Thứ Tư, 28 tháng 12, 2011

nỗi niềm 12 trong mùa giáng sinh

NỖI NIỀM 12
Anh đồng bằng gởi Em đồng bằng




Hun hút em ơi, từng sợi gió trượt dài theo dốc tuổi
Mười hai mưa phùn trên tóc núi hoa râm
Nghiêng hết heo may rối bời lũng suối
Mỏi mòn anh cháy đợi một trăng mầm.

Khát vọng – Đam mê một trời nhung nhớ
Mùa thời gian réo nợ bạc bàn tay;
Xa cách mấy cũng gần trong hơi thở
Máu về tim chín đỏ nỗi đau này.

Không phải Chúa, anh cũng là cứu thế
Trần gian thay. Lệch cả ải giang hồ.
Thập giá là đây- giang đôi tay trời bể
Cứu rỗi đời nhau lớp lớp chữ dồn xô.

Mười hai. Mười hai. Heo may trong ngực
Đồng bằng ơi ta bùn đất Giáng sinh;
Hiển hiện em đóa vô thường vô thức
Dẫu chết đi rồi… ta vẫn cứ phục sinh!

HTT
23g13, ngày 16 tháng Giáng Sinh năm Đợi

Thứ Sáu, 23 tháng 12, 2011

ĐÊM NÔ EN TRÊN BỜ SÔNG


ĐÊM NÔ EN TRÊN BỜ SÔNG

Truyện ngắn Hồ Tĩnh Tâm


Năm ấy mùa đông rất lạnh, nhưng vì công việc mà tôi buộc lòng phải một mình đạp xe ra đi trong mưa phùn gió bấc. Chặng đường khá xa nên tôi tính toán ra đi từ tám giờ sáng, với hy vọng tới nơi vào lúc sập chiều. Chắc là cậu tôi sẽ mừng lắm, vì đã mấy năm rồi hai cậu cháu chưa gặp nhau, và cũng chẳng hề có thư từ gì qua lại. Chiến tranh ì đùng khiến người ta quên đi rất nhiều việc thuộc về tình cảm. Bởi vậy khi biết tin cậu tôi vì bị thương mà được trở về cơ quan cũ, mẹ lập tức bắt tôi đem cặp gà đi biếu cậu, bởi cậu là đứa em mà mẹ tôi yêu nhất. Còn tôi, tôi cũng quý cậu lắm, bởi hồi nhỏ, thỉnh thoảng tôi vẫn được cậu mua cho mấy ki lô gam sách cũ. Cậu nói, sách để đọc nên cũ hay mới gì cũng thế, mua sách cũ vừa rẻ vừa được chọn theo ý mình thích; mà những cuốn sách cậu lựa mua cho tôi, cuốn nào cũng hay, cứ như là cậu biết được ý tôi vậy. Cho đến bấy giờ, tôi cũng không thể hình dung ra cậu, ngoại trừ tôi nhớ như in là cậu biết chơi phong cầm, và hát nghe cũng tàm tạm.

Buổi sáng trôi qua rất bình yên, nhưng bắt đầu từ buổi trưa thì máy bay xuất hiện ném bom liên tục, buộc tôi cứ phải dừng xe tìm chỗ ẩn nấp, thảnh ra khi trời sập tối, tôi chỉ mới tới bờ sông Luộc, tức là còn cách nơi tôi đến mấy chục cây số. Trời tối như bưng lấy mắt, lại thêm giá rét căm căm như cắt da cắt thịt, buộc tôi phải lần mò tìm một chỗ trú qua đêm. May cho tôi là tôi không phải tìm kiếm lâu, bởi vì ngay bên đường tự nhiên lại thòi ra một ngôi nhà nhỏ, nằm sát bên bờ sông. Mới đầu tôi tưởng là nhà bỏ hoang, nhưng khi đến gần tôi nhìn thấy bên trong có một ông già đang ngồi nấu cái gì đó sôi lục ục trên bếp lửa làm bằng ba cục gạch. Nghe tiếng líp xe kêu lách tách, ông già ngoái lại nhìn và nhận ra tôi, nói một câu gọn lỏn. “ngủ nhờ phải không?”. Vừa đói vừa lạnh, nghe ông già hỏi vậy thì còn gì bằng, nên tôi trả lời ngay.

- Bác cho cháu ngủ nhờ qua đêm, sáng mai cháu đi sớm.

Cúi xuống cời than, không nhìn tôi, ông già nói.

- Ngủ thì cứ ngủ. Tôi có trải sẵn cái ổ rơm đấy. Tôi một mình ra đây là để cho người lỡ đường ngủ nhờ. Không thấy tôi để sẵn tấm chăn bông à.

Dắt cái xe đạp vào dựng ở góc nhà, khóa lại cẩn thận rồi tôi mới nói.

- Cháu có hai cái bánh chưng, bác ăn với cháu nhé!

- Bánh chưng cơ à? Nhưng thôi, để dành mà ăn đường. Tôi có nồi cháo cá đây. Cháo cá lăng, tôi dành mấy ngày để đợi hôm nay đấy. Từ chiều tôi đã nghĩ đêm nay thế nào cũng có khách. Đêm nay là đêm Nô En. Anh chắc không có đạo đâu nhỉ?

Vốn là người vô đạo nên từ trước tới nay tôi chẳng bao giờ quan tâm để ý đến Nô En, trái lại, tôi còn có phần không thích người theo đạo Thiên Chúa. Công giáo với tôi chỉ là những cái nhà thờ bằng đá lạnh lùng, với tượng Chúa chịu nạn trên thánh giá, và tượng Đức Mẹ rất đẹp. Bây giờ, bên bờ sông hoang vắng, nghe ông già nhắc tới Nô En, tự nhiên tôi thấy có gì đó có vẻ thiêng liêng lắm, nên ông già mới nói là đã để dành con cá lăng tới mấy ngày.

Có lẽ biết tôi đang đói, nên ông già mở nắp nồi cháo tra hành vào. Mùi cháo cá bốc lên thơm lựng khiến tôi xốn cả bụng.

- Cứ coi như đã đến giờ Thiên Chúa giáng sinh. Tôi có cút rượu ngang để dành cho đêm Thánh đây. Anh nhắp chút cho ấm bụng nhé.

Ông già múc cái đầu cá ra dĩa, múc cho tôi chén cháo, rồi lôi từ đâu đó ra cút rượu. Sau khi làm dấu Thánh một cách trịnh trọng, ông ra hiệu mời tôi ăn. Còn trẻ lại đang đói, lại từng sống lăn lóc nay đây mai đó, nên sau khi cám ơn ông già một tiếng, tôi cắm đầu húp chén cháo một cách ngon lành. Vừa ăn tôi vừa nghĩ, đúng là ông già này có ý đón khách, chứ mình ông thì việc gì nấu cả nồi cháo to đùng thế này; có dễ bốn năm người ăn thật lực mới hết. Nghĩ vậy, khi nhấp với ông già ngụm rượu, tôi hỏi.

- Bác ạ, cháu hỏi khí không phải, nhưng bác nấu cả nồi cháo to thế này là để đón khách ăn mừng Chúa giáng sinh à?

- Chứ sao nữa. Từ chiều tôi đã nghĩ là đêm nay thế nào cũng có khách. Mấy con chích chòe nó kêu suốt ấy mà.

- Vậy bác cho cháu góp cái bánh chưng nhé. Đằng nào sáng mai cháu cũng đã đến nhà ông cậu ở Ninh Vân, cũng giết gà ăn mừng.

- Tùy anh thôi. Đêm Thánh thì cũng nên ăn chút gì đó cho ngon. Con cá lăng của tôi nặng hơn hai cân đấy. Anh cứ ăn tự nhiên. Vì Chúa mà phải ăn để sống. Với lại đêm nay Chúa của tôi biết có về không nữa. Bom đánh sập nhà thờ làng tôi rồi. Tượng Chúa, tượng Đức Mẹ tan tành hết. Phép Chúa lớn thế cũng không cứu được nhà thờ.

Đêm mùa đông càng lúc càng đặc sánh lại, nghe rõ tiếng gió rít hù hụ trên mặt sông, đẩy lạch xạch vào bốn bức vách thưng bằng nứa đan lóng đôi. Nhờ ngọn lửa phả ra, nhờ chút men rượu chạy rần rật trong cơ thể, nên tôi cũng thấy lâng lâng ấm nóng, đâm ra muốn hóng chuyện.

- Bác ạ, bác nói bác ra đây ở là để đón người lỡ đường cho ngủ nhờ à?

- Anh nhìn tôi dọn sẵn cái ổ to thế kia, anh biết rồi đấy. Với nữa tôi một thân một mình, ở đâu mà chẳng được. Ra đây gần sông hợp với tuổi rồng của tôi. Nói thật với anh. Tuần nào ít nhất cũng có một người lỡ đường vào đây ngủ nhờ đấy. Tháng trước còn có một cô bộ đội đến xin ngủ nhờ vào lúc nửa đêm. Mẹ cô ấy bị bom chết, cô ấy đạp xe gần hai trăm cây số, đến đây chắc là quá mệt nên phải dừng lại xin ngủ nhờ. Mà cô ấy, hỏi ra lại là người công giáo chúng tôi. Lính ra đa, học hết lớp mười đàng hoàng.

Chúng tôi đang vừa ăn vừa trò chuyện, bỗng nghe có tiếng người gọi từ đâu đó ngoài bờ đê.

- Bác cả ơi, còn thức chứ?

Một người đàn ông quấn tùm hụp tấm chăn chiên Nam Định hiện ra, toét miệng cười.

- Em biết ngay là bác cả thế nào cũng còn thức. Nô En buồn quá, chả có nhà thờ để đi Lễ. Em có túm thịt chó với hai cút rượu, em mò ra thức với bác cả mừng Chúa giáng sinh. May quá, nhà bác lại có khách. Nô En cứ là phải thế này chứ. Vì Chúa, bác cả cho em xin cốc rượu nào.

Trà tam rượu tứ. Chúng tôi có ba người, người thứ tư chắc chắn là Chúa ba ngôi chứ còn ai nữa.

Đêm Thánh rộng vô cùng.

HTT

Thứ Năm, 22 tháng 12, 2011

Em ở đâu Bua Khưa

Em ở đâu Bua Khưa




Tiếng khèn anh thổi sắp tàn đêm em có nghe, Bua Khưa
Đêm dày lắm rồi, rừng lạnh tái tê từng chiếc lá
Gió chui hết vào hang vào hốc, chỉ buồn anh còn thức, Bua Khưa
Buồn anh thức cùng tim anh khản tiếng gọi Bua Khưa
Em ngủ ở nhà nào mà tắt tiếng đàn môi
Con gió đi khắp mười rừng không biết em ở đâu
Con trăng đi khắp mười núi không biết em ở đâu
Mường vắng em cỏ hoang mọc đầy cả ngõ
Con dao của anh lười không vào rừng
Mũi tên của anh buồn không bung khỏi nỏ
Con cáo con chồn vào bắt gà dưới sàn chó cũng không thèm sủa
Than bếp tắt cả ngày lửa cũng không thèm nhóm
Dòng suối cũng không chảy nữa
Chén rượu cũng không còn có bàn tay rót nữa
Em ở đâu Bua Khưa
Em ở đâu Bua Khưa
Em ở đâu Bua Khưa


Dzu

Chủ Nhật, 18 tháng 12, 2011

thương lắm Cửa Tùng

thương lắm Cửa Tùng



Sáng nay tôi thức dậy tìm đọc bài viết của các anh Phan Văn Quang, Xuân Lợi, Mai Thanh Tịnh, trong se lạnh hiu hiu của buổi chớm đông, tự nhiên nhớ quê xa tới chạnh lòng. Lại nhớ hôm cùng các anh Phan Văn Quang, Văn Hùng, Xuân Lợi từ Đông Hà đi thăm Gio Linh, cầu Hiền Lương, Cửa Tùng, Cửa Việt, rồi đêm ấy ngồi bên bờ sông Hiếu, có thêm Thanh Tịnh, Việt Anh... nỗi nhớ quê xứ càng cồn lên da diết. Nhớ và buồn nên tôi viết bài thơ nhỏ về Cửa Tùng, gởi tặng bạn bè và Cửa Tùng Dấu Yêu.


THƯƠNG LẮM CỬA TÙNG
Hồ Tĩnh Tâm



Mới gặp đó đã nhớ về biển sóng
Cửa Tùng ơi nỗi nhớ gọi hằng đêm
Thổn thức sương rơi từng giọt bên thềm
Bờ cát trắng đến nghẹn ngào thao thức
Cánh đồng sao gieo căng vồng lồng ngực
Gió hàng dương thao thiết gọi ta về



Cửa Tùng Cửa Tùng khát vọng đam mê
Cửa sóng mở bình minh ra biển rộng
Thuyền đánh cá neo những chiều gió lộng
Chặt vòng tay thương nhớ Cửa Tùng ơi
Dẫu đi đâu dù cuối đất cùng trời
Sao quên được Nữ Hoàng miền cát trắng
Miền quê ngoại trưa hè chang chang nắng
Mà biển xanh thao thiết gọi tên nhau
Về với quê hương chờm chợp bóng hàng cau
Mái nhà tranh nép mình trong nỗi đợi
Bờ cát mịn uốn cung đàn vời vợi
Bãi đá lô xô vọng tiếng sóng bao đời

Cửa Tùng mình ơi đi lộng đi khơi
Đi không hết lòng nhau về Cửa Tùng neo đậu
Cá trích cá mòi cá theo người hồn hậu
Đòn gánh oằn vai lưng áo đẫm mồ hôi
Sóng vỗ Cửa Tùng chen trong tiếng đưa nôi
Chúng mình lớn lên cùng ớt cay muối mặn
Muôn nẻo đường làng bước dài bước ngắn
Bước tìm nhau thương lắm Cửa Tùng ơi

Có bao giờ nguôi nhớ nắng hàng khơi
Thao thiết với Cửa Tùng chỉ một lời em nói
Biển thì xanh trời thì cao vòi vọi
Nhưng Cửa Tùng chỉ có một mà thôi



HTT

Thứ Sáu, 16 tháng 12, 2011

LÍNH CŨ ĐỒNG THÁP MƯỜI

Truyện ngắn

LÍNH CŨ ĐỒNG THÁP MƯỜI
Hồ Tĩnh Tâm

“Thời gian như nước chảy
Phù sa tình người lắng trong tim”
H.T.T.


