Thứ Bảy, 10 tháng 12, 2011

lại chuyện một ngày cúp điện

lại chuyện một ngày cúp điện

hotinhtam

altĐánh giá một tác phẩm đâu phải chuyện đùa, chuyện phiên phiến. Tôi nhớ sáng thứ bảy hôm qua(10.12.2011), Hội VHNT mời tôi xuống họp tuyển chọn thơ nhạc cho đêm Nguyên Tiêu 2012, tôi ngồi đọc hàng chục bài thơ của các tác giả, trong bụng cứ thấy lo lo cho nền thơ ca Vĩnh Long đang bị chựng lại, nhưng ngoài miệng vẫn cứ phải nói, “ráng đãi cát tìm vàng, vàng cám lẫn trong sỏi đá khó thấy lắm”. Chủ đề đêm thơ Nguyên Tiêu của chúng tôi là Biển đảo, Nông nghiệp Nông dân Nông thôn và Học tập tư tưởng Hồ Chí Minh, hướng ưu tiên chủ yếu dành cho các tác giả chưa xuất hiện trước công chúng, nhưng vì mục đích là đem thơ phục vụ cho công chúng, nên tất nhiên rốt cùng cũng phải chọn thơ hay- và ai sẽ là trọng tài đứng ra khẳng định bài thơ nào là thơ hay bây giờ.


Lại một ngày mất điện.

Chuyện chẳng có gì để nói. Là bởi vốn dĩ nó đã là như thế. Thành phố đang hình thành từ một thị xã vốn nhỏ như bụm tay, người đầu phố hú một tiếng, người cuối phố nghe được; nhà này nhìn qua cửa sổ nhà khác, biết ráo trọi tuốt tuồn tuột mọi chuyện. Ếch muốn thành bò là chuyện ngụ ngôn, còn thị xã vặn mình lên thành phố là chuyện của ý chí, bởi vậy mà cứ phải triền miên cúp điện để hết thi công này đến thi công khác. Mà chuyện thi công thì... cứ mạnh ai nấy thi công, tiến độ nhanh chậm bất cần biết, cứ tiền rót đến đâu túc tắc thi công đến đó. Công trường bày ra bề bộn, dân khổ bằng trời cũng cứ phải ngậm bồ hòn, bởi làm gì có tổng công trình sư đâu mà chịu trách nhiệm cho tất cả. Nhà nước địa phương thì... bận trăm công nghìn việc, việc thi công phải cúp điện là việc của lẽ dĩ nhiên phải như thế. Ráng chịu vài chục năm lên chủ nghĩa xã hội mọi chuyện sẽ êm thắm như hoạch định đường lối chiến lược đã đề ra. Vài trăm năm nữa lên chủ nghĩa cộng sản, có muốn được cúp điện để ngắm vầng trăng nguyệt thực cho đã, cũng không ai người ta cúp cho đâu. Còn bây giờ thì... chuyện cúp điện cứ coi như là... chuyện ngày thường đi nhé.



Mẹ tôi đang điều trị dài hạn tại viện 30 tháng 4 ở Sài Gòn, nên mờ sáng hôm qua(10.12.2011), vợ tôi đã đi xe đò lên thăm bà cụ. Trước khi đi, bả còn cẩn thận nhờ cô em gái kế mỗi ngày đến đưa rước con bé gái của tôi đi học. Thế có nghĩa là bả chưa hoàn toàn tin tưởng vào tình trạng sức khỏe của tôi, chưa dám phó mặc con gái cho tôi. Bả đi hôm trước, hôm sau(tức hôm nay- 11.12.2011) con gái tôi theo đội tuyển trường đi thăm Hậu Giang. Được ở nhà một mình, tôi định dành trọn đêm thứ bảy và ngày chủ nhật, lên mạng đọc truyện cho thật đã. Đầu tiên tôi tìm đọc hàng loạt truyện ngắn hậu hiện đại Châu Âu. Gần đứt đêm thứ bảy. Đến bốn giờ sáng chủ nhật, tôi chuyển qua đọc tiểu thuyết “Người đàn bà bị bán” của Quách Tiểu Mạt Trung Quốc; nhưng đọc đến chương XI thì không thấy trang web post tiếp lên nữa. Rà chuột tìm kiếm không thấy trang web nào post hết truyện “Người đàn bà bị bán”, tôi đành đọc lại truyện ngắn “Cái ghế đa tình” mà tôi vốn rất thích. Chỉ tiếc truyện này ngắn quá, đọc cái véo là hết. Nhớ lại một truyện ngắn cực hay tôi đã đọc cách đây hơn 10 năm, truyện “Trong rừng trúc” của Nhật, tôi bèn vào google.com tìm kiếm, nhưng đang tìm thì nhà đèn cúp điện, ADSL không làm việc được. Nhìn đồng hồ thấy đã 7 giờ.



Đã ăn cơm chiều thứ bảy lúc hơn 2 giờ sáng chủ nhật, nên tôi xoay sang đọc sách. Vẫn là văn học Châu Âu với mấy cuốn sách tôi vừa đem về nhà. Nga, Đức, Ý, Đan Mạch, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Anh, Pháp, Mỹ... Hay thì hay, nhưng cứ rối bời cả lên. Đừng ai nói đọc văn không mệt nhé. Không đọc thì không biết được văn học đương đại thế giới đang phát triển ra sao, nhưng vùi vào đọc thì càng đọc đầu óc càng căng như sợi dây đàn, mệt bả cả người. Để đỡ mệt, tôi trở về với truyện ngắn Trung Quốc, thứ mà trong nhà tôi rất sẵn; vì dù sao, văn học của Trung Quốc cũng gần với văn học của ta hơn. Vừa đọc tôi vừa nghĩ, nước Trung Quốc vĩ đại thế, nhân dân Trung Quốc vĩ đại thế, chỉ ghét mấy thằng Tàu Khựa trong Trung Nam Hải nó làm hỏng mất tình cảm giữa hai bên. Chúng nó đất đai bề bề, giáp với cả Châu Phi, Châu Âu, vậy mà vẫn máu bá quyền đại Hán, hung hăng, láo toét, coi Biển Đông như ao nhà của chúng.



Đang đọc say sưa thì chú Tư Giang đến.

- Chủ nhật nhà văn không đi đâu mà lại nằm nhà đọc sách à?



Tôi nhớ là hồi sáng chú Tư có điện cho tôi, và tôi nói là hôm nay tôi ở nhà đọc sách, có lẽ vì vậy mà chú đến tìm tôi. Chắc là có chuyện gì liên quan đến văn học đây.



Rót cho chú ly trà, tôi nói:

- Nhà hết trà Thái rồi. Chú uống đỡ ly trà Nhật. Cũng ngon lắm!

- Cám ơn- chú Tư nói- Tôi tiểu đường, ăn uống kiêng cử lắm.

- Chú uống thử đi. Cháu uống riết đâm ghiền. Con gái nó biếu đấy.



Chú Tư nhấp một ngụm, chép chép lưỡi, nhìn tôi nói:

- Ngon. Hình như có cả mùi gạo rang, bắp rang?



Tôi rót cho chú Tư ly nữa. Chưa kịp hỏi chú đến chơi hay đến tìm tôi có việc gì, thì chú Tư bỗng hỏi hết sức bất ngờ.

- Này, liệu mình có lấy lại được Hoàng Sa không?



Bị hỏi bất ngờ, nên tôi hỏi lại.

- Tháng 8 vừa rồi, chú có nghe nói Trung Quốc tập kết 7 quân đoàn chủ lực ở thành phố Sùng Tả thuộc tỉnh Quảng Tây không? Lại còn cho tàu sân bay Varyag áp sát Biển Đông.

- Láo. 70 vạn quân chứ 2 triệu quân cũng chỉ là quân Tàu Khựa. 31 ngày tiến chiếm à? 72 giờ ném bom Hà Nội à? Chúng làm như ăn bánh không bằng.



Tôi tưởng chú Tư sẽ sa vào mối quan hệ đang căng thẳng giữa hai nước láng giềng môi hở răng lạnh, nhưng chú lại đột ngột hỏi.

- Ông đã đọc “Toàn Cảnh” Vĩnh Long số 18/2011 rồi chứ? Bài tôi viết về Phạm Hùng, thằng V nó nói không có chất văn học, nên tôi mới gởi cho “Toàn Cảnh” đấy. Biên tập văn học phải là nhà văn chứ ai lại là nhà quân sự bao giờ. Ban biên tập một tạp chí văn học nghệ thuật mà lại không có nhà văn, hỏi làm sao cộng tác viên yên tâm được.

- Cái gì đôi khi cũng phải phiên phiến chú Tư ơi.

- Phiên phiến là thế nào. Công tác biên tập văn học phiên phiến mà được à? Dụng nhân như dụng mộc, không phải thợ mộc giỏi thì gỗ vàng tâm cùng thành củi.



Thế đấy. Đánh giá một tác phẩm đâu phải chuyện đùa, chuyện phiên phiến. Tôi nhớ sáng thứ bảy hôm qua(10.12.2011), Hội VHNT mời tôi xuống họp tuyển chọn thơ nhạc cho đêm Nguyên Tiêu 2012, tôi ngồi đọc hàng chục bài thơ của các tác giả, trong bụng cứ thấy lo lo cho nền thơ ca Vĩnh Long đang bị chựng lại, nhưng ngoài miệng vẫn cứ phải nói, “ráng đãi cát tìm vàng, vàng cám lẫn trong sỏi đá khó thấy lắm”. Chủ đề đêm thơ Nguyên Tiêu của chúng tôi là Biển đảo, Nông nghiệp Nông dân Nông thôn và Học tập tư tưởng Hồ Chí Minh, hướng ưu tiên chủ yếu dành cho các tác giả chưa xuất hiện trước công chúng, nhưng vì mục đích là đem thơ phục vụ cho công chúng, nên tất nhiên rốt cùng cũng phải chọn thơ hay- và ai sẽ là trọng tài đứng ra khẳng định bài thơ nào là thơ hay bây giờ. Chọn không khéo, coi chừng lại rước họa vào thân- như anh bạn V vừa bị chú Tư nói với tôi.



Nhưng may quá. Đã lại có điện rồi.

Xin lỗi các bạn. Chưa viết được gì nên tôi ngồi gõ mấy dòng này cho vui thôi.



Dzu- htt

Không có nhận xét nào: