Thứ Sáu, 29 tháng 6, 2007

chợ nổi -hotinhtam






LÊNH BÊNH
CHỢ NỔI

Hồ Tĩnh Tâm

ba tôi- Hồ Xuân Lai- và đứa cháu ở quê
trên bến sông Hàn (sông Thạch Hãn- sông đá đổ mồ hôi)




Chợ nổi là một nét văn hóa sông nước rất đặc trưng của Nam Bộ. Ở đây, một phần tính cách Nam Bộ được thể hiện khá sâu đậm. Từ lâu, dân gian đã có câu:

Bên dưới có sông, bên trên có chợ
Hai đứa mình kết vợ chồng nghen.

Chợ nổi được hình thành một cách ngẫu nhiên ở những ngã ba, ngã tư, nơi hợp lưu của nhiều dòng sông hay nhiều con kinh lớn. Nhưng không phải ngã ba, ngã tư sông nước nào cũng có chợ nổi. Chợ nổi thường nhen nhúm mọc lên ở những nơi có chợ thị tứ trên bờ. Xét về địa lý, đây là những nơi rất thuận tiện cho việc mua bán, trao đổi hàng hóa, dễ làm ăn phát đạt; bởi vậy mới có câu ca dao in đậm dấu ấn sông nước ấy.
Chợ nổi được hình thành bởi hàng trăn ghe xuồng đủ loại. Từ chiếc xuồng con cho tới ghe tam bản, ghe lườn, ghe chài… lớn nhỏ ken sát vào nhau, đặc ngừ đặc nghịt cả vàm sông. Đó là ghe tứ xứ họp về để trao đổi, mua bán đủ loại nông sản phẩm của miệt đồng, miệt vườn Nam Bộ. Mỗi người một vẻ, lâu ngày trộn vào nhau, làm nên tính cách sông nước đầy nghĩa khí, đùm bọc, bao dung của dân chợ nổi.
Mà thiệt lạ. Chợ nổi chỉ họp từ nửa đêm tới sáng, chừng mặt trời leo dứt con sào là tan. Có phải chợ trên bờ đâu mà bán cả ngày. Chợ dưới sông bán xổi cho nhanh, đặng còn kịp theo con nước, luồn lách xứ này xứ khác, thửa hàng về nhóm chợ. Có klhi ròng rã con nước cả mấy ngày, mấy tuần.
Thời chưa có máy đèn, máy dầu, ghe xuồng mua bán trên sông dùng đèn dầu hôi thắp sáng. Hàng trăm ngọn đèn thắp lên, lung linh huyền ảo. Chỉ chừng đó cũng đủ soi rõ mặt nhau, mà tin nhau, mà áp mạn ghe xuồng vào nhau để ăn hàng, nhả hàng, hay mua bán, đổi chác. Việc nhận ra hàng họ của nhau dễ lắm, bởi ghe nào cũng có cây bẹo cặm ngay đầu mũi hay trên nóc, tùy theo ghe xuồng lớn nhỏ. Cây bẹo làm bằng làm bằng cây tầm vông, cây tre nhỏ, hay cây trúc tầm tầm. Lủng lẳng trên bẹo là mấy nải chuối, mấy trái cam, mấy trái khóm, mấy trái dừa, mấy củ khoai, vài củ sắn, trái bí, bắp cải… Hễ bẹo lủng lẳng thứ gì là bán thứ đó. Có thể bẹo cả con cá còn tươi xoi xói. Gió thổi bẹo lắc lư, ưỡn qua ưỡn lại. Coi xốn con mắt. Con gái mới lớn thích làm duyên, dân thương hồ thường nói: “Bây hỉ mũi chưa sạch, bày đặt xà xảnh bẹo hình bẹo dạng”. Nhắm chừng cũng ngộ.

Do chợ họp về đêm nên chữ tín được xem làm trọng. Thời trước người ta mua mão, bán mão, hay mua chục, bán chục. Mua mão là nhìn cần xé, nhìn rỗ, nhìn mớ mà ước tính hàng họ chừng bi nhiêu. Khi bán mão cũng ước tính hễ có lời chút đỉnh là bán. Ít ai nói thách, ít người trả giá. Nhất nhất cứ áng chừng mà mão với nhau cho chóng vánh. Mua chục đừng tưởng là chục tròn 10 như ngoài Bắc. Chục có thể là 12, 14, 16, 18… tùy theo thức mà tính. Cam, cóc mua trong vườn tính chục 16. Đem bán ở chợ nổi cũng tính y giá như mua, nhưng chục tính theo 14. Vậy là lời hai trái. Hàng họ mua mão cả cần xé, cả ghe, khi bán tính chục cho nhanh, ít ai ở đó ngồi không phân trái to trái nhỏ. Ghe xuồng chòng chành, ngồi lâu mặc cả, chọn lựa đâu có tiện.
Nếu chợ nổi chỉ bi nhiêu đó thì lấy gì thú vị. Đằng này chợ nổi còn có xuồng nhỏ, có cà dom len lỏi bán bún, bán chè, bán tàu phớ, hột vịt lộn, hủ tiếu, và… rượu đế. Ngoắt tay một cái là có xị rượu với con khô mực, hay vài trứng vịt lộn, hoặc tô xương xúp nóng hôi hổi. Muốn chơi sang thì nhảy xuồng bơi vô bờ ngồi quán. Chợ trên bờ còn phong phú hơn nhiều. ‘Nhứt cận thị, nhị cận giang” mà. Lại có cả xuống cạo gió, giác hơi lượn tới lượn lui mời mọc. Thức đêm oải lắm. Giác hơi một cái thấy đã trong người.
Cư dân chợ nổi lênh bênh trên sóng nước qua ngày, qua tháng, qua năm. Có người còn cả đời sông nước. Có gia đình còn mấy đời sông nước. Ơn trời mưa nắng phải thì. Người ta thỉnh ông địa, ông phúc, ông thần tài về thờ ngay dưới xuồng ghe. Nhưng không phải cư dân chợ nổi nào cũng giàu lên vùn vụt. Gặp lúc mưa dầm, gió tạt, hàng họ ế nhệ, lỗ lả trắng dờ con mắt. Nhiều người bẹo đủ thứ hàng cũng sập tiệm.
Với những ghe lớn, cả nhà quanh năm tá túc trên ghe. Người lớn sấp ngửa thi trường đời, sắp nhỏ khó lòng mà thi trường học. Muốn con hay chữ, phải gởi lên bờ. Không đủ tiền gởi con lên bờ, cầm chắc con mình thất học.
Lại còn chuyện trẻ con ốm đau, người lớn chột bụng, làm sao mà tránh khỏi. Giữa nhộn nhịp cảnh mua bán, thỉnh thoảng vẫn nghe lọt lỗ tai tiếng trẻ sơ sinh oa oa khát sữa.
Có chợ tất có rác. Trăm thứ bà dằng đều tống hết xuống sông. Ban đêm chợ nổi lung linh huyền ảo, đẹp như trong cổ tích. Ban ngày chợ nổi phập phều những rác. Những chợ lớn như chợ nổi Trà Ôn, chợ nổi Cái Bè, chợ nổi Phong Điền, chợ nổi Phụng Hiệp… ghe xuồng họp chợ quanh năm, rác thải xuống sông biết bao nhiêu mà kể.
Gần đây, các cấp chính quyền sở tại, ráo riết thi hành nghị định 40 về thiết lập an toàn trật tự trên sông, nhiều chợ nổi phải dạt xa khỏi vàm sông quen thuộc hàng trăm hàng ngàn mét, việc mua bán xem chừng không còn nhộn nhịp, sầm uất như trước. Thân phận giới thương hồ càng lênh bênh sóng nước.
Chạnh nhớ câu ca dao thuở nào:

Bìm bịp kêu nước lớn anh ơi
Buôn bán không lời chèo chống mỏi mê.


H.T.T.

mùi dạ lý

Mùi dạ lý

Hồ Tĩnh Tâm


Kiệt sức trên từng trang sách đêm hôm
Tôi thiếp vào giấc chiêm bao khủng khiếp
Thấy mình bị chống lại từ những điều tốt đẹp
Mình muốn gieo vào cuộc sống của người ta.
Tại sao? Tại sao? Tôi nghĩ không ra
Chẳng lẽ những gì mình muốn dâng tim óc
Lại làm cho ai đó bực dọc!?
Nhưng ai đó chỉ là ai đó mà thôi
Sự khủng khiếp nhân lên như núi như đồi
Đó là sự lặng im của những người không bày tỏ
Một mảy may thái độ dù chỉ như sợi gió
Trước những gì họ chứng kiến
Mà cứ như điều đó chưa từng hiện diện
Nên vết rạn này cứa chảy máu tim tôi.

Quay cuồng trong cơn bão từ duy linh duy lý
Tôi đã lạc sâu vào con đường mộng mị
Cho đến khi bất chợt một làn hương
Tưởng như từ cõi thiên đường
Các thiên sứ của thiện ác gởi xuống
Bức thông điệp không rõ ràng
Về những điều không hẳn trái đất đã cưu mang
Điều đó gõ vào tôi tiếng chuông cảnh tỉnh
Rằng phải biết vượt qua mọi sự đoán định
Bởi trái đất quá chật những những địa tầng vô căn
Đúng và sai chồng chất nhọc nhằn
Đè khái niệm tốt xấu vỡ nát
Bay vào mịt mù miền không còn khái quát
Chỉ còn mình phải đối diện với chính mình
Trả lời với chính mình về kiếp chúng sinh
Đã ban cho đời mùi dạ lý.

Mồng 1 Tết Bính Tuất 2006

Xao xuyến Miền Tây

XAO XUYẾN MIỀN TÂY

hồ tĩnhtâm



“nước chảy quyên quyên
chiếc thuyền em bơi ngược
gắng gượng mái chèo em cất bước theo anh”
ca dao

1. Lối hơn trăm năm về trước, Ông bị nạn ngoài Nam Hải, gắng dựa theo con sóng tấp vô được vàm sông quê tôi rồi khuất. Dân hạ bạc xúm lại quyên tiền lập miểu. Miểu không lớn nhưng hôm sớm nhang đèn lúc nào cũng ngun ngún khói. Linh Ông hiển hiện nhiều lần, cứu giúp không biết bao nhiêu ghe thuyền qua cơn dông gió.
Ngoại nói:
- Ông linh lắm có cầu có được! Sống ở đời, phải có đức tin mới đặng nên người!
Tôi bồ côi cả cha lẫn mẹ, từ nhỏ đã sống lủi thủi với ngoại và dì Bảy. Dì bảy làm nghề buôn bán thương hồ, thường rong ruổi nay đây mai đó; lúc thửa hàng, lúc bán hàng. Trên chiếc ghe lủ khủ chum vại, lủ khủ hàng hóa. Đủ cả dầu đèn, nước mắm, tương chao, khô cá, kim chỉ… Cả truyện tranh Tàu vẽ tích Bao Công xử án, Ngộ Không đại náo thiên cung. Có lúc theo mùa, dì chở trái cây, chở bông, kiểng ra bán ngoài thành. Tới đâu dì cũng đưa tôi theo. Hai dì cháu cứ theo con nước mà đi; lúc miệt này, khi xứ nọ, luồn lách tận hang cùng ngõ hẻm. Những lúc gặp buổi hàng hóa ế nhệ, ghim cây sào bên rặng bần, bên hàng dừa nước, đậu thuyền ngủ lại qua đêm, Bảy thường kể tôi nghe đủ chuyện trên đời. Chuyện buồn nhiều hơn chuyện vui. Chuyện nào tôi nghe cũng thuộc nằm lòng, nhưng vẫn muốn nghe, nhất là những chuyện về đời của Bảy.

2. Năm Bảy mười lăm, Bảy phải lòng anh ký nhà dây thép. Bảy hơn tôi năm tuổi, anh ký nhà dây thép hơn tôi mười tuổi, hai người không giấu tôi chuyện gì. Anh ký nhà dây thép bảnh trai lại có học, thơ tình viết dài cả hai ba trang trên thứ giấy màu hồng có in hình bông mai vàng nhạt ở trên góc trái. Thơ của ảnh, Bảy lận trong bao gối, chờ nửa đêm, khi ngoại ngủ say mới chong đèn ngồi đọc. Một lần, ngoại chột bụng thức dậy đi cầu bắt gặp. Đùng đùng nổi giận, ngoại châm lửa đốt hết cả xấp thư dày mấy lóng tay. Bảy tủi thân, mắc cỡ, khóc ròng mùi mẩm, mấy ngày liền không dám ló mặt khỏi nhà.
Ngoại cấm cửa anh ký, không cho tới nhà, Bảy càng đau khổ. Lựa những lúc ngoại đi vắng, Bảy kéo tôi lội ra miểu Ông thắp nhang khấn vái. Tôi nghe bảy lầm rầm cầu nguyện tình duyên, không hiểu sao cũng ngùi ngùi thương cảm. Tôi nói Bảy biên thơ tôi chuyển giùm cho ảnh, Bảy không dám. Mà anh ký nhà dây thép cũng nhát, chớ có thấy lần nào qua kiếm Bảy. Vườn nhà mênh mông, mịt mù cây tạp, ai thấy được mà sợ.
Phải tới tận ngày anh ký vâng lời cha mẹ cưới vợ ngoài chợ huyện mới dám tới lạy ngoại, xin trồng tặng Bảy hai cây mai chiếu thủy. Hai cây mai đó cành lá bum xum, thân gốc sù sì, hoa nở li ti, trắng xóa cả tứ mùa. Bấy giờ Bảy đã mười tám tuổi.
Ngày anh ký rước dâu, Bảy trốn nhà ra miểu Ông cả đêm. Sợ Bảy làm chuyện dại dột, ngoại biểu tôi theo ra canh chừng. Cả đêm đó, Bảy ngồi qùy chân, úp mặt vô lòng hai bàn tay khóc rưng rức. Ngoài vàm sông, dông kéo cuồn cuộn, sấm chớp ì đùng. Bầu trời chớp nháng chói lói, tưởng chừng sắp rách tanh bành.
Mấy ngày sau, tình cờ đi học về, gặp anh ký dây thép, tôi đem chuyện kể lại, anh ký nói:
- Khổ lắm em à!

3. Tôi không nhớ rõ đêm đó nhằm tháng mấy, chỉ nhớ mang máng đâu trước đám giỗ ông ngoại một vài con trăng. Lúc tôi giật mình thức giấc, chợt nghe có tiếng rì rầm, thổn thức dưới bếp. Linh tính mách tôi lại chuyện dì Bảy. Tò mò, tôi rón rén đi lần chân không xuống bếp. Bảy ngồi gục trong lòng anh ký, khóc rung từng cơn. Anh ký vuốt tóc Bảy, nói lào thào như gió thoảng:
- Vợ chồng anh không yêu mà cưới, đêm nay anh bỏ nhà ra đi, không đặng được ngày về. Chúng mình nếu còn duyên số, sau này Ông sẽ xe cho.
Khi Bảy đã mở sợi lòi tói, lấy chiếc tam bản chở anh ký qua sông, tôi trở lên nhà trên. Ngoại thức từ hồi nào, ngồi chắp bằng trên ván ngựa. Không để tôi kịp sợ, ngoại nói:
- Mầy ra miểu Ông với ngoại!
Sau khi thắp nhang khấn Ông, ngoại trồng một cặp mai trước miểu. Đó là giống mai sáu cánh. Sau này hai cây đó vươn tỏa, trổ bông rực cả một vùng khi giáp tết.

Đêm đó, khi Bảy trở về, Bảy chở theo hai cây mai, đem trồng ngoài sân trước. Rồi từ đó, cứ mỗi năm Bảy lại trồng thêm một cặp mai. Cặp vô chậu, cặp trồng dưới đất. Lâu dần, vườn nhà, sân nhà chỉ toàn những mai là mai.

4. Cho tới một lần, Bảy chèo ghe đi biệt lối hơn hai tuần lễ, lúc trở về, đôi mắt như mất thần. Làm như ngoại sợ Bảy hay sao đó, cả ngày ngoại chỉ lặng lẽ ngồi ngoáy cơi trầu. Mãi tới giờ cơm chiều, Bảy mới nói:
- Ảnh bị lính sư đoàn phục giết ngoài đưng.
Tôi biết ảnh đây là anh ký nhà dây thép.
Không biết ai bắn tin mà Bảy hay, Bảy lặn lội vô đồng đưng tìm được đơn vị của ảnh. Đơn vị thì gặp nhưng người thì không. Mọi người chỉ biết anh ký dây thép cùng với tổ trinh sát đi điều nghiên căn cứ Cái Vồ trở về thì đụng tao ngộ chiến với tụi biệt kích. Hai bên quần nhau từ nữa đêm. Tới hừng đông tụi lính dùng trực thăng đổ quân. Nghe đâu cả gần tiểu đoàn. Năm người mà chỉ tìm được có hai cái xác. Tin nội ứng báo ra, nghi ngờ chúng đem cả ba người bị thương nặng đi thủ tiêu. Tin đặc tình của ta từ trong thành cũng báo ra như vậy. Bảy bán tin bán nghi nên neo lại trong đồng tới hai tuần. Nhờ đó mà Bảy quen được với chú Sáu bông gáo, nhờ chú móc nối cho tôi được thoát ly vào vùng, vừa viết bài vừa dò mo rát cho Tiểu ban báo chí.
Buổi chiều, khi dẫn tôi đi gặp hai chị giao liên, Bảy dặn:
- Mầy vô trỏng, cứ gặp ông già nào tóc bạc trắng như bông gáo, là ngay tróc chú Sáu, nghe chưa?!
Từ đó, theo tiếng súng trận, tôi đi miết, đi miết, không hề một mảy may tin tức về ngoại, về dì Bảy.

5. Ngày quê tôi giải phóng, tôi có trở về làng. Bấy giờ ngoại đã qua đời. Trong căn nhà úp sụp lá dừa nước, chỉ có dì Bảy với một đứa con gái lối mười lăm tuổi. Con bé có gương mặt bầu bầu, với hai con mắt rất to và rất đen. Nước da nó không trắng nhưng cũng không đen lắm. Nó gọi Bảy bằng má.
- Nó tên con Tím, gọi mày bằng anh. Con của ảnh đó! Má nó lấy chồng xì thẩu, Bảy năn nỉ xin đem nó về nuôi từ nhỏ. Nhìn khóe miệng nó nè! Giống ảnh y trang phải hông?
Tôi không thấy con Tím ghé được miếng nào giống tía nó, nhưng tôi cũng cười và gật đầu.
Té ra dì Bảy của tôi vẫn vậy. Vẫn cái ghe thương hồ dọc ngang kiếm sống. Thay bằng tôi trước đây thì bây giờ là con Tím. Con Tím giỏi dắn và lanh lợi nên hàng họ bán rất chạy. Bảy đem con Tím theo lênh đênh sông nước từ khi nó còn bé tí nị. Ghe của Bảy tới đâu cũng có người gắm ghé nhìn nhỏ, bắn tiếng dạm hỏi. Nhưng với ai Bảy cũng lắc đầu, nói thác rằng phải thủ tiết nuôi con. Mỗi chuyến đi dăm ba ngày, cùng lắm cũng chỉ một tuần đổ lại. Tới đâu thấy có mai mọc hoang ngoài vườn, Bảy cũng xin hay cũng tìm cách mua cho kỳ được. Thêm nữa, má ruột con Tím, mỗi năm cứ đúng dịp giỗ chồng, lại chở sang cho Bảy một cây mai. Mai mọc kín từ sân sau tới sân trước, tràn ra cả bờ sông. Mai lấn hết tất cả cây cối trong vườn. Mai chiếm tuốt luốt cả vuông sân lót gạch Tàu từ thời ông cố của tôi để lại.

6. Ngày Bảy lâm trọng bịnh, Bảy bắt con Tím nhắn tôi về cho bằng được.
Trong phút lâm chung, Bảy nắm lấy tay tôi, nước mắt lưng tròng mà không nói được thành lời. Bảy cứ lặng lẽ nhìn tôi bằng đôi mắt càng lúc càng thất thần. Cho tới lúc đôi mắt đã dại hẳn đi, đã ráo không còn một giọt nước, Bảy mới kéo tay tôi đặt lên ngực của Bảy. Tôi cảm thấy ngực Bảy có gì cồm cộm.
Lúc tắm rửa cho Bảy, con Tím và mẹ nó tìm được một lá thư đưa cho tôi. Lá thư được gấp làm tư, bọc rất kỹ trong miếng giấy kiếng đã được hàn kín bằng lửa ngọn đèn dầu. Đó là lá thư của anh ký nhà dây thép gởi cho Bảy lúc đã bỏ nhà thoát ly vào cứ. Nét chữ ố mờ qua năm tháng, nhưng vẫn còn đọc được.
“Bảy à! Anh có tội với cả vợ anh và với em. Anh xin tạ tội trước Chúa. Cầu Chúa ban cho cả hai được bằng an. Con anh cũng là con của em. Còn nếu chúng mình may mắn. Em đặt tên con là Mai. Trai là Khắc Mai. Gái là Thùy Mai”.
Khi tôi đeo kiếng chuẩn bị đọc lá thư ấy, hai mẹ con Tím bỗng ôm chầm lấy nhau mà khóc nấc lên.
Ngoài vàm sông, tiếng còi của một chiếc tàu kéo xà lan bỗng hụ lên dài thườn thượt. Theo tiếng hụ của còi tàu, một cơn gió thảng thốt rùng lên, làm tuôn đổ một trận mai xao xuyến tới chạnh lòng.
Xao xuyến một thời đã qua của dì Bảy tôi.
Xao xuyến miền Tây…

H.T.T.

Cưỡi Rồng


Tiểu phẩm:

CƯỠI RỒNG

Hồ Tĩnh Tâm

Sách SỞ QUỐC TIÊN HIỀN TRUYỆN kể rằng: Hoàng Hiến và Lý Ưng cùng làm quan tư đồ nước Ngụy. Cả hai cùng lấy được con gái thái úy Hoàn Nguyên Thúc. Người đương thời khen hai người con gái họ Hoàn đều được cưỡi rồng, họ Hoàn chọn được rồng.
Bởi vậy, Lê Ngô Cát, Phạm Đình Toái mới viết:

Gần xa nức tiếng cung trang
Thừa long(cưỡi rồng) ai kẻ đông sàng sánh vai.

Theo quan niệm ngày xưa, vợ chồng như vậy là môn đăng hộ đối.
Tôi đọc trong sách THẦN TIÊN TRUYỆN, thấy Phi Trường Phòng gặp vận rồng mây, đến đất Cát Pha, chỉ nhờ nắm cây gậy trúc mà biến thành rồng xanh, đâm ra cứ nghĩ mãi.
Tích xưa kể rằng: ở thượng lưu sông Hoàng Hà(Trung Quốc), có mõm đá giống như hình cái cửa, gọi là Vũ Môn. Nơi đây sóng nước dữ dằn, hàng năm vào tiết tháng ba, cá chép từ khắp nơi tập trung về thi nhảy qua Vũ Môn. Con nào qua được thì hóa rồng. Do đó, cửa Vũ được dùng để chỉ chốn trường thi, ai thi đỗ thì gọi là VƯỢT QUA CỬA VŨ. Việc thi cử ràng ràng là không dễ chút nào.
Chẳng vậy mà ông Tú Hà Nam đã có câu:

Cơm nấu đã sôi mà chửa chín
Thi không ăn ớt thế mà cay.

Ở núi Giăng Màn thuộc huyện Hương Khê, Hà Tĩnh cũng có cửa Vũ. Đây là một dòng suối có ba bậc, nước đổ xiết cuồn cuộn. Vào tháng tư hàng năm, khi có mưa to, cá chép các nơi cũng kéo tới để ngược dòng nhảy qua cửa Vũ. Tương truyền con nào qua được cũng hóa rồng.

Kim ngư đeo ấn ở mình
Cá trông cửa Vũ, rồng giành hột châu

Muốn đỗ đạt thì phải thi. Đã đặt ra trường thi thì phải có phép thi cử nghiêm ngặt, để chọn cho thật đúng người tài. Chứ ai đời lại để lọt vô sổ vàng những ông tiến sĩ bằng giấy như cụ Tam Nguyên Yên Đỗ đã viết:

Cũng cờ cũng biển cũng cân đai
Cũng gọi ông Nghè có kém ai.
Mảnh giấy làm nên thân giáp bảng
Nét son điểm rõ mặt văn khôi.
Tấm thân xiêm áo sao mà nhẹ
Cái giá khoa danh thế mới hời.
Ghế tréo lọng xanh ngồi bảnh chọe
Nghĩ rằng đồ thật hóa đồ chơi.

Thời nay, không ít người tưởng đã đẹp duyên cưỡi rồng, ai dè lại nửa đường đứt gánh. Một là do sự giàu sang đến qúa dễ dàng. Chỉ cần ba bốn bước chân từ cơ quan này qua cơ quan kia, lương bổng đã chênh lệch dăm bảy triệu, chục triệu như không. Hai là nhờ học hành thi cử bằng bia bọt, mà có tàn có tán trong thiên hạ. Thực lực không có thì cũng như con rồng hư danh trong cõi trời đất mà thôi. Lấy gì bảo đảm cho sự lâu dài ở đời.
Xem ra việc cưỡi rồng phiêu diêu miền cực lạc, đôi khi cũng như là giấc điệp mà thôi.

H.T.T.
Địa chỉ liên lạc:
Hồ Tĩnh Tâm
Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam
Giáo viên Trường Cao đẳng Sư phạm Vĩnh Long
75 Nguyễn Huệ- Phường 2- Thị xã Vĩnh Long
tỉnh Vĩnh Long

ĐTCQ: 070. 823310
ĐTNR: 070. 821537
ĐTDĐ: 091. 3648732
E-Mail:
hotinhtam@hcm.vnn.vn

chuyện phiếm đầu năm

Chuyện phiếm đầu năm

QUANH QUẨN BÊN BÀN TRÀ

Hồ Tĩnh Tâm

Cánh văn nghệ có tật, buổi sáng thường tập trung dưới gốc cây trứng cá của Hội, mỗi người kêu một cái đen. Không phải kêu vậy cho rẻ, mà chủ yếu là kêu vậy để uống trà cho sướng. Với cà phê, đen mới là thượng thặng. Cà phê đá chỉ là thứ nước dở hơi, dành cho người mới tập làm quen với thứ sản phẩm ngoại được nhập từ Brazin vào nước ta non non một thế kỷ. Còn các thứ nước công nghiệp khác, chỉ là thứ nước giải khát uống lấy le- thà uống chanh nóng, chanh muối còn được đánh giá là có tinh thần dân tộc.
Uống cà phê đen tất nhiên là phải có trà. Quán nào pha trà bồm thì coi như quán đó đang tìm cách đuổi khách. Đã uống cà phê thì phần nào cũng đủ phê về caféin rồi, khách không đòi hỏi phải trà Thái chánh hiệu, chỉ cần Trà Lâm Đồng có ướp hương là đủ để say sưa đàm luận mọi chuyện về thời tiết chính trị, kinh tế ở trên đời- có khi còn bàn cả về triết học. Hao trà hơn cà phê là cái chắc. Nhưng hao nhất vẫn là hao chỗ ngồi. Dân văn nghệ có khi chỉ kêu mỗi cái đen hai ngàn mà ngồi gần hết cả buổi sáng. Lao động văn nghệ là lao động quanh bàn trà bàn rượu- kể cũng chẳng giống ai. Bà chủ Phượng riết rồi cũng quen. Nhăm nhắm chỉ thấy toàn gọi chăm thêm nước sôi. Thế thì lời vào đâu. May mà còn có mấy ông thỉnh thoảng lại kêu thêm vài điếu thuốc.
Tôi cũng là người thường xuyên gia nhập vào đạo quân đó. Gia nhập chẳng vì cà phê, cũng chẳng vì trà, mà chủ yếu là vì để ăn cắp. Tôi ăn cắp lời vuột ra từ cửa miệng của những tay hẩu chuyện.
Bảy Ngộ là tay săn ảnh hẩu chuyện nhất, tôi ăn cắp được khối của cải vuột ra từ cửa miệng của ông.

Bảy Ngộ từng bị ong vò vẻ đánh bầm mình. Không phải một lần mà tới hai lần. Ong đánh chủ nhà ngay trong vườn của chủ. Vậy thì đích thị là ong phản chủ. Rõ là Bảy Ngộ “nuôi ong tay áo, nuôi cáo trong nhà”; vậy mà ổng cứ bô bô khoe ra như là một chiến tích. Té ra ổng sướng vì được ong đánh. Bởi theo ông, từ ngày bị ong vò vẻ đánh cho năm dích vào đầu, bệnh thấp khớp thường niên của ông sợ qúa, trốn ra khỏi người ông mất biệt. Bảy Ngộ khoe rổn rảng: “Từ đó tới giờ tui hổng còn thấy ra mồ hôi trộm dưới gan bàn chân, hai đầu gối cũng không còn sưng nhức mỗi khi trái gió trở trời, tha hồ mà cưỡi ngựa sắt nhong nhong đi khắp nơi săn ảnh”. Tôi hỏi Bảy Ngộ, ong đánh có đau không, ổng trợn mắt nhìn tôi như nhìn người mới rớt xuống từ hành tinh An Pha. “Tưởng chết chứ đau gì! Sa sẩm mặt mày, sốt cao hầm hập. Không cấp cứu kịp thời thì coi chừng đi đứt”. Vườn nhà Bảy Ngộ sâu lút trong phường ba, tôi hỏi bằng cách nào mà cấp cứu kịp thời cho đặng. Bảy Ngộ cười khà khà. “Hổng có bí quyết gì ráo trọi mà phải giấu. Ong đánh năm dích trên đầu, tui lấy cọng môn ngứa, vạch tóc ra chấm vào cho nó hút nọc. Chấm chấm vài cái là môn ngứa hút nọc ra sạch trơn, chỉ mươi phút sau là cơn đau choáng bị cắt. Vừa kết hợp hút nọc ra bằng môn ngứa, vừa kết hợp gội đầu bằng nước dừa tơ, hiệu nghiệm cấp kỳ. Có điều sau đó tui vẫn vô bệnh viện uống thêm thuốc Tây cho chắc cú”. Té ra la vậy. Bảy Ngộ kết hợp Đông – Tây y trong chữa trị. Ông này ghê thiệt!
Ai biểu phải có rượu mới nổi hứng. Uống cà phê như Bảy Ngộ cũng dễ hứng lắm. Ông vừa nhắp nhắp từng ngụm nhỏ, vừa đãi tôi cùng lúc tới bốn món đặc sản cá mòi Nam Bộ.
Món thứ nhất là cá mòi bần chát. Bần phải kiếm những trái no tròn, đang độ tuổi mơn xuân nhất. Bần xắt thành từng khoanh tròn thật mỏng, xếp thành lớp trên dĩa. Xong xuôi thì đổ hộp cá mòi lên trên. Màu sắc phối vào nhau ngời ngợi tươi trẻ, chưa ăn đã thấy ngon tới chảy nước miếng.
Món thứ hai là lá đậu rồng non với trái đậu rồng. Lá đậu rồng lót dưới, trái đậu rồng xếp bên trên. Khui hộp cá mòi đổ lên trên cùng hết thảy. Ba tầng màu sắc. Xanh mơn, xanh đậm và nâu đỏ. Cứ như giữa đồng bằng tươi mát mọc lên một ngọn Thái Sơn. Gắp đũa vào đó cũng giống như ta đang khai thác nông lâm thủy sản của đồng đất quê mình. Khỏi viết ra thì ai cũng biết là món ấy ngon tới cỡ nào.
Món thứ ba là món cá mòi rau đắng. Rau đắng biển phải chọn thứ thật non mơn, thật đẹp- và nhớ là phải rửa cho thật sạch. Chỉ duy nhất rau đắng thôi. Từng cọng dài cỡ gần gang tay, lăn tăn lá nhỏ, xoắn xuýt vào nhau như đoàn tụ màu xanh Nam Bộ. Cá mòi cũng đổ lên trên, tạo sự nổi bật của gam màu nóng trên gam màu lạnh, vậy là giống hệt một bức tranh thủy mạc. Phá ra ăn cũng tiếc. Nhưng đó là tác phẩm tranh để ăn chứ không phải để ngắm. Mời bạn cứ việc nhẩn nha mà thưởng thức. Nhớ là ăn từ từ để còn kịp tận hưởng vị đắng có hậu ngọt của rau đắng biển, vị bùi bùi béo béo của cá mòi, và hương thơm tuyệt vị của nước sốt.
Chừng ấy món đã đủ ngon tới lịm người, ấy vậy mà ông bạn hẩu chuyện còn dọn ra bàn tiệc món thứ tư độc chiêu nữa. Ấy là món cá mòi với rau cù nèo(hay rau tai tượng). Cù nèo phải lựa thứ cọng nhỏ vừa phải, lá còn bum búp chưa xoè hết cánh; càng tươi bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu. Cù nèo chớ cắt ra bằng dao, mà phải bẻ ra bằng tay thành từng khúc vừa đủ để dễ dàng gắp được bằng đũa. Và tất nhiên, cũng chỉ độc nhất một thứ rau của đồng quê dân dã ấy thôi. Cái hay của người dọn tiệc là phải biết bày rau ra dĩa tượng sao cho thật khéo, đổ cá mòi lên rau sao cho thật đẹp. Nghĩa là người có tâm hồn ăn uống, trước hết cần phải có tâm hồn nghệ sĩ cái đã. Ăn uống là thứ nghệ thuật ẩm thực thanh cao, không thể dọn tiệc cẩu thả theo thói phàm phu tục tửu được. Cá mòi ngự trên hạ tầng rau sạch ấy, sẽ tương tác màu sắc cùng hương vị với nhau, đảm bảo tới ông họa sĩ khó tính nhất cũng không thể còn moi móc ra điểm nhỏ nào để mà chê được nữa.

Mùa xuân ngồi bàn trà dọn tiệc mồm đãi nhau, nhắm chừng lại còn ngon hơn ngồi vào bàn ăn thực thụ. Ấy vậy mà khi kể xong, Bảy Ngộ khoát rộng vòng tay mời tất cả chúng tôi: “Thôi, mời hết thẩy bạn bè vô vườn uyển của tui, tui đãi rượu chuối cơm với gỏi bưởi tôm khô và lẩu dưa hấu”.
Chắc là phải mò vô thật. Bởi lẽ không vô thì khó mà ăn cắp cách chế hai món ăn này của ổng.

H.T.T.

Ăn Bắc - Mặc Nam

ĂN BẮC MẶC NAM

Hồ Tĩnh Tâm



Hồi nhỏ, tôi vẫn hay nghe người ta nói, “ăn Bắc, mặc Nam”, nhưng thực tình tôi không hiểu nhiều về câu đó lắm. Sau này lớn lên, được đi đây đó, tôi hiểu câu đó theo cách riêng của mình. Tuy nhiên, do sống nhiều ở Nam Bộ, tôi chỉ xin nêu vài ý kiến về câu đó đối với vùng đất cực nam của tổ quốc mà thôi.
Nói “ăn Bắc” là nói người miền Bắc kén món ăn và cách ăn, còn người miền Nam thì việc ăn uống dễ lắm. Nói “mặc Nam” là nói người miền Nam ưa ăn mặc sơ sài, sao cũng được, không coi trọng hình thức bề ngoài lắm như người ngoài Bắc. Cứ nhìn cái áo tứ thân với cái áo bà ba thì biết. Tất nhiên đây là nói về cái thời xa xưa, còn bây giờ thì… mọi sự đã đổi thay hết ráo.
Nước Việt mình ở đâu cũng có rau muống. Rau muống bò dài theo đất nước, theo lịch sử. Rau muống đi cả vào ca dao.

Anh đi anh nhớ quê nhà
Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương.
Nhớ người giải nắng dầm sương
Nhớ ai tát nước bên đường hôm nao.

Người Bắc ăn rau muống sống rất cầu kỳ, thường bỏ hết lá, chẻ nhỏ cọng rau như cây tăm rồi đem ngâm nước cho xoăn lại(nhiều người còn kỹ lưỡng ngâm nước muối, ngâm thuốc tím để khử trùng- nhưng làm vậy rau mất giòn, mất ngon). Người nam Bộ đơn giản hơn, cứ việc để nguyên cọng rau tươi rói mà nhai rau ráu. Cà cũng vậy. Người Bắc thích cà bát, cà pháo muối dưa. Người miền Nam thích ăn sống cà phổi, cà phổi nướng dầm nước mắm. Mà nhìn chung, người miền Bắc ăn rau sống rất kén các loại rau, người miền Nam thì khác hẳn. Dân miệt đồng Nam Bộ thích ăn các thức rau mọc hoang hóa ngoài gò, ngoài bãi, ngoài đồng. Cải trời, cải đất, rau đắng, rau mác, đọt bình linh, đọt nhãn lồng(lạc tiên, mắm ruốc), lá xoài non, lá thu đủ, lá sầu đâu, bông điên điển, bông so đũa, bông lục bình, cọng bông súng… đều được coi là thức ngon trong bữa cơm thường ngày cũng như trong các đám giỗ chạp.
Dân ta có câu, “Cơm không rau như đau không thuốc”. Rau ăn trước hết cốt để ngon miệng, sau nữa mới tới bồi bổ tâm, can, tì, phế, thận, mới tới dưỡng sinh, khí, lực. Người Nam Bộ ăn lẩu mắm, ăn bánh xèo, bao giờ cũng đặc biệt coi trọng các thứ rau ăn kèm theo. Càng nhiều rau càng ngon. Càng nhiều thứ rau hoang dại lại càng ngon hơn. Ngay cả ăn phở, ăn hủ tiếu, ăn cháo cá… dân Nam cũng rất chú tâm tới món rau ăn kèm theo; người Bắc không quen, cho là dân Nam ăn độn rau vào cho no bụng.
Đối với dân nhậu ở Nam Bộ, cách chế biến món ăn, đôi khi rất đơn giản, mà ăn xong lại nhớ đời. Cá lóc nướng trui, rắn nướng lèo, vịt nướng đất sét… đơn giản chỉ dùng rơm, dùng cỏ nướng lên, vậy mà thơm ngon không thể nào tưởng nổi. Cách ăn đó hạp với lúc đi làm ngoài đồng, ngoài bãi. Ở nhà tuy có điều kiện chế biến hơn, nhưng đôi khi người Nam Bộ cũng không thích cầu kỳ cho lắm. Cá lóc rang muối, cua rang muối, gà rang muối… đều là những món chảng cầu kỳ gì mà khi ăn lại rất bắt mồi. Dân vùng sâu đãi bạn thường thích nhắm vào sự lạ, sự mới mẻ của đồng đất quê nhà. Ếch làm sạch nhớt, để nguyên con, nguyên da, nhồi vào bên trong thịt bằm xúc hột gà, mộc nhỉ, nướng lên bằng vỏ dừa. Lươn nằm mà hấp lá bầu. Lươn luồn vào mướp hương nướng lửa rơm. Cá lóc bọc bẹ chuối xiêm nướng lửa cỏ khô. Rắn chặt khúc hầm sả. Vịt nấu xiêm lo bằng mắm bồ hóc…
Người Nam Bộ không coi trọng việc ăn uống trong dịp Tết Nguyên Đán như người miền Bắc. Ở Nam Bộ, Tết đến ít thấy cảnh các gia đình chung đụng nhau giết heo như ngoài Bắc. Con vịt trong chuồng bẻ ngoéo cổ là xong. Con cá rọng trong khạp nướng lên là xong. Thịt rắn được trọng hơn thịt gà. Dân nhậu được gia chủ đãi con rắn ri voi hầm sả thì sướng gấp vạn lần được đãi gà đãi vịt.
Tết nhất ở Nam Bộ, dân tình rất thích món gỏi. Gỏi gà, gỏi vịt, gỏi tôm, gỏi cua, gỏi cá… Thức trộn gỏi là bắp chuối, củ cải, rau muống chẻ, đu đủ nạo, bông súng, bông sen… Đặc biệt dân nhậu rất chuộng các thức gỏi chế từ cá khô, tôm khô, khô lươn, khô rắn. Đôi khi chỉ cần một trái bưởi, bóc ra lấy tép bưởi trộn với tôm khô cũng thành món đãi nhau ngon lành.
Ngày Tết thường sẵn dưa hấu, dân nhậu gặp nhau, cắt hai đầu trái dưa dựng đứng lên, dùng muỗng nạo ruột dưa thành từng miếng, thả vô ít cục nước đá là thành món lẩu dưa, đủ vui với nhau cả buổi.
Chuột ở Nam Bộ cũng được coi là món ngon. Nhiều người nuôi sẵn chuột cống nhum trong nhà, đợi đến ba ngày Tết mới đem ra xào với lá cách hoặc khìa với nước dừa thù tiếp lẫn nhau.
Ngày nay, nói “ăn Bắc, mặc Nam” là nói vậy thôi.
Người Nam Bộ có câu, “nói vậy mà không phải vậy”. Khắp cả nước bây giờ, ở đâu mà việc ăn uống chẳng đơn giản, chẳng cầu kỳ tới chấu. Ăn uống với nước mình là cả một nền văn hóa độc đáo, nói sao cho hết được.
HTT

Chuột kêu rúc rích - HTT

Tiểu phẩm:

CHUỘT KÊU RÚC RÍCH

Hồ Tĩnh Tâm


Lạ thay là con chuột!
Cắn nát ruộng lúa. Nhá bấy rẫy khoai. Gặm sụm cả kho tàng, bến bãi. Ấy vậy mà con người vẫn phải cầm tinh nó, phải tốn giấy mực vì nó.
Bắt đầu từ tranh làng Hồ chăng? Đám cưới chuột ấy vậy mà cũng linh đình võng lọng. Chỉ cần cúng bác mèo con cá béo là cô dâu, chú rễ và quan viên hai họ, cứ tha hồ mà vênh mặt lên với thiên hạ. Hay là bắt đầu từ chuyện quan thanh liêm về hưu chăng? Cả một đời làm phụ mẫu thanh bạch, nay giã từ quan trường, không còn vướng bận công danh, vậy mà bà lão ngốc thế, can cớ gì không bịa ra quan tuổi sửu; con chuột vàng làm sao to bằng con trâu vàng được. À, mà cũng có thể bắt đầu từ chuyện ngụ ngôn của La Phông Ten được qúa đi chứ! Ôi là Đại hội chuột! Trí tuệ chuột tuyệt qúa! Nhưng ai dám đứng ra đeo chuông vào cổ cho mèo? Chuông chứ có phải cá béo đâu. Đừng có mà chê mèo ngu nhé! Mèo thừa biết cái vòng kim cô của Tôn Ngộ Không lợi hại thế nào, nhưng cá béo thì… quan mèo không chê đâu! Nếu chê của đút thì mèo dại gì lại đứng ra làm quan cho rách việc.
Tôi nhớ câu ca dao dân dã ngày xưa:

Mèo nằm giàn bếp vinh râu
Thấy con chuột chạy lắc đầu hổng ăn.

Không phải mèo chê chuột đâu nhé! Chẳng qua là nó lục bếp no rồi. Khi đã no cành hông thì tới người còn làm biếng, còn dễ dãi, nói chi tới mèo. Dân gian chẳng đã từng nói: ăn no ấm cật, dậm dật khắp nơi là gì.
Thuở nhỏ, tôi vẫn thường nghe ngoại tôi hát ru bài dân ca, phát triển trại ra từ câu ca dao đó. Giai điệu và tiết tấu ngộ lắm, cứ như tiếng mèo kêu ngoao ngoao nơi xó bếp. Lời ca nghe lại càng ngộ hơn rất nhiều.

Mèo nằm giàn bếp tạ lới lới kêu ngoao
Kêu ngoao ngoao kêu ngoao tình rồi kêu ngoao ư
Thấy con chuột chạy hổng bắt lắc đầu
Tạ lới lới kêu ngoao
Kêu ngoao ngoao kêu ngoao tình rồi kêu ngoao ư

Dân gian biến đổi câu ca dao thành bài ca đồng dao hay qúa. Ngoại hát giả tiếng mèo kêu ngoao ngoao nghe mắc tức cười. Nhờ vậy mà chỉ nghe vài lần là tôi nhớ, tôi có vốn để hò hát, vui chơi với đám bạn coi trâu ngoài đồng, ngoài bãi. Tiếng ngoao ngoao đeo dính tuổi thơ tôi tới tận bây giờ.
Có đời thuở nào mèo chê chuột bao giờ. Có chăng là chuột tinh ranh, chuột xỏ mũi mèo, để trẻ con có ca dao mà học.

Con mèo mà leo cây cau
Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà
Chú chuột đi chợ đàng xa
Mua mắm mua muối giỗ cha chú mèo.

Bài ca dao ấy được Lê Thương phổ nhạc, đưa thêm vào từ chuột chích. Trẻ con thích lắm. Người lớn cũng thích. Nhiều người còn gọi đứa con mới lẩm chẩm biết đi của mình là chuột chích. Nghe thấy nhỏ nhoi, thấy dễ thương, thấy âu yếm lạ lùng.
Nhưng ràng ràng chuột là loài gặm nhấm, vừa láu lỉnh vừa láu cá. Nhát trần thân mà cũng khôn trần thân, nghịch trần thân. Ăn vụng như chớp, phá phách như qủy, gieo dịch bệnh như ma. Nổi tiếng làm vậy, thành ra con người phải đặt “Lý con chuột” dành riêng cho nó.

Chuột chê thóc lép không ăn
Chuột chê nhà dột ra nằm bụi tre.

Điệu lý ấy, trình diễn theo phong cách nhạc trẻ, nghe tưng bừng tới mức, muốn lập tức rủ nhau đàn đúm hội hè để phá phách cho phỉ sức đang xuân. Cái mộc mạc của đời, cái dân dã của người, vận vào thành giai điệu, tiết điệu, hát lên thấy ngời ngợi cái tình lung liêng lúng liếng; thêm dàn nhạc Jaz đệm chát bùm bùm vào là bốc lửa, cháy hết những con mắt trót dại nhìn nhau.
Không hiểu người đời thực bụng khen hay chê giống chuột. Chuột dùng trong y học, là vật thí nghiệm, giúp ta tìm ra phương sách cứu người. Chuột nhảy vô thực đơn là món khoái khẩu, đến mức hóa thành ca dao.

Cần chi cá lóc, cá trê
Thịt chuột, thịt rắn nhậu mê hơn nhiều.

Chao ôi là chuột khìa, chuột nướng, chuột chiên, chuột xào lá cách… Lừng lựng thơm cái mùi thèm nhậu. Nghe đâu ở Úc, người ta đã có chương trình xuất khẩu thịt chuột túi để giúp làm giàu đất nước. Chẳng biết thịt chuột túi xứ tân thế giới ngon tới cỡ nào, chứ chuột đồng, chuột dừa, chuột cống nhum xứ mình thì… đố ai đã lỡ ăn rồi mà quên được.
Chuột ngoài đồng, chuột trên ngọn dừa, đi một lèo, một mách vô ca dao- đi luôn cả vào tình yêu đôi lứa mới lạ.

Chuột kêu rúc rích trong rương
Anh đi cho khéo đụng giường bả hay.

Chữ “rúc rích” gieo vào giữa câu thơ sao mà tài thế. Cứ như đang diễn ra chuyện của con người. Còn sự chân tình của cô Bảy, cô Ba nào đó, sao mà dễ thương. Bà già lỡ nghe được, chắc cũng chỉ còn nước bụm miệng mà cười, mà thông cảm cho lứa đôi tuổi trẻ. Ca dao đôi khi hóm thế. Dám để cho con gái kêu mẹ đẻ là “bả” cơ đấy!
Có điều, nghe chuột xạ rúc rích kêu khách tới lúc nửa đêm thì… cô Ba, cô Bảy ơi, xin nhớ lấy câu này:

Gió Nam non thổi lòn hang chuột
Chuyện lộ rồi dong tuốt luốt anh đi.

Ngặt trời ông địa là chuyện gái trai tình tự lúc đêm hôm. Ca dao của ông bà hết buông ra lại buộc vào, dạy lẽ đời hay quá!

H.T.T.


Cụ Tổ - truyện ngắn hotinhtam

ta thiền ta

thiền không hết được nhiệm mầu
ta về với gió ru sầu hư vô
một bầu thu nguyệt Nam mô
ái ân trắng cánh sen hồ tĩnh tâm


htt



Truyện ngắn:

CỤ TỔ

Hồ Tĩnh Tâm


Nội kể:
Lối hơn trăm năm về trước, chỗ bến cây gáo có miễu thờ thần hoàng, trước cửa có cặp kỳ lân tượng từ đá xanh, oai vũ lắm. Mùa mưa năm ấy, không hiểu tự làm sao, thường ngày sóng cứ nổi cuồn cuộn trước miễu; tuồng như có cặp rồng trầm mình vùng vẫy. Rồi một đêm dông gió, dân làng nghe sóng đánh đùng đùng thâu đêm, hừng đông thì không ai còn thấy cặp kỳ lân đâu nữa cả. Vào đúng đêm hôm đó cụ tổ ra đời.
Cụ tổ vóc vạc cao lớn, mạnh dạn, cơ bắp nổi có cuồn, sức vật cả trâu cui ngã qụy. Cụ tổ leo cây như sóc, lội nước như rái; cụ lặn một hơi, chấp người ta cả ba hơi. Mấy ông thầy nò còn phải kiếng cụ tổ bằng sư phụ. Một lần có con sấu độc từ Cao Miên lạc xuống, gặp trâu bầy qua sông nó cũng dám lao vào tấn công đục nước. Một cú ngoạm của nó, trâu lớn cách mấy cũng rách toạc cả cuống họng. Một cú quật đuôi của nó, ghe lườn chở mười thiên lúa cũng chìm lỉm. Vậy mà cụ tổ dám thả mài bè chuối, đốt mỡ người dụ nó, phóng liên tiếp hai mũi giáo nhọn lểu vào cuống họng. Cánh câu sấu kiếng cụ cái bao tử, xé ra thấy nhóc nhách các vòng vàng xuyến bạc; hẳn là nó đã tàn sát không biết bao nhiêu người. Nội cái đuôi sấu, vòng vòng lối xóm đủ nhậu rần ì cả đêm. Lại lần khác, có con cọp vằn chột mắt về làng, giữa thanh thiên bạch nhật dám nhảy xổ vào chuồng heo, cõng heo trên trăm ký chạy tuốt vô đồng đưng. Một hôm cụ tổ rình thấy nó chun vô bọng cây nằm ngủ, liền chạy tới, xuống tấn ghị đuôi nó lôi ra. Con cọp gồng sức bươn tới, rống chói lói, ỉa đái vung vít cả ra. Khi kéo được nó ra khỏi bọng cây, cụ tổ buông tay phải rút phắt cây búa, vung tay nện cho nó một cú bể toang hộp sọ, óc văng ra lầy nhầy. Tấm da cọp căng ra rộng hơn cả sãi tay, móng vuốt sắc lem lẻm như lưỡi dao cau.
Dân làng phục nhất là sức ăn của cụ. Chè xôi nước là thức ăn dễ ngán, người lực lưỡng cũng chỉ ăn tới ba bốn chén là cùng, vậy mà cụ tổ ăn một hơi hết cả sãi. Đã nhiều lần người ta múc chè đậu ra chén, xếp san sát cả sãi tay, cụ tổ đứng xổng lưng, bưng từng chén húp sạch bách. Tháng chạp, tới mùa kéo che ép mật, cụ tổ bó một ôm mía lau ba bốn chục cây, riết cứng khừ như cột nhà, vậy mà cụ chỉ vung cây thiết bản có một cái, bó mía đã đứt lìa làm đôi, ngọt như người ta dùng phảng chém cây chuối.
Năm mười chín, cụ tổ được ông Thiên Hộ tuyển làm vệ sĩ, sung vào đội dân binh cảm tử đánh Tây. Ông Thiên Hộ cũng cao lớn dềnh dàng, mặt vuông chành chạnh, mày rồng mắt phụng, xếch ngược lên dữ dằn. Nghe nói ông có luyện thiên linh, dao chém không đứt, đạn bắn không lủng. Danh tiếng ông Thiên Hộ nổi như cồn, người Tây nghe tới tên ông cũng phải sợ.
Mỗi lần xung trận, ông Thiên Hộ múa cây xích đao lao lên trước. Đao múa vù vù, ánh thép loang loáng, tiếng xích rổn rảng như mưa bão. Đạn nhọn của Tây săng đá, không hiểu tự làm sao chưa bao giờ dính tới được một cọng lông chân của ông. Bởi vậy tiếng đồn ông Thiên Hộ có bùa phép càng lúc càng xui khiến người ta tin tưởng, càng khiến người ta ùn ùn kéo về đầu quân rất đông.
Duy chỉ có cụ tổ là không tin vào điều linh thiêng ấy. Cụ tổ dặn đám nghĩa sĩ của mình, Khi xung trận phải dũng mãnh, liều mình như chẳng có, nhưng lúc nào cũng phải nhớ phòng thân cho khéo, lỡ dính đạn Tây thì khó toàn tính mạng. Bởi vậy cụ tổ theo Thiên Hộ tả xung hữu đột, xông pha chinh chiến khắp miền kinh rạch, bưng biền, nhưng lúc nào cũng biết phòng bị trước đạn nhọn của Tây săng đá bắn chiu chiu chát chát. Lối xáp trận của cụ tổ là phục binh, bất ngờ đổ quân đánh nhàu một trận tạt sườn thật nhanh rồi gom quân rút nhẹm. Thiên Hộ khác hẳn. Khi giáp trận, ông dóng trống phất cờ, kéo hết tiền quân hậu quân ào lên như đá băng thác đổ, coi hòn tên mũi đạn nhẹ tựa lông hồng.
Thấy đoàn nghĩa binh càng đánh càng mạnh, Tây săng đá quyết một trận ăn thua đủ. Đại quân của chúng từ Tân Châu, Hồng Ngự hiệp binh kéo tới. Thế mạnh như rồng cuộn. Tới hợp lưu sông Tân Thành, sông Hồng Ngự, chúng cho dừng binh dàn trận. Quân Thôi Hộ từ đất gò đất bãi kéo ra, cặm cờ thủ trận. Thôi Hộ vận bà ba màu đất, dựng đứng xích đao bên hông, sau lưng có cụ tổ là nghĩa tướng, sau nữa là các cơ trưởng, cơ phó, ai nấy đều hùng dũng.
Trước tiền quân của Tây săng đá, chồm hổm hai khẩu đại liên lạ hoắc. Thôi Hộ vẫy tay cho đội nghĩa quân vác mộc gỗ tiến lên. Rồi không hiểu sao, ông ra lệnh cho cụ tổ trở lui chỉ huy hậu quân, chuẩn bị sẵn sàng đánh tiếp cứu. Xong xuôi, ông cho phất cờ đổ quân thốc tới.
Hai cây đại liên nhất loạt sủa ằng ặc từng tràng đạn nhọn veo véo. Đoàn nghĩa binh bị đốn rạp xuống. Riêng Thôi Hộ vẫn lừng lững, không hề hấn mảy may. Khinh thường đạn nhọn không đâm lủng được da thịt của mình, Thôi Hộ thét vang như sấm, múa xích đao tiến lên vọt vọt. Đoàn nghĩa sĩ noi gương ông, múa giáo ào lên, bất chấp hai làn đạn chéo cánh sẻ quạt như quạt lửa. Không biết có tới bao nhiêu người ngã gục. Nhưng Thôi Hộ vẫn lừng lững. Tiền quân của ông thấy vậy lại liều mình băng tới. Lại té sấp rạp rạp như bị người ta phạt lác đồng đưng.
Đang hồi gay cấn, thốt nghe hậu quân của Tây săng đá rối loạn, hàng ngũ nháo nhào túa chạy. Đó là quân của cụ tổ theo mật lệnh của Thiên Hộ tiến binh tập hậu, phá vỡ thế trận của kẻ thù. Lúc gom quân, ai cũng thấy Thiên Hộ dính đạn cùng mình, nhưng chỉ trầy da tróc thịt, chứ không đến nổi trọng thương.
Đoàn nghĩa binh tiếp tục tồn tại được một năm nữa thì tan tác bởi thế cùng lực kiệt.
Cụ tổ trở về làng khi Thôi Hộ đã qua đời. Với sức vóc của mình, cụ tổ trần ra phá rừng mở đất, dần dần tạo nên cơ nghiệp. Tôi là cháu đời thứ sáu của cụ, thuộc về dòng vợ bé của cụ. Nội nói, cụ tổ có tới bốn vợ, hai mươi sáu người con. Cụ thọ hơn trăm tuổi. Năm bảy mươi tuổi cụ còn vác nổi cối đá giã gạo. Năm tám mươi tuổi cụ tổ vẫn đi quyền vun vút, vẫn một mình bủa chài, thả lưới quăng bắt cá hô ngoài sông cái. Chừng thác về trời, cụ tổ cũng ra đi rất nhẹ nhỏm. Buổi chiều cụ kéo miệng nò đổ cá. Buổi tối cụ ngồi uống rượu với ba người bạn nghĩa binh thời Thôi Hộ. Bốn người ăn hết hai con rùa, một con rắn ri voi bằng cầm tay, năm con ếch. Sức ăn như vậy là còn rất khỏe. Vậy mà buổi sáng hôm sau cụ tổ đã ra đi từ lúc nào, nét mặt vẫn hồng hào quắc thước. Mộ cụ tổ là ngôi mộ đá lớn nhất trong khu mộ của dòng họ.
Tương truyền trong dòng họ có chuyện kể về cụ tổ. Ấy là chuyện khi cụ tổ về làng, có thằng quan Tây vận sơ mi trên tỉnh mến mộ danh tiếng cụ tổ, nhiều lần lặn lội xuống xin gặp. Thấy quan Tây vất vả nhiều lần, lại tỏ ý thành thật, cụ tổ đã đồng ý dạy cho ông quan Tây môn xích đao, môn thiết bảng, với điều kiện ông ta phải dạy cho cụ tổ tiếng Tây. Bởi vậy cụ tổ là người đầu tiên trong dòng họ biết tiếng Tây khi chưa rành chữ quốc ngữ. Nhờ vốn tiếng Tây đó, cụ tổ xin được vào học lớp kỹ nghệ Sài Gòn, trở thành thợ máy tàu, máy xe. Ai dè bỉu, chưởi xiên chưởi xéo cụ tổ theo Tây, gặm bánh mì lạt, uống rượu mùi của Tây, cụ tổ cũng chỉ im lặng làm thinh. Mãi sau này, khi đệ tử theo cụ tổ học nghề nhiều hơn học võ, cụ tổ mới nói: Nghĩa binh theo ông Thiên Hộ có đông, nhưng võ khí thô sơ, không đủ mạnh chống lại súng ống rần rộ của Tây săng đá. Muốn thắng Tây, ngoài lòng dũng cảm can trường, cần phát huy kỹ nghệ cho bá tánh. Người Tây giỏi kỹ nghệ thì phải học theo người Tây. Cái chí phục quốc không thể nôn nóng, tính ngày một ngày hai. Còn ông Tây vận đồ sơ mi trên tỉnh, nghe nói ông ta là học giả, qua nước ta nghiên cứu văn hóa, ông ta không phải là người xấu. Không phải người xấu thì đích là người tốt, cần phải kết bạn để hiểu hơn về người Tây mà tìm cách đánh Tây. Ông nội tôi sau này noi theo chí hướng của cụ tổ, cũng theo học thợ máy, rồi làm sốp phơ chạy xe máy than đường liên tỉnh. Sau này ông nội có hẳn mấy chiếc xe máy than chạy phành phạch, cũng kể là người tân tiến của thời kỹ nghệ.
Ngày tôi lên đường tòng quân, tôi theo ông nội ra thắp nhang vái lạy mộ tổ. Thấy phía sau ngôi mộ cụ tổ có lùm cây rậm rạp, tôi xin nội cho dọn sạch lùm cây ấy đi để lấy đức trước khi vô bưng biền. Nội cản lại, biểu trong lùm cây ấy có con rắn rồng tá túc đã ngoài hai chục năm, đã thành linh xà coi giữ khu mộ dòng tộc. Hơn chục năm nay, quanh quanh cuộc đất khu mộ tổ không hề có lấy một con chuột, con chồn, con cáo. Trong dòng họ, những ai biết tới con rắn ấy đều gọi là ông rồng. Ông rồng lột xác mỗi năm một lần. Xác vảy của ông vắt trên lùm cây sau ngôi mộ cụ tổ, dài tới hơn sãi ruởi tay người lớn. Rất ít ai được thấy ông rồng, họa lắm mỗi năm mới có một hai người may mắn nhìn thấy. Những người nhìn thấy đều nói, ông rồng mọc râu trên đầu, giống hệt con rồng họa trong ngôi từ đường thờ tổ. Nhưng có nhiều người nói ngược lại, cho rằng ông rồng không phải là rắn rồng, mà là rắn hổ ngựa, biết quăng mình lao vù vù như ngựa phi trên cây cỏ, bởi vậy ông mới sống tới mấy chục năm. Nghe đâu vào năm lũ lớn, đói kém tràn lan, sinh đạo tặc khắp nơi, có kẻ mò tới khu mộ tổ tính quật mồ kiếm chác. Khi xà beng vừa chạm vào mặt gạch, kẻ đạo chích thấy ràng ràng ông hổ ngựa ngóc cao đầu sau khu mộ tổ, bành mang phun khè khè dọa nạt. Kẻ đạo chích hết hồn vùng chạy, vấp nhằm rễ cây té lăn bất tỉnh. Sáng ngày được người dòng họ tôi vực dậy, y nói năng ngơ ngơ ngáo ngáo như người mất hồn. Từ đó tiếng đồn khu mộ tổ dòng họ tôi có linh xà coi giữ mới lan truyền khắp nơi.
Nội nói tôi tuổi rồng là núp tuổi cụ tổ, mạng dương, số hên lắm. Chẳng biết có phải vậy không mà tôi khoác áo lính bấy nhiêu năm không hề dính miểng bom, miểng pháo, không hề đạp nhằm mìn hay dính đạn nhọn lấy một lần. Duy nhất vào mùa nước nổi năm 72, tôi đi trinh sát mở tuyến với tay thông tin vô tuyến điện, đang đi thì nghe tiếng thét ré lên sợ hãi. Nhìn qua lùm cây, tôi thấy một cô gái đứng chết trân trên gò đất, trước một con hổ chúa đang ngóc đầu bành mang phun nọc phè phè. Con rắn to như bắp tay nằm ngoằn ngoèo dưới đất. Không hiểu sao lúc đó tôi nổi gan cùng mình, dám rẽ lùm cây bước qua, nhìn thẳng vào con rắn. Tôi với con rắn nhìn nhau chừng gần một phút. Tụ nhiên con rắn cuộn người lại, không còn ngóc đầu đe dọa. Con rắn nằm im chừng tàn nửa điếu thuốc, rồi từ từ duỗi thân hình trườn vô lùm ô rô.
Sau này tôi mô tả lại hình dạng, màu sắc của con rắn ấy cho ông thầy thuốc rắn nghe, ông thầy cho tôi biết, đó là thứ rắn biết phun nọc độc vào mắt bất cứ con mồi nào, hay bất cứ con vật nào dám đe dọa tính mạng của nó. Nọc loài rắn ấy giết chết cả trâu bò chứ đừng nói tới người. Ông thầy thuốc rắn tặng tôi mấy liều thuốc rắn hộ thân rồi nói: số tôi có thánh nhân phù trợ.
Tôi nghĩ, thánh nhân phù trợ cho tôi chính là cụ tổ chứ còn ai vào đó.


H.T.T.

thơ hotinhtam

gió trăng gọi mãi tên mình
đường xa nhân ngãi vô tình được chăng

h.t.t.


ruổi rong theo gió dặm đường
lên rừng xuống biển vô thường với ai
bụi trần nhuốm bạc tóc tai
mòn con mắt đợi dám sai tấc lòng
kiếp này trót đã long đong
Thì thơ với rượu còn mong nỗi gì
giật mình ngẫm có tình chi
thoắt hoa sen trắng mùa thi sĩ về

h.t.t.


Chợp trăng thu

tĩnh tâm


Đất chong mặt Phật lên trời
Chiều day dứt tím một đời thân ta
Nỗi buồn ám ảnh lá đa
Nam mô Bồ Tát vàng da thịt mình


Bìm bìm đeo kiếp chúng sinh
Tang bồng giọt lệ
phiêu linh cõi thiền
Tơ chùng bấm nỗi niềm riêng
Rưng rưng trời đất
chao nghiêng đêm gầy

Người đi chiếc bóng còn đây
Hình hài cát bụi rắc đầy trên sông
Mắt nhìn gói cả thinh không
Chứa trong khoảnh khắc
mênh mông dòng đời
Giật mình ta gọi ta ơi
Có chăng thu nguyệt giữa trời tương tư
Đèo bòng nửa thực nửa hư
Thực như cõi phật hư như cõi người

Thỉnh hồi chuông đỏ con ngươi
Khói hương lãng đãng buồn rười rượi trôi
Thu vừa chợp bóng trăng thôi
A Di Đà Phật ta hồi hộp ta!

hotinhtam