Tôi với Toàn, hai đứa ngồi với ve rượu và mấy con rắn mối nướng lèo nằm chất chồng trên cái lá sen xòe như bàn tay thần tiên lật ngửa.
Toàn đã có vẻ say, nhưng uống vẫn rất lì từng nửa ly, nửa ly, không nhểu ra ngoài một giọt.
- Này, thằng Thặng chỉ hát mà trung tá rồi nghen!
- Bậy mầy! Sau 75, nó goánh biên giới chí mạng. Trung đội toàn tân binh, nhờ nó cầm chịch cứng khừ mới chịu nổi.
- Nhưng nó hát vẫn hay hơn nó trận mạc!
- Ừa, nó hát thì khỏi chê!
Thặng từng là lính trinh sát, rồi lính thông tin; A trưởng A vô tuyến điện của tiểu đoàn- một tiểu đoàn mà lính tráng gần hết là sinh viên đại học. Hồi còn trận mạc, tôi không hiểu nhiều về Thặng; còn sau giải phóng, tôi rành Thặng sáu câu vọng cổ. Quê Thường Tín, Hà Tây. Giáo viên dạy thể dục cấp 3; bắn súng trường thể thao TOZ8 hết sẩy. Đẹp trai, chưa vợ, tán gái tuyệt cú mèo, hát cực hay. Lúc còn goánh nhau thì cần khẩu súng, hòa bình rồi thì cần có thêm giọng hát. Thặng được điều về tổ chính trị của tôi. Giọng hát đâm ra ăn tiền. Nắm đội văn nghệ trong tay, Thặng quậy phong trào nổi đình nổi đám. Đến đâu thanh niên cũng réo: “Anh Thặng! Anh Thặng!”. Đến đâu các cô cũng đeo dính như đỉa. “Anh Thặng, chép giùm em BÀI CA MAY ÁO! Anh Thặng, dạy cho em BÀI CA HY VỌNG! Anh Thặng, tối nay các anh có…”. Trời đất! Làm như cả tiểu đoàn chỉ có mình ên anh Thặng.
Toàn nói Thặng chỉ nhờ giọng hát cũng có lý một phần. Bởi vì một sĩ quan làm công tác chính trị thì giọng hát, kỹ thuật hát, cũng chỉ là một lợi khí nhỏ mà thôi, còn bao nhiêu việc đòi hỏi anh ta phải vắt óc ra, phải chạy như cờ lông công.
Tôi nhớ năm 1979, Trần Oanh từ trung đoàn công binh, tìm đến trường đại học, khoe rối rít với tôi: “Thặng vừa dàn dựng cho sư đoàn một chương trình dự thi số dzach. Tiết mục về người lính bắn cối 60 giữa đồng nước nổi, do nó tự biên, tự độc tấu, huy chương vàng toàn quân. Tiết mục đơn ca TÔI LÀ LÍNH CỐI của nó cũng huy chương vàng”. Oanh đến chỉ để khoe với tôi chừng đó, rồi biến luôn về Vàm Cống thăm vợ vài hôm trước lúc trở lại chiến trường K.
Hai tháng sau, Thặng đến, đưa cho tôi bộ dây ghi ta của Đức, rồi rầu rỉ thông báo: “Trần Oanh chỉ huy máy húc mở đường ở Pô Chen Tông, ủi nhằm mìn chống tăng, giờ nằm ngáp tại quân y viện 121. Tao với mày đến ngay với nó”.
Trần Oanh nguyên là sinh viên năm thứ nhất đại học bách khoa năm 69. Năm 70 vào thẳng chiến trường B2. Quê đúng ở nơi mà đại thi hào Nguyễn Trãi bị oan bởi giọt máu con rắn rớt từ xà nhà xuống, thấm qua ba trang giấy. Tiếng là dân của Lệ Chi Viên mà Oanh gộc ghệch lời ăn tiếng nói, ngôn từ chắp nối rời rạc như cơm nguội, chỉ giỏi cái sự thù thì thủ thỉ. Năm 72 từng bị lạc giữa đồng nước linh lang mười ba ngày trời với bàn chân trái bị đứt một phần ba gân Asin. Mười ba ngày gặm nhấm gốc đưng, nhai sống ốc lác, uống nước bạc giữa đồng. Chiều thứ mười ba, khi đã lả đi trên bờ bao Kinh Chuối, may mắn được hai mẹ con dân bản địa bơi xuồng ba lá ngang qua ngó thấy, đem về nuôi giấu, chữa trị, kế chốt Gãy, Kinh Nhứt, thuộc vùng bốn chiến thuật của Ngụy. Lạ vậy, nhờ ở sát cái đồn lớn có pháo 105 và cối 106,7 mà an toàn, thoát chết trở về. Vậy mà nay chịu nằm bẹp một đống trong viện, chằng chịt dây nhợ từ trên cao thòng xuống, cắm tua tủa vô người.
Xuân Hồng thức ròng mấy đêm, khóc ròng mấy đêm trong viện 121. Tiếng thút thít và đôi mắt chỏng lơ của cô đã kéo được Trần oanh trở về từ cửa tử. Xuân Hồng là con gái rượu của bà chủ nhà, nơi tổ chính trị của chúng tôi đóng quân vào khoảng tháng 12 năm 1975. thặng từng nói bô bô: “Trần Oanh phải tìm bằng được cô bơi xuồng ở Kinh Chuối mà trả nghĩa. Còn ông (tức là tôi), có trách nhiệm bồi dưỡng con gái rượu bà chủ nhà thành người của ta”. Tôi chưa kịp trổ tài bồi dưỡng con gái rượu bà chủ thì cổ đã dính cái gộc ghệch của anh chàng hay thù thì thủ thỉ xứ vườn vải BắcHà.
Mà thôi, chuyện của bốn chàng ngự lâm chúng tôi thì dài dòng lắm. Cái thời tuổi trẻ độc thân, lính tráng cũng y chang như thanh niên trong làng, kể cả ngày không hết chuyện phù phiếm.

Năm 1987, tôi tham gia TRẠI SÁNG TÁC CA KHÚC ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG, do Hội nhạc sĩ Việt Nam tổ chức cho các tỉnh phía Nam, tôi có dịp được trở về vùng đất một thời đã trở thành hoài niệm. Đó là miền đất có dòng sông Trăng chạy ngang, phân định biên giới đất đai hai quốc gia láng giềng thân cận.
Một chiều mưa, tôi cùng anh em viết nhạc các tỉnh ngồi nhậu trong cái chòi của ông lão đóng nò cất sát mé sông, nhạc sĩ Phạm khiêm chỉ cái nhà sàn xập xệ phía bờ bên kia, nói với tôi: “Ông thích viết truyện, qua bển làm quen với bà góa, thể nào cũng có tư liệu. Có điều, phải cưa đôi nhuận bút với tụi này một trận tới bến. Thiếu tụi này bù”. Thấy Phạm Khiêm đá đuôi nheo với bạn bè, tôi chắc mẩm bà góa một là rất đẹp, hai là rất xấu, nhưng nhất định có chuyện hay. Tôi lạ gì cái thói đá đuôi nheo của các chàng văn nghệ lãng tử.
Nhưng rồi tôi cũng mò qua.
Trời ạ! Bà góa đẹp tới mê hồn. Phải tội chút chít tới bốn đứa con. Toàn là “vịt giời” Đồng Tháp. Tám con mắt tròn như bi ve, dúm vào một chổ, nhìn chúng tôi như nhìn người từ cung trăng rớt xuống. Hai con mắt của người mẹ cũng còn đen lắm, còn tỏa ra thứ ánh sáng hớp hồn kẻ đa tình đa cảm.
- Nhà còn con lươn gần hai ký, tui làm mồi các anh nhậu nghen!
Lươn gộc nằm mà hấp lá bầu thì khỏi chê. Còn rượu Tân Thành, Hồng Ngự là lửa lò bát quái, lỡ nuốt trôi một xị, cầm chắc hết biết đường về. Đám con nít thấy chúng tôi ca hát um sùm, trở nên dạn dĩ, xán tới đùa giỡn tíu tít như vịt đồng giỡn nước. Con bé út sán vào lòng tôi, chúm đôi môi bông súng, méc tỉnh queo: “Tụi con có tới hai ba lận, mà hổng ba nào còn sống. Chết hết trơn hết trọi, thành ra má tụi con mới nghèo như vầy”.
Trên bàn thờ kết bằng miếng ván còng, hai người đàn ông nhìn xuống tôi với ánh nhìn là lạ như trách móc, như thăm dò: không biết ai trong chúng tôi muốn nhào vô làm tía của sắp nhỏ vô tư này?!
Người đàn bà góa tên Huyền. Huỳnh Thị Huyền. Chị ta lớn hơn tôi ba tuổi, nhưng coi mòi còn trẻ hơn tôi cả chục tuổi là ít. Da trắng, tóc đen dày, mập nhưng không sồ sề. Gương mặt toát ra sự nhàn nhã, phong lưu đài các; không hề bợn lên chút xíu nào của sự nghèo khổ. Chị buôn bán hàng khô ngoài chợ xã, đồng tiền kiếm được chỉ đủ đắp đổi qua ngày. Được cái không phải dầm mưa dãi nắng, lội nước lội phèn, nên dáng người trắng trơn như dân thành thị.
- Tui tới sáu đứa lận. Hai đứa đầu là con của anh bên trái (người đàn bà góa chỉ lên bàn thờ), chúng đã lớn, đã đưa nhau đi làm ăn mụ mị dưới miệt U Minh Thượng. Bốn đứa này là con anh bên phải, học hành bù trớt, chỉ lỏm bỏm mỗi đứa vài ba chữ. Người ta biểu tui có tướng sát chồng. Trước tui sống ở Gãy Kinh Nhứt, cách đây hơn ngày xuồng.
Nghe nhắc tới Gãy Kinh Nhứt, tôi nhớ ngay tới vụ Trần Oanh bị lạc giữa đồng nước. Nghe gợi chuyện lòng vòng một hồi, chị ta nhớ ngay ra Trần Oanh.
- Chèng ơi, ảnh còn sống à! Có vợ con ở Vàm Cống à! Đại úy công binh à! Chèng ơi, ảnh… ảnh….
Những tiếng à thốt lên đầy ngạc nhiên, sững sốt. Thế rồi sau hàng loạt tiếng à à là tiếng khóc. Mới đầu còn khóc sụt sịt, về sau khóc to lên hù hụ, không biết do mừng hay do tủi. Chúng tôi ngồi ngay trân cả đám, men rượu bay biến đi đằng nào. Sắp nhỏ thấy vậy, líu ríu lủi hết vô buồng, nín khe cả một lượt.
Chị Huyền đứng dậy, đốt nhang cặm lên bàn thờ mẹ, vừa khóc vừa nói:
- Má ơi! Anh Hai Bắc Kỳ, ảnh còn sống. Có bạn bè của ảnh ngồi đây nè!

Toàn đậy nắp ve rượu, chém chém bàn tay phải bị mất ba ngón cuối vào không khí, nói qủa quyết:
- Mơi tao vào bưng thăm mẹ con chị Huyền, mầy có gì gởi vô trỏng thì gói ghém để sẵn đó. Giờ cho tao nghỉ khỏe để tối nay qua Cần Thơ chiến đấu với thằng Thặng trận bia trước khi vô bưng.
Toàn đang là giáo viên dạy văn cấp ba, nghèo rớt mùng tơi từ A tới Z, nhưng phiêu lưu lãng tử thì ít ai bằng. Nhờ độc thân mà hè nào Toàn cũng rong ruỗi hết nơi này nơi khác. Có tiền đi đã đành, hết tiền cũng đi. Vừa đi vừa viết thơ, viết bài gởi đăng các báo địa phương, đăng tạp chí văn nghệ các tỉnh. Bài đăng cả năm vẫn để đó, tới hè mới lãnh nhuận bút để vi vu. Kể cũng là tay công tử Bạc Liêu kiểu mới. Toàn có tật xài tiền không bao giờ trả giá. Muốn mua gì cứ hỏi mua. “Cho mười ngàn heo quay”. “Lấy cái bọng vịt coi”. “Cho năm trăm vừa rau sống vừa giá, dì ba!”… Đã vậy lại còn thêm tật không bao giờ đếm tiền. Cứ thọc tay túi quần lôi ra, người bán hàng tự đếm lấy. Gặp quán quen, có khi anh ký sổ cả trăm ngàn, vài trăm ngàn; rồi có khi quên khuấy đi hàng tuần, hàng tháng. Có khi quên suốt cả năm học, hè đến chủ quán nhắc mới nhớ, mới trả tiền; có khi lại còn vừa trả vừa ký thêm mớ nữa. Anh ký vô tư mà trả cũng vô tư. Ai nhắc bao nhiêu trả bấy nhiêu; dư thì lấy lại, thiếu thì để đó, còn ký thì vẫn ký liền xì.
Chuyện Toàn vô lính chủ lực cũng khác người ta. Năm mười bốn tuổi, Toàn đến nhà vợ ông xã trưởng chùi thuê bộ lư đồng cùng các thứ đồ đồng và đánh bóng véc ny đồ gỗ cho nhà ổng, đặng kiếm chút đỉnh tiền tiêu Tết. Nhà ổng vừa nhiều đồ đồng vừa nhiều đồ gỗ từ xưa để lại, toàn là đồ cổ qúy giá, đắt tiền, nhưng con vợ xã trưởng keo kiệt, tính mướn con nít cho rẻ. Toàn lụi cụi lau chùi đánh bóng suốt ba ngày, tới ngày thứ tư, thốt nhiên con vợ xã trưởng la lớn um sùm là nhà bị mất cặp chân đèn từ đời Minh Mạng. Kẻ ăn người ở trong nhà nháo nhào cả lên, người này nghi kỵ người kia, nhìn nhau như nhìn kẻ trộm trong nhà. Toàn biết là cậu út trong nhà chôm đem bán đặng bao con bồ trên phố huyện, nhưng nể tình cậu út biếu cái hộp quẹt Jippo và hai gói Rubi đỏ nên nín thinh. Chừng ông xã trưởng về, thấy Toàn hút phì phà điếu thuốc thơm, mới kêu tới hỏi: “Con nít, tiền đâu hút thuốc thơm mầy?”. Toàn bị sặc khói thuốc, vừa ho vừa trả lời: “Tui có tiền chớ bộ! Tết tới nơi, người ta mướn chùi lư thiếu gì!”. Ông xã trưởng chỉ hỏi bi nhiêu đó rồi thôi, nhưng bà vợ ông ta thì níu lấy điều đó mà từ bán tin bán nghi chuyển sang vu vạ cho Toàn là đạo chích. Bà ta nói bóng nói gió: “Rõ tao già rồi con ngu. Tết nhứt tới nơi còn rước chồn cáo vô nhà cho mất gà mất vịt”. Rồi bà ta lại bày đặt ngoắt ngoéo với chồng: “Ông thấy chưa, ông làm việc cho quốc gia còn phải vấn thuốc rê Cao Lãnh. Thời buổi chiến tranh ì đùng, làm ăn khốn khó, chỉ có thứ đầu trộm đuôi cướp may ra mới có tiền xài Rubi ru bẻo”. Ông xã nạt vợ đừng xót của vu vạ cho người ta, mang tội. Nhưng vợ ông ta lại lồng lên hằn học: “Ông sống nhờ hương hỏa ba đời nhà tui làm Hội đồng, chứ thứ thương người không phải lổ như ông, xểnh tui ra, tới nước mắm cũng không có mà húp”. Bà ta vừa xỉa xói chồng vừa đá mắt nhìn Toàn hằn học.
Cả ngày hôm đó và cả đêm hôm đó Toàn không thể nào quên được ánh mắt ấy. Gần sáng thì Toàn quyết định hành động trừng phạt người đàn bà cậy quyền ỉ thế, bày đặt gieo tai giáng vạ cho người.
Toàn xé giấy tập, viết lá thư bằng những nét chữ nguệch ngoạc, sai chính tả và ngữ pháp tùm lum tà la. Đại ý như sau: “Kính gửi ông xã trưởng! Tui đứng tên dưới đây là Nguyễn Đức Toàn. Nếu không trọng ông là người tốt, tui thiêu rụi cơ ngơi của ông để trả thù bả vu khống. Nay tui chỉ đốt cái ghe ông dùng thâu lúa góp, để vợ ông nhớ, tui không phải là thứ chồn cáo trộm cắp vịt gà. Ông đừng mất công tìm kiếm tui vô ích. Kính thư! Toàn”.
Lối bốn giờ sáng, Toàn dựng thằng em mười hai tuổi thức dậy, khều nó ra vườn, dặn tìm cách đưa lá thư nội nhựt trong ngày cho ông xã trưởng. Dặn xong, Toàn vỗ vỗ cái đầu trọc lóc của thằng em, nói: “Mầy ở nhà phải thương con Út. Nay tao tìm theo giải phóng, khi nào mầy lớn, tao về rước theo đàng mình goánh giặc cho vui”. Xách can xăng năm lít, Toàn nổi lửa đốt rụi cái ghe mười tấn của bà xã trưởng. Khi đứng trên bờ ném nùi lửa xuống cái ghe đã rưới xăng, vừa thấy ngọn lửa bốc lên bựng bựng, Toàn đã co giò phóng dọc theo giăng trâm bầu, băng qua khu gò mả, chạy miết vô đồng.
Từ chân chạy thư cho ban binh vận, Toàn thành liên lạc tiểu đoàn, rồi thành trung đội trưởng, thành cấp trên của Thặng, từng một thời cùng Thặng đeo bám hàng rào đồn bốt điều nghiên. Không ít lần cả hai hút chết trở về. Toàn nói: “Mầy hát có hồn hơn mấy cha ca sĩ. Ở lính trinh sát với tao, chết uổng nhân tài. Để tao giới thiệu mầy về phứt K bộ cho rồi”. nhưng Toàn chưa kịp giới thiệu thì chính anh đã phải lùi về tuyến sau, bởi bị đạn pháo chụp tiện đứt lìa bàn chân phải và ba ngón tay bàn tay phải. Nhờ vậy Toàn mới được cử đi học bổ túc văn hóa, sau hòa bình mới thi được vào đại học.
Khi biết tôi đã gặp được chị Huyền và kể về hoàn cảnh của chị, Toàn tìm đến thằng bạn là bác sĩ, biểu nó chứng cho miếng giấy nghỉ điều trị dài hạn vết thương cũ tái phát, xông thẳng vô Đồng Tháp Mười, lùng sục thu thập tư liệu, cứ liệu, goánh cấp tập mười mấy bài báo, đánh động phong trào truy tìm địa chỉ đỏ, đền ơn đáp nghĩa các gia đình có công với Cách mạng; chiến thắng oanh liệt trở về với một giỏ đệm đầy nhóc nhách bốn ký khô cá sặc rằn, đãi bạn bè say mút chỉ mấy ngày.
Chính Toàn đã lần ra tung tích gia đình chị Huyền là hậu duệ mấy đời về bên nội của bà Từ Dũ. Từ sau thất bại của đoàn nghĩa binh do ông Nguyễn Trung Trực chỉ huy, dòng họ thuộc chi của thân phụ chị Huyền phải phiêu dạt tứ tán tìm chốn nương thân. Chị Huyền tính ra là cháu đời thứ mấy, thứ mấy của bà Thái hậu. Nhờ vậy chị mới có hơi hướm phong lưu đài các, dù đang lúc lâm cảnh cơ hàn góa phụ nuôi con. Ông cố nội của chị Huyền vốn là dũng tướng trung thành của tùy tướng Ngô Văn Đen, là người có công đầu cặm leng khai phá mở đất ở vùng Rạch Đùi, Càng Long. Theo như Toàn thâu thập, ông là người có sức như Võ Tòng, từng cùng chủ tướng dùng mác hợp sức giết chết một con cọp tại Rạch Đùi. Về sau, trong một lần trần lưng phá rừng, ông chạm mặt con heo độc thọt giò. Người lăm lăm ngọn mác. Heo lăm lăm cặp răng nanh. Hai bên tử chiến quyết liệt gần một tiếng đồng hồ. Cuối cùng, heo bị lãnh trọn ngọn mác cắm lút vô tim, gục chết. Còn người bị nanh heo húc bể bọng đái, cũng kiệt sức gục chết. Đến đời ông nội chị Huyền, ông đưa cả nhà về vàm Cái Ngang lập nghiệp. Theo thời gian, với hàng đấu hàng đấu mồ hôi đổ xuống, ruộng đất do ông vỡ vạc bên bờ phía tây sông Măng cứ rộng dần ra, hình thành nên vườn nên ruộng. Cơ ngơi tưởng đã an bài thì Hội đồng Hòa chìa tấm giấy chủ quyền điền địa ra, phút chốc biến ông nội chị thành người làm thuê làm mướn ngay trên mảnh đất do chính đôi bàn tay chai sần của ông khai phá. Uất ức, ông chặn đường trấn nước Hội đồng Hòa một phen tưởng chết, rồi kéo rốc cả nhà xuống ghe, xuôi về xứ Bạc Liêu lập nghiệp. Tới đời cha chị, khi đi làm mướn bên Nọc Nạn, do cầm đầu đám trai bạn đánh nhau với đám con nhà địa chủ, nên bị Chính quyền tróc nả. Bởi vậy cảnh nhà lại thêm một lần tứ tán phiêu dạt mỗi người một nơi, không biết ai còn ai mất.
Mẹ con chị Huyền lênh đênh trên chiếc ghe thương hồ, luồn lách theo kinh rạch khắp đồng bằng châu thổ sinh sống. Khi chị Huyền đã trưởng thành, hai mẹ con cặm sào, lên bờ sinh sống tại Gãy kinh Nhứt. Tại đây, vào năm 1972, chị Huyền phải lòng anh Bường du kích xã, rồi thành thân với anh.
Hai người gặp nhau cũng ngộ.
Hôm đó chị Huyền một mình chống xuồng đi cắt lác về đương đệm. Đang lui cui cắt lác, thốt nhiên chị nghe tiếng Hobo gắn cánh quạt rú rèn rẹt rợn người sát mé đồng đưng, đồng lác, cách chị lối gần nửa cây số. Liền đó tiếng đạn nhọn cheo chéo réo lên buốt óc. Sau mấy phút tao ngộ, chị thấy một đám lửa bốc lên bựng bựng. Rồi thì pháo bầy 105 và 155 từ chi khu sủa rống lên ầm ập như điên như cuồng. Biết là có anh em mình ở đó, vừa dứt trận pháo, chị Huyền đã chống xuồng cán ngọn lác, ngọn đưng vèn vẹt, vọt ngay tới nơi vừa đụng độ bắn nhau. Tại đó, chị nhìn thấy anh Bường máu đỏ loang ướt ngực áo, đang nằm thở dốc trên chiếc xuồng bị bể mũi và thủng lổ chổ mé trên một bên be xuồng.
May mà anh chỉ trúng thương toàn phần mềm nên cũng không đến nỗi nào. Xé cái khăn rằn băng bó cho anh xong, chị chở thẳng anh vô rừng tràm. Được hơn nửa đường chị gặp xuồng của du kích xã chống ra vùn vụt. Một anh đeo túi cứu thương và một anh đeo súng AK cầm mái dầm nhảy sang xuồng của chị. Rồi cứ thế họ tháp tùng với chị đưa anh vô tuốt căn cứ trong rừng tràm. Vậy là chị trở thành người nấu cháo khuya cho du kích, thành người để họ trò chuyện về trận tao ngộ chiến giữa anh Bường với chiếc Hobo bay của tụi liên đoàn bảo an.
Hừng đông, lúc chị chào anh em ra về, anh Bường cứ nắm tay chị mà lắc, lắc mãi. Một anh trọng trọng tuổi nói với chị: “Cô Hai nhớ mặt thằng Bường rồi hén? Mơi mốt có nhớ thì vô thăm. Bằng không tụi tui cử nó ra. Đồng ý cả hai nghen cô Hai?”.
Không những cả hai đồng ý mà họ còn thành chồng thành vợ. Đám cưới đãi bằng rượu Anit chai vuông, chiến lợi phẩm thu được nhờ phối hợp với chủ lực hạ đồn Ngã Tư. Mồi màng toàn đặc sản thượng thặng của du kích đem về từ ngoài đồng, ngoài bưng, từ dưới đìa, dưới hố bom. Tôm càng, rùa, rắn, chàng bè, cồng cộc, gà nước. Có cả con trăn gần hai chục ký anh em thộp được khi nó trườn lên nằm chình ình một đống dưới lùm bình bát. Muời mấy tay súng của xã với bốn năm anh bộ đội E 207 và cán bộ xã, xúm nhau xả láng một trận lết bánh tới sáng.
Qùa mừng tân hôn là cái đèn dầu hôi chế từ vỏ đạn M79, đầu đạn Cạc bin M2, và vuông vải dù may gập đôi thành tấm đắp rộng thùng thình. Cưới buổi tối, buổi sáng cô dâu đã một mình chống xuồng về nhà, bởi đội du kích tới trưa lại phải cuốn võng sang phối hợp với du kích Mỹ Hòa chuyển đạn pháo cho đoàn Z56. Khi chia tay, anh xã đội trưởng nói với Huyền: “Cô Hai về nói với bà già, thể nào tụi tui cũng có việc phải tới nhờ vả gia đình giúp đỡ để chuẩn bị cho chiến dịch mùa khô. Chừng đó cho phép thằng Bường nghỉ hẳn một tuần để vợ chồng hủ hỉ”.
Chuyện nhờ vả của du kích là gửi mẹ con Huyền vựa tại nhà mấy trăm giạ lúa đảm phụ. Mẹ con Huyền mới đầu không dám nhận, vì nhà cất qúa gần chốt Gãy Kinh Nhứt, sợ tụi lính càn ẩu ra hốt mất. Nhưng nghe anh xã đội trưởng phân tách rạch ròi: rằng không đời nào tụi nó dám càn nong ra khỏi đồn hơn một cây số; bởi lẽ tại chốt Gãy Kinh Nhứt, tụi nó có pháo 105 ly và cối 106,7 ly, càn ra, chúng sợ ta trả đũa đánh vô chốt, không lợi cho trận địa pháo của chúng; hơn nữa, gửi lúa gần đồn thì không lo bị bom pháo của chúng làm thất thoát; thấy có lý nên hai mẹ con mới nhận lời. Nhưng để chắc ăn, mẹ Huyền đã nhờ ông Tám nghề, chuyên sống bằng nghề ăn ong rừng tràm, gầy cho một ổ ong vò vẻ tới mấy ngàn con ngay vách vựa lúa. Lính nào thấy ong vò vẻ mà không ngán, huống hồ thấy cái tổ ong lớn như cái thúng giạ thế kia.
Mỗi ngày mẹ Huyền thay áo, đều đem cái áo cũ móc lên cây cọc, cắm ngay trước tổ ong. Ong quen mùi mồ hôi, nên mẹ Huyền ra vào căn chòi chứa vựa lúa lúc nào cũng được.
Hôm đó du kích cần lấy gấp một số lúa đem đi chà gạo, tiếp tế cho trạm nữ giao liên mới về đóng ở vàm Đất Sét, ngặt nỗi đứa bé nào đã nghịch ngợm khều đi cái áo từ hôm qua. Sau một hồi đắn đo suy nghĩ, mẹ Huyền quyết định vào xúc đại cho kịp buổi tối anh em tới đem lúa đi chà, đặng có gạo cho trạm giao liên nấu cơm từ trưa hôm sau. Bà hy vọng bầy ong còn nhớ mùi mồ hôi của bà. Nhưng ong là ong. Khi bà vừa đụng vô mê bồ, hàng ngàn con ong đã túa ra, vây kín bà mịt mù như trong đám khói. Bà chỉ kịp hét lên, kêu Huyền ẳm con chun xuống tảng xê tránh ong, rồi ngã vật ngay xuống đất. Hàng ngàn cánh ong quạt vù vù như bão. Hàng trăm nọc ong nhanh chóng đánh bà á khẩu. Bà chết bầm, chết lịm, chết đau đớn giữa bầy ong mà chính bà đã gầy nên để canh chừng lủ giặc xộc ra hốt ẩu. Tấm thân bà cong cuộn rồi duỗi ra rã rượi trên nền đất mà mồ hôi và nước mắt bà từng rưới xuống mỗi ngày. Mẹ con Huyền ôm nhau trong tảng xê, bấu chặt vào nhau, cắn răng nuốt cơn đau nhức vào lòng mà khóc thầm tức tửi.
Sập tối, du kích tới nơi, phải đốt lửa hun khói mù mịt mới lấy được xác của mẹ Huyền đem ra.
Lính trong đồn, thấy khói bốc lên, hoảng sợ nổ súng bắn tán loạn ra tứ phía. Mẹ Huyền chết rồi còn bị dính mấy viên đạn nhọn vào người.
Sáng hôm sau, khi lính đồn nong ra ập vào nhà, Huyền lăn xả nhào tới ôm chân thằng đồn trưởng, vừa khóc nức nở vừa lu loa kêu gào lính đồn vô cớ bắn chết mẹ mình. Chị dựa vào đó mà khóc gào lên nỗi đau tức tưởi về cái chết đau chết đớn của mẹ. Bao nhiêu nước mắt và khổ đau bị dồn nén suốt đêm cứ thế mà tuôn trào ra thành dòng, thành tiếng; mặc sức mà tuôn chảy, mặc sức mà ơ hờ. Bà con sống rải rác quanh đó ùn ùn kéo tới. Người người đều xúm vào lên án lính đồn bắn ẩu bắn tả, gieo tai giáng vạ cho dân. Người người đều lớn tiếng đòi đệ đơn kiện lên quận, đòi phải bồi thường nhân mạng. Thằng đồn trưởng vừa đổ mồ hôi hột vừa tức tối cự lại: “Bả bị ong chích bầm mình vầy, ràng ràng chết vì ong đánh. Mấy vết đạn khô khốc, không dính chút máu, ràng ràng bả chết trước khi dính đạn. Bù lu bù loa nỗi gì! Đấu tranh nỗi gì!”. Nhìn vựa lúa trống lổng, hắn hất hàm cười khẩy: “Bả liều mạng xúc lúa đem cho mấy ổng, bị ong đánh chớ gì! Đừng hòng qua mắt tụi tui! Không nể hương hồn của bả, tui điệu cô lên đồn cấp kỳ! Ở đó đòi ăn vạ!”. Hắn nói là nói vậy, nhưng trước làn sóng hừng hực đòi mạng sống của bà con, cuối cùng hắn cũng phải hậm hực hứa bồi thường nhân mạng, hậm hực vẫy lính ra về.
Sau cái chết đau đớn của mẹ Huyền, du kích xã vào chiến dịch mùa khô, phối hợp với chủ lực E 207 đánh thắng liền mấy trận giòn giã. Nhưng cuối mùa khô năm ấy, một cái tang lớn trùm xuống cả xã, khiến Huyền bàng hoàng, choáng váng; đau đớn tới mức chị phải đùm dúm đem hai đứa con thơ dại đi nơi khác sinh sống, để không phải mỗi ngày đối mặt với tang thương qúa lớn.
Bấy giờ đội du kích xã chỉ còn lại chín người. Trong một lần chuyển quân đi phối thuộc, họ bị điệp báo cho trực thăng đổ quân vây chụp ngoài đồng trống. Không có phuơng tiện liên lạc, đội du kích phải phơi lưng chống chọi với tụi trung đoàn 10, sư 7, suốt từ năm giờ sáng tới gần mười giờ trưa. Người cuối cùng còn sống sót là Bường. Súng hết đạn, trong tay chỉ còn duy nhất một trái lựu đạn tự tạo của công binh xưởng xã. Khi bọn lính từ bốn bề xông tới, Bường vụt đứng dậy, tự cắn đứt lưỡi mình để đề phòng lựu đạn bị lép, bị bắt sống. Bường đứng sừng sững giữa bốn bề súng ống tua tủa. Anh biết chúng sẽ không dám nổ súng vì sợ bắn vào nhau. Bởi vậy anh ung dung đưa bàn tay trái lên vuốt mái tóc rối bù, cứng quèo khói thuốc súng; rồi từ từ đưa trái lựu lên miệng cắn chốt. Nắng Tháp Mười dội ánh vàng lên người anh rừng rực. Xung quanh, bọn lính hốt hoảng nằm rạp cả xuống, như thể bị một lưỡi liềm thần diệu quét ngang chân.
Lựu đạn không nổ. Bường bị bọn lính xô tới trói ghị cả hai tay.
Tại chốt Gãy Kinh Nhứt, sau khi thay nhau đánh đập đã đời, và biết anh không thể nói được vì đã cắn đứt đầu lưỡi, thằng đại úy biệt kích chỉ huy hành quân rút súng Julo bắn thẳng vào ngực anh. Do khoảng cách qúa gần, máu từ tim Bường vọt ra, rưới ướt đầm gương mặt với hai con mắt lồ lộ đã trở nên thất thần của hắn.
Huyền đưa hai đứa con thơ về Tân Thành chính là để trốn chạy nỗi ám ảnh về cái chết bi hùng của mẹ, của chồng, và của anh em du kích xã. Chị nương vào bà con vùng giải phóng mà sống qua tháng qua năm. Ai cũng nghèo nên không ai cảm thấy nghèo. Chỉ thương hai đứa nhỏ cứ mỗi ngày mỗi xanh lướt ra như tàu chuối.
Sau giải phóng được bốn năm, cuộc sống càng trở nên khó khăn cơ cực, một phần do thời cuộc run rủi, một phần do chiến tranh biên giới đưa đẩy. Không đủ sức nuôi con, chị Huyền phải đi bước nửa, hy vọng dựa vào chồng để có chèo có lái mà làm lụng nuôi con. Chồng chị tên Minh, nguyên là con một gia đình từng làm ăn buôn bán phát đạt ngoài chợ Hồng Ngự, nay cả nhà đã bỏ đi nước ngoài sinh sống. Minh từng một thời được nuôi ăn học tử tế. Do có tiền, cha anh đã đút lót nhà chức trách quận, mua cho anh chức lính ma. Lính ma là lính có tên trong sổ quân lực cộng hòa, nhưng lương thì phải để cho người ta lĩnh. Hàng tháng cứ việc ung dung ngồi ở nhà buôn bán, lâu lâu có phái bộ của tỉnh trưởng xuống kiểm tra mới phải mặc áo lính, phải vác súng trình diện lấy lệ để điểm quân. Về sau thằng quận phó kéo bè lật quận trưởng sao đó, chức lính ma của anh bị phát hiện, bị gọi tập trung vô quận, chờ ngày sung vào lính sư đoàn. Sợ con trai trưởng chết trận, cha anh lại lo lót cho tên quận phó vừa lên nắm quận trưởng, chạy cho anh được chân lính kiểng châu thành. Thấy làm lính kiểng không chắc ăn, cha anh lại lo lót mua được cho anh chức binh bét, ôm súng gác cổng Tổng nha cảnh sát Sài Gòn.
Trước ngày miền nam giải phóng, cả nhà anh theo tàu hải quân chạy sang Mỹ. Còn anh vừa dứt tiếng súng đã trở về quê trình diện, về quê tham gia học tập cải tạo tại chỗ. Học xong, anh sung vào đội quân kinh tế mới, vào Tân Thành làm ruộng. Khi gặp mẹ con Huyền, bằng tấm lòng của mình, hoàn cảnh của mình, hai người cứ vậy mà xáp lại sống với nhau, sinh con đẻ cái với nhau. Ủy ban Tân Thành và dân Tân Thành không hề một ai hay biết gì về nhân thân của họ. Minh không dại gì vạch áo cho người xem lưng qúa khứ của mình. Huyền cũng không hề muốn nhắc lại cho ai biết về dĩ vãng đau thương đã thành hoài niệm thương tâm của mình.
Hai người dựa vào nhau tần tảo sống đắp đổi qua ngày trong tiếng cười, tiếng nói ríu rít như chim của sáu đứa con gái. Cuộc sống sẽ trôi qua phẳng lặng, êm ấm như vậy, nếu không có một bất ngờ xảy ra.
Trong một trận nhậu mừng chuyến hàng Samit nhập lậu trót lọt qua đường biên sông Trăng, kéo dài từ đầu hôm tới qúa nửa đêm, khi thấy không còn đủ sức trụ lại với bạn bè, Minh đưa tay từ chối ly rượu mời của tay công an xã. Anh này đang cơn hứng bởi men rượu, rút khẩu Collduiz ra nói đùa: “Mầy không uống được nữa tức mầy tiêu rồi. Vậy để tao cho mầy tiêu luôn”. Miệng nói đùa mà rượu nói thật. Khẩu súng bị cướp cò trong tay người say, khoan một lỗ tròn vo trên ngực anh lính từng gác cổng Tổng nha cảnh sát, trổ toác hoác ra sau lưng; may mà không dính thêm vào ai. Anh công an bị Tòa kêu án. Mãn xong hạn tù mấy năm, anh ta bỏ Tân Thành đi biệt xứ.

Sau thông báo của tôi về chị Huyền đang sống ở Tân Thành , Toàn đã xuôi ngược bôn ba khắp nơi, tìm hiểu, viết lách, làm sống dậy tất cả điều này.
Còn Trần Oanh, lúc tôi đến đưa tin thì anh đang nằm bẹp dúm một chỗ vì sốt rét ác tính. Cái thân xác cao to cồ cộ như con gấu của Oanh, những tưởng có thể vật ngã trâu mộng, vậy mà chỉ sau một cơn sốt giật, đã sụm xuống bèo nhèo như nùi giẻ. Oanh yếu tới mức run tay run chân, không thể tự đi nỗi một mình lấy vài bước. Đến đi cầu, Xuân Hồng vợ anh cũng phải nắm tay dẫn đi. Mà cái cầu cá nhà anh thì lại cao ngời ngợi, lại chỉ có hai cây tre đực bắc lên vắt vẻo. Ai đời đàn ông mà lại phải chịu để vợ dẫn lên cầu, rồi ngồi đợi để dẫn xuống cầu. Dẫu có muốn băng đồng tìm gặp ân nhân xưa cách mấy, Trần oanh cũng phải giơ tay xin hàng.
Xuân Hồng là người tức tốc tìm vô đồng, thay mặt chồng tạ ơn cưu mang của chị Huyền. Hai người phụ nữ chỉ sống chung với nhau có hai ngày mà nên tình nên nghĩa. Họ nên tình vừa vì nghĩa xưa, vừa vì hoàn cảnh éo le của họ.
Xuân Hồng sanh nở tới ba lần mới giữ được một đứa con trai tật nguyền, tay chân vặn vẹo như thể một cây tre khẳng khiu bị người ta hơ lửa, cố tình uốn cho cong queo, dị dạng. Xuân Hồng ráng thêm lần nữa, lại sinh ra cái bọc trứng. Bác sĩ nói rằng, Trần oanh không thể sinh con, bởi nguy cơ sinh con dị tật và quái thai là rất lớn. Hồi Thặng chưa về giữ chức A trưởng A thông tin vô tuyến điện, Oanh từng giữ chức ấy. Một lần tiểu đoàn thành lập tổ săn lùng chiến xa, Oanh đeo máy PRC25, cùng với trung đội hỏa lực ém quân nằm phục suốt mấy ngày ròng rã ngoài đồng đưng ngút ngát. Không đánh được xe, thê đội đặc biệt rút quân vô rừng tràm, tính dưỡng sức một ngày rồi tiếp tục triển khai đội hình, vượt lộ 30, phục kích đón lõng tụi chiến đoàn 52 thiết giáp. Sóng liên lạc của thê đội phát từ rừng tràm về K bộ, chẳng may bị OV10 dò ra tần số. Vậy là A37 kéo bầy tới dội bom, rồi L19 vè vè xộc tới rưới chất độc hóa học. Oanh và nhiều đồng đội bị tắm đẫm thứ nước ướt át, khó chịu, gây rộp da và sưng vù hai mắt. Điều đó tới hôm nay đã trở thành nỗi đau, nỗi bất hạnh của thế hệ.
Huyền khóc sướt mướt khi nghe Xuân Hồng kể về những gì đã xẩy ra. Cả hai ôm chặt lấy nhau mà khóc. Cả hai đều thấu hiểu tình cảm của nhau tới tận cùng máu thịt. Xuân Hồng muốn xin dẫn một hai đứa con thơ bé của Huyền về nuôi, để khuây khỏa nỗi hụt hẫng đường con cái của chồng, để giúp những đứa trẻ mồ côi đỡ phần vất vả giữa vùng rốn trủng nước của Tháp Mười vào mùa mưa. Huyền thấy mình không thể rời xa được bất cứ một đứa con nào, dù chỉ một tháng, một năm. Chúng là núm ruột của chị, là giọt máu của những người đã từng gắn bó với chị, sẻ san với chị những đau thương vất vả trong cuộc đời. Chị ôm xiết lấy Xuân Hồng mà khóc. “Chị rất muốn chia sớt niềm hạnh phúc, niềm vui nuôi nấng con trẻ cho em. Nhưng… chị không thể… không thể… Hồng ơi!..”.

Lần này Toàn đến với tôi là có ý định riêng của anh ta. Anh ta vừa muốn chu du một vòng mùa lũ, vừa muốn giải tỏa tâm tư tình cảm cho Xuân Hồng và chị Huyền. Anh ta luôn là người xông xáo và uỵch tẹc mọi vấn đề một cách thẳng rang như kẻ chỉ.
- Muốn thắng bà Huyền phải biết kết hợp đòn tấn công quân sự với đòn tấn công tâm lý. Kỳ nầy tui nhất quyết phải đem bằng được hai đứa nhỏ nị của bả ra ngoài này. Bả ở trỏng với hai đứa lớn, vậy là vừa sức để chung sống vui vẻ với lũ. Hai đứa út nhỏ qúa, sống chung với lũ sao được. Năm rồi thấy tụi nó lặn hụp giữa đồng nước láng cò móc củ sen, bẻ bông súng, bông điên điển đem ra chợ bán đong gạo; nhìn tụi nó như cái nấm, oằn lưng đội lểu thểu mớ rau đồng quấn nùi trên đầu, thương muốn thắt họng. Thằng Thặng vô đồng hát cho bả nghe mấy bài về tuổi thơ mơ ước, hát tới chừng nào bả trào nước mắt thương sắp nhỏ thì tao ra lịnh đem hai đứa nhỏ ra ngoài này. Tao với Trần Oanh chia đôi. Tao đỡ thui thủi một mình, Trần Oanh đỡ tủi thân về đứa con tật nguyền. Bớt đi hai đứa nhỏ, bả có điều kiện dồn sức nuôi hai đứa lớn nên người. Mà giả tỉ bả không chịu, tao lôi luật về quyền trẻ em ra tao hù bả chơi nghen mầy!
Toàn cười khà một tiếng, nhìn vọng về phía con lộ nườm nượp xe tải, xe đò, xe du lịch, xe hon đa đủ kiểu, đủ màu, chạy vù vù qua lại như mắc cửi, nói tiếp:
- Tụi mình cũng chỉ lo được cái nhỏ thôi. Chuyện đại sự lớn lao là của xã hội. Ông ở nhà cứ yên tâm chuẩn bị mồi màng, tụi nầy về tới là liên hoan cái rụp. Mà có khi bả ra luôn ngoài này cũng nên. Thằng Oanh đã khỏe, nó là trợ lý thù thì thủ thỉ. Còn thằng Thặng sẽ bọc hậu bằng lới lơ, xẫm xoan. Hà hà… Ông tin tui đi!

Tôi nhìn cái lá sen đã sạch bách không còn con rắn mối nướng lèo nào, thốt nhiên nhớ tới nao lòng những năm tháng cùng nhau ngang dọc, tung hoành phỉ sức ở Đồng Tháp Mười. Hồi đó chúng tôi goánh theo mùa. Mùa khô goánh kiểu mùa khô. Mùa mưa goánh kiểu mùa mưa. Kiểu mùa nào lính Đồng Tháp Mười goánh cũng thắng.
Nhìn hút theo cái dáng đi cùn cụt kiểu độc thân thiếu một bàn chân của Toàn, tôi giật mình chợt nghĩ: Ừ nhỉ, mùa lũ nước ngập trắng đồng, bao nhiêu rắn mối đều bò cả lên gò, vậy mà quên phứt, không dặn nó kiếm một mớ đem về. Chết thật!

H.T.T.

Mấy lời phi lộ
.
“Lính cũ Đồng Tháp Mười” là truyện ngắn, mà đặc trưng của truyện ngắn là hư cấu, là bịa nghệ thuật, nên bạn đọc đừng nghĩ rằng những gì tôi viết trong truyện cũng là sự thật, mặc dù truyện ngắn này tôi viết bằng cách góp nhặt rất nhiều những mảnh vụn sự thật của tôi và của các đồng đội tôi trong đội hình trung đoàn 207, thời gian đứng chân chiến đấu tại chiến trường Đồng Tháp Mười. Tên một số nhân vật là tên thật các đồng đội của tôi, tôi để như vậy vì ít nhiều các nhân vật trong truyện đều có hình bóng của họ, của các đồng đội cùng D1- E207- QK8, để hy vọng họ có thể đọc và nhớ lại một thời từng sát cánh bên nhau chiến đấu, và góp sức xây dựng phong trào chiến tranh du kích.
Phùng Gia Thặng và Nguyễn Trần Oanh sau 30 tháng 4.1975 từng sống chung trong tổ chính trị của D1- E5- F8- QK9 với tôi, mong các anh thông cảm cho tôi điều này, bởi vì rốt cùng, “Lính cũ Đồng Tháp Mười” cũng chỉ là một truyện ngắn được viết để ghi lại dấu ấn về một thời chúng ta đã sống.

HTT

Thứ Hai, 12 tháng 12, 2011





NHỮNG MÙA MÂY TRẮNG BAY

Hồ Tĩnh Tâm




Làm sao tôi quên được một góc trời Tây Bắc, nơi tiếng gió núi, tiếng mây ngàn, tiếng dòng suối, tiếng thung sâu, tiếng chiều về, tiếng trăng lên, tiếng lá rừng, tiếng sương khuya… tất cả đều thầm thỉ nhắc tôi nhớ về Thào A Mỵ. Mắt em lung liêng, tóc em búi cao thành búi, nụ cười em thơm giòn như nắng và trắng màu mây núi. Em đi. Váy áo nồng nàn. Đôi cánh tay đánh đường xa dẻo như cơm nếp. Đôi bước chân nhẹ nhàng, nao lòng những vệ cỏ lăn tăn li ti những vạt hoa nở tím. Em về. Bát rượu nghiêng cả lều nương, ngọn lửa cháy rưng rưng mùi ngô nướng, tiếng đàn môi thức sáng đêm rừng. Những mùa mây trắng bay. Những mùa mây trắng bay. Thào A Mỵ. Thào Mỵ ơi, mùa rồi.



Lần ấy tôi tôi theo con trăng về với bản. Đường xa tới chín lần con ngựa mỏi bón chân nghỉ lại. Khi tai nghe được tiếng suối Giàng róc rách, khi mắt nhìn thấy cối gạo cụp cum cùng tiếng nước đổ òa, cây pơ mu trên đỉnh dốc chỉ tôi về nhà Mỵ. Năm cây chè tuyết. Ồ không, bảy cây chè tuyết, vì ngoài năm cây cổ thụ, còn hai cây rất trẻ, bố trồng khi con gái Thào A Mỵ cất tiếng khóc chào đời. Hai cây trẻ bao nhiêu năm, Mỵ bấy nhiều tuổi làm người ở bản. Nào, cầm lấy những hòn đá trứng của suối Giàng mà đếm đi, suối nó biết hết, hai mươi tám hòn đá trứng. Hai mươi tám năm ông mặt trời đi qua đỉnh Mã Pí Lèng, hai mưới tám năm ông mặt trăng đi qua đỉnh Mã Pí Lèng. Gái bản chúng nó, con cõng sau lưng, con dắt theo tay, Mỵ vẫn những mùa mây trắng bay, chưa có ai cạy cửa, chưa có ai kéo tay; thế mà Mỵ là đứa quay xa dẻo nhất, đứa dệt vải hay nhất, đứa sli lượn như nước chảy, đứa xòe hoa chạnh tím cả hoa rừng. Chẳng phải Mỵ chê trai bản, chỉ là Mỵ mãi theo học cái chữ, mãi theo học cái nhạc, Mỵ quên về bản cột chỉ tay ai đêm chợ tình dưới núi. Mỵ học miết dưới xuôi nhưng Mỵ đâu có quên đường về. Năm nào Mỵ chẳng về cùng hoa đào nở hồng vách núi. Năm nào Mỵ chẳng về khi tu hú gọi mùa thảo quả. Nhưng Mỵ về rồi Mỵ lại đi. Trai bản chúng nó bảo nhau, con Mỵ là Giàng cho sinh ra để học, để hát cho cả bản cả muờng, con Mỵ nó yêu ai chỉ Giàng mới biết.



Đêm đầu tiên bên ngọn lửa nhà sàn, có mèn mén, có rượu sán lùn, có thịt con nhím lụi than hồng, tôi say rượu thì ít, say đôi con mắt Mỵ thì nhiều; say luôn cả mười ngón tay Mỵ thổi đàn môi. Cho đến khi tôi chìm vào giấc rượu, tiếng đàn môi vẫn thổn thức, đến tận cùng những mùa mây trắng bay.



Tôi có bao nhiêu ngày trên bản vùng cao với bạn bè, với Mỵ, tôi nhớ để làm gì, khi mà tôi có bên mình cả trùng trùng núi đá, cả ngàn ngạt rừng sa mu vun vút tủa lên trời như kiếm. Núi Cô Tiên, Hang Rồng, thác Leeng, dốc chín quài. Tới đâu cũng thấy ngựa cõng thổ sản trên đường. Tới đâu cũng xao xuyến tiếng sáo mèo gọi bạn tình thao thiết. Tới đâu cũng một hai lần tháng cố. Những chảo canh thịt trâu, thịt dê bày giữa chợ, mặt trời vùng cao tha hồ rót nắng xuống, gió rừng tha hồ thổi hương vào; húp một miếng, ăn một miếng, có cả núi cả rừng, có cả nắng cao nguyên hừng hực, có cả tiếng khèn cùng tiếng hát chao nghiêng lời tằng cẩu, hoa nhà mình lại nở sàn nhà khác.



Những mùa mây trắng bay. Những mùa mây trắng bay.

Mỵ ơi, Thào A Mỵ ơi, năm nay thế nào ta cũng về với lễ hội Gầu Tàu em nhé!

Những mùa mây trắng bay…



HTT

cây đào xốn xang trong nỗi nhớ

CÂY ĐÀO XỐN XANG TRONG NỖI NHỚ
Hồ Tĩnh Tâm

Mãi đến năm lớp 6 tôi mới nhìn thấy cây đào.

Lúc đó gia đình tôi đang sống sơ tán ở xã Thạch Bình, Thạch Thành, Thanh Hóa, một vùng thuộc miền bán sơn địa, có rất nhiều cây mít, cây dỗi, cây Hồng và cây mơ, cây mận. Một hôm tôi đến nhà anh Sở để nhận cái nạng giàn thun(ná cao su) như lời anh dặn. Khi tha thẩn chơi trong vườn, tôi nhìn thấy mấy cây đào cổ thụ với rất nhiều trái chín vàng ươm và chen thêm màu hồng phấn. Anh Sở nói, :“Ăn đi, ngon lắm!”. Vậy là tôi biết, cây đào chẳng những cho hoa đẹp mà còn cho trái ăn giòn giòn, hơi ngòn ngọt và hơi chua chua, hơi chát chát một chút.

Anh Sở học cùng lớp với tôi, nhưng lớn hơn tôi tới mấy tuổi; mà chả cứ gì anh Sở, hầu như cả lớp tôi ai cũng lớn tuổi hơn tôi, trừ cái Thanh, cái Liễu. Lớn tuổi nên cũng như mọi chàng trai làng lúc đó, anh Sở biết hút thuốc lào, có cái ống điếu rất đẹp, mà không hiểu sao tôi cứ hình dung nó giống như khẩu đại bác. Nhìn cái dáng anh khệnh khạng, điệu bộ châm đóm, rít thuốc và ngã nghiêng ngã người ra phía sau nhả khói xanh um mù mịt, tôi thấy anh giống hệt như một nông dân thợ cày, đẹp lắm. Anh nói: “Nỏ điếu ý mà, phải tiện bằng gỗ đào mới đúng cách nhé. Cái điếu tốt thì nỏ điếu dứt khoát phải bằng gỗ đào”.

Tôi nhìn mấy cây đào, thấy dáng đẹp rất quân tử. Gốc đào nổi u từng cục lớn, cành nhánh cũng nổi u sần sượng, uốn cong vun vút lên mạnh mẽ, ấy vậy mà lá xanh mơn xanh mỡn, quả chín đẹp không thể chê được vào đâu. Đào ấy là đào núi, chứ không phải đào kiểng, đào thế, đào hoa như ở Nhật Tân, Nghi Tàm.

Thế rồi mùa xuân đến. Khắp làng Thạch Bình, đi tới đâu cũng thấy hoa đào nở hồng rực, xốn xang cả lòng dạ. Thích nhất là ở nhà cái Thanh, có cả một vườn đào như rừng, ai lạc vào đó gương mặt cũng ửng lên đua hồng với sắc hoa. Bấy giờ tôi nghĩ, nhà cái Thanh chắc giàu lắm. Làm như vườn đào chiu chít hoa đơm hồng rừng rực đã tạo ra cảm giác giàu sang, hèn chi cái Thanh nó đẹp ơi là đẹp, học giỏi ơi là giỏi.

Ôi là cây đào.

Tự nhiên nhắc tới cây đào, tôi bắt nhớ Thào Phương ở Lào Kai. Thào là đào, theo cách gọi của người H’­mong. Thào Phương thì đích thị là đẹp như hoa đào rồi, nhưng phải nhìn vào mắt cô ấy kìa… chết như chơi đấy. Mà khổ, ngay từ cái đêm đầu tiên gặp nhau bên hồ Lại Sơn, tôi đã bị hớp hồn bởi tiếng hát và đôi mắt lúng liếng nhìn tôi của Thào Phương.

Ôi là cây đào, Đào ơi!

HTT

Thứ Bảy, 10 tháng 12, 2011

lại chuyện một ngày cúp điện

lại chuyện một ngày cúp điện

hotinhtam

altĐánh giá một tác phẩm đâu phải chuyện đùa, chuyện phiên phiến. Tôi nhớ sáng thứ bảy hôm qua(10.12.2011), Hội VHNT mời tôi xuống họp tuyển chọn thơ nhạc cho đêm Nguyên Tiêu 2012, tôi ngồi đọc hàng chục bài thơ của các tác giả, trong bụng cứ thấy lo lo cho nền thơ ca Vĩnh Long đang bị chựng lại, nhưng ngoài miệng vẫn cứ phải nói, “ráng đãi cát tìm vàng, vàng cám lẫn trong sỏi đá khó thấy lắm”. Chủ đề đêm thơ Nguyên Tiêu của chúng tôi là Biển đảo, Nông nghiệp Nông dân Nông thôn và Học tập tư tưởng Hồ Chí Minh, hướng ưu tiên chủ yếu dành cho các tác giả chưa xuất hiện trước công chúng, nhưng vì mục đích là đem thơ phục vụ cho công chúng, nên tất nhiên rốt cùng cũng phải chọn thơ hay- và ai sẽ là trọng tài đứng ra khẳng định bài thơ nào là thơ hay bây giờ.


Lại một ngày mất điện.

Chuyện chẳng có gì để nói. Là bởi vốn dĩ nó đã là như thế. Thành phố đang hình thành từ một thị xã vốn nhỏ như bụm tay, người đầu phố hú một tiếng, người cuối phố nghe được; nhà này nhìn qua cửa sổ nhà khác, biết ráo trọi tuốt tuồn tuột mọi chuyện. Ếch muốn thành bò là chuyện ngụ ngôn, còn thị xã vặn mình lên thành phố là chuyện của ý chí, bởi vậy mà cứ phải triền miên cúp điện để hết thi công này đến thi công khác. Mà chuyện thi công thì... cứ mạnh ai nấy thi công, tiến độ nhanh chậm bất cần biết, cứ tiền rót đến đâu túc tắc thi công đến đó. Công trường bày ra bề bộn, dân khổ bằng trời cũng cứ phải ngậm bồ hòn, bởi làm gì có tổng công trình sư đâu mà chịu trách nhiệm cho tất cả. Nhà nước địa phương thì... bận trăm công nghìn việc, việc thi công phải cúp điện là việc của lẽ dĩ nhiên phải như thế. Ráng chịu vài chục năm lên chủ nghĩa xã hội mọi chuyện sẽ êm thắm như hoạch định đường lối chiến lược đã đề ra. Vài trăm năm nữa lên chủ nghĩa cộng sản, có muốn được cúp điện để ngắm vầng trăng nguyệt thực cho đã, cũng không ai người ta cúp cho đâu. Còn bây giờ thì... chuyện cúp điện cứ coi như là... chuyện ngày thường đi nhé.



Mẹ tôi đang điều trị dài hạn tại viện 30 tháng 4 ở Sài Gòn, nên mờ sáng hôm qua(10.12.2011), vợ tôi đã đi xe đò lên thăm bà cụ. Trước khi đi, bả còn cẩn thận nhờ cô em gái kế mỗi ngày đến đưa rước con bé gái của tôi đi học. Thế có nghĩa là bả chưa hoàn toàn tin tưởng vào tình trạng sức khỏe của tôi, chưa dám phó mặc con gái cho tôi. Bả đi hôm trước, hôm sau(tức hôm nay- 11.12.2011) con gái tôi theo đội tuyển trường đi thăm Hậu Giang. Được ở nhà một mình, tôi định dành trọn đêm thứ bảy và ngày chủ nhật, lên mạng đọc truyện cho thật đã. Đầu tiên tôi tìm đọc hàng loạt truyện ngắn hậu hiện đại Châu Âu. Gần đứt đêm thứ bảy. Đến bốn giờ sáng chủ nhật, tôi chuyển qua đọc tiểu thuyết “Người đàn bà bị bán” của Quách Tiểu Mạt Trung Quốc; nhưng đọc đến chương XI thì không thấy trang web post tiếp lên nữa. Rà chuột tìm kiếm không thấy trang web nào post hết truyện “Người đàn bà bị bán”, tôi đành đọc lại truyện ngắn “Cái ghế đa tình” mà tôi vốn rất thích. Chỉ tiếc truyện này ngắn quá, đọc cái véo là hết. Nhớ lại một truyện ngắn cực hay tôi đã đọc cách đây hơn 10 năm, truyện “Trong rừng trúc” của Nhật, tôi bèn vào google.com tìm kiếm, nhưng đang tìm thì nhà đèn cúp điện, ADSL không làm việc được. Nhìn đồng hồ thấy đã 7 giờ.



Đã ăn cơm chiều thứ bảy lúc hơn 2 giờ sáng chủ nhật, nên tôi xoay sang đọc sách. Vẫn là văn học Châu Âu với mấy cuốn sách tôi vừa đem về nhà. Nga, Đức, Ý, Đan Mạch, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Anh, Pháp, Mỹ... Hay thì hay, nhưng cứ rối bời cả lên. Đừng ai nói đọc văn không mệt nhé. Không đọc thì không biết được văn học đương đại thế giới đang phát triển ra sao, nhưng vùi vào đọc thì càng đọc đầu óc càng căng như sợi dây đàn, mệt bả cả người. Để đỡ mệt, tôi trở về với truyện ngắn Trung Quốc, thứ mà trong nhà tôi rất sẵn; vì dù sao, văn học của Trung Quốc cũng gần với văn học của ta hơn. Vừa đọc tôi vừa nghĩ, nước Trung Quốc vĩ đại thế, nhân dân Trung Quốc vĩ đại thế, chỉ ghét mấy thằng Tàu Khựa trong Trung Nam Hải nó làm hỏng mất tình cảm giữa hai bên. Chúng nó đất đai bề bề, giáp với cả Châu Phi, Châu Âu, vậy mà vẫn máu bá quyền đại Hán, hung hăng, láo toét, coi Biển Đông như ao nhà của chúng.



Đang đọc say sưa thì chú Tư Giang đến.

- Chủ nhật nhà văn không đi đâu mà lại nằm nhà đọc sách à?



Tôi nhớ là hồi sáng chú Tư có điện cho tôi, và tôi nói là hôm nay tôi ở nhà đọc sách, có lẽ vì vậy mà chú đến tìm tôi. Chắc là có chuyện gì liên quan đến văn học đây.



Rót cho chú ly trà, tôi nói:

- Nhà hết trà Thái rồi. Chú uống đỡ ly trà Nhật. Cũng ngon lắm!

- Cám ơn- chú Tư nói- Tôi tiểu đường, ăn uống kiêng cử lắm.

- Chú uống thử đi. Cháu uống riết đâm ghiền. Con gái nó biếu đấy.



Chú Tư nhấp một ngụm, chép chép lưỡi, nhìn tôi nói:

- Ngon. Hình như có cả mùi gạo rang, bắp rang?



Tôi rót cho chú Tư ly nữa. Chưa kịp hỏi chú đến chơi hay đến tìm tôi có việc gì, thì chú Tư bỗng hỏi hết sức bất ngờ.

- Này, liệu mình có lấy lại được Hoàng Sa không?



Bị hỏi bất ngờ, nên tôi hỏi lại.

- Tháng 8 vừa rồi, chú có nghe nói Trung Quốc tập kết 7 quân đoàn chủ lực ở thành phố Sùng Tả thuộc tỉnh Quảng Tây không? Lại còn cho tàu sân bay Varyag áp sát Biển Đông.

- Láo. 70 vạn quân chứ 2 triệu quân cũng chỉ là quân Tàu Khựa. 31 ngày tiến chiếm à? 72 giờ ném bom Hà Nội à? Chúng làm như ăn bánh không bằng.



Tôi tưởng chú Tư sẽ sa vào mối quan hệ đang căng thẳng giữa hai nước láng giềng môi hở răng lạnh, nhưng chú lại đột ngột hỏi.

- Ông đã đọc “Toàn Cảnh” Vĩnh Long số 18/2011 rồi chứ? Bài tôi viết về Phạm Hùng, thằng V nó nói không có chất văn học, nên tôi mới gởi cho “Toàn Cảnh” đấy. Biên tập văn học phải là nhà văn chứ ai lại là nhà quân sự bao giờ. Ban biên tập một tạp chí văn học nghệ thuật mà lại không có nhà văn, hỏi làm sao cộng tác viên yên tâm được.

- Cái gì đôi khi cũng phải phiên phiến chú Tư ơi.

- Phiên phiến là thế nào. Công tác biên tập văn học phiên phiến mà được à? Dụng nhân như dụng mộc, không phải thợ mộc giỏi thì gỗ vàng tâm cùng thành củi.



Thế đấy. Đánh giá một tác phẩm đâu phải chuyện đùa, chuyện phiên phiến. Tôi nhớ sáng thứ bảy hôm qua(10.12.2011), Hội VHNT mời tôi xuống họp tuyển chọn thơ nhạc cho đêm Nguyên Tiêu 2012, tôi ngồi đọc hàng chục bài thơ của các tác giả, trong bụng cứ thấy lo lo cho nền thơ ca Vĩnh Long đang bị chựng lại, nhưng ngoài miệng vẫn cứ phải nói, “ráng đãi cát tìm vàng, vàng cám lẫn trong sỏi đá khó thấy lắm”. Chủ đề đêm thơ Nguyên Tiêu của chúng tôi là Biển đảo, Nông nghiệp Nông dân Nông thôn và Học tập tư tưởng Hồ Chí Minh, hướng ưu tiên chủ yếu dành cho các tác giả chưa xuất hiện trước công chúng, nhưng vì mục đích là đem thơ phục vụ cho công chúng, nên tất nhiên rốt cùng cũng phải chọn thơ hay- và ai sẽ là trọng tài đứng ra khẳng định bài thơ nào là thơ hay bây giờ. Chọn không khéo, coi chừng lại rước họa vào thân- như anh bạn V vừa bị chú Tư nói với tôi.



Nhưng may quá. Đã lại có điện rồi.

Xin lỗi các bạn. Chưa viết được gì nên tôi ngồi gõ mấy dòng này cho vui thôi.



Dzu- htt

Thứ Năm, 8 tháng 12, 2011

nhớ lại trận đánh đồn Cái Xơ- Tân Thành- Hồng Ngự- Đồng Tháp

NHỚ LẠI TRẬN ĐÁNH ĐỒN CÁI XƠ- TÂN THÀNH- HỒNG NGỰ- ĐỒNG THÁP

Hồ Tinh Tâm




Trận đồn Cái Xơ là trận đánh mà tôi rất khó quên, trong đội hình D1 E207, tại Tân Thành- Hồng Ngự- Đồng Tháp, vào khoảng cuối mùa khô năm 1974, lúc tôi là A trưởng A vô tuyến điện của tiểu đoàn. Bấy giờ A vô tuyến điện của tôi có bốn máy PRC25, tôi bố trí ba máy đi cùng ba đại đội(C1, C2, C3), còn máy do tôi phụ trách đi cùng ban chỉ huy tiểu đoàn, nằm sát với trung đội trinh sát và trung đội hữu tuyến điện. Cùng đi chung máy với tôi là Phương(hình như là Nguyễn Văn Phương), quê ở Thường Tín Hà Tây; vừa thi xong tốt nghiệp lớp 10 thì nhập ngũ. Phương cao khoảng 1,70 mét, rất đẹp trai, với nét mặt rất ra dáng dân chơi Hà Nội, vừa lạnh kiểu phớt đời, vừa thư sinh trắng trẻo. Tôi kể hơi dài dòng, bởi tôi muốn nhớ lại một vài chi tiết, để hy vọng Phương và đồng đội, nếu đọc được bài viết này, thì nhớ rằng tôi là Hồ Xuân Tâm, sinh viên đại học địa chất, nhập ngũ trước Phương, Mỹ, Tùng… khoảng hai năm, và đã học qua trường quân chính(quân khu Tả Ngạn) trước khi vào chiến trường B2 Nam Bộ.



Từ một Sóc(Phum Sóc) bên kia sông Trăng biên giới, thuộc tỉnh Tà Keo, chúng tôi vượt sông vào buổi chiều, hành quân ròng rả đến gần khoảng 11g00 đêm thì tiếp cận vị trí tập kết, cách hàng rào thứ nhất đồn Cái Xơ khoảng một trăm mét. Lúc này tất cả các máy vô tuyến điện của tiểu đoàn đều mở chế độ trực sóng, nhưng chưa được phép liên lạc với nhau, tất cả mệnh lệnh đều được truyền qua đường dây hữu tuyến. Không hiểu sao đêm mùa khô mà trời tối như mực, Phương nằm sát bên tôi mà nhìn cũng không rõ mặt. Xung quanh im lặng như tờ. Bóng đêm và sự im lặng vây bủa, đã làm cho Phương trở nên căng thẳng, bởi đây là trận đánh đầu tiên của chàng trai quê lụa, mới chân ướt chân ráo vào tới chiến trường. Bởi vậy Phương xin phép tôi được lôi tờ mật mã ra xem lại, vì Phương sợ khi nổ súng sẽ quên mất. Biết rằng dù có mở ra cũng không thấy đường mà đọc, nhưng tôi vẫn gật đầu, nhằm tránh cho anh ta sự căng thẳng. Thế rồi chúng tôi được lệnh tiếp cận áp sát hàng rào thứ nhất, chờ giờ G nổ súng. Khi đã áp sát hàng rào, tôi mới phát hiện Phương bỏ quên tờ mật mã ở điểm tập kết. Biết rằng điều đó cũng không mấy quan trọng, nhưng theo nguyên tắc bảo mật thông tin, tôi vẫn quay lại để lấy. Khi tôi trở lại, nằm xuống bên cạnh Phương, nghe mùi khai nồng nặc bốc lên, tôi biết rằng Phương sợ quá đã đái ra quần. Đây là điều rất hay xãy ra với lính mới tò te đánh công đồn lần đầu. Vậy mà Phương còn ghé vào tai tôi hỏi đi hỏi lại. “Anh Tâm ơi, sao im lặng thế này?”. “Anh Tâm ơi, hay đã có lệnh rút mà họ quên báo cho mình?”. “Anh Tâm ơi, khi mình xung phong, phía sau họ bắn trúng mình thì sao?”. “Anh Tâm ơi, có bao giờ súng bị kẹt đạn không?”… Sự tác động lo sợ căng thẳng rất dễ lây lan, nên tôi phải gắt. “Cứ năm yên đấy. Khi nghe súng phát hỏa thì bám theo tao mà lao lên!”.



Chuẩn bị đến giờ G, tôi lệnh cho tất cả các máy chuyển sang kênh tần số đã quy định, mở chế độ trực 24/24, sẵn sàng chờ chỉ thị của tiểu đoàn. Khi pháo lệnh nổ vang trên bầu trời, lập tức bộc phá và DKZ điểm hỏa. Chớp lửa nhoáng lên loa lóa trước mắt. Rồi thì B40, B41 nổ ùng đoành như dội lửa. Tôi nghe rất rõ tiếng tiểu đoàn trưởng Hai Mai thét rất to. “Xung pho…ong! Xung pho… ong!”. Dưới ánh lửa chớp lóa của hỏa lực phá hàng rào, tôi nhìn thấy Hai Mai vung khẩu K54 vọt lên phía trước. “Theo tao!”. Tôi chỉ kịp nói với Phương như quát, rồi lập tức vọt lên, chạy bám sát Hai Mai, để chờ chỉ thị mệnh lệnh của anh. Cái máy PRC25 đập vào lưng tôi oành oạch. Tay phải tôi cầm cổ báng súng khẩu AK, tay trái tôi cầm tổ hợp áp sát vào tai. Chân tôi guồng như cái máy, vậy mà vẫn không thể nào chạy theo kịp Hai Mai. Phía sau, Phương vẫn bám sát tôi từng bước.



Loa lóa trong chớp lửa, tôi thấy bộ binh của ta căm cắm lao lên. Lao lên vùn vụt dưới sự yểm trợ của hỏa lực 12ly8, DKZ và B40, B41. Chừng nghe tiếng anh Nguyễn Bá Thiệu vang lên bên tai “xong rồi”, tôi mới nhận ra chúng tôi đã vào tới giữa đồn Cái Xơ. Phương ngơ ngác hỏi tôi, “xong rồi cái gì hả anh?”. Lúc đó tôi cảm thấy buồn cười nhưng vẫn nói, “chiếm xong đồn rồi chứ xong gì nữa, giờ thì phải nhanh lên, bám chặt theo tao, không thì ăn pháo dập đấy”. Nói xong tôi truyền lệnh của tiểu đoàn trưởng, cho tất cả các đại đội rút ra khỏi đồn, triển khai đội hình phòng thủ cặp theo sông Tân Thành.



Đội hình còn đang triển khai thì pháo địch từ Chi khu Ngã Sáu, từ Hồng Ngự, từ Mĩ An đã dội xuống đồn Cái Xơ như dội lửa. Chủ yếu là pháo khoan và pháo chụp. Cả pháo 105 ly và pháo 155 ly thi nhau bắn xối xả. Rồi một chiếc đầm già bay tới thả đèn dù và xối trọng liên ằng ặc dai dẳng như trâu đái đêm. Lúc này trời đã nhờ nhờ sáng, trông rõ chiếc máy bay C130 đen sì lượn quần quần trên bầu trời.



Mặc chiếc đầm già xả trọng liên và thả lựu đạn, thả đạn cối xuống không ngừng, chúng tôi quật sức ra đào công sự, chuẩn bị cho một ngày đối mặt với bộ binh sư đoàn 7 đã dàn quân phía bên kia sông Tân Thành.



Tôi nói với Phương:

- Bây giờ mới chuẩn bị đánh đấm ra trò đấy. Mày mệt thì dựa công sự chợp mắt một lúc đi, để tao trực máy cho. Trời sáng là không còn cơ hội để được ngồi yên đâu.




6 giờ sáng.

Một bầy trực thăng từ hướng Đồng Tâm bay tới. Tôi không nhớ rõ là bao nhiêu chiếc, nhưng chắc chắn là hơn chục chiếc. Cuộc oanh tạc bằng rốc két và trọng liên bắt đầu. Lệnh của Hai Mai là cả tiểu đoàn phải nằm yên, không được nổ súng, tiết kiệm đạn dược chờ đánh bộ binh sư đoàn 7. Nhiệm vụ của chúng tôi là bằng mọi giá phải giữ vững trận địa. Sau này bằng kinh nghiệm riêng của mình, khi đến Tà Nu gặp một số anh em quân báo, tôi biết vào thời điểm đó, trung đoàn 207 của chúng tôi phải khai thông hành lang biên giới, đảm bảo cho Bộ tư lệnh Miền thực hiện ý đồ chuyển quân chiến lược, chuẩn bị cho một chiến dịch lớn. Bởi vậy chúng tôi đã án binh bất động, để mặc cho bầy trực thăng tha hồ chúi xuống sút rốc két và xối trọng liên như điên như cuồng. Ngồi bó gối ôm đầu chịu trận dưới công sự, Phương có vẻ ấm ức lắm. Anh ta nói với tôi. “Đám trực thăng này em thấy dễ xơi quá, sao mình lại không đánh nhỉ?!”. Tôi nói. “Thế đấy! Cánh lính nhà ta ai cũng như ai, làm lính thì non làm tham mưu con thì già, biết thế nào được ý đồ của cấp trên. Ăn lương khô đi! Đừng có để phải ủm củ tỏi với cái bụng rỗng”.



Bầy trực thăng sau mấy vòng quần đảo bắn phá mới rút đi. Thay vào đó là từng tốp phản lực F4 tới dội bom. Từng tiếng nổ chát chúa liên tục dội lên. Khói lửa, bụi cát mịt mù. Mặt đất rùng mình rung lên như động kinh. Bên hầm chỉ huy, Hai Mai hét lên, lệnh cho tôi liên lạc với các đơn vị, đề nghị kiểm tra báo cáo quân số. Tôi nghe rõ tiếng của từng điện đài viên vẫn vang lên trong tổ hợp. Các trận địa vẫn sẵn sàng chờ lệnh.



Dứt trận bom, pháo bầy từ các nơi thi nhau nả xuống. Bây giờ chủ yếu là pháo khoan và pháo phát quang. Mảnh pháo bay veo véo, xé gió rít trên đầu, nghe lạnh cả xương sống. Đất đổ rào rào xuống công sự, xuống đầu xuống cổ chúng tôi. Để không bị chôn sống, cứ sau mỗi lần bị đất vùi, tôi và Phương lại phải ra sức dùng xẻng hất đất ra khỏi công sự. Điều cốt tử là chúng tôi phải bảo vệ cái máy PRC25 dúi sâu trong hàm ếch. Và cứ sau mỗi đợt dứt tiếng pháo, tôi lại phải lôi máy ra, cắm ăng ten lá lúa vào để liên lạc với các trận địa. Trong một lần lên sóng, Mĩ từ C3 nói với tôi. “Địt mẹ nó. Đánh không đánh, toàn dội bom bắn pháo thế này”. Đây là việc làm vi phạm điều lệnh của lính thông tin, nhưng tôi hiểu tâm lý bị ức chế căng thẳng của anh em, nên chỉ bóp tổ hợp nhá tín hiệu cho Mĩ im lặng.



Suốt cả buổi sáng, quân lực Việt Nam cộng hòa chỉ dở đi dở lại trò hết sút rốc két, hết dội bom lại nả pháo như điên như cuồng, còn bộ binh sư 7 vẫn nằm im thin thít bên kia sông Tân Thành. Đội hình tác chiến của tiểu đoàn vẫn được giũ vững, các trận địa báo về không có thương vong.



Mãi quá trưa, khi chúng tôi đã đói mèm và khát cháy cổ, mới thấy hai người lính hậu cần xuất hiện trên công sự, mặt mũi đen nhẻm khói thuốc súng. Cả hai đều toét miệng cười trắng lóa, nói với chúng tôi. “Còn sống hả. Cơm đây! Chúng nó bắn khiếp quá, đừng trách tụi này nhé!”. Hai vắt cơm và một bi đông nước. Vậy là quá tốt. Đã xác định phải nhai gạo rang, vậy mà lại có cơm và nước. Hậu cần tiểu đoàn quá tuyệt còn gì. Phơi mình trên mặt đất dưới hỏa lực bom pháo để bò đến các trận địa, chẳng biết anh em có ai bị làm sao không. Nếu vì miếng ăn của chúng tôi mà anh em hy sinh thì… Tôi nhoài người lên, ôm đầu một người lính, hôn túi bụi lên mặt anh ta. Người lính kia nói với tôi. “Vừa phải thôi. Để dành đấy, ra Bắc tao cho hôn con Thoa em gái tao thoải mái. Da thịt con gái chúng nó thơm lắm, không như thằng này đâu!”. Nói xong, anh ta móc túi lôi ra gói thuốc rubi quân tiếp vụ, đưa cho tôi hai điếu, nói. “Còn phải để dành cho bọn nó nữa. Hút đỡ đi. Đừng có ngủ quên dưới công sự đấy!”.



14g30.

Lại một trận bom của F4.



15g10.

Pháo 105 ly, pháo 155 ly bắn cấp tập.



15g45.

Hỏa lực trọng liên của M48, M113 bên kia sông Tân Thành bắn sang như dội bão. Đạn vút chiu chíu xé gió trên đầu. Tiếng nổ chát chát đùng đùng đanh sắc tới chói óc.



Phương hỏi. “Bắt đầu rồi phải không anh? Tụi sư 7 đã sủa rồi đấy”. Tôi nói. “Cũng có thể. Mày nhận và dịch tin của trung đoàn đưa sang cho anh Hai Mai đi! Nhớ coi chừng cái mông đấy! Để mảnh pháo nó gọt mất thì ế vợ”. Phương nhận và dịch tin xong, vừa vọt khỏi công sự chạy sang hầm tiểu đoàn trưởng thì liên tục mấy trái pháo nả xuống xung quanh công sự của tôi. Bụi đất văng bắn tứ tung. Khói phả mịt mù. Tôi chỉ kịp xô cái máy xuống rồi nằm đè lên. Đất đổ xuống rào rào, ập lên người tôi cả đống, khiến tôi vừa ngạt thở vừa đau tức trong lồng ngực. Bụi đất tràn vào mồm buộc tôi phải vùng vẩy ngoi đầu lên, ho sặc sụa. Việc đầu tiên của tôi là phải moi cái máy lên, bươi đất ấn nó vào trong cái hàm ếch, rồi dùng xẻng hất bụi đất ra khỏi công sự. Trọng liên của M48, M113 vẫn quét ràn rạt trên đầu, nổ toác toác đùng đùng chói lói. Phương và tay liên lạc của tiểu đoàn trưởng xuất hiện trên miệng công sự, thấy tôi còn sống cả hai đều toét miệng cười. Sau đó tay liên lạc trở về, còn Phương trườn xuống với tôi, cùng tôi xúc đất và củng cố lại công sự. Xong xuôi mọi việc, chúng tôi ngồi tựa lưng vào công sự thở dốc, mặc cho đạn nhọn bay veo véo trên đầu. Nhưng thấy hỏa lực cấp tập của thiết giáp cứ liên tục bắn như vải trấu, mà không nghe tiếng súng giáp chiến của hai bên, tôi đâm ra sốt ruột, nghi ngờ có điều gì đó đang xãy ra. Nhìn cái đồng hồ Slava đeo tay, thấy đã 16g40 hơn, tôi liền lên sóng, bẻ cò lần tìm các tần số liên lạc của đối phương. Bầu trời ồn ào đến mức không tưởng được. Sóng mặt đất liên lạc với mặt đất. Sóng mặt đất liên lạc với trên không. Sóng trên không và mặt đất liên lạc với nhau. Tất cả đan qua đan lại. Nghe ồn ào và rất gần. Trong mớ sóng âm thanh hỗn độn ấy, thốt nhiên tôi nghe được tiếng gọi. “Du Lu gọi Hùng Cường. Du Lu gọi Hùng Cường. Nghe rõ trả lời. Đã vượt qua con trăn xanh. Đã chà xát mấy ụ mối, thu được mấy cây củi mục”. Linh tính mách bảo tôi rằng, chắc chắn tụi chiến xa núp dưới làn đạn trọng liên đã hộ tống lính bộ binh vượt sông Tân Thành. Mấy ụ mối, mấy cây củi mục, rất có thể là ám chỉ việc chúng đã chà xát trận địa hỏa lực của ta, thu được súng chống tăng của ta. Anh em thức trắng cả đêm qua, lại bị căng thẳng dưới hỏa lực suốt từ sáng đến giờ, rất có thể hoặc vì chủ quan, hoặc vì ngủ gật dưới công sự, đã bị bộ binh sư 7 bất ngờ vượt sông đột kích. Loạt pháo vừa rồi rất có thể là pháo bắn nghi trang gây tiếng nổ để xe tăng và thiết giáp vượt sông. Lo sợ cho trận địa hỏa lực bị chọc thủng, tôi muốn chạy ngay sang báo cho tiểu đoàn trưởng biết, nhưng lại sợ ông nóng tính, kỉ luật tôi về tội dám thăm dò sóng thông tin của đối phương. Nhưng tiếp tục dò thêm vài kênh tần số nữa, tôi vẫn nghe đối phương trao đổi với nhau về mấy ụ mối, mấy cành củi mục. Vậy là tôi liều mạng trườn sang hầm thủ trưởng tiểu đoàn. Nghe tôi báo cáo nghi vấn, Hai Mai đập tay vào vách công sự, quát ầm lên. “Vượt sông là thế nào! Tổ hỏa lực có tăng cường, chúng vượt sông thế nào được!”. Thấy mặt ông đỏ bừng, hai mắt long lên sòng sọc, tôi cũng đâm hoảng. Nhưng đúng lúc đó thì Thanh liên lạc của C2 nhảy ào xuống hầm với gương mặt đầm đìa những máu. Anh ta vừa thở vừa hổn hển nói. “Báo cáo… báo cáo thủ trưởng… tổ hỏa lực đã… đã bị tiêu diệt. Trận địa C2 có… có nguy cơ bị thủng. Thủ trưởng… thủ trưởng Biên đã hy sinh ”. Nghe đến đó, Hai Mai gầm lên, quát vào tai tôi. “Ông vác máy ngay qua đây! Lệnh C3 tăng cường lập tức hai trung đội cho C2!”. Xoay sang người liên lạc của C2, Hai Mai cũng nói như quát. “Về nói anh Tùng giữ vững trận địa. Sẽ có tăng viện. Đi nhanh lên’.



Thấy tôi chuyển lệnh xong, Hai Mai nói. “Bắt liên lạc ngay với trung đoàn cho tôi! Đù má! Tao ăn thua đủ với tụi mày nè!”. Tôi giương ăng ten bảy đốt, nối được liên lạc với Ban chỉ huy tiền phương của E. Hai Mai giằng ngay lấy tổ hợp, nói như gầm vào ống nghe. “Hai Mai D1 đây. Hai Mai xin hỏa lực tăng viện ngay. Bắn thẳng vào chúng tôi. Thiết giáp trung đoàn 10 vượt sông rồi. Bắn ngay đi!”. Quay sang người lính liên lạc của mình, Hai Mai cũng nói như quát. “Lệnh cho các bộ phận của D bộ lùi xa khỏi trận địa trăm mét. Lẹ lên! Không còn thời gian đâu!”. Quay sang tôi, ông nói. “Về công sự, chui hết vào hàm ếch. Nhanh lên!”.



Trở về công sự của mình, tôi với Phương ra sức đâu lưng vào nhau khoét rộng thêm cái hàm ếch. Đang đào thì tiếng súng từ trận địa C2 đã bùng lên chát chúa. Như vậy là cánh C2 đã chính thức giáp chiến với tụi trung đoàn 10. Đeo máy lên lưng, cả tôi và Phương đều quỳ trong công sự, hướng nòng AK về phía Tân Thành. Chúng tôi đều ý thức rằng, rất có thể bộ binh trung đoàn 10 đã ở ngay trước mặt, rất có thể chúng sẽ ập tới ngay lúc này; tại trận địa Ban chỉ huy tiểu đoàn lúc này, chỉ còn có hai chúng tôi và tiểu đoàn trưởng. Chính trị viên Thái đang trực tiếp chỉ huy tại trận địa phòng thủ của C3. Chính trị viên phó Biên đã hy sinh. Tham mưu trưởng Nguyễn Bá Thiệu thì không biết chết sống thế nào ở trận địa hỏa lực đã bị đối phương chọc thủng. Các bộ phận của D bộ chắc chắn đã nhận lệnh lùi về phía sau.



Trọng liên của M48, M113 đã không còn bắn về phía chúng tôi, mà dồn hết về phía C2. Mấy chiếc trực thăng cũng bâu về phía C2 sút rốc két. Toàn bộ cối 61, cối 82 của tiểu đoàn cũng bắn về phía ấy để chi viện cho C2. Tình hình trở nên khẩn trương và nguy hiểm cực kì. Nếu vỡ trận địa C2, toàn bộ tiểu đoàn sẽ bị phơi lưng, không còn lối thoát giữa cánh đồng Tân Thành mùa nắng đất khô rang nứt nẻ.



Giữa nắng chiều chiếu xiên khoai bỏng rát, bất ngờ tôi nhìn thấy nòng pháo của một chiếc M48 lòi ra từ trên một gò đất, cách chỗ chúng tôi khoảng hơn hai trăm mét. Như vậy là bộ binh sư 7 đang tiên về trận địa chốt giữ của D bộ, mà lúc này tại đây chúng tôi chỉ còn có vỏn vẹn có ba người. Tôi nói với Phương đặt hết lựu đạn lên bờ công sự, giương sẵn lưỡi lê để sẵn sàng đánh cận chiến. Cái chết mười mươi của chúng tôi đã trong tầm tay. Gương mặt người lính trẻ căng lên, đôi mắt đục ngàu, có vẻ đang ánh lên một chút ưu tư gì đó. Nhưng khi đầu chiếc tăng nhô lên, nhìn thấy cả tháp pháo, bỗng nhiên nó lại quay ngoắt về bên trái. Tiếp theo nó, tôi còn nhìn thấy một chiếc nữa cũng xoay nòng tiến về phía trận địa C2. Tôi rùng mình nghĩ tới cảnh C2 vừa bị đánh vỗ mặt, vừa bị đánh tạt sườn, vừa bị đánh tập hậu. Chẳng biết C2 có đủ sưc trụ nổi không, hay cũng bị bằm nát và bị xích sắt xe tăng chà xát như trận địa hỏa lực của tiểu đoàn.



Đúng lúc đang căng thẳng nhất, tôi nghe thấy mấy tiếng nổ đoành đoành rất lớn, mà không hề nghe thấy tiếng nổ đề ba đầu nòng súng. Kinh nghiệm cho tôi biết rằng, đó chính là cối 106,7 bắn cầu vồng của ta đã vào cuộc. Như vậy là hỏa lực đã tăng viện, đã bắn thẳng xuống trận địa của ta theo yêu cầu của Hai Mai. Tôi và Phương vội vàng chui ngay vào hàm ếch. Sự sống chết bây giờ hoàn toàn tùy thuộc vào mệnh trời. Cối 106,7 đầy uy lực của ta đang nả thẳng vào đối phương và xuống đầu chúng tôi. Đây là nước cờ cuối cùng mà Hai Mai buộc phải dùng để giũ vững trận địa. Nước cờ thí(kể cả tính mạng của ông) để giành phần thắng.



Sau này tôi biết thêm rằng, hôm đó ngoài hỏa lực cối 106,7, đoàn pháo Z56 của quân khu còn bắn chi viện cho trận địa chúng tôi hai trái DKP, khiến bộ binh trung đoàn 10 của sư 7 Sài Gòn phải rút hết về bên kia sông Tân Thành, bởi có lẽ chúng sợ sẽ đụng độ lớn với chủ lực của ta. Và cũng ngay vào sập hoàng hôn hôm đó, sư đoàn 7 triệt thoái toàn bộ lực lượng về căn cứ Đồng Tâm.



HTT

Thứ Ba, 6 tháng 12, 2011




nỗi buồn không cánh cũng bay xa
htt

CON CHIM LỢN ĐÃ MẤT

Dzu- htt


Từ hôm đi Cần về, theo thói quen, đêm đêm tôi vẫn lên net tìm đọc, và ngồi gõ bàn phím những gì tôi nhĩ suy về cuộc sống, về chính bản thân mình. Bao nhiêu kỉ niệm vui buồn với bạn bè vẫn còn ăm ắp, như có thể nghe được, sờ nắm được. Thế nhưng không hiểu vì sao, lúc nào tôi cũng có cảm giác lành lạnh, như thiếu vắng một thứ gì đó, rất mơ hồ. Mãi cho đến sáng nay, khi con gà trống nhà hàng xóm gáy te te, với cái giọng còn non choẹt đã tập làm người lớn của nó, tôi mới giật mình nhớ ra, rằng trong tỉnh mịch đêm trường, tôi không còn nghe tiếng vỗ cánh phành phạch nặng nhọc, tiếng kêu éc éc rờn rợn của con chim lợn, mà trước đây tôi vẫn hằng nghe. Nó là con chim ăn đêm duy nhất còn lại trong xóm phố chật hẹp của tôi. Nó thuộc loài chim chuyên ăn những đồ dơ dáy, như xác chết thú vật, các thứ phân hôi thối. Nó là loài chim ăn đêm bị hắt hủi, bị ruồng rẩy, bị ghê sợ, bị nguyền rủa, bị người đời xua đuổi, cầu nó chết quách cho rồi. Nó là con chim tủi nhục của số phận khổ đau từ tiền kiếp. Nó đã bỏ tôi. Nó đã rời bỏ khỏi thế giới luôn hắt hủi nó, ghê sợ nó, coi nó như tai họa, như sứ thần khủng khiếp của thần chết. Nó đã bỏ tôi đi đâu. Vì sao nó lại bỏ tôi mà đi. Nó chỉ là một con chim ăn đêm, nó từng gắn bó với tôi, đến với tôi vào lúc tôi mỏi mệt nhất, trong khoảng từ hai giờ sáng đến ba giờ sáng. Đó là thời khắc của sự lặng im, bao trùm thế giới con người trong giấc ngủ mê mệt, đầy mộng mị. Chỉ có nó, con chim bị hắt hủi, con chim bị ruồng rẩy, con chim bị khinh thị, con chim bị thù ghét ghẻ lạnh, nặng nề tìm đến với tôi, quen thuộc với tôi, chia sẻ với tôi, éc éc trò chuyện với tôi. Trong nhiều trang viết của tôi, tôi vẫn thường nhắc đến nó, nhưng nay chỉ còn lại trống vắng, làm sao tôi có thể tư duy, mà không thể tư duy thì làm sao tôi tồn tại. Nó chỉ là một con chim. Một con chim ăn đêm, như cú mèo, cú vọ. Một con chim chuyên ăn đồ dơ dáy, như quạ, như kên kên. Nó là con chim lợn. Con chim lợn duy nhất còn lại trong xóm phố chật chội của tôi. Nó là con chim lợn đã mất.

Chúa quyền năng nói rằng, “không có sự công bình. Không có bất cứ một sự công bình nào cả”. Điều vô lý đến phi lý ấy, tiếc thay, lại chính là tồn tại của sự thật. “không có sự công bình. Không có bất cứ một sự công bình nào cả”. Con chim lợn đã mất của tôi, nó có tội tình gì. Nó là một con chim. Như chim công, chim họa mi. Nhưng nó không được trời phú cho bộ lông sặc sở sắc màu, cùng giọng hót mê đắm muôn loài. Thú thật là cho đến tận bây giờ, tôi cũng chỉ nghe nói về nó, chứ chưa bao giờ nhìn thấy nó, dù ròng rả nhiều đêm tôi với nó rất gần nhau, nghe rõ nhau, thấu lẫn nhau bao điều trăn trở. Con người vẫn tự xưng là giống loài thượng đẳng, có nền văn minh chủng tộc cao cấp đến ghê sợ, khi mà con người tìm ra định luật Hendenber, định luật rơi tự do, định luật bảo toàn vật chất, định luật vạn vật hấp dẫn, khi mà con người khám phá ra lỗ đen vũ trụ, cùng học thuyết tương đối về tất cả; thậm chí, ghê sợ hơn nữa, là con người có thể đảo ngược cả quy luật tự nhiên, nhân bản ra chó, ra chuột, và ra luôn cả chính con người. Con người huênh hoang rằng, biển dẫu gầm thét dữ dội đến đâu, cũng không thể nào ra khỏi trái đất, còn con người có thể với tay lên tận sao Kim sao Thủy. Con người khoác lác, về sự chế ngự thiên nhiên của trí tuệ con người. Con người vỗ ngực, vì sự khám phá ra tồn tại của thế giới phản vật chất. Vậy mà con người không thương nổi con chim lợn phải sống trong chính sự ghẻ lạnh của con người. Sự công bằng? Rõ ràng là không hề có sự công bằng. Ngay như con chim lợn của tôi. Nó chỉ là một con chim. Như con cò trắng. Như con quạ đen. Nghĩ tới con chim của tôi. Nghĩ tới con chim lợn đã mất. Tôi thắt ruột, đau tới nghẹn ngào trước một câu ca dao, mà trước đây, tôi chưa bao giờ chịu nhìn nhận cái hay cái đẹp của nó.

Con quạ đen con cò trắng

Tôi ngồi tôi ngẫm cái sự đời

Con cò trắng con quạ đen

Đấy. Cuộc đời vốn đen bạc như thế đấy. Con quạ đen thì đã sao? con cò trắng thì đã sao? Con chim lợn chuyên ăn đồ hôi thối, có tiếng kêu bị coi là xấu xí, ghê rợn, nó có tôi tình gì?!! Ai biết, hằng đêm, khi tôi mòn ngón tay gõ những thân phận cuộc đời, những tình yêu bội bạc, con chim lợn vẫn lặng lẽ bay đến xóm tôi, âm thầm dọn sạch mọi dơ bẩn. Ai trong số những con người đang sống quanh tôi, có thể sẻ chia cùng tôi, nỗi đau tới chạnh lòng về con chim lợn đã mất.

Đêm nay, có thể tôi lại ngồi viết về nỗi nhớ Cần Thơ, viết về sự dịu dàng, viết về sự quay quắt ganh tị, nhưng tôi biết, nhưng tôi biết chắc chắn một cách đau đớn rằng, con chim lợn của tôi đã mất. Con chim lợn đã mất.

Dzu

hồn ma bóng quế- truyện về gỗ Ngọc Am của hotinhtam

HỒN MA BÓNG QUẾ

Truyện ngắn: Hồ Tĩnh Tâm

Từ ngày vợ mất vì tai nạn giao thông, suốt hai năm trời, Toàn sống vất vưởng như người không hồn. Mỗi ngày, cứ hết giờ làm việc buổi chiều, Toàn lại tìm đến quán bà Minh gọi dĩa bò khô, ngồi lặng thinh với ve rượu trắng, tới gần nửa đêm mới khật khưởng ra về. Bà Minh là người bán đồ nhậu suốt đêm ở ngã ba đường, nên bà cũng chẳng lấy điều đó làm buồn, cho dù đêm nào Toàn cũng chiếm của bà một cái bàn, một khoảng không gian trong khoảng không gian làm ăn chật hẹp của bà. Thế rồi ngày này qua ngày khác, tuần này qua tuần khác, tháng này qua tháng khác, bà Minh quen dần với nỗi khổ đau ủ ê của Toàn, lại động lòng thương Toàn, thỉnh thoảng khi vắng khách vẫn ngồi trò chuyện với Toàn, động viên an ủi Toàn, san sẻ với anh nỗi cô đơn đau khổ. Bà thường khuyên Toàn rằng, tốt nhất là nên bán ngôi nhà đang ở, mua một ngôi nhà mới ở đâu đó, để quên đi những gì thuộc về quá khứ vẫn hằng ám ảnh anh, như vậy mới hy vọng nguôi đi được nỗi đau, để làm lại cuộc đời, vì tuổi Toàn vẫn còn rất trẻ. Nghe Toàn nói, ngôi nhà nhỏ của anh có bán cũng chẳng được bao nhiêu, bà Minh gợi ý, từ nay bà sẽ tặng anh dĩa mồi, để anh lấy tiền đó mua vé số, biết đâu trời đất thần phật lại động lòng thương thì sao. Nói sao làm vậy, đêm hôm sau khi Toàn ra uống rượu, bà Minh nhất định không chịu lấy tiền dĩa mồi, còn Toàn thì cứ khăng khăng đòi trả, và còn nói rằng, nếu bà không lấy tiền thì anh sẽ ngồi đến sáng. Đang lúc hai người chưa ai chịu nhường ai thì có người đàn ông bán vé số đi qua, bà Minh bèn nhận tiền của Toàn mua bốn tờ vé số đưa cho anh, nói rằng bà tặng anh để cầu hên. Nước này thì Toàn chỉ còn biết nhận bốn tờ vé số cùng lời cảm ơn bà Minh rồi ra về. Ai có ngờ đâu bốn tờ vé số ấy lại trúng độc đắc. Toàn nói lộc trời cùng hưởng nên chia cho bà Minh hai tờ. Mới đầu bà Minh từ chối quyết liệt lắm, vì nói rằng bà đã mua cho Toàn thì vé số là của Toàn, bà nhận sẽ không phải với trời đất, e rằng tổn thọ, nhưng rồi cứ bị Toàn thuyết phục mãi, rằng nếu Toàn hưởng phúc một mình, sợ rằng trong phúc sẽ có họa, cuối cùng bà Minh cũng chỉ xin nhận một tờ để cầu phước cho Toàn vạn sự như ý.

Có tiền, Toàn lập tức làm theo ý bà Minh, bán ngôi nhà cũ, ra ngoại ô mua miếng đất cất nhà, sát bên con đường nằm cặp dòng sông cái. Từ đó anh không còn uống rượu nữa, mà chỉ chuyên tâm vào công việc làm ăn hàng ngày. Người đời vẫn nói, họa vô đơn chí phước bất trùng lai, vậy mà từ ngày chuyển về nhà mới, công việc làm ăn của Toàn lại tiến triển tốt đẹp lên trông thấy, tiền vô ào ào như nước chảy. Đêm đêm nằm một mình trong căn phòng trống trải có cửa sổ nhìn ra sông lớn, Toàn vẫn nghĩ rằng ngôi nhà anh cất đúng long mạch, hạp với phong thủy, nên anh mới gặp được vận may trong công việc. Toàn luôn nghĩ trong đầu như vậy, cũng là bởi một điều rất lạ, không hiểu vì sao phòng ngủ của anh lúc nào cũng thoang thoảng một thứ hương thơm dìu dịu, khiến mọi mệt nhọc sau một ngày làm việc của anh đều tan biến đi hết cả, thay vào đó là cảm giác sảng khoái dễ chịu mà xưa nay anh chưa từng có. Nghĩ là có điều gì linh thiêng, nên Toàn thỉnh về nhà một bát hương, rồi đốt nhang khấn rằng, nếu có ai mở lòng phù hộ độ trì cho anh thì xin cứ về để anh thờ cúng. Khấn xong Toàn tắt đèn đi ngủ.

Vào khoảng quá nữa đêm, Toàn giật mình thức giấc, vì nhận thấy có một thiếu nữ xinh đẹp không hiểu bằng cách nào vào được phòng anh, nhẹ nhàng nằm xuống bên anh, rồi vòng tay ôm chặt lấy anh. Lúc đó Toàn không hề thấy sợ, cũng không thấy có điều gì ngạc nhiên đáng phải lo nghĩ, mà chỉ cảm thấy rạo rực nỗi khát thèm của đàn ông. Và rồi rất tự nhiên, cả hai cuộn chặt lấy nhau, đắm chìm với nhau đến mê lịm.

Sáng ngày thấy quần mình bị ướt, Toàn nghĩ rằng đêm qua mình đã nằm mê thấy chuyện ấy, nên anh vẫn yên tâm đi làm như mọi hôm. Nhưng rồi khi đêm đến, khi đã chìm vào giấc ngủ, Toàn lại thấy cô gái xinh đẹp ăn mặc theo lối người xưa đến nằm xuống bên anh, cùng anh vùi vào chuyện chăn gối đến mê lịm. Và rồi đêm nào cũng vậy. Đêm nào hai người cũng lặng lẽ dâng hiến cho nhau đến cùng kiệt sự thỏa mãn, mà ngay cả với người vợ trước đây Toàn cũng chưa bao giờ có được. Một tuần. Hai tuần. Rồi một tháng. Rồi hai tháng trôi qua. Đêm nào cũng như đêm nào, vẫn là sự dâng hiến ái ân mặn nồng bằng xương bằng thịt, bằng cảm giác khát thèm nhau đến cháy bỏng. Ngạc nhiên với chính khả năng đàn ông của mình, Toàn tìm đến quán bà Minh uống rượu, rồi tình thật kể cho bà Minh nghe về căn bệnh mộng tình của mình, với hy vọng bà Minh là người lớn tuổi, biết đâu bà Minh sẽ cho anh được một lời khuyên. Bà Minh nghe xong thì nói. “Vậy là chú phải lấy vợ rồi. Lấy vợ mới giải tỏa được ức chế trong mộng của đàn ông”.

Cuối năm đó Toàn lấy vợ. Nhưng lạ một điều, là ngay cả khi đã làm tình với vợ, cứ quá nửa đêm, người thiếu nữ xinh đẹp ăn mặc theo lối cũ xưa vẫn tìm đến với anh, cùng anh vùi vào trận mây mưa đầy lạc thú, mà chính người vợ trẻ mới cưới của anh, cũng không thể nào đem lại được cho anh điều đó. Từ chỗ ngạc nhiên về khả năng của mình, Toàn đâm ra lo sợ, nên lại đem ra kể hết cho bà Minh. Lần này thì chính bà Minh đã ngoài sáu mươi tuổi cũng phải ngạc nhiên. Bà nói với Toàn rằng. “Nếu đêm nào cũng vậy, thì một là chú bị bệnh phải đi khám bác sĩ, hai là phải rước thầy địa lý đến xem thủy thổ nơi cất nhà, rồi mời thầy cúng đến yểm bùa trấn ngự”. Nói xong, bà Minh còn ngõ với Toàn rằng, nếu Toàn chịu, bà sẽ mời giùm anh một thầy địa lý rất giỏi. Vốn chịu ơn bà Minh bởi mấy tờ vé số, nên Toàn đồng ý làm theo lời khuyên của bà, nhờ bà rước giùm ông thầy địa lý.

Thầy địa lý là một người đàn ông ngoài bảy mươi tuổi đến từ miệt Bảy Núi. Ông này đến ngồi lầm rầm khấn bái, rồi gieo quẻ, rồi nói rằng, chắc chắn dưới giường ngủ của anh có hài cốt của một người con gái trẻ chết khi còn trinh tiết. Nói xong ông còn khẳng định rằng, vợ chồng anh cần cúng bái để di dời hài cốt cô gái ra ngoài lập mộ chôn cất, thờ phụng, vì chỉ có cách đó mới ngăn được cô gái đêm đêm tìm đến với anh. Toàn nghe xong đổ tháo mồ hôi hột, nhưng không còn cách nào khác, nên đành phải nghe theo lời ông thầy địa lý, thuê người đến đào tung căn phòng để tìm hài cốt. Và quả y như lời ông thầy đã phán, khi đào nền căn phòng xuống sâu hơn một mét, người ta tìm thấy một cỗ quan tài bằng gỗ còn rất mới, như thể chỉ mới vừa chôn được một hai năm nay. Gỗ quan tài có màu hổ phách sáng đẹp, vân gỗ lượn như mây vần vũ, lại tỏa ra mùi thơm ngào ngạt rất mặn nồng. Ông thầy địa lý đeo mục kỉnh nhìn ngắm một lúc rồi nói rằng, cỗ quan tài được đóng bằng gỗ Ngọc Am là thứ gỗ quý mà ngày nay không còn nơi nào nhìn thấy, như vậy người nằm trong đó chắc chắn đã qua đời cả trăm năm nay. Mấy người thợ đào đất nghe nói, ai nấy đều tròn xoe hai mắt, nhưng lạ lùng là không ai tỏ ra sợ hãi, vì dường như hương thơm dìu dịu đã giúp trấn an cho họ. Khi mọi người cạy được nắp quan tài, lại thêm một điều ngạc nhiên đến sững sờ, là bởi trong cỗ quan tài có một thiếu nữ trẻ xinh đẹp, mặt mũi, hình dáng và quần áo đúng hệt như người mà Toàn tả lại anh vẫn gặp trong mộng. Thiếu nữ nổi lập lờ trong thứ nước đặc sền sệt có màu hổ phách nâu đậm, bốc lên hương thơm ngào ngạt. Gương mặt thiếu nữ hồng hào như đang ngủ, mái tóc xõa dài đen óng, trang phục vẫn chắc và mới như vừa may xong. Thầy địa lý trầm ngâm một lúc rồi nói. “Cô gái nếu không là con nhà quan thì cũng là con nhà bá hộ, nên mới được ướp xác bằng tinh dầu gỗ Ngọc Am, được quàn bằng quan tài gỗ Ngọc Am, linh hiển thiêng lắm, mọi người nhớ giữ mồm giữ miệng kẻo vạ oan cho cả nhà”. Nói xong thầy địa lý quỳ xuống chắp tay khấn lạy, niệm nam mô mấy câu rồi khăn áo quày quả ra đi. Trước khi ra đi ông còn không quên dặn rằng, mọi người phải quên hết chuyện này từ hôm nay để còn sống đặng với bá tánh trong thiên hạ.

Nói lời nói gió bay là nói vậy, chứ thực tình, đôi khi lời nói ám ảnh lắm. Bởi vậy, những người được vợ chồng Toàn thuê di dời hài cốt, sau khi dời quan xong, không ai dám nhận một đồng bạc, ai cũng nói, tiền ấy xin nhờ vợ chồng Toàn lo nhang đèn cúng kiếng cho cô gái, mong cô phù hộ độ trì cho họ được tai qua nạn khỏi.

Cuối năm ấy vợ Toàn hạ sanh một bé gái đẹp như tiên nữ, đặt tên là Ngọc Lam, nói trại đi tên gỗ Ngọc Am, bởi đứa bé giống cô gái trong huyệt mộ như đúc.

HTT

VÀI TƯ LIỆU VỀ GỖ NGỌC AM MÀ HTT VIẾT TRONG TRUYỆN

Cây Ngọc Am hay còn gọi là Hoàng Đàn Rủ có tên la tinh là Cupressus funebris là loại cây thuộc họ Hoàng Đàn. Trong gỗ có hàm lượng tinh dầu cao được chiết xuất dùng làm mỹ phẩm và dược phẩm. Hiện nay, Ngọc Am thuộc nhóm 1A trong danh mục phân loại thực vật của Bộ NN&PTNT ( việc khai thác gỗ Ngọc Am đã bị nghiêm cấm ).
Gỗ Ngọc Am chỉ xuất hiện ở vùng núi cao Hoàng Su Phì của Hà Giang, gỗ được người dân bản địa khai thác từ các gốc rễ còn sót lại trong rừng. Gỗ Ngọc Am có nhiều tác dụng đối với sức khỏe, tắm bằng bồn gỗ Ngọc Am giúp cơ thể thải độc tố, lưu thông khí huyết, ngăn ngừa rôm sảy, giúp tinh thần tỉnh táo. Mùi thơm từ gỗ Ngọc Am xua đuổi côn trùng tạo mùi thơm dễ chịu đặc trưng nếu để trong phòng.
Bên cạnh tác dụng về dược tính, gỗ Ngọc Am được dùng như một biểu tượng tâm linh, các tượng gỗ, tượng thế, tràng hạt, gối đầu... được làm bằng gỗ Ngọc Am được người xưa coi như một biểu tượng giúp xua đuổi tà khí, đón rước thịnh vượng
Ngọc Am là loại gỗ quý thuộc nối với hóm 1A, hiện nằm trong danh sách đỏ thực vật của bộ NN&PTNT. Hiện nay việc khai thác gỗ Ngọc Am đã bị nghiêm cấm. Người dân chủ yếu khai thác tận thu từ các phần còn sót lại như rễ.
Tinh dầu Ngọc Am có nhiều tác dụng như: diệt khuẩn, khử mùi, xua đuổi côn trùng, giúp tinh thần sảng khoái. Tinh dầu Ngọc Am hòa với nước khi tắm giúp da dẻ hồng hào, giúp cơ thể thải độc tố (ngày xưa chỉ có vua chúa và quan lại có chức cao mới được dùng gỗ này để đóng bồn tắm và làm quan tài)...Theo quan niệm xưa, việc đặt gỗ Ngọc Am trong nhà giúp xua đuổi tà ma, đón rước may mắn và tài lộc. Gỗ Ngọc Am còn được sử dụng rất nhiều trong phật giáo như tạc tượng, làm tràng hạt, điêu khắc lư hương...Do có nhiều tác dụng như vậy nên khi thực dân Pháp đô hộ nước ta đã khai thác gần như hết Ngọc Am trong các khu rừng tự nhiên. Chính vậy gỗ Ngọc Am ngày càng quý hiêm và việc sở hữu một vật dụng làm từ Ngọc Am không phải là dễ.

Thứ Năm, 1 tháng 9, 2011





gió và gió và bời bời trận gió
tóc em bay cháy đỏ cả trưa vàng
Dzu




Gió

Hồ Tĩnh Tâm




Trên đỉnh gió

Rờm rợp cao nguyên cỏ vàng tóc rối

Em và tôi trong thế giới thần tiên

Thế giới đam mê thế giới dịu hiền

Thế giới chao nghiêng dẫn vào tội lỗi

Mịn mượt đồi trăng quỳ chân sám hối

Hương cỏ vàng hương cỏ vàng xốn xang



Bềnh bồng ru nhau lời gió đa mang

Mắt biếc làm chi còn thêm môi mọng

Cỏ vàng duềnh lên nắng ngờm ngợp sóng

Ngực thu trần gieo sức gió mơn căng



Cởi lòng ra cuồn cuộn lướt băng băng

Dâng sức lửa cùng em mùa hoa cỏ

Gió gọi gió cao nguyên lồng lộng gió

Tuột cả đất trời vào thung lũng xanh non



Bài thơ trao nhau duyên phận vuông tròn

Gió và Cỏ trong lòng ta thổi mãi

Vọng tàn thu chợt biết mình vụng dại

Em trẻ trung như khúc hát gọi rằm

Dịu dàng dịu dàng dịu dàng xa xăm

Mà cột chặt đến nghẹn ngào bật khóc

Này vòng tay, này bờ vai, suối tóc

Ta biết gió rùng mình phiêu bạt tím trời xa



HTT