Thứ Sáu, 23 tháng 12, 2011

ĐÊM NÔ EN TRÊN BỜ SÔNG


ĐÊM NÔ EN TRÊN BỜ SÔNG

Truyện ngắn Hồ Tĩnh Tâm


Năm ấy mùa đông rất lạnh, nhưng vì công việc mà tôi buộc lòng phải một mình đạp xe ra đi trong mưa phùn gió bấc. Chặng đường khá xa nên tôi tính toán ra đi từ tám giờ sáng, với hy vọng tới nơi vào lúc sập chiều. Chắc là cậu tôi sẽ mừng lắm, vì đã mấy năm rồi hai cậu cháu chưa gặp nhau, và cũng chẳng hề có thư từ gì qua lại. Chiến tranh ì đùng khiến người ta quên đi rất nhiều việc thuộc về tình cảm. Bởi vậy khi biết tin cậu tôi vì bị thương mà được trở về cơ quan cũ, mẹ lập tức bắt tôi đem cặp gà đi biếu cậu, bởi cậu là đứa em mà mẹ tôi yêu nhất. Còn tôi, tôi cũng quý cậu lắm, bởi hồi nhỏ, thỉnh thoảng tôi vẫn được cậu mua cho mấy ki lô gam sách cũ. Cậu nói, sách để đọc nên cũ hay mới gì cũng thế, mua sách cũ vừa rẻ vừa được chọn theo ý mình thích; mà những cuốn sách cậu lựa mua cho tôi, cuốn nào cũng hay, cứ như là cậu biết được ý tôi vậy. Cho đến bấy giờ, tôi cũng không thể hình dung ra cậu, ngoại trừ tôi nhớ như in là cậu biết chơi phong cầm, và hát nghe cũng tàm tạm.

Buổi sáng trôi qua rất bình yên, nhưng bắt đầu từ buổi trưa thì máy bay xuất hiện ném bom liên tục, buộc tôi cứ phải dừng xe tìm chỗ ẩn nấp, thảnh ra khi trời sập tối, tôi chỉ mới tới bờ sông Luộc, tức là còn cách nơi tôi đến mấy chục cây số. Trời tối như bưng lấy mắt, lại thêm giá rét căm căm như cắt da cắt thịt, buộc tôi phải lần mò tìm một chỗ trú qua đêm. May cho tôi là tôi không phải tìm kiếm lâu, bởi vì ngay bên đường tự nhiên lại thòi ra một ngôi nhà nhỏ, nằm sát bên bờ sông. Mới đầu tôi tưởng là nhà bỏ hoang, nhưng khi đến gần tôi nhìn thấy bên trong có một ông già đang ngồi nấu cái gì đó sôi lục ục trên bếp lửa làm bằng ba cục gạch. Nghe tiếng líp xe kêu lách tách, ông già ngoái lại nhìn và nhận ra tôi, nói một câu gọn lỏn. “ngủ nhờ phải không?”. Vừa đói vừa lạnh, nghe ông già hỏi vậy thì còn gì bằng, nên tôi trả lời ngay.

- Bác cho cháu ngủ nhờ qua đêm, sáng mai cháu đi sớm.

Cúi xuống cời than, không nhìn tôi, ông già nói.

- Ngủ thì cứ ngủ. Tôi có trải sẵn cái ổ rơm đấy. Tôi một mình ra đây là để cho người lỡ đường ngủ nhờ. Không thấy tôi để sẵn tấm chăn bông à.

Dắt cái xe đạp vào dựng ở góc nhà, khóa lại cẩn thận rồi tôi mới nói.

- Cháu có hai cái bánh chưng, bác ăn với cháu nhé!

- Bánh chưng cơ à? Nhưng thôi, để dành mà ăn đường. Tôi có nồi cháo cá đây. Cháo cá lăng, tôi dành mấy ngày để đợi hôm nay đấy. Từ chiều tôi đã nghĩ đêm nay thế nào cũng có khách. Đêm nay là đêm Nô En. Anh chắc không có đạo đâu nhỉ?

Vốn là người vô đạo nên từ trước tới nay tôi chẳng bao giờ quan tâm để ý đến Nô En, trái lại, tôi còn có phần không thích người theo đạo Thiên Chúa. Công giáo với tôi chỉ là những cái nhà thờ bằng đá lạnh lùng, với tượng Chúa chịu nạn trên thánh giá, và tượng Đức Mẹ rất đẹp. Bây giờ, bên bờ sông hoang vắng, nghe ông già nhắc tới Nô En, tự nhiên tôi thấy có gì đó có vẻ thiêng liêng lắm, nên ông già mới nói là đã để dành con cá lăng tới mấy ngày.

Có lẽ biết tôi đang đói, nên ông già mở nắp nồi cháo tra hành vào. Mùi cháo cá bốc lên thơm lựng khiến tôi xốn cả bụng.

- Cứ coi như đã đến giờ Thiên Chúa giáng sinh. Tôi có cút rượu ngang để dành cho đêm Thánh đây. Anh nhắp chút cho ấm bụng nhé.

Ông già múc cái đầu cá ra dĩa, múc cho tôi chén cháo, rồi lôi từ đâu đó ra cút rượu. Sau khi làm dấu Thánh một cách trịnh trọng, ông ra hiệu mời tôi ăn. Còn trẻ lại đang đói, lại từng sống lăn lóc nay đây mai đó, nên sau khi cám ơn ông già một tiếng, tôi cắm đầu húp chén cháo một cách ngon lành. Vừa ăn tôi vừa nghĩ, đúng là ông già này có ý đón khách, chứ mình ông thì việc gì nấu cả nồi cháo to đùng thế này; có dễ bốn năm người ăn thật lực mới hết. Nghĩ vậy, khi nhấp với ông già ngụm rượu, tôi hỏi.

- Bác ạ, cháu hỏi khí không phải, nhưng bác nấu cả nồi cháo to thế này là để đón khách ăn mừng Chúa giáng sinh à?

- Chứ sao nữa. Từ chiều tôi đã nghĩ là đêm nay thế nào cũng có khách. Mấy con chích chòe nó kêu suốt ấy mà.

- Vậy bác cho cháu góp cái bánh chưng nhé. Đằng nào sáng mai cháu cũng đã đến nhà ông cậu ở Ninh Vân, cũng giết gà ăn mừng.

- Tùy anh thôi. Đêm Thánh thì cũng nên ăn chút gì đó cho ngon. Con cá lăng của tôi nặng hơn hai cân đấy. Anh cứ ăn tự nhiên. Vì Chúa mà phải ăn để sống. Với lại đêm nay Chúa của tôi biết có về không nữa. Bom đánh sập nhà thờ làng tôi rồi. Tượng Chúa, tượng Đức Mẹ tan tành hết. Phép Chúa lớn thế cũng không cứu được nhà thờ.

Đêm mùa đông càng lúc càng đặc sánh lại, nghe rõ tiếng gió rít hù hụ trên mặt sông, đẩy lạch xạch vào bốn bức vách thưng bằng nứa đan lóng đôi. Nhờ ngọn lửa phả ra, nhờ chút men rượu chạy rần rật trong cơ thể, nên tôi cũng thấy lâng lâng ấm nóng, đâm ra muốn hóng chuyện.

- Bác ạ, bác nói bác ra đây ở là để đón người lỡ đường cho ngủ nhờ à?

- Anh nhìn tôi dọn sẵn cái ổ to thế kia, anh biết rồi đấy. Với nữa tôi một thân một mình, ở đâu mà chẳng được. Ra đây gần sông hợp với tuổi rồng của tôi. Nói thật với anh. Tuần nào ít nhất cũng có một người lỡ đường vào đây ngủ nhờ đấy. Tháng trước còn có một cô bộ đội đến xin ngủ nhờ vào lúc nửa đêm. Mẹ cô ấy bị bom chết, cô ấy đạp xe gần hai trăm cây số, đến đây chắc là quá mệt nên phải dừng lại xin ngủ nhờ. Mà cô ấy, hỏi ra lại là người công giáo chúng tôi. Lính ra đa, học hết lớp mười đàng hoàng.

Chúng tôi đang vừa ăn vừa trò chuyện, bỗng nghe có tiếng người gọi từ đâu đó ngoài bờ đê.

- Bác cả ơi, còn thức chứ?

Một người đàn ông quấn tùm hụp tấm chăn chiên Nam Định hiện ra, toét miệng cười.

- Em biết ngay là bác cả thế nào cũng còn thức. Nô En buồn quá, chả có nhà thờ để đi Lễ. Em có túm thịt chó với hai cút rượu, em mò ra thức với bác cả mừng Chúa giáng sinh. May quá, nhà bác lại có khách. Nô En cứ là phải thế này chứ. Vì Chúa, bác cả cho em xin cốc rượu nào.

Trà tam rượu tứ. Chúng tôi có ba người, người thứ tư chắc chắn là Chúa ba ngôi chứ còn ai nữa.

Đêm Thánh rộng vô cùng.

HTT

Không có nhận xét nào: