tao về rước theo đàng mình goánh giặc cho vui”. Xách can xăng năm lít, Toàn nổi lửa đốt rụi cái ghe mười tấn của bà xã trưởng. Khi đứng trên bờ ném nùi lửa xuống cái ghe đã rưới xăng, vừa thấy ngọn lửa bốc lên bựng bựng, Toàn đã co giò phóng dọc theo giăng trâm bầu, băng qua khu gò mả, chạy miết vô đồng.
Từ chân chạy thư cho ban binh vận, Toàn thành liên lạc tiểu đoàn, rồi thành trung đội trưởng, thành cấp trên của Thặng, từng một thời cùng Thặng đeo bám hàng rào đồn bốt điều nghiên. Không ít lần cả hai hút chết trở về. Toàn nói: “Mầy hát có hồn hơn mấy cha ca sĩ. Ở lính trinh sát với tao, chết uổng nhân tài. Để tao giới thiệu mầy về phứt K bộ cho rồi”. nhưng Toàn chưa kịp giới thiệu thì chính anh đã phải lùi về tuyến sau, bởi bị đạn pháo chụp tiện đứt lìa bàn chân phải và ba ngón tay bàn tay phải. Nhờ vậy Toàn mới được cử đi học bổ túc văn hóa, sau hòa bình mới thi được vào đại học.
Khi biết tôi đã gặp được chị Huyền và kể về hoàn cảnh của chị, Toàn tìm đến thằng bạn là bác sĩ, biểu nó chứng cho miếng giấy nghỉ điều trị dài hạn vết thương cũ tái phát, xông thẳng vô Đồng Tháp Mười, lùng sục thu thập tư liệu, cứ liệu, goánh cấp tập mười mấy bài báo, đánh động phong trào truy tìm địa chỉ đỏ, đền ơn đáp nghĩa các gia đình có công với Cách mạng; chiến thắng oanh liệt trở về với một giỏ đệm đầy nhóc nhách bốn ký khô cá sặc rằn, đãi bạn bè say mút chỉ mấy ngày.
Chính Toàn đã lần ra tung tích gia đình chị Huyền là hậu duệ mấy đời về bên nội của bà Từ Dũ. Từ sau thất bại của đoàn nghĩa binh do ông Nguyễn Trung Trực chỉ huy, dòng họ thuộc chi của thân phụ chị Huyền phải phiêu dạt tứ tán tìm chốn nương thân. Chị Huyền tính ra là cháu đời thứ mấy, thứ mấy của bà Thái hậu. Nhờ vậy chị mới có hơi hướm phong lưu đài các, dù đang lúc lâm cảnh cơ hàn góa phụ nuôi con. Ông cố nội của chị Huyền vốn là dũng tướng trung thành của tùy tướng Ngô Văn Đen, là người có công đầu cặm leng khai phá mở đất ở vùng Rạch Đùi, Càng Long. Theo như Toàn thâu thập, ông là người có sức như Võ Tòng, từng cùng chủ tướng dùng mác hợp sức giết chết một con cọp tại Rạch Đùi. Về sau, trong một lần trần lưng phá rừng, ông chạm mặt con heo độc thọt giò. Người lăm lăm ngọn mác. Heo lăm lăm cặp răng nanh. Hai bên tử chiến quyết liệt gần một tiếng đồng hồ. Cuối cùng, heo bị lãnh trọn ngọn mác cắm lút vô tim, gục chết. Còn người bị nanh heo húc bể bọng đái, cũng kiệt sức gục chết. Đến đời ông nội chị Huyền, ông đưa cả nhà về vàm Cái Ngang lập nghiệp. Theo thời gian, với hàng đấu hàng đấu mồ hôi đổ xuống, ruộng đất do ông vỡ vạc bên bờ phía tây sông Măng cứ rộng dần ra, hình thành nên vườn nên ruộng. Cơ ngơi tưởng đã an bài thì Hội đồng Hòa chìa tấm giấy chủ quyền điền địa ra, phút chốc biến ông nội chị thành người làm thuê làm mướn ngay trên mảnh đất do chính đôi bàn tay chai sần của ông khai phá. Uất ức, ông chặn đường trấn nước Hội đồng Hòa một phen tưởng chết, rồi kéo rốc cả nhà xuống ghe, xuôi về xứ Bạc Liêu lập nghiệp. Tới đời cha chị, khi đi làm mướn bên Nọc Nạn, do cầm đầu đám trai bạn đánh nhau với đám con nhà địa chủ, nên bị Chính quyền tróc nả. Bởi vậy cảnh nhà lại thêm một lần tứ tán phiêu dạt mỗi người một nơi, không biết ai còn ai mất.
Mẹ con chị Huyền lênh đênh trên chiếc ghe thương hồ, luồn lách theo kinh rạch khắp đồng bằng châu thổ sinh sống. Khi chị Huyền đã trưởng thành, hai mẹ con cặm sào, lên bờ sinh sống tại Gãy kinh Nhứt. Tại đây, vào năm 1972, chị Huyền phải lòng anh Bường du kích xã, rồi thành thân với anh.
Hai người gặp nhau cũng ngộ.
Hôm đó chị Huyền một mình chống xuồng đi cắt lác về đương đệm. Đang lui cui cắt lác, thốt nhiên chị nghe tiếng Hobo gắn cánh quạt rú rèn rẹt rợn người sát mé đồng đưng, đồng lác, cách chị lối gần nửa cây số. Liền đó tiếng đạn nhọn cheo chéo réo lên buốt óc. Sau mấy phút tao ngộ, chị thấy một đám lửa bốc lên bựng bựng. Rồi thì pháo bầy 105 và 155 từ chi khu sủa rống lên ầm ập như điên như cuồng. Biết là có anh em mình ở đó, vừa dứt trận pháo, chị Huyền đã chống xuồng cán ngọn lác, ngọn đưng vèn vẹt, vọt ngay tới nơi vừa đụng độ bắn nhau. Tại đó, chị nhìn thấy anh Bường máu đỏ loang ướt ngực áo, đang nằm thở dốc trên chiếc xuồng bị bể mũi và thủng lổ chổ mé trên một bên be xuồng.
May mà anh chỉ trúng thương toàn phần mềm nên cũng không đến nỗi nào. Xé cái khăn rằn băng bó cho anh xong, chị chở thẳng anh vô rừng tràm. Được hơn nửa đường chị gặp xuồng của du kích xã chống ra vùn vụt. Một anh đeo túi cứu thương và một anh đeo súng AK cầm mái dầm nhảy sang xuồng của chị. Rồi cứ thế họ tháp tùng với chị đưa anh vô tuốt căn cứ trong rừng tràm. Vậy là chị trở thành người nấu cháo khuya cho du kích, thành người để họ trò chuyện về trận tao ngộ chiến giữa anh Bường với chiếc Hobo bay của tụi liên đoàn bảo an.
Hừng đông, lúc chị chào anh em ra về, anh Bường cứ nắm tay chị mà lắc, lắc mãi. Một anh trọng trọng tuổi nói với chị: “Cô Hai nhớ mặt thằng Bường rồi hén? Mơi mốt có nhớ thì vô thăm. Bằng không tụi tui cử nó ra. Đồng ý cả hai nghen cô Hai?”.
Không những cả hai đồng ý mà họ còn thành chồng thành vợ. Đám cưới đãi bằng rượu Anit chai vuông, chiến lợi phẩm thu được nhờ phối hợp với chủ lực hạ đồn Ngã Tư. Mồi màng toàn đặc sản thượng thặng của du kích đem về từ ngoài đồng, ngoài bưng, từ dưới đìa, dưới hố bom. Tôm càng, rùa, rắn, chàng bè, cồng cộc, gà nước. Có cả con trăn gần hai chục ký anh em thộp được khi nó trườn lên nằm chình ình một đống dưới lùm bình bát. Muời mấy tay súng của xã với bốn năm anh bộ đội E 207 và cán bộ xã, xúm nhau xả láng một trận lết bánh tới sáng.
Qùa mừng tân hôn là cái đèn dầu hôi chế từ vỏ đạn M79, đầu đạn Cạc bin M2, và vuông vải dù may gập đôi thành tấm đắp rộng thùng thình. Cưới buổi tối, buổi sáng cô dâu đã một mình chống xuồng về nhà, bởi đội du kích tới trưa lại phải cuốn võng sang phối hợp với du kích Mỹ Hòa chuyển đạn pháo cho đoàn Z56. Khi chia tay, anh xã đội trưởng nói với Huyền: “Cô Hai về nói với bà già, thể nào tụi tui cũng có việc phải tới nhờ vả gia đình giúp đỡ để chuẩn bị cho chiến dịch mùa khô. Chừng đó cho phép thằng Bường nghỉ hẳn một tuần để vợ chồng hủ hỉ”.
Chuyện nhờ vả của du kích là gửi mẹ con Huyền vựa tại nhà mấy trăm giạ lúa đảm phụ. Mẹ con Huyền mới đầu không dám nhận, vì nhà cất qúa gần chốt Gãy Kinh Nhứt, sợ tụi lính càn ẩu ra hốt mất. Nhưng nghe anh xã đội trưởng phân tách rạch ròi: rằng không đời nào tụi nó dám càn nong ra khỏi đồn hơn một cây số; bởi lẽ tại chốt Gãy Kinh Nhứt, tụi nó có pháo 105 ly và cối 106,7 ly, càn ra, chúng sợ ta trả đũa đánh vô chốt, không lợi cho trận địa pháo của chúng; hơn nữa, gửi lúa gần đồn thì không lo bị bom pháo của chúng làm thất thoát; thấy có lý nên hai mẹ con mới nhận lời. Nhưng để chắc ăn, mẹ Huyền đã nhờ ông Tám nghề, chuyên sống bằng nghề ăn ong rừng tràm, gầy cho một ổ ong vò vẻ tới mấy ngàn con ngay vách vựa lúa. Lính nào thấy ong vò vẻ mà không ngán, huống hồ thấy cái tổ ong lớn như cái thúng giạ thế kia.
Mỗi ngày mẹ Huyền thay áo, đều đem cái áo cũ móc lên cây cọc, cắm ngay trước tổ ong. Ong quen mùi mồ hôi, nên mẹ Huyền ra vào căn chòi chứa vựa lúa lúc nào cũng được.
Hôm đó du kích cần lấy gấp một số lúa đem đi chà gạo, tiếp tế cho trạm nữ giao liên mới về đóng ở vàm Đất Sét, ngặt nỗi đứa bé nào đã nghịch ngợm khều đi cái áo từ hôm qua. Sau một hồi đắn đo suy nghĩ, mẹ Huyền quyết định vào xúc đại cho kịp buổi tối anh em tới đem lúa đi chà, đặng có gạo cho trạm giao liên nấu cơm từ trưa hôm sau. Bà hy vọng bầy ong còn nhớ mùi mồ hôi của bà. Nhưng ong là ong. Khi bà vừa đụng vô mê bồ, hàng ngàn con ong đã túa ra, vây kín bà mịt mù như trong đám khói. Bà chỉ kịp hét lên, kêu Huyền ẳm con chun xuống tảng xê tránh ong, rồi ngã vật ngay xuống đất. Hàng ngàn cánh ong quạt vù vù như bão. Hàng trăm nọc ong nhanh chóng đánh bà á khẩu. Bà chết bầm, chết lịm, chết đau đớn giữa bầy ong mà chính bà đã gầy nên để canh chừng lủ giặc xộc ra hốt ẩu. Tấm thân bà cong cuộn rồi duỗi ra rã rượi trên nền đất mà mồ hôi và nước mắt bà từng rưới xuống mỗi ngày. Mẹ con Huyền ôm nhau trong tảng xê, bấu chặt vào nhau, cắn răng nuốt cơn đau nhức vào lòng mà khóc thầm tức tửi.
Sập tối, du kích tới nơi, phải đốt lửa hun khói mù mịt mới lấy được xác của mẹ Huyền đem ra.
Lính trong đồn, thấy khói bốc lên, hoảng sợ nổ súng bắn tán loạn ra tứ phía. Mẹ Huyền chết rồi còn bị dính mấy viên đạn nhọn vào người.
Sáng hôm sau, khi lính đồn nong ra ập vào nhà, Huyền lăn xả nhào tới ôm chân thằng đồn trưởng, vừa khóc nức nở vừa lu loa kêu gào lính đồn vô cớ bắn chết mẹ mình. Chị dựa vào đó mà khóc gào lên nỗi đau tức tưởi về cái chết đau chết đớn của mẹ. Bao nhiêu nước mắt và khổ đau bị dồn nén suốt đêm cứ thế mà tuôn trào ra thành dòng, thành tiếng; mặc sức mà tuôn chảy, mặc sức mà ơ hờ. Bà con sống rải rác quanh đó ùn ùn kéo tới. Người người đều xúm vào lên án lính đồn bắn ẩu bắn tả, gieo tai giáng vạ cho dân. Người người đều lớn tiếng đòi đệ đơn kiện lên quận, đòi phải bồi thường nhân mạng. Thằng đồn trưởng vừa đổ mồ hôi hột vừa tức tối cự lại: “Bả bị ong chích bầm mình vầy, ràng ràng chết vì ong đánh. Mấy vết đạn khô khốc, không dính chút máu, ràng ràng bả chết trước khi dính đạn. Bù lu bù loa nỗi gì! Đấu tranh nỗi gì!”. Nhìn vựa lúa trống lổng, hắn hất hàm cười khẩy: “Bả liều mạng xúc lúa đem cho mấy ổng, bị ong đánh chớ gì! Đừng hòng qua mắt tụi tui! Không nể hương hồn của bả, tui điệu cô lên đồn cấp kỳ! Ở đó đòi ăn vạ!”. Hắn nói là nói vậy, nhưng trước làn sóng hừng hực đòi mạng sống của bà con, cuối cùng hắn cũng phải hậm hực hứa bồi thường nhân mạng, hậm hực vẫy lính ra về.
Sau cái chết đau đớn của mẹ Huyền, du kích xã vào chiến dịch mùa khô, phối hợp với chủ lực E 207 đánh thắng liền mấy trận giòn giã. Nhưng cuối mùa khô năm ấy, một cái tang lớn trùm xuống cả xã, khiến Huyền bàng hoàng, choáng váng; đau đớn tới mức chị phải đùm dúm đem hai đứa con thơ dại đi nơi khác sinh sống, để không phải mỗi ngày đối mặt với tang thương qúa lớn.
Bấy giờ đội du kích xã chỉ còn lại chín người. Trong một lần chuyển quân đi phối thuộc, họ bị điệp báo cho trực thăng đổ quân vây chụp ngoài đồng trống. Không có phuơng tiện liên lạc, đội du kích phải phơi lưng chống chọi với tụi trung đoàn 10, sư 7, suốt từ năm giờ sáng tới gần mười giờ trưa. Người cuối cùng còn sống sót là Bường. Súng hết đạn, trong tay chỉ còn duy nhất một trái lựu đạn tự tạo của công binh xưởng xã. Khi bọn lính từ bốn bề xông tới, Bường vụt đứng dậy, tự cắn đứt lưỡi mình để đề phòng lựu đạn bị lép, bị bắt sống. Bường đứng sừng sững giữa bốn bề súng ống tua tủa. Anh biết chúng sẽ không dám nổ súng vì sợ bắn vào nhau. Bởi vậy anh ung dung đưa bàn tay trái lên vuốt mái tóc rối bù, cứng quèo khói thuốc súng; rồi từ từ đưa trái lựu lên miệng cắn chốt. Nắng Tháp Mười dội ánh vàng lên người anh rừng rực. Xung quanh, bọn lính hốt hoảng nằm rạp cả xuống, như thể bị một lưỡi liềm thần diệu quét ngang chân.
Lựu đạn không nổ. Bường bị bọn lính xô tới trói ghị cả hai tay.
Tại chốt Gãy Kinh Nhứt, sau khi thay nhau đánh đập đã đời, và biết anh không thể nói được vì đã cắn đứt đầu lưỡi, thằng đại úy biệt kích chỉ huy hành quân rút súng Julo bắn thẳng vào ngực anh. Do khoảng cách qúa gần, máu từ tim Bường vọt ra, rưới ướt đầm gương mặt với hai con mắt lồ lộ đã trở nên thất thần của hắn.
Huyền đưa hai đứa con thơ về Tân Thành chính là để trốn chạy nỗi ám ảnh về cái chết bi hùng của mẹ, của chồng, và của anh em du kích xã. Chị nương vào bà con vùng giải phóng mà sống qua tháng qua năm. Ai cũng nghèo nên không ai cảm thấy nghèo. Chỉ thương hai đứa nhỏ cứ mỗi ngày mỗi xanh lướt ra như tàu chuối.
Sau giải phóng được bốn năm, cuộc sống càng trở nên khó khăn cơ cực, một phần do thời cuộc run rủi, một phần do chiến tranh biên giới đưa đẩy. Không đủ sức nuôi con, chị Huyền phải đi bước nửa, hy vọng dựa vào chồng để có chèo có lái mà làm lụng nuôi con. Chồng chị tên Minh, nguyên là con một gia đình từng làm ăn buôn bán phát đạt ngoài chợ Hồng Ngự, nay cả nhà đã bỏ đi nước ngoài sinh sống. Minh từng một thời được nuôi ăn học tử tế. Do có tiền, cha anh đã đút lót nhà chức trách quận, mua cho anh chức lính ma. Lính ma là lính có tên trong sổ quân lực cộng hòa, nhưng lương thì phải để cho người ta lĩnh. Hàng tháng cứ việc ung dung ngồi ở nhà buôn bán, lâu lâu có phái bộ của tỉnh trưởng xuống kiểm tra mới phải mặc áo lính, phải vác súng trình diện lấy lệ để điểm quân. Về sau thằng quận phó kéo bè lật quận trưởng sao đó, chức lính ma của anh bị phát hiện, bị gọi tập trung vô quận, chờ ngày sung vào lính sư đoàn. Sợ con trai trưởng chết trận, cha anh lại lo lót cho tên quận phó vừa lên nắm quận trưởng, chạy cho anh được chân lính kiểng châu thành. Thấy làm lính kiểng không chắc ăn, cha anh lại lo lót mua được cho anh chức binh bét, ôm súng gác cổng Tổng nha cảnh sát Sài Gòn.
Trước ngày miền nam giải phóng, cả nhà anh theo tàu hải quân chạy sang Mỹ. Còn anh vừa dứt tiếng súng đã trở về quê trình diện, về quê tham gia học tập cải tạo tại chỗ. Học xong, anh sung vào đội quân kinh tế mới, vào Tân Thành làm ruộng. Khi gặp mẹ con Huyền, bằng tấm lòng của mình, hoàn cảnh của mình, hai người cứ vậy mà xáp lại sống với nhau, sinh con đẻ cái với nhau. Ủy ban Tân Thành và dân Tân Thành không hề một ai hay biết gì về nhân thân của họ. Minh không dại gì vạch áo cho người xem lưng qúa khứ của mình. Huyền cũng không hề muốn nhắc lại cho ai biết về dĩ vãng đau thương đã thành hoài niệm thương tâm của mình.
Hai người dựa vào nhau tần tảo sống đắp đổi qua ngày trong tiếng cười, tiếng nói ríu rít như chim của sáu đứa con gái. Cuộc sống sẽ trôi qua phẳng lặng, êm ấm như vậy, nếu không có một bất ngờ xảy ra.
Trong một trận nhậu mừng chuyến hàng Samit nhập lậu trót lọt qua đường biên sông Trăng, kéo dài từ đầu hôm tới qúa nửa đêm, khi thấy không còn đủ sức trụ lại với bạn bè, Minh đưa tay từ chối ly rượu mời của tay công an xã. Anh này đang cơn hứng bởi men rượu, rút khẩu Collduiz ra nói đùa: “Mầy không uống được nữa tức mầy tiêu rồi. Vậy để tao cho mầy tiêu luôn”. Miệng nói đùa mà rượu nói thật. Khẩu súng bị cướp cò trong tay người say, khoan một lỗ tròn vo trên ngực anh lính từng gác cổng Tổng nha cảnh sát, trổ toác hoác ra sau lưng; may mà không dính thêm vào ai. Anh công an bị Tòa kêu án. Mãn xong hạn tù mấy năm, anh ta bỏ Tân Thành đi biệt xứ.

Sau thông báo của tôi về chị Huyền đang sống ở Tân Thành , Toàn đã xuôi ngược bôn ba khắp nơi, tìm hiểu, viết lách, làm sống dậy tất cả điều này.
Còn Trần Oanh, lúc tôi đến đưa tin thì anh đang nằm bẹp dúm một chỗ vì sốt rét ác tính. Cái thân xác cao to cồ cộ như con gấu của Oanh, những tưởng có thể vật ngã trâu mộng, vậy mà chỉ sau một cơn sốt giật, đã sụm xuống bèo nhèo như nùi giẻ. Oanh yếu tới mức run tay run chân, không thể tự đi nỗi một mình lấy vài bước. Đến đi cầu, Xuân Hồng vợ anh cũng phải nắm tay dẫn đi. Mà cái cầu cá nhà anh thì lại cao ngời ngợi, lại chỉ có hai cây tre đực bắc lên vắt vẻo. Ai đời đàn ông mà lại phải chịu để vợ dẫn lên cầu, rồi ngồi đợi để dẫn xuống cầu. Dẫu có muốn băng đồng tìm gặp ân nhân xưa cách mấy, Trần oanh cũng phải giơ tay xin hàng.
Xuân Hồng là người tức tốc tìm vô đồng, thay mặt chồng tạ ơn cưu mang của chị Huyền. Hai người phụ nữ chỉ sống chung với nhau có hai ngày mà nên tình nên nghĩa. Họ nên tình vừa vì nghĩa xưa, vừa vì hoàn cảnh éo le của họ.
Xuân Hồng sanh nở tới ba lần mới giữ được một đứa con trai tật nguyền, tay chân vặn vẹo như thể một cây tre khẳng khiu bị người ta hơ lửa, cố tình uốn cho cong queo, dị dạng. Xuân Hồng ráng thêm lần nữa, lại sinh ra cái bọc trứng. Bác sĩ nói rằng, Trần oanh không thể sinh con, bởi nguy cơ sinh con dị tật và quái thai là rất lớn. Hồi Thặng chưa về giữ chức A trưởng A thông tin vô tuyến điện, Oanh từng giữ chức ấy. Một lần tiểu đoàn thành lập tổ săn lùng chiến xa, Oanh đeo máy PRC25, cùng với trung đội hỏa lực ém quân nằm phục suốt mấy ngày ròng rã ngoài đồng đưng ngút ngát. Không đánh được xe, thê đội đặc biệt rút quân vô rừng tràm, tính dưỡng sức một ngày rồi tiếp tục triển khai đội hình, vượt lộ 30, phục kích đón lõng tụi chiến đoàn 52 thiết giáp. Sóng liên lạc của thê đội phát từ rừng tràm về K bộ, chẳng may bị OV10 dò ra tần số. Vậy là A37 kéo bầy tới dội bom, rồi L19 vè vè xộc tới rưới chất độc hóa học. Oanh và nhiều đồng đội bị tắm đẫm thứ nước ướt át, khó chịu, gây rộp da và sưng vù hai mắt. Điều đó tới hôm nay đã trở thành nỗi đau, nỗi bất hạnh của thế hệ.
Huyền khóc sướt mướt khi nghe Xuân Hồng kể về những gì đã xẩy ra. Cả hai ôm chặt lấy nhau mà khóc. Cả hai đều thấu hiểu tình cảm của nhau tới tận cùng máu thịt. Xuân Hồng muốn xin dẫn một hai đứa con thơ bé của Huyền về nuôi, để khuây khỏa nỗi hụt hẫng đường con cái của chồng, để giúp những đứa trẻ mồ côi đỡ phần vất vả giữa vùng rốn trủng nước của Tháp Mười vào mùa mưa. Huyền thấy mình không thể rời xa được bất cứ một đứa con nào, dù chỉ một tháng, một năm. Chúng là núm ruột của chị, là giọt máu của những người đã từng gắn bó với chị, sẻ san với chị những đau thương vất vả trong cuộc đời. Chị ôm xiết lấy Xuân Hồng mà khóc. “Chị rất muốn chia sớt niềm hạnh phúc, niềm vui nuôi nấng con trẻ cho em. Nhưng… chị không thể… không thể… Hồng ơi!..”.

Lần này Toàn đến với tôi là có ý định riêng của anh ta. Anh ta vừa muốn chu du một vòng mùa lũ, vừa muốn giải tỏa tâm tư tình cảm cho Xuân Hồng và chị Huyền. Anh ta luôn là người xông xáo và uỵch tẹc mọi vấn đề một cách thẳng rang như kẻ chỉ.
- Muốn thắng bà Huyền phải biết kết hợp đòn tấn công quân sự với đòn tấn công tâm lý. Kỳ nầy tui nhất quyết phải đem bằng được hai đứa nhỏ nị của bả ra ngoài này. Bả ở trỏng với hai đứa lớn, vậy là vừa sức để chung sống vui vẻ với lũ. Hai đứa út nhỏ qúa, sống chung với lũ sao được. Năm rồi thấy tụi nó lặn hụp giữa đồng nước láng cò móc củ sen, bẻ bông súng, bông điên điển đem ra chợ bán đong gạo; nhìn tụi nó như cái nấm, oằn lưng đội lểu thểu mớ rau đồng quấn nùi trên đầu, thương muốn thắt họng. Thằng Thặng vô đồng hát cho bả nghe mấy bài về tuổi thơ mơ ước, hát tới chừng nào bả trào nước mắt thương sắp nhỏ thì tao ra lịnh đem hai đứa nhỏ ra ngoài này. Tao với Trần Oanh chia đôi. Tao đỡ thui thủi một mình, Trần Oanh đỡ tủi thân về đứa con tật nguyền. Bớt đi hai đứa nhỏ, bả có điều kiện dồn sức nuôi hai đứa lớn nên người. Mà giả tỉ bả không chịu, tao lôi luật về quyền trẻ em ra tao hù bả chơi nghen mầy!
Toàn cười khà một tiếng, nhìn vọng về phía con lộ nườm nượp xe tải, xe đò, xe du lịch, xe hon đa đủ kiểu, đủ màu, chạy vù vù qua lại như mắc cửi, nói tiếp:
- Tụi mình cũng chỉ lo được cái nhỏ thôi. Chuyện đại sự lớn lao là của xã hội. Ông ở nhà cứ yên tâm chuẩn bị mồi màng, tụi nầy về tới là liên hoan cái rụp. Mà có khi bả ra luôn ngoài này cũng nên. Thằng Oanh đã khỏe, nó là trợ lý thù thì thủ thỉ. Còn thằng Thặng sẽ bọc hậu bằng lới lơ, xẫm xoan. Hà hà… Ông tin tui đi!

Tôi nhìn cái lá sen đã sạch bách không còn con rắn mối nướng lèo nào, thốt nhiên nhớ tới nao lòng những năm tháng cùng nhau ngang dọc, tung hoành phỉ sức ở Đồng Tháp Mười. Hồi đó chúng tôi goánh theo mùa. Mùa khô goánh kiểu mùa khô. Mùa mưa goánh kiểu mùa mưa. Kiểu mùa nào lính Đồng Tháp Mười goánh cũng thắng.
Nhìn hút theo cái dáng đi cùn cụt kiểu độc thân thiếu một bàn chân của Toàn, tôi giật mình chợt nghĩ: Ừ nhỉ, mùa lũ nước ngập trắng đồng, bao nhiêu rắn mối đều bò cả lên gò, vậy mà quên phứt, không dặn nó kiếm một mớ đem về. Chết thật!

H.T.T.

Mấy lời phi lộ
.
“Lính cũ Đồng Tháp Mười” là truyện ngắn, mà đặc trưng của truyện ngắn là hư cấu, là bịa nghệ thuật, nên bạn đọc đừng nghĩ rằng những gì tôi viết trong truyện cũng là sự thật, mặc dù truyện ngắn này tôi viết bằng cách góp nhặt rất nhiều những mảnh vụn sự thật của tôi và của các đồng đội tôi trong đội hình trung đoàn 207, thời gian đứng chân chiến đấu tại chiến trường Đồng Tháp Mười. Tên một số nhân vật là tên thật các đồng đội của tôi, tôi để như vậy vì ít nhiều các nhân vật trong truyện đều có hình bóng của họ, của các đồng đội cùng D1- E207- QK8, để hy vọng họ có thể đọc và nhớ lại một thời từng sát cánh bên nhau chiến đấu, và góp sức xây dựng phong trào chiến tranh du kích.
Phùng Gia Thặng và Nguyễn Trần Oanh sau 30 tháng 4.1975 từng sống chung trong tổ chính trị của D1- E5- F8- QK9 với tôi, mong các anh thông cảm cho tôi điều này, bởi vì rốt cùng, “Lính cũ Đồng Tháp Mười” cũng chỉ là một truyện ngắn được viết để ghi lại dấu ấn về một thời chúng ta đã sống.

HTT

Không có nhận xét nào: