Thứ Tư, 29 tháng 4, 2015

THÁNG TƯ THEO EM VỀ Hồ Tĩnh tâm

THÁNG TƯ THEO EM VỀ Hồ Tĩnh tâm Theo em về cuối nẻo tháng tư Ngày trở nắng hàng cau xôn xao gió Mùa bạc tóc nói lời hoa phượng đỏ Con ve gầy kêu rạc giọng hè ơi Chợt bần thần khóm trúc dậu mùng tơi Dáng bần nghiêng nỗi buồn trên sông nước Bốn mươi năm có bao giờ nguôi được Người mẹ nghèo vai áo vá năm xưa Bóng hàng dừa rưng rức nỗi ban trưa Con trâu nằm bên bờ tre nhai nắng Thương đỏ mắt đến từng cây rau đắng Con đò chiều nhuộm tím cả dòng sông Hoàng hôn buông xuống điệu lý phập phồng Năm tháng cũ thấm trong từng hơi thở Tháng tư thức trao nhau từng sợi nhớ Tiếng đờn kìm rưng rức suốt đêm thâu Bàn tay em tôi mắc nợ từ lâu Sao quên được mưa chiến trường thuở ấy Những con rạch những dòng kinh sóng dậy Mái dầm bơi dài suốt bốn mươi năm Cùng em về miền thương nhớ đăm đăm Trải lòng ra với bông bần bông gáo Duyên với nợ cồn lên bao cơn bão Tôi theo em về cuối nẻo tháng tư HTT

Thứ Sáu, 24 tháng 4, 2015

TRÁI TIM NGƯỜI LÍNH Truyện ngắn: Hồ Tĩnh Tâm

TRÁI TIM NGƯỜI LÍNH Truyện ngắn: Hồ Tĩnh Tâm Tìm lòng vòng một hồi, cuối cùng tôi phải lội ra tận ngoài ruộng mới gặp được ông. Ông vận xà lỏn, phong phanh cái áo bạc phếch đã trổ màu phèn. - Cha, cái thằng dữ hôn. Sao biết tao ở đây mầy? Vừa nói ông vừa nhe răng cười. Nụ cười hết cỡ, trắng lấp lóa trên gương mặt đen sạm. Đã vậy đầu lại hói trụi lủi suốt từ chân mày lên tận đỉnh. Như đọc được ý nghĩ của tôi, ông cựu trung tá bước từ dưới ruộng lên bờ. - Tao vậy chớ khỏe nha mầy! Suốt từ ngày còn quân ngũ tới về hưu đến giờ, tao hổng tốn của nhà nước tới một cắc tiền thuốc trị bịnh. Bịnh tật nó sợ tao như sợ tà. Ngay cả cấp ở trong tù, bị tụi nó uýnh tàn canh tận mạng, tao cũng cứ trơ ra. Phải rồi. Tôi có nghe chú Sáu kể về ông. Ông bị tụi lính sư 7 bắt được trong một trận đánh sanh tử. Tiểu đội trinh sát của ông bị trực thăng đổ quân vây bọc gần Giáp Nước. Nện nhau đùng đùng suốt từ tám giờ sáng tới bốn giờ chiều. Cuối cùng còn lại mình ông. Đạn hết. Lựu đạn cũng hết. Ông liệng cây K2 xuống sông, ngồi tựa lưng vô gốc cây còng vấn thuốc giồng, ung dung châm lửa hút phì phà. Sau này anh em hỏi sao không trốn, ông nói gọn bưng: “Nó bọc đặc ngừ tứ phía, trốn đi đâu?”. Anh em lại hỏi: “Sao không liều mạng với tụi nó?”. Ông trả lời: “Tay không mần gì nổi tụi nó. Để tụi nó bắt còn hy vọng trốn tù”. Ông ở tù đúng một tháng, rồi kết nối với anh em, bí mật dùng dây gân siết cổ chết thằng giám thị, nhào ra giựt súng của tụi quân cảnh, đánh thẳng từ trong ngục ra ngoài. Mười lăm người chết hết bảy, hai người bị thương tụi nó bắt trở lại, còn đâu đều chạy thoát được vô vùng. Năm 1970 ông được cho về thăm nhà mấy ngày. Gặp hồi du kích xã đánh đồn Bàu Ráng, ông chụp súng nhào vô cùng đánh với anh em. Bứt xong cái đồn gai mắt, cô xã đội trưởng trẻ khô bước tới cám ơn ông. Ông nói: “cám ơn suông vầy coi sao được. Cho hun miếng khỏi cám ơn”. Cô xã đội trưởng cười tủm tỉm: “Lính chủ lực khôn ác địa. Nè, hun lẹ đi, để người ta thấy chọc quê chết hà!”. Vậy là ông ôm ghị lấy cô, hun búa xua búa xụi. Cô xã đội bị nhột cười khanh khách. “Ăn gian vừa thôi cha! Xin hun một miếng mà hun qúa trời. Bắt thường sớm mơi theo người ta đi phục lộ uýnh xe, được hông?”. Ông nhe răng cười. “Được! Nhưng phải thưởng gấp mười lần như vầy mới đi!”. Mờ sáng hôm sau ông ôm súng theo du kích đi phục lộ. Tụi nó chạy hai chiếc xe jeep từ trên quận xuống. Ông bấm cóc điện. Mìn nổ hất lật ngược chiếc xe chạy phía trước. Xăng bốc lửa cháy bùng bùng. Chiếc xe phía sau qúa trớn đâm sầm vào chiếc xe phía trước, cũng bén lửa cháy đùng đùng. Tụi lính nhảy tạt ngang qua phía bên kia vệ đường, triển khai bắn trả rần rần rát mặt. Du kích nhắm đánh không lại, kéo nhau rút nhẹm vô bưng. Chạy tới con mương cạn, ông giả đò vấp té, kéo tuột cô xã đội xuống theo. - Nhớ hồi hôm hứa gì không? - Nhớ. - Vậy thưởng cấp kỳ ngay bây giờ nghen? - Lính nó rượt tới nơi, ở đó mà đòi thưởng. - Chặt đầu tụi nó cũng không dám rượt. Mà giả như tụi nó rượt tới, hai đứa mình uýnh luôn. Hun nhau ngoài mặt trận mới đã. Vậy là ông đè cô xã đội xuống, hun tới tới, tới tới. Những chuyện đó là ông kể cho tôi nghe, khi tôi với ông nướng lèo mấy con rắn nước nhỏ như ngón tay, ngồi nhậu ngay tại bến cây còng nhà ông. Nghe ông kể mắc ham, tôi hỏi: - Hun suông chớ có làm bậy không cha? Ông rọi ánh nhìn sắc lẻm vô mắt tôi rồi nói: - Tao chỉ xin hun chớ có xin làm bậy đâu mầy! Quân lịnh như sơn. Cổ cho bi nhiêu đó, tao hưởng bi nhiêu đó. Nói có bờ ruộng đây chứng giám. Tin hay không tùy mầy. - Tin. Nhưng rồi sao nữa? Đang vui, ông bỗng trầm ngâm, hạ giọng kể lại chuyện riêng của mình. - Tối đó tao ngủ hổng được, cứ trăn trở nhớ mùi mồ hôi ngai ngái của cổ. Tao nghĩ như vầy. Chiến tranh còn dài dài, cũng cần phải có con nít để tụi nó lớn lên tiếp mình uýnh giặc. Vậy là tao lần dò mò tới nhà cổ, tao đột vô mùng của cổ. Thấy cổ giật mình, tao dùng tay bụm miệng cổ lại, nói nhỏ: Ra ngoài vườn anh biểu. Chuyện hệ trọng lắm. Nói xong tao lủi ngay ra vườn. Đợi hoài không thấy cổ ra, tao tính chắc tiêu rồi. Lúc đó tao nghĩ như vầy. Chắc mình xấu trai, cổ hổng chịu. Thôi, rút nhẹm trở về đơn vị cho rồi. Đằng nào hết ngày mai cũng đã hết phép. Vậy mà tao vừa dợm chân bước đi thì cổ ra tới mầy ơi. Chiến tranh rần ì mà cổ xức dầu thơm. Mầy biết cổ xức dầu thơm để chi không? Để câu tao chớ chi nữa. Hổng lẽ có thứ thuốc chống muỗi nào lại thơm dữ dằn vậy. Bởi vậy, tao chụp lấy cánh tay của cổ, kéo cổ tới cây xoài, hỏi cổ có chịu tao không. Cổ im lặng một lúc rồi gật đầu. Lúc đó tao sướng như điên, tao nói với cổ, vậy thì cưới luôn bây giờ nghen. Cổ lại gật đầu. Ngay lập tức tao làm chồng, cổ làm vợ; lấy nhau trong vuông vười tối thùi lùi, không hề thấy trăng sao gì ráo. Lúc đó lối đâu mười giờ, mười một giờ khuya. Muỗi cỏ chích hai đứa tao sưng hết mình mẩy mà có hay đâu. Lúc đó sướng quá, quên ráo trọi mày ơi! đGần sáng tao với cổ lại lấy nhau lần nữa. Tôi ngóng cổ nhìn ông, hỏi: - Rồi sao nữa? Ông nói buồn bã: - Được có chừng đó thôi mầy. Tao với cổ đang cuộn lấy nhau thì nghe tiếng trực thăng ì ì đổ quân ngoài đồng trống. Biết chắc là tụi nó tổ chức càn quy mô. Dù chỉ còn một ngày phép, nhưng tao không thể bỏ anh em du kích để ra đi lúc này. Tao cùng với anh em dàn mặt đối đầu với tụi nó. Tụi nó càn dai như đỉa. Một ngày. Hai ngày. Rồi bốn ngày luôn. Tới chiều ngày thứ tư, tụi nó co cụm rút quân. Tụi nó rút theo đường lộ đất. Còn tụi F5 thì đến bằng đường trời. Bom nổ rền rung rinh mặt đất. Dứt trận bom, tao tìm hoài không thấy cổ. Tới tận bây giờ cũng không thấy mầy ơi! Bom tấn đào đất tanh bành như từng cái ao lở lói, thử hỏi có thứ nào còn nguyên được với nó. Bấy giờ tao muốn hóa điên, nằm úp mặt xuống đất khóc hù hụ như đứa con nít. Về tới đơn vị rồi, suốt mấy ngày tao vẫn còn bần thần như đứa mất hồn. Bị cấp trên phê bình về chuyện trễ phép tao cũng không thèm thanh minh thanh nga lấy nửa tiếng. Bởi vậy tới tận giờ nầy, ngoài mầy với bà xã tao ra, hổng một ai biết rằng tao đã qua một đời vợ. À, mà chuyện ông lấy bà vợ sau cũng ngộ kỳ đời. Bấy giờ là năm 1978, ông đang là trung đoàn trưởng. Trung đoàn lên đóng chốt ở biên giới. Trong một lần xuống tiểu đoàn thăm bộ đội, ông bắt gặp một gia đình mẹ góa con côi. Người đàn bà coi còn trẻ mà đã có tới bốn đứa con. Đứa lớn nhất mười bốn, đứa nhỏ nhất vừa lên bảy. Chồng của chị trước là du kích xã, ngày 30 tháng tư năm 75, trên đường tiến về tiếp quản huyện lỵ quê hương, anh đạp nhằm trái gài mà chết. Ông ghé vào nhà chị lúc cả nhà đang ăn cơm trưa. Nói là ăn cơm nhưng thực ra cả nhà đang húp cháo trắng. Thức ăn duy nhất chỉ thấy một tộ đầy tú hụ rau cải trời luộc, với chén nước tương. Mấy đứa nhỏ, đứa nào đứa nấy ốm tong teo, đứa nào cũng chỉ độc cái quần xà lỏn, phơi hết xương sống xương sườn ra ngoài. Đến đứa bé gái út cũng đánh trần như mấy anh nó. - Bả giống vợ cưới trong đêm của tao qúa mầy ơi! Tạng người cũng tầm tầm. Nước da cũng trắng như bông bưởi. Tới mái tóc cũng giống y chang. Lúc bả ngước mắt lên, tao sững cả người. Tao nói với thằng liên lạc cứ chạy honda về trước, sáng mai cho xe Jeep xuống tiểu đoàn rước tao. Lúc đám nhỏ đi chơi hết ở đâu đó, tao ngồi nói chuyện với bả một hồi, rồi tao huỵch tẹc luôn rằng tao muốn cưới bả, muốn cùng với bả chung sức nuôi sắp nhỏ. Nghe tao nói, bả gục đầu khóc nấc lên. Thấy thương lắm mầy ơi! Khóc đã đời bả mới nói rằng bả không dám, rằng bởi vì tao mới cưới vợ có một đêm coi như tao còn con trai. Tao nắm lấy bàn tay bả, tao nói dứt khoát không để bả một mình nuôi con nheo nhóc như vầy. Nước hòa bình rồi, trẻ con cần phải được đi học. Bả rút tay khỏi tay tao, chạy vô trong buồng nằm khóc. Chiều đó tao hỏi mượn tay tiểu đoàn trưởng mấy ngàn bạc, nhờ nó nói khéo để đưa cho bả mua gạo, mua quần áo cho sắp nhỏ. Tụi tao hổng có cưới xin gì ráo trọi. Tới giờ cũng không có miếng giấy hôn thú lận lưng. Coi như tao hai lần lấy vợ lậu đó mầy. Mà cái thời đó, sao tụi mình nghèo mạt vậy không biết. Lương bỗng nhẹ hều. Lĩnh lương tuần trước, một hai tuần sau đã bù trớt, không còn một trinh dính túi. Nhìn đám trẻ cứ một ngày một xanh rớt ra, tao cầm lòng hổng thấu. Tính tới tính lui nát nước, vẫn không kiếm được cách nào làm ra tiền. Cuối cùng, tao phải viện lý do bị thương nhiều lần mất sức để xin nghỉ hưu non. Uýnh giặc hà đùng hàng trăm trận mà tao chưa bao giờ lo như lo phải ra hội đồng y khoa giám định sức khỏe. Thương tích cùng mình mà tim, gan, phèo phổi của tao hổng hề hấn gì. Bởi vậy tao phải “y vận” tụi nó chầu rượu đế với khô sặc rằn, để tụi nó chế cho. Tụi nó nhậu bể thùng sáng đêm, vậy mà còn cười tao là thằng mê đờn bà. Ai đời đang khỏe sơn sởn lại xồng xộc đòi xin hưu. Tụi nó bảo cái số sanh bọc điều như tao, chịu ăn thua đời lính, chí ít cũng hai sao bự trảng. Rồi tụi nó lại khen tao là thằng khôn thành tinh, không tốn đồng xu cắc bạc mà cùng lúc vừa được vợ, vừa được con đình huỳnh đâu vào đấy. Giờ thì tao lên ngôi rồi nghe. Ông nội đàng hoàng. Ba đứa lớn, đứa nào cũng tốt nghiệp đại học, đứa nào cũng có công ăn việc làm, cũng đã thành gia thất. Chỉ còn nhỏ út đang học đại học y trên thành phố là chưa có chồng. Nhưng nhỏ đó thì tao hổng lo. Nó đẹp còn hơn cả hai bà vợ của tao cọng lại. Tao chỉ lo thằng mắc ôn mắc dịch nào nó bắt chước tao thuở trước, nó kiếm cớ đòi con nhỏ thưởng tùm lum. Bởi vậy tháng nào vợ chồng tao cũng lên thăm nó, tiếp tế tiền bạc cho nó ăn học. Con nhỏ lém lắm. Nó biểu tao với bả đừng qúa lo cho nó mà mau già, mau xuống sức; ở nhà cứ việc tẩm bổ rượu ngâm tắc kè, ngâm cá ngựa thoải mái, hết nó biểu mấy anh nó gởi về. Bởi vậy tao với bả mới khỏe như đất cục. Ai cũng lo giữ xuân sắc, lo ăn thịt chuột, thịt rắn cho cường tráng. Trời đất! Cái ông trung tá ốm nhom ốm nhách, hói đầu như bác học vầy đây mà cũng còn lo xuống sắc nữa sao. Té ra ông vẫn còn máu lắm. Ông chiếu ánh mắt sáng rực vào mắt tôi, nói rổn rảng: - Tao là thằng đẹp trai ngầm nghen mầy. Đờn bà con gái muốn biết tao đẹp, phải ăn đời ở kiếp với tao. Mầy thấy bả đẹp như bông súng trắng ngoài đồng không? Còn khuya mới tới màn da thịt trổ đồi mồi năm mươi nghen mầy. Hồi khó khăn chồng chất, tao nhờ mỗi ngày mỗi thấy bả đẹp lồng lộng mà đủ sức bươn chải vượt qua đói kém. Tao đào ao thả cá. Tao nuôi vịt hãng lấy trứng đem ấp bán vịt con. Tao tom góp tiền bạc mua đất lập vườn. Ở quê, chục công ruộng, hai chục công vườn như tao là vua nghen mầy. Giờ tao là tư lệnh khuyến nông của xã, là tư lệnh cựu binh của xã. Tụi nó phong tao hàm trung tướng. Trung tướng nhãn da bò. Tỷ như tao đeo theo đời lính cả đời, văn hóa ù lần như vầy, dễ gì có được hàm tướng nầy há mầy? Nói mầy biết, lính cựu tụi tao ở xã, cộng cả lính chống Pháp, chống Mỹ, chống Pôn Pốt, tất tật phải hơn một đại đội. Tao là trung tướng nhãn da bò, chỉ huy đại đội nông binh, chiến đấu lăn xả trên ao đìa, ruộng vườn. Hết ý lắm nghen mầy! Ở xã tao, giờ có bói cũng không kiếm ra một thằng cựu binh nào nghèo. Đứa nào nghèo là tụi tao kiểm thảo, bắt phải nhận vốn viện trợ, vốn cho vay, bắt phải trần lưng vật lộn với đất để làm giàu. Đang lai rai trò chuyện, thốt nhiên tôi nghe tiếng dê be be vọng tới từ sau nhà ông. - À quên. Để tao ới bả đem sữa dê tươi ra uống. Tao nuôi tới mười con dê sữa Hà Lan. Cái giống dê cái Hà Lan, con nào con nấy vú bự chần dần. Không biết đờn bà con gái xứ ấy ra làm sao, mà ti vi cứ quảng cáo rùm beng sữa cô gái Hà Lan ngon lắm. Con gái thì lấy đâu ra sữa! Mà đã có sữa thì còn gì là con gái nữa há mầy! Nhưng thôi, tới Ông Thọ còn có sữa nữa là! Trung tướng nhãn da bò phá ra cười. Nụ cười hết cỡ, trắng lấp lóa trên khuôn mặt đen sạm. Qủa thật, nhìn cách ông cười mới thấy ông đẹp- đẹp dễ dãi, đẹp thật tình, đẹp ngầm một cách gần gụi. Mở phanh áo ngực cho mát, phẩy tay một cái, trung tướng nhãn da bò nói rổn rảng như tiếng máy tàu nổ trên sông: - Mầy hay gì chưa? Đ.má mấy thằng Tàu chơi đểu. Kì này tao hú hết ba thằng con nhập ngũ, sung tên lửa, bắn nát đầu tụi nó. Cần thì tao cũng nhào ra Trường Sa ăn thua đủ với tụi nó. Đ.má quân Tàu khựa! Vừa ăn cướp vừa la làng! Hôm nay mầy ở đây với tao, tao kêu đám cựu binh tới, quậy tưng với nhau để nhớ thời xưa ấy! Tôi cười theo trung tướng nhãn da bò để ngắm nụ cười vui vẻ, trẻ trung, rất đàn ông của ông. Và tôi chợt nhận ra rằng, phía sau nụ cười ấy, là một trái tim người lính, vẫn còn đập sôi nổi nhịp thanh xuân tưng bừng rạo rực. H.T.T.

QUA CẦU CỞI ÁO TRAO NHAU thơ Hồ Tĩnh Tâm

QUA CẦU CỞI ÁO TRAO NHAU Hồ Tĩnh Tâm Nắng vàng rực đến ngỡ ngàng đến lạ Khi tôi về miền đất nhớ Trà Vinh Miền yêu thương miền thấm đẫm ân tình Bao năm tháng không bao giờ quên được Em thuở ấy trên quê nghèo Xẻo Đước Mái nhà tranh nép bóng rặng dừa xanh Con đò chiều manh áo bạc phong phanh Em chở cả hoàng hôn về bến đợi Năm tháng cũ bao nỗi niềm vời vợi Dòng sông dài thao thiết mãi không nguôi Cánh đồng làng mùa lúa chớm đỏ đuôi Hương nếp mới quẩn quanh niềm tâm sự Trưa rộng quá soi vào đâu quá khứ Cũng hiện về bổi hổi bến sông trăng Chạm vào nhau nghiêng câu lý bằng răng Căn nhà nhỏ rọi mù u rưng rức Trang giáo án và cơn ho trong ngực Em nhỏ nhoi như dấu cuộc đời Chấm vào tôi buốt nhói chẳng nên lời Dòng Cổ Chiên cứ trôi về biển rộng Trưa vọng cổ gió đầy trời lồng lộng Lời ca dao đau đáu nắng vàng gieo Mái tóc em bạc trắng nỗi gieo neo Cháy trong tôi bần thần ngày xưa ấy Vàm Cá Hóp đến bây giờ vẫn vậy Ngã ba sông căng ngực đợi nhau về Lý lu là lý vọng khúc phu thê Xao xuyến nắng Càng Long vàng như lụa Mùa dân dã có bao giờ héo úa Thôi qua cầu ta cởi áo trao nhau HTT

Thứ Bảy, 18 tháng 4, 2015

CHUYỆN THẬT VỀ TRÁI TIM NGÀN NĂM TRƯỚC Hồ Tĩnh Tâm

CHUYỆN THẬT VỀ TRÁI TIM NGÀN NĂM TRƯỚC Hồ Tĩnh Tâm Chuyện kể rằng. Cách đây cả ngàn năm, ở làng tôi có người đàn bà điên, sinh hạ được đứa con trai, chẳng biết con ai, chỉ biết nó có gương mặt đẹp như Phật. Nhiều người thích, mốn xin về nuôi, ngặt nỗi ai cũng sợ, mẹ nó điên, lỡ sau này nó cũng điên như mẹ. Cuối cùng, làng phải cậy chùa làng nuôi nấng nó. Đứa bé lớn lên trong chùa, được chùa nuôi dạy kinh kệ, học tới đâu thuộc làu làu tới đó. Công việc hàng ngày của đứa bé là học kinh, học nấu các món chay và quét lá sân chùa. Ngoài các việc ấy ra thì nó vẽ. Nó dùng que vẽ xuống đất tất cả những gì nó nhìn thấy, từ ngôi chùa, ngôi nhà, đến cánh đồng, dòng sông, giếng nước, lũy tre làng. Nó vẽ đẹp lắm. Ai nhìn thấy hình nó vẽ cũng khen tấm tắc. “Thằng bé đúng là con nhà Phật”. Năm lên sáu, thằng bé biết dùng than vẽ lên các vật cứng, như chum vại, gốc cây, bờ tường. Năm lên mười, nó đã được giao vẽ tranh Phật cho nhà chùa. Năm nó mười tám tuổi, đã lớn thành chàng trai, nhưng nhà chùa lại không hướng nó theo nhà Phật, mà cho nó miếng vườn, thửa ruộng ra ở riêng, đặng sau này dễ bề lập gia thất. Chàng trai lúc này đã nổi tiếng khắp vùng, nhờ thông tuệ kinh kệ, nhờ có tài vẽ đẹp như được Phật tổ độ trì. Ngặt nỗi nghèo thì vẫn nghèo, nên không thể nào lấy được vợ như các trai làng. Chàng trai côi cút vẫn thui thủi một mình cấy cày kiếm sống, và dùng que vẽ lên đất những gì anh thấy. Vào một chiều mùa đông ảm đạm, chàng trai cảm thấy trống vắng, bắc ghế ra sân ngồi nhìn vọng ra cánh đồng. Thấy ngoài thửa ruộng có con cò mồ côi, chàng trai liền dùng cây vẽ xuống đất một con cò, khi chàng chấm mắt cho con cò, thốt nhiên hình con cò dưới đất vỗ cánh, rồi bay vút ra cánh đồng, sà xuống thành đôi với con cò mồ côi trên thửa ruộng. Ngạc nhiên vì phép huyền nhiệm, chàng trai liền đứng dậy, bước ra cánh đồng, khiến đôi cò vỗ cánh bay đi mất. Nhìn xuống dòng mương trước thửa ruộng, thấy có con cá chép ngước nhìn như van vỉ, chàng trai liền vẽ xuống đất con cá chép. Và khi chàng điểm nhãn, con cá dưới đất cũng quẫy đuôi rồi nhảy xuống mương, cùng con cá kia lượn một vòng rồi bơi đí mất. Quá ngạc nhiên, chàng trai trở lại sân nhà, dùng que tre vẽ xuống đất đàn gà, lúc điểm nhãn, cả đàn gà túc túc gọi nhau đỏ sân. Chàng vẽ tiếp đàn vịt, điểm nhãn xong, cả đàn vịt quạc quạc đòi ăn inh ỏi. Rồi chàng vẽ đàn bò, đàn trâu, cứ điểm nhãn xong con nào là con nấy hiện lên. Bấy giờ chàng trai mới chợt nhớ tới thân phận trống vắng của mình, bèn dùng tất cả thần lực, vẽ xuống đất một thiếu nữ, đúng như chàng vẫn hằng đêm mộng thấy. Khi đôi mắt tuyệt đẹp vừa vẽ xong, cô gái đã chống tay đứng dậy, dùng hai tay sửa lại xống áo, và nói với chàng, “thần thiếp xin được ở lại thủy chung cùng chàng suốt kiếp này”. Chuyện xưa cách nay cả ngàn năm, thực hư không biết thế nào, chỉ biết ở làng tôi, các bô lão vẫn thường dạy con cháu, hãy sống chân tình bằng trái tim, thì trái tim sẽ được đền đáp bằng trái tim. HTT

Thứ Sáu, 17 tháng 4, 2015

OAN HỒN CÔ GÁI TRẺ Truyện ma của Hồ Tĩnh Tâm

OAN HỒN CÔ GÁI TRẺ Truyện ma của Hồ Tĩnh Tâm Mùa đông năm 1971, tôi theo khoa Trắc Đạc lên sơ tán tại một xã miền bán sơn địa của huyện Phổ Yên – Bắc Giang. Đây là một xã nghèo xơ xác, nhà cửa nằm rải rác trên các sườn đồi bát úp. Nhà nào cũng chỉ lè tè bằng đất trình, mái lợp bằng cỏ tranh đánh thành tấm. Gia đình tôi trọ chỉ có hai bà cháu. Người bà khoảng hơn 80 tuổi, đôi mắt đã loà, lưng đã cụp xuống. Cô cháu dâu trắng trẻo, đẹp hây hẩy. Chồng cô đã vào chiến trường B gần một năm. Bấy giờ, cô là thư ký kế toán của hợp tác xã, nên ban ngày rất ít khi ở nhà. Bà già thì lúc nào cũng thui thủi ở dưới bếp, chuyên lo thái cây chuối, băm bèo cho lợn. Hai bà cháu sống ở cái nhà dưới, có hai buồng và một chái nhà làm bếp. Nhà trên là nơi thờ tự, không hiểu sao họ lại dành cho tôi và Quảng trọ. Ngay ngày đầu tiên đến sống, khi bước vào căn nhà ba gian ẩm thấp, có mùi mốc, tôi đã cảm thấy rờn rợn, như thể có gì đó ám theo mình. Tôi hỏi Quảng có cảm thấy điều gì bất ổn không, nó cười nhếch một cái rồi phẩy tay: Nhà này thuộc diện gia đình thương binh liệt sĩ, vì thế họ mới ưu tiên cho mình sống ở nơi thờ tự. Sau khi dọn dẹp xong chỗ ngủ ở gian nhà bên trái, Quảng nói: Mày ngủ trên bộ ngựa bên phải đó, gần với nhà dưới. Bây giờ tao phải đi Phổ Yên, có khi mai mới về, mày muốn ngủ chỗ của tao cũng được. Nó ném cho tôi gói thuốc Nhị Thanh, rồi hỏi mượn tôi cái xe đạp phượng hoàng. Tôi chưa kịp ừ hử thì Quảng đã nhảy lên xe đi mất. Lúc đó đã gần 11g00 trưa. Ở nhà chỉ có bà cụ già lụi cụi dưới bếp. Tôi xuống định bắt chuyện làm quen, nhưng hỏi gì bà cụ cũng chỉ hử hử, dướn dướn đôi mắt kèm nhèm, như cố nhìn cho được gương mặt của tôi nó ra làm sao. Chán quá, tôi đành bỏ lên nhà trên, lôi cái bánh mì không ra ngồi nhai trệu trạo. Vừa ăn tôi vừa nhìn lên bàn thờ. Trên đó có một người đàn ông rất đẹp trai, mặc áo trấn thủ, đội mũ có thắt những tua vải dù. Nhìn là biết ngay chồng bà cụ, liệt sĩ đã hy sinh trong trận phố Lu thời chống Pháp. Thấp một chút phía dưới bên trái, là hình một cô gái còn rất trẻ, mặt trái xoan, mắt buồn buồn, mái tóc cắt cum bê- kiểu tóc rất phổ biến ngoài Bắc lúc đó. Sau này tôi mới biết, cô chỉ mới mất chưa được hai tháng. Ai đó đã hãm hiếp cô trên đồi, khi cô lên đó nhổ sắn. Cô bị giết bằng một sợi dây thừng xỏ mũi trâu, to như ngón tay. Nghe nói người đó giết xong mới hiếp được. Như thế có nghĩa là cô vẫn còn trinh trắng cho đến lúc qua đời. Mà như người ta đồn, con gái trinh chết đi thì linh lắm. Nếu vì oan ức, nhục nhã, thì linh hồn rất khó siêu thoát, dù có cầu đảo thế nào. Đó là chuyện sau này. Còn vào buổi sáng đầu tiên ấy, tôi với Quảng không ai hay biết gì cả. Do vừa phải đi bộ dẫn chiếc xe đạp chất đầy va li, túi du lịch của bạn bè, suốt quãng đường từ trường đến nơi sơ tán xa mấy chục cây số, quá mười hai giờ trưa, hai mí mắt tôi sụp xuống, nặng như đeo đá. Cưỡng lại không được, tôi vác cái chõng tre ra ngoài hiên nằm ngủ. Vừa nằm xuống, lập tức tôi đã chìm ngay vào giấc ngủ mê mệt. Nhưng chỉ một lúc là tôi bắt đầu thảng thốt. Dường như có ai đó khiêng cả cục đá tảng đè lên ngực, khiến tôi không thở được. Tôi gắng dùng hai bàn tay đẩy tảng đá ra, nhưng dường như tay tôi còn nặng hơn cả đá, không thể nhấc lên. Tôi cố gắng nghiêng người lăn sang một bên, nhưng cũng không thể lăn được. Tảng đá cứ đè xuống. Đè xuống. Tôi vật vả ú ớ, muốn la lên, mà cũng không la được. Tôi cảm giác toàn thân như đang căng ra, đầm đìa mồ hôi. Thế rồi tôi chập chờn nhận ra, có một bóng người xẫm đen, nhoà nhạt, nhờ nhờ đứng dưới chân tôi, nắm lấy hai chân tôi kéo xuống. Sức kéo mạnh lắm. Mỗi lúc mỗi mạnh. Tôi quật sức ghị lại. Người đó mạnh hơn tôi. Người đó sắp kéo tôi tụt khỏi cái chõng. Tôi biết là phen này tôi sẽ bị kéo tụt xuống tận âm ti địa ngục. Bởi vì lúc đó đầu tôi rất tỉnh táo, mặc dù vẫn đang trong cơn hoảng loạn, căng cứng toàn thân. Là sinh viên, dù hoàn toàn tin tưởng vào khoa học, tôi vẫn buộc phải nhớ rằng, rõ ràng tôi đang bị ma đè, ma kéo. Ở quê tôi, bất cứ một người già nào cũng có cả lô cả lốc chuyện bóng đè rùng rợn. Tôi đã từng cười nhạo họ là nhát ma, nhưng lần này thì rõ ràng tôi đang bị ma đè thật sự, bị ma kéo thật sự. Nó đang kéo tôi thun thút tụt xuống. Tụt xuống. Có lẽ đã sắp đến âm ti địa ngục, bởi vì tôi đã nghe rõ từng cơn ớn lạnh, chạy rùng rùng dọc theo xương sống. Trong cơn tuyệt vọng cùng cực, tôi nhớ tới mẹ tôi. Mẹ tôi kể hồi trẻ mẹ đã từng bị ma dẫn lúc nửa đêm. Lúc đó trời chỉ sáng sao nhờ nhờ. Đang ngủ thì mẹ nghe ai đó gọi ngoài ngõ. Thế là mẹ thức dậy, tụt xuống giường bước ra theo tiếng gọi. Rồi cứ thế mẹ đi theo tiếng gọi. Băng qua cánh đồng ông Cả Hoa rộng tút tít. Leo lên bờ đê làng Hoàng. Tụt xuống bờ đê, băng qua bãi Sói. Rồi cứ nguyên cả áo xống mà lội xuống sông. Lội theo tiếng gọi văng vẳng thảm thiết. Đến lúc nước gần ngập tới ngực, thì may có người kéo vó đêm nhìn thấy, lội ra kéo vào. Sáng ngày cả làng ai cũng biết chuyện mẹ bị ma gia dụ xuống sông thế mạng. Là bởi ngay khúc sông tại bãi Sói ấy, cách đây mấy năm, có một cô gái bị chết vì lật thuyền nan. Năm nào cô cũng tìm cách dụ một người xuống thế mạng cho cô, để hồn cô được siêu thoát về trời. Nhưng chẳng biết tại làm sao, tới lúc bấy giờ, cô vẫn chưa dụ được ai. Mà chưa dụ được ai thì hồn cô không thể về trời. Bởi vậy cô sẽ còn phải tìm cách dụ người khác xuống sông chết nước thế mạng, đặng hồn cô thoát khỏi nơi lạnh lẽo. Dân làng ai cũng biết, nhưng ai cũng nghèo xơ xác, kiếm đâu ra tiền bạc cúng quẫy cho cô. Có thể vì không ám được mẹ tôi, giờ đây cô ta tìm đến kéo tôi xuống âm ti thế mạng. Sợ quá. Tôi hét váng lên: Mẹ ơi! Thế là tôi bừng tỉnh. Mồ hôi túa đầm đìa trên mặt. Lưng áo cũng ướt đẫm mồ hôi. Trời vẫn vàng vọt nắng. Hừng hực hanh hao trong giá lạnh Những thân cây đứng lả ra vì không hề có mảy may chút gió. Nghĩ tới bữa cơm chiều, tôi phải xuống bếp mượn bà chủ nhà cái nồi đồng, cái soong nhôm để nấu cơm, nấu canh. Quái lạ là cái bếp cũng âm u thế nào. Ngay cả khi ngọn lửa rơm đã cháy giần giật, tôi vẫn cảm giác chái bếp chật hẹp lành lạnh, và có vẻ thâm u nữa là khác. Đó là thứ cảm giác mà từ trước tới nay, bây giờ tôi mới gặp. Vừa đẩy rơm, cời tro, tôi vừa thắc mắc: sao cô cháu dâu bà chủ nhà tới giờ này vẫn chưa về. Bà cụ đã sắp tàn hơi xế bóng, sao cô ta dám bỏ đi cả ngày thế nhỉ? Lỡ bà cụ có bề gì thì… Nghĩ vậy nên lúc ăn cơm tôi có bưng một chén cơm, chén canh xuống kính cẩn mời bà. Bà xua tay lắc đầu quầy quậy. Phải tập trung hết mức tôi mới nghe được bà nói bà đã ăn sắn nướng, bà chờ đứa cháu về tới ăn với nó chén cơm luôn thể. Hơn năm giờ chiều cô cháu dâu mới về. Cô ta đẹp hơn tất cả những gì tôi đã tưởng ra. Da trắng hồng, màu nước da của các cô gái Thái. Môi mọng và đỏ như ớt chín, kiểu môi của con gái H’mông. Đôi mắt to, đen, sâu thăm thẳm, giống mắt con gái Cầu Lim xứ Quan họ. Mái tóc dày óng ả, chảy xoã sau lưng như suối. Thân hình khoẻ căng, vun vút những đường cong lìm lịm. Tôi có cảm giác ngực và mông cô ta to khác thường. Hừng hực sinh lực của một sức lửa luôn ngún cháy. Nó luôn xui khiến tôi dại dột và tò mò nhìn trộm. Cô gái có vẻ đoán biết được tâm trạng của tôi, cô nói: - Xã người ta báo có hai người cơ mà! Bạn em đâu? Tôi nói với cô là Quảng ra thị trấn thăm bạn, có thể đêm nay chưa về. Cô ta nhìn tôi, cười và nói: “Ngủ một mình ở nhà trên, em có sợ không?”. Chỉ có thế. Rồi thì cô ta xuống bếp ăn cơm. Ăn xong thì ngồi ngay ngạch cửa hát bài “Trai anh hùng gái đảm đang”. Sau đó cô vào buồng thắp đèn ngồi tính toán sổ sách gì đó cho hợp tác xã. Phần tôi, tôi cũng ngồi xuống bên cái bàn gỗ lim đen bóng, thắp ngọn đèn dầu Hoa Kỳ ngồi đọc sách. Tôi đọc cuốn “Ai Van Hô”, vì chẳng có bài vở gì để học, do cả tuần qua, khoa Trắc – Đạc của chúng tôi chỉ rục rịch lo chuyện sơ tán. Nhưng đêm nay, nàng Rê Béc Ca xinh đẹp và đau khổ trong tuyệt vọng không còn hấp dẫn được tôi. Tôi nhìn như lướt trên những trang sách. Các dòng chữ nối nhau chạy luống cuống như thể đang bị ai đó rượt đuổi và đe doạ. Đến đoạn Rê Béc Ca bị trói trên dàn hoả, thốt nhiên tôi thấy có hơi gió thổi lạnh buốt sau gáy; toàn thân ngây ngấy, tê rần từ hai bên thái dương, từ sau gáy, xuống tận gần hai gót chân. Dường như có ai đó đứng sau lưng tôi, nhìn qua vai tôi để đọc cuốn sách của tôi. Cảm giác ấy càng lúc càng mạnh, khiến tôi bị co cứng mọi cơ bắp; người cứng đơ ra như một con cá đang bị ướp bằng nước đá. Dù không dám nhìn, tôi vẫn đoán biết chắc chắn người đứng sau lưng tôi là một cô gái. Toàn thân cô đang phả ra mùi và màu của giá lạnh. Thon thót. Thon thót. Thế rồi, không biết từ đâu, có hai giọt nước rơi xuống trang sách, đúng ngay chữ Rê Béc Ca. Tôi rùng mình hoảng loạn. Người tôi căng cứng, da mặt se thắt lại, lấy đâu ra mồ hôi. Hai mắt tôi cũng ráo hoảnh. Vậy thì hai giọt nước ấy ở đâu? Tại sao chúng lại rơi ngay vào tên người thiếu nữ Di Gan bất hạnh? Phải chăng là thế lực huyền bí ở cõi âm sau lưng tôi đang khóc? Phải chăng oan hồn của cô gái bị xiết cổ bằng sợi dây thừng trên nương sắn đang đứng sau lưng tôi. Đang cùng đọc trang sách với tôi? Run lên vì hoảng loạn, tôi leo lên bộ ngựa, kéo tấm chăn dạ Nam Định, trùm kín từ đầu đến chân. Bóng tối trùm lấy tôi đen đặc. Tôi cố ru mình vào giấc ngủ, nhưng hai mắt vẫn mở thao láo. Rõ ràng là tôi thấy bóng tối đang chuyển động. Từng vạt, từng vạt đen ngòm đang chuyển động. Rùng rùng. Cuộn xoáy. Những sắc đậm nhạt của bóng tối vần vũ như ra sức lôi tôi vào thế giới miên tưởng. Tôi thấy mình trôi đi hun hút, tuồn tuột, trên con đường hoang vắng dày đặc cỏ may, thoảng mùi tanh tanh của máu. Văng vẳng dọc hai bên con đường vô định ấy, có vô vàn những tiếng khóc thê thiết của các âm hồn. Chúng hoà vào nhau. Quyện vào nhau. Rất rõ, nhưng cũng rất mơ hồ. Chúng như hùa vào với nhau, lôi kéo tôi, nuốt chửng tôi. Chúng khiến tôi bấn loạn và bại liệt. Chúng dìm tôi vào giấc ngủ thiêm thiếp, mê lịm, ướt rịn mồ hôi trong buồng tim, lá phổi. Sáng ngày thức giấc, người tôi gặp đầu tiên là Xoan, cô cháu dâu của bà chủ nhà lụm cụm. - Em lạ chỗ không ngủ được à? Mới một đêm mà đôi mắt quầng thâm, trủng sâu như hai lỗ đáo thế này. Xuống bếp ăn ngô bung với chị đi! Có muối vừng và mấy con cá quả kho mặn. Cá chị bắt dưới chân ruộng, gần cầu đá, chỗ có cây gạo to nhất làng, ngon lắm! Tôi tìm cách thoái thác lời mời, viện cớ là phải tìm đến nhà mấy đứa bạn cùng lớp đang trọ, hỏi xem lúc nào Khoa tổ chức học trở lại. Và tôi đã đi thật. Tôi đi đến xế chiều mới về. Lúc trở về, rất tình cờ tôi đã đi băng qua đỉnh đồi, rồi từ trên đó đi xuống theo nương sắn, nơi cô cháu bà chủ nhà bị hiếp và bị xiết cổ bằng sợi dây thừng cho đến chết. Ở đó tôi đã gặp ngôi mộ của cô. Một ngôi mộ đắp bằng đất, khô rang, chưa có một đám cỏ nào mọc lên. Chính giữa ngôi mộ có chất mấy viên đá tròn to như nón cối của bộ đội. Nắng quái chiều hôm đỏ đòng đọc, chiếu xiên vào nấm mộ, đượm một màu tang thương, lạnh lẻo; tất cả toát lên sự trống vắng lạnh lùng. Đứng trước khung cảnh rợn ngợp này, không hiểu vì sao tôi nghĩ: có lẽ mình phải xin chuyển nhà thôi, mình không thể trọ được trong ngôi nhà đang bị ma ám. Quảng vẫn chưa về. Vậy là tôi lại phải nấu lấy cơm và ăn cơm một mình, lại phải một mình trước cái bàn thờ có cô gái trẻ lúc nào cũng nhìn xuống tôi chòng chọc, ám ảnh tôi bằng những suy nghĩ không thành ý tưởng. Chiều đó tôi chuẩn bị sẵn chỗ ngủ cho mình, bằng cái chăn dạ của tôi, cọng thêm cái chăn dạ của Quảng; cả hai cái chăn ấy tôi trải sẵn trên bộ ván ngựa, định bụng lúc cần chỉ chui vào là có thể ngủ ngay được, chẳng cần phải mất công làm thêm bất cứ một động tác gì. Nhưng thật kỳ lạ, khi tôi đang ngồi đọc sách bên cái bàn gỗ đen bóng, dường như tôi thấy hai cái chăn của mình có vẻ như lùm lên, có vẻ như đang nhúc nhích, làm như có người đang nằm trong đó. Một lần. Hai lần. Ba lần nhìn vào cái chăn tôi đều có cảm giác như vậy. Để tránh nỗi ám ảnh, tôi cuộn cả hai cái chăn lại. Trời ạ! Khi chạm vào cái chăn, tôi tưởng như tay mình đang chạm vào băng giá, ớn lạnh rùng rùng. Và càng khủng khiếp hơn, khi tôi buộc phải đi ngủ, buộc phải đắp lên mình cả hai cái chăn ấy, tôi không hề thấy ấm áp như mọi lần, mà chỉ thấy giá lạnh phả ra nhon nhót. Thế rồi trong lúc chập chờn bởi tự kỷ ám thị, tôi cảm giác như có ai đó đang nằm sát bên tôi, thở ra mùi chết chóc. Cảm giác ấy càng lúc càng rõ, nó khiến tôi căng cứng toàn thân, từng lỗ chân lông như mở hoác cả ra. Người run bần bật. Sợ quá, tôi vùng ngồi dậy, bước đến bên cái bàn, vặn thật to ngọn đèn dầu hoả. Ngọn đèn cháy đỏ đòng đọc, muội khói bay lên đen sì sì, uốn éo thành những hình kỳ quái. Hoa đèn toé ra những ba cục than hồng. Điều đó khiến tôi không thể tập trung được tư tưởng, nhất là khi tôi bắt đầu cảm giác có người nào đó đứng ở sau lưng, nhìn qua vai tôi xuống cuốn sách. Cảm giác ấy giống hệt như cảm giác đêm đầu tiên tôi ngồi đọc cuốn Ai Van Hô của Oan Tơ Scôt. Tôi đã ngồi chết cứng như vậy hàng giờ. Cho đến lúc kiệt sức, gục xuống ngủ ngồi ngay bên cái bàn gỗ lim đen bóng. Chập chờn trong cơn mê lú, tôi thấy có bóng người nhờ nhờ, lãng đãng nơi ngạch cửa, ngoắt tay vẩy gọi tôi ra ngoài. Nghe rõ tiếng kẹt cửa rít lên khe khẻ, rồi một làn gió lạnh lùa vào. Hu hú hu hú. Trùm kín người bằng cái chăn dạ, tôi nhón gót bước theo cái bóng như xa như gần ấy; và cứ thế lặng lẽ bước âm thầm theo nó. Bấy giờ tôi chẳng nhìn thấy gì ngoài cái bóng nhờ nhờ, bước hụp hửi là đà trên mặt đất. Tai nghe văng vẳng những tiếng gọi thê thiết. Toàn thân căng cứng sự ớn lạnh. Cái bóng hư ảo dẫn tôi lên đồi sắn, đến ngay chỗ nấm mộ, xúi tôi ngồi xuống, trùm cái chăn lên đó. Rồi tôi thấy tôi đứng dậy, đi ngược trở lại về nhà. Tiếng kẹt cửa rít lên khe khẻ. Tôi thấy tôi trở lại bộ ván ngựa của mình. Một ánh sáng chói loá đập vào mắt. Và rồi tôi không còn hay biết gì nữa, cho đến lúc tôi giật mình thức giấc. Trời ạ! Không phải tôi đang nằm trên bộ ván ngựa của mình. Rành rành là tôi đang nằm trên cái giường đôi, đang nằm trong tấm chăn bông vải chéo hoa màu đỏ của cô cháu dâu bà chủ nhà. Hơi hướm phụ nữ vẫn còn ấm sực trong chăn. Run sợ như kẻ tội đồ, tôi rón rén đẩy cửa bước ra ngoài. Mặt trời đã lên cao cỡ cây sào, toả chiếu ánh sáng nhợt nhạt mùa đông. Bà cụ mù loà đang đứng ở góc sân, rắc từng vụm ngô xay cho bầy gà chíu chít. Cô cháu dâu đang nấu gì đó trong bếp. Khi cô bước ra, tôi thấy cô cười rất tươi. “Đêm qua em bị mộng du đấy. Chị đi trực về, thấy em cứ đi lòng vòng ngoài sân, nên chị đã dẫn em vào buồng của chị. Thú thật, hồi mới về nhà này, ngủ một mình trên ngôi nhà thờ tự ấy, chị cũng từng mấy lần mộng du, cứ quá nửa đêm là bước ra ngoài đi lang thang. Khi cô ấy qua đời, sợ quá, chị phải dọn hẳn xuống dưới này với bà”. Tôi không biết chuyện gì sẽ còn xãy ra trong ngôi nhà ấy, bởi vì trưa hôm sau Quảng về tới, nó rủ tôi chuyển xuống trọ trong một ngôi nhà gần bờ sông Công, gần với khá đông bạn bè cùng lớp đang trọ ở những nhà xung quanh. Có thể đây không phải là chuyện ma, mà chỉ là ảo tưởng về ma, do tôi đã phải sống một mình hai đêm liền trong ngôi nhà trống vắng, lạ lẩm, giữa một mùa đông hun hút gió bấc thở dài sườn sượt trên các triền đồi. Nhưng rõ ràng cảm giác có người kéo tôi xuống vực sâu tuồn tuột, có người đứng sau lưng tôi, nhìn qua vai tôi đọc sách, có người đã chui vào nằm trong chăn với tôi, có người đã ngoắt gọi tôi ra ngoài đi lang thang, thì tôi không bao giờ quên được. Lại còn cái chăn chiên Nam Định, rõ ràng là tôi đã đắp lên nấm mộ của cô gái trẻ trên nương sắn. Cái chăn ấy, khi đem về nhà trọ, tôi đã phải dùng cái nồi đồng ba mươi, luộc lên bằng nước lá bạch dàn cả tiếng đồng hồ. Sau này, khi đã chuyển đến nhà trọ khác, nhiều đêm liền tôi vẫn bị ám ảnh bởi có người nào đó đang đứng lặng lẽ sau lưng, lặng lẽ nhìn qua vai tôi xuống những trang sách của tôi đang đọc. Người đó, phải chăng là oan hồn của cô gái trẻ? HTT Nói thêm với bạn đọc: Quảng là bạn thân thời tôi còn học ở Đại học Mỏ - Địa chất tại Phổ Yên- Thái Nguyên. Trong blog này, các bạn có thể thấy một số truyện ngắn tôi nhắc tới Quảng, như truyện "Nụ hôn rướn mình qua cổng rào với Phụng". Sau năm 1980, Quảng về làm Trưởng phòng Giáo dục Chính trị của Trường Trung học Lâm nghiệp Thuận Hải (nơi có thuốc lá Vĩnh Hảo nổi tiếng). Chính Quảng xúi tôi đổi nhà trọ, vì Quảng muốn trọ gần nhà trọ của Phụng, mà Phụng lúc đó lại chí thiết với tôi, bởi tôi biết chơi ghi ta, thổi armonica dập tông bá cháy. Tại nơi sơ tán ngắn ngủi này, thời gian tuy ngắn, nhưng chúng tôi có rất nhiều kỷ niệm với nhau- vì lúc đó chúng tôi dường như chẳng học hành gì cả trong gần một tháng. Nhàn cư vi bất thiện. Tiền nhân dạy vậy.

Thứ Tư, 15 tháng 4, 2015

Ông Cố Hoạch truyện ngắn của Hồ Tĩnh Tâm

Truyện ngắn: ÔNG CỐ HOẠCH Hồ Tĩnh Tâm 1. Không biết đứa nào lại nghĩ ra cái tên kì quặc: Ông Cố Hoạch. Đã cố lại còn ông. Cố phải hơn ông tới một sợi dây thừng tuổi ấy chứ. Tám Bỉnh nhớ, hồi nhỏ bà cụ cố dặn: ra đường, hễ ai hơn mình trên hai con giáp, mới gọi chú hay bác; còn dưới hai con giáp, tuốt tuột đều là anh hoặc chị. Ông cố hơn bà cố tới hai chục tuổi, thì cũng là anh với em lúc trẻ, ông với bà lúc già, sanh ra cả đại gia đình họ Phạm, trấn giữ cả vùng cửa sông. Có sao đâu nào. Ông Cố Họach, nghĩ mắc cười. Không biết vì cơn cớ gì, ở làng Vàm, đàn ông ai cũng có tục danh. Chú Sáu của Tám Bỉnh, lúc nhỏ, không hề một chữ lận lưng, nhờ có khuôn mặt trắng trẻo dễ thương, được cả làng gọi là thằng Tú, tức là thằng khôi ngô tuấn tú. Sau lớn lên đi lính dõng, trèo lên được chức đội, vậy là có tên ông Đội Tú. Tên tủng chẳng ra gì, ra đường gặp ai cắc cớ, họ cứ nói lái ngược lại, vậy mà chú Sáu mặt lúc nào cũng vênh lên: “Kiếng tui là Đội Tú, còn kêu ca chọc chủng cái nỗi gì. Đội Tú đấy, bàn ngày đây còn công việc nhà nước giao phó bộn bề, bàn đêm mới có thời gian để giã gạo chứ. Đây là Đội Tú đấy!”. Nhiều hôm chú nhậu say khướt về nhà, vợ không cho lên giường, chú cứ trần như nhộng dưới trăng, rượt thím Sáu chạy lòng vòng có cờ quanh nhà. Sau cùng, chú túm được cái đũng quần dây chun của vợ, kéo tuột luốt, thím Sáu đành thất trận nhảo vô buồng. Chừng đó chú Sáu mới dịu cơn, đứng giữa sân, huơ huơ cái quần trên đầu, như một chiến tích thắng trận của tướng cướp quân cờ đen. Rồi thì chú khật khưởng mò vào. Rồi thì chú mệt quá, say quá, lăn ra khò một mách tới sang, quên cả chuyện rượt vợ đòi giã gạo. Về tục danh, chú Sáu còn phải bái phục mười lần ông Tư Đạo. Ông thứ tư, theo đạo bùa gì đó, thường đốt giấy vàng mã, lấy tro cho vào tộ nước, ngửa cổ uống ừng ực làm phép. Người làng đồn thổi, Tư Đạo học võ bùa. Tư Đạo cười khùng khục: “Bùa chú cái ôn hoàng, tao to đầu Đại Gáo, tao đạo gái, không thấy đầu tao bự chần dần vầy à”. Quả thật Tư Đạo đầu to khác người. Trong đó chất tầng tầng lớp lớp tị hiềm, nhỏ nhặt, thù vặt, tham thố, mưu mẹo, với không biết bao nhiêu giống ôn hoàng dịch dọc gì ở trỏng, mà tới đâu bàn dân cũng rủa “đồ ăn không chừa cặn”. Đạo gái đích thị là đại gáo. Có cái đầu to khác người, thì khác người cũng là điều bình thường. Lấy vợ người ta không được thì thù chồng người ta. Lúc Tư Đạo leo lên được cái ghế chức sắc ở làng, giữ chân Quản học, không biết bao nhiêu đàn ông, đàn bà trong làng khốn khổ tới không ngóc được đầu vì Tư Đạo. Nhiều người cùng cực, chửi độc: “Cứ ngửa bàn đèn cho đồ chó nó châm điếu thuốc phiện, mất miếng thịt nào mà tiếc. Rồi thì nó cũng chết ngập mặt chỗ đó!”. Ấy là tục danh. Còn như Ông Cố Hoạch thì quả là khó hiểu. Ông Cố Hoạch chỉ bằng tuổi Tám Bỉnh, lại cũng họ Phạm với nhau, cũng là cánh trẻ trâu hồi nhỏ, cũng trửng giỡn đình miếu tưng bừng hồi nhỏ. Có điều, bà cụ cố nói với Tám Bỉnh: mầy họ Phạm là họ Phạm, còn nó họ Phạm là họ Trần, tổ của nó là Trần Cư, tức thuộc dòng cư dân họ Trần chạy vô lánh nạn, phải hèn hạ cải họ cả dòng tộc. Bấy giờ Tám Bỉnh với Ông Cố Hoạch cùng là binh bét được cử đi học trường bổ túc văn hóa. Lính tráng mấy năm, đứa nào cũng ghiền thuốc. Thứ thuốc đen vấn tay, bán từng bó hai chục điếu, hút có mùi khét, nghe đau xóc cần cổ, nhưng với học viên, không phải lúc nào cũng sẵn. Hoạch thuộc dân ghiền nặng, gặp ai cũng xe xe hai đầu ngón tay: “Cho xin hơi coi!”. Được cả điếu, Hoạch ngửa cổ, cười tít mắt, cảm ơn rối rít như con nít. Được người ta cho ké rít vài hơi đỡ ghiền, Hoạch chỉ rít một cái đã hết cả lóng tay, tàn đỏ rực như hòn than. Ai cũng biết Hoạch dấu thuốc ở trong người. Anh ta mắc tật, cứ mua thuốc xong là xé lẻ, phân tán túi trên túi dưới; nhét cả trong từng cuốn sách; nếu ở trong phòng ký túc, thuốc còn được Hoạch phát tán, ém nhẹm trong kẹt giường, trong vách lá, trong tấm đắp cuộn ở đầu giường. Thấy Hoạch ki bo quá, bạn bè thường nói: “Mầy ông cố nội người ta vừa phải thôi, tới thuốc đen cũng kiết”. Có thể tên Ông Cố Hoạch là do đó mà ra. Chứ thực tình, năm đó, Ông Cố Hoạch chỉ mới hăm tám, người cao lỏng khỏng, tiền bạc cũng không đến nổi nào, râu ria thì bói cả ngày cũng không ra một cọng, mặt cứ nhẳn bong như cái ấy của con nít. Người làm sao tào hao làm vậy. Tới ăn uống, Ông Cố Hoạch cũng khác người. Bao giờ cũng cà rịch cà tang, đi sau bạn bè cả vài điếu thuốc. Là anh ta không muốn ngồi chung với ai. Gắp nhiều sợ bị chê, gắp ít sợ bị thiệt; anh ta cứ phần ai nấy hưởng, khoản ăn uống là phải sòng phẳng. Nợ miệng điếu thuốc không sao, nợ miếng thịt heo, mắc nghèo danh giá. Chỉ khoản xin thuốc thôi, cũng đã là ông cố nội rồi, thêm khoản ăn chực, ăn ké thì còn ra làm sao. Hoạch không ăn ké ai, thì cũng không ai ăn ké được Hoạch. Học tới mười giờ đêm, đói bụng, Hoạch nấu cả lít gạo, hấp thêm hột vịt dầm nước mắm, cứ một mình ngồi chắp bằng trên giường, đủng đỉnh và từng chén cơm; bấy giờ, thế giới chỉ còn có Ông Cố Hoạch. Một hôm, lối chín giờ tối, có người nhắn tin Tám Bỉnh, nhờ đi nói giùm cho Ông Cố Hoạch một tiếng. Ra là vì cái sự nhục ăn cắp quần của người khác. Ông Cố Hoạch tắt mắt rút quần của người ta phơi ngoài dây, bị người ta túm được, sỉ vả cho một trận ra trò. Chỉ là cái quần vải săng gai, may ống bát bành bành. Đáng là bao mà Ông Cố Hoạch thọ nạn ngang xương. “Mầy làm mất mặt họ Phạm vừa thôi. Cái quần vải thô là thứ gì”. “Tao có định chôm chỉa gì đâu, chỉ tại cái tay tự nhiên quơ trúng, làm rớt trên đầu, bực quá thì túm lấy. Mới đi vài bước, mấy thằng khỉ chạy theo chửi bới. Tụi nó đông, sợ bị đánh nên tao ớ lưỡi. Cám ơn mầy nói giùm! Bữa nay tao khao chuối nếp nướng”. Ây da, Ông Cố Hoạch mà chịu móc hầu bao khao chuối nếp nướng, là nguyệt thực tới nơi rồi, không tàu bay rớt xuống biển, thì cũng tàu hỏa lao xuống vực. Ông Cố Hoạch thường lỉnh đi ngồi học một mình. Tám Bỉnh biết chỗ đó. Là ngôi nhà hoang, chìm giữa um tùm cây trứng cá và cỏ nhám. Thứ cỏ lá sắc như dao mà có gai như răng cưa, cứa vào da thịt là bật máu, rát như xát ớt. Mùa mưa lại còn thêm nước tèm nhẹp. Chỉ có ma mới ngu mò ra đó ngồi học. Nhưng Tám Bỉnh đã một lần đi tìm Ông Cố Hoạch nên biết. Ngồi trên bục cửa sổ, nhìn xuyên qua đám lá trứng cá, thấy ràng ràng dãy cầu cá nữ cất day lưng lại. Mấy miếng tôn che cầu cá thấp lè tè, cô nào leo lên, trước khi ngồi xuống hay đứng dậy, cũng phơi ra lồ lộ hai bàn mông trắng ởn. Không ai ngờ Ông Cố Hoạch đang ngồi học trong tiếng thả bom lủm tủm của họ. Không phải Ông Cố Hoạch đạo gái như ông Tư Đạo ở làng. Cũng không phải chả tò mò nhìn trộm. Chỉ đơn giản Ông Cố Hoạch thích trốn ra đó, để được ăn những trái chuối, những củ mì một mình, không bị ai ké vào. Cái pháo đài hoang ấy là nơi làm tình của mèo chuột. Mèo và chuột thật sự, chứ không phải mèo chuột của người. Vậy mà hôm đi tìm Ông Cố Hoạch về gặp người nhà lên thăm, Tám Bỉnh bắt gặp dưới nền xi măng ẩm ướt có manh chiếu cũ rách, nhầy nhụa mấy cái bao cao su nhớt nhờn nhợt, dúm dó ở góc nhà. Pháo đài của Ông Cố Hoạch vậy là tiêu. Đã có chuyện mèo chuột của người một lần, tất phải có lần khác, lần khác nữa. Ông Cố Hoạch cười khùng khục: “Thằng Chín Thù Thì với con Hường Ngứa chứ ai. Tao rình quay phim được mấy lần. Tính bữa nào hù cho một trận để ăn chia. Tụi nó có yêu nhau con mẹ họ gì đâu. Có chồng có vợ cả rồi. Đi học xa nổi ngứa thì tửng lên, gải với nhau cho đã ngứa, vậy mà còn hèn, còn phải mặc áo mưa. Chỉ tao với mầy là ngu. Vậy mà cũng đòi là Tám Bỉnh”. 2. Hết cấp ba, Ông Cố Hoạch xin về huyện làm việc ở ngành kinh tài. Cái tính ki bo của chả, nghề này là hợp hơn cả. Một đồng một cắc cũng không thể sơ sẩy được. Nếu huyện có thất thoát đồng nào, thì chắc cũng chỉ một mình Ông Cố Hoạch xơ múi tí chút hút thuốc, chứ người khác thì đừng có mà hòng. Chả tính toán răng rắc từng con số, chả tỉ mẩn từng con số, ai mà qua mặt nổi. Với nữa, chả cũng chẳng có nhu cầu gì, ngoài mấy điếu thuốc đen, ngoài cái bụng chỉ đói cơm trắng với hột vịt. Vậy mà đùng một cái, Ông Cố Hoạch phải trồi mặt về tỉnh. “Tao ngu mới ra nỗi này. Mình không ăn, tụi nó ăn sao được; ăn không được thì tụi nó phải tống khứ tao khuất mắt. Kỳ này, dẫu có phải ra gác cổng, tao cũng tìm mọi cách để ăn. Ăn như cá tra mới mau lớn”. “Gác cổng chan chát ngày phơi nắng hai buổi, ăn được cái nổi gì mà ăn”. “Nói là nói vậy, chớ không phải vậy đâu mầy. Cứ chờ đó rồi coi”. Tám Bỉnh không phải chờ lâu. Hai năm sau có tin nhắn, Ông Cố Hoạch đã phải về làng Vàm trồng khóm. Lại ngu nữa rồi. Cũng tại cái tật hút thuốc lẻ, cái tật xe xe hai đầu ngón tay xin thuốc người ta. Ki bo vậy, làm lớn sao được. Ngồi gác cổng mà nhớ từng người đi trễ mấy phút, về sớm mấy phút, vác cái gì ra khỏi cơ quan. Đến chuyện nửa đêm sếp vác vợ người ta vào phòng làm việc mà cũng biết, chết đứt đuôi con nòng nọc là đáng kiếp. “Tao biết ngậm miệng ăn tiền, nhưng hàm răng tao vổ, nó hở ra hồi nào đâu có hay. Hôm trời mưa, ngồi trực đêm thèm thuốc, tao cạy cửa văn phòng giám đốc chỉa gói thuốc, ai dè gặp ổng với con mẹ Tuất Ngựa nằm ăn táo cấm vườn địa đàng với nhau ở trỏng. Tay tao cầm gói ba số, còn thanh minh thanh nga nước non gì nữa. Mẹ con đĩ bà chúng nó. Chúng nó ăn thịt nhau hồng hộc thì hổng sao, tao ăn có gói ba số thì bị tống cổ”. Tám Bỉnh lắc đầu ngao ngán. Nhưng Ông Cố Hoạch lại chỉa hàm răng vổ ra, cười sáng lóa: “Có là cái quái gì! Mất tên Ông Cố Hoạch, nhưng tao thành danh thằng Bảy Khóm. Khóm là thơm đó mầy. Giờ trắng tay sạch bách, vợ con bán xới xứ người, tao thơm một mình tao cũng sướng chán vạn đời!”. Vâng, đời Ông Cố Hoạch đã thơm, nhưng đâu phải thơm một mình. Ông Cố Hoạch lên hương cùng đứa con gái bán vé số dạo, chốp được ở ngoài đường. Con nhỏ mới chừng xấp xỉ hai mươi, thua Ông Cố Hoạch hơn 30 tuổi. Chênh lệch bằng trời, nhưng cũng có là gì. Luật hôn nhân đâu có quy định khoản tuổi tác. Ông Cố Hoạch rước được con nhỏ ngoài đường về trồng khóm, coi như cứu nó khỏi giang đầu trần mưa nắng sớm chiều. Với nữa, cóc cách cọc cạch vậy mà lại hay, bởi Ông Cố Hoạch chăm nom bảo bọc nó như con, còn nó thì răm rắp nghe lời Ông Cố Hoạch cun cút như chó con nghe lời chủ. Đến cả cái khoản ấy cũng ngoan ngoãn nghe theo mới lạ chứ. Một lần Bỉnh chạy xe mấy chục cây số đến ruộng khóm thăm Ông Cố Hoạch. Thấy cửa nhà trống lổng, nghĩ Ông Cố Hoạch ở ngoài ruộng khóm, Bỉnh liền mò đi tìm. Đi mãi tới lút ruộng khóm thì gặp ngay cảnh Ông Cố Hoạch đang giã gạo với con nhỏ dưới mí rặng tràm chắn gió ở bờ bao. Ông Cố Hoạch nằm dưới đất, con nhỏ thượng bên trên. Cả hai thòi ra bốn cái ống chân nhem nhuốc bùn sình, ngay bên cạnh cái chậu thau đựng cả đống cá. Bên cạnh họ, cách khoảng một mét, con chó phèn ngồi chống chân, lưỡi thò ra, nhểu ròng ròng nước miếng. Không biết con chó ngồi chiêm ngưỡng cảnh thần tiên, hay ngồi canh chừng, bảo vệ cái quần xà lỏn của ông chủ vứt đè lên cái quần nái đen của bà chủ trẻ. Đứng nép bên gốc mít chờ hoài, hổng thấy Ông Cố Hoạch bị cối gạo giã xuống hùm hụp buông tha, sốt ruột quá, Bỉnh phải đánh tiếng, gọi um lên. “Cố Hoạch, Ông Cố Hoạch ơi, mày đang làm gì ở đâu vậy?!”. Chừng đó hai người nghe con phèn sủa quá chừng, mới buông nhau ra, mới xỏ bốn ống giò lấm lem bùn sình, vô bốn cái ống quần dài ngắn khác nhau. Rồi thì tiếng Ông Cố Hoạch cất lên sang sảng. “Bỉnh hả mầy. Đứng yên đó đợi chút đi. Tao đang tát cá”. Tát cá cái nỗi gì há trời. Ràng ràng cái ao ở trên cái gàu sòng đó thôi. Đến chừng nhậu với nhau đã ngà ngà, nghe Bỉnh chê cảnh hai người sướng với nhau mà làm biếng không chịu cởi áo, Ông Cố Hoạch phát cười khà khà. “Vậy là mầy đứng rình quay phim tụi tao phải hông? Mầy thấy tự nhiên giữa thiên nhiên có đúng là đã hông?”. Biết nói sao nữa. Dẫu hổng cưới xin, cả hai cũng đã là vợ chồng. Vợ chồng thì nổi hứng thích lúc nào, cứ công khai mà thích. Đụng trận kiểu đó, chỉ Ông Cố Hoạch, mới đáng mặt đã cố lại còn ông. 3. Dài dài chuyện ngộ kì đời của Ông Cố Hoạch còn nhiều chuyện lắm. Vốn là bạn nối khố với nhau đã nhiều năm, Bỉnh có cả hàng đống, kể cả ngày cũng không hết. Mà những chuyện Bỉnh chưa kể về Ông Cố Hoạch, càng về sau càng hay hơn, càng đã hơn, càng mức gân hơn. Nhưng của ngon thì phải để dành. Ai muốn nghe thêm, Bỉnh uỵch tẹc luôn. Cứ mỗi chuyện hạng ba, phải khao một chầu cà phê. Còn muốn nghe chuyện hạng nhất, dứt khoát phải một chầu nhậu tới bến. Khao chuối nếp nướng như Ông Cố Hoạch ngày xưa thì… chịu khó nghe chuyện lá cải vậy. H.T.T.

Thứ Ba, 14 tháng 4, 2015

ĐÊM GÓA PHỤ Truyện ngắn của Hồ Tĩnh Tâm

ĐÊM GÓA PHỤ Truyện ngắn của Hồ Tĩnh Tâm Bích theo về nhà chồng từ năm mười tám. Sổ lồng đâu không thấy, chỉ thấy tội nợ với nhà chồng và cả với chồng tới tối mày tối mặt, tới bầm dập cả ngày lẫn đêm. Oan thấu trời mây, nhưng trời cao đất dày, nỗi niềm đắng cay tủi nhục không thể nào nói ra cho được. Ba năm trời Bích cúi đầu nhẫn nhịn. Ba năm trời Bích sống lắt lay như cái xác vô hồn. Ngay cả chuyện chăn gối, cũng lạt lẻo hững hờ, cũng là phải chịu cho chồng nó hiếp, chứ nào có sung sướng gì cho cam. Tất cả bắt đầu từ đêm động phòng. Cái thằng chồng của Bích, cái thằng được cha mẹ mua Bích về cho bằng cả núi tiền, nó có biết yêu là gì. Khi đám cưới vừa tàn, khi cả nhà đã tắt đèn đi ngủ, cái thằng tướng tá hộ pháp đầu củ chuối, nó kéo Bích vào phòng. Phòng tối om om như chín tầng địa ngục. Bích sợ. Bích muốn bật lên một ngọn đèn cho có chút sáng, nhưng cái thằng đầu củ chuối nó cứ kéo xệch Bích vào trong. Thế rồi Bích thấy mình đụng vào vật gì mềm mềm. Thế rồi Bích bị đầu củ chuối đẩy nằm xuống đấy. Thế rồi thằng hộ pháp lột trần Bích ra. Bích cảm thấy mình lõa thể lồ lộ, sợ tới chết khiếp. Đầu củ chuối cầm hai bàn chân Bích kéo dạng ra, và rồi nó vừa thở hồng hộc, vừa tống vào tống vào. Bích đau rát, giãy đạp. Bích muốn kêu thét lên vì sợ, nhưng Bích còn sợ điều ấy hơn cả sợ con giống nần nẩn của củ chuối ,cứ xói vào hùng hục. Vậy là cắn răng mà chịu. Bích chịu cho tới khi đầu củ chuối buông ra và đèn phòng bật sáng chói lóa. Ôi trời ơi là chồng! Đức ông chồng hộ pháp của Bích trần nhồng nhổng, đứng dạng chân dưới đất, hai mắt trố ra nhìn lom lom vào miếng drap trắng đến kinh rợn. Bích vụt ngồi dậy, dúm dó ở góc giường, vòng hai tay che ngực, toàn thân run bắn lên vì sợ. Bích sợ thế đứng như chôn chân xuống đất của đức ông chồng. Bích hiểu điều gì sẽ xãy ra, khi đức hộ pháp cứ nhìn lom lom miếng drap trắng đến rợn người. Tại sao lại thế. Tại sao cái điều mà Bích nghĩ sẽ là sự dâng hiến ngọt lịm, lại phủ phàng và đau rát, và không hề có những giọt màu đỏ như người ta vẫn nói. Bích run sợ tới muốn òa ra khóc. Nhưng ngay cả điều đó Bích cũng không dám. Bích không dám, bởi Bích thấy đầu củ chuối vẫn cứ đứng ngây như trời trồng; môi bặm chặt, miệng chành lên tới mang tai. Được một lúc, trong khi Bích nghĩ sấm sét sẽ bủa xuống đầu mình, thì đức ông chồng hộ pháp bỗng giật phắt tấm drap, cuộn vào thân hình bệu mỡ, rồi mở cửa bỏ ra ngoài. Lát sau thì mẹ chồng xộc vào. Không đợi cho Bích kịp mặc quần áo, bà ta xỉa ngón tay trỏ vào trán Bích. - Mày thất tiết với ai rồi hả? Bích góa phụ ngay từ đêm hôm ấy. Ba năm góa phụ vò võ. Sống trong ngôi nhà có mấy miệng ăn, mà Bích lạc lõng, mà Bích cô đơn, mà Bích cứ như người thừa ra. Không một ai đoái hoài đến Bích. Bích cũng chẳng phải động tay động chân làm bất cứ việc gì. Đến bữa có cô hầu gái bưng cơm vào tận nơi. Xong bữa lại cô hầu gái ấy vào dọn đi. Ba năm. Ba năm đằng đẵng Bích sống như chiếc bóng, như ngọn đèn hiu hắt, lắt lay thèm khát một tiếng người. Cho đến một đêm nọ. Hình như là một đêm có trăng, bởi lẽ Bích đã như kẻ vô hồn, từ khi đức ông chồng bỏ Bích một mình, sang ở tận cái phòng cuối căn gác hoang lạnh. Bích biết là cô hầu phòng đã thay Bích hầu chuyện ấy cho chồng. Bích nhiều đêm thảng thốt nghĩ tới ngày cô hầu phòng có con với chồng, nhà chồng sẽ tống Bích ra ngoài như tống cổ một con chó không hơn không kém. Nhưng cho đến một đêm nọ. Lúc Bích đang nằm ôm cái gối, bỗng nghe có tiếng kẹt của, rồi nghe có tiếng bước chân bước vào rất nhẹ. Bích nghĩ là hôm nay đầu củ chuối đã chán cô hầu phòng, đã đoái đến tấm thân vò võ của Bích. Nhưng nhớ tới cái củ ấy đâm xồng xộc đau rát, Bích thốt run lên vì sợ, Bích day mặt vào tường, kéo tấm chăn phủ kín cả đầu. Bích nhận ra ngọn đèn ngủ đã tắt từ bao giờ. Bích nghe rõ hơi thở rất nhẹ của đầu củ chuối đang cúi xuống người mình. Bích rúm toàn thân khi biết mình lại sắp bị lột trần ra, sắp bị lật ngửa ra, sắp bị kéo dạng hai chân cho cái củ nần nẩn ấy đâm vào. Nhưng không. Lần này là bàn tay đầu cũ chuối vuốt rất nhẹ lên mặt Bích. Rồi trượt nhẹ xuống ngực Bích. Rồi lượn sâu xuống, sâu xuống. Bích nín thở. Toàn thân căng như sợi dây đàn. Chắc chắn tính tình đầu củ chuối đã đổi khác, từ khi kéo được cô hầu phòng làm chuyện ấy thay cho Bích. Bích muốn cuộn người lại, nhưng phận mình là vợ, Bích không dám, Bích chỉ còn biết nằm im và run lên hồi hộp. Lạ thật. Đầu củ chuối sau ba năm trở lại, bàn tay hắn tự nhiên như có ma lực. Hắn vuốt tới đâu, tấm thân góa phụ ba năm có chồng của Bích mềm ra tới đó. Và rồi khi hai ngón tay củ chuối đi sâu vào vùng cấm, Bích thấy tinh khí mình trào ra ào ạt. Nổi khát thèm dâng lên ngạt thở, Bích tự lật ngửa ra, Bích mở căng hai mắt. Chỉ có bóng tối và hơi thở nóng hổi của đức ông chồng mà Bích không hề nhìn thấy. Bích muốn khóc. Bích muốn chết lịm ngay đi, dù có phải đau rát cách mấy. Nhưng không, bàn tay ấy đã buông ra, nắm lấy cổ tay Bích, kéo Bích ra khỏi giường. Mạnh mẽ một cách khác thường, bàn tay ấy lôi Bích ra khỏi buồng, lôi Bích ra khỏi ngôi nhà đang lịm ngủ, lôi Bích ra khỏi cái cổng vẫn luôn khóa im ỉm bằng hai cái ống khóa sắt to đến hớp hồn kẻ trộm. Bích sợ. Bích nhắm nghiền hai mắt, mặc cho đức ông chồng hộ pháp dẫn đi đâu thì dẫn. Bích xuất giá, Bích phải tòng phu. Và Bích cứ thế nhắm mắt cun cút theo chồng. Hình như có trăng, nhưng Bích sợ, Bích không dám mở mắt ra nhìn. Bích vừa đi vừa hồi hộp nhớ lại chuyện của cô hầu phòng. Hôm ấy, khi cô hầu phòng đem bữa tối vào cho Bích, thấy bụng cô ấy lùm lùm, Bích đã nắm tay cô ta mà hỏi: - Em có rồi phải không? Cô ấy gật đầu và khóc. Bích lại nói: - Phận đàn bà với nhau, chị hiểu mà em. Em khổ một, còn chị khổ mười em ạ. Hôm nay em ở đây ăn cơm với chị được không? Cô ấy gật đầu, nhưng chỉ ngồi mà không hề cầm lấy đũa gắp một món nào để ăn. Cô ngồi cúi đầu nhìn xuống nền nhà và khóc. Cho đến lúc Bích buông đũa, cô mới ngẩng đầu lên, nhìn hút vào hai mắt Bích mà hỏi: - Bà nói, em sanh con xong, nó sẽ là con của chị, còn em sẽ được cho về nhà. Em sợ sanh con mà phải bỏ con lắm chị ơi. Chị giúp em bỏ trốn được không chị ơi! Lúc đó Bích đã ôm chầm lấy cô hầu phòng và khóc. Hai chị em ôm chầm lấy nhau mà khóc. Chắc hôm nay vì cô hầu phòng đã tới kì kiêng cử mà đức ông chồng buông cô ấy ra, buông cô ấy ra mà tìm đến Bích. Thôi thì trăm sự cũng là thuyền theo lái. Bích riu ríu nhắm mắt theo chồng được một lúc, chợt nghe có tiếng cửa rít lên kèn kẹt như đá nghiến, rồi nghe mùi hoa nhài phả ra ngần ngật. Chắc là sắp bắt đầu rồi. Bích Biết là nhà chồng không hề có một căn nhà nào gần đây cả. Như vậy là đức ông chồng hộ pháp đã mướn nhà hay thuê phòng của ai đó. Bích thấy mình bị đẩy vào bóng tối. Đêm hành hạ Bích ba năm trước, đầu củ chuối cũng tắt đèn. Lần này cũng vậy. Bích phải cam phận mình chứ biết làm sao. Chắc sẽ lại hồng hộc, hùng hục như hôm ấy. Nhưng không. Lần này đầu củ chuối rất nhẹ nhàng. Y dìu Bích ngồi xuống nệm giường, từ từ cởi từng chiếc nút áo của Bích, từ từ kéo quần của Bích. Rồi hắn cúi xuống hôn rất nồng nàn chỗ ấy. Bích cảm giác sự mềm mại của lưỡi đầu củ chuối lượn khắp thân thể Bích, cùng với hai bàn tay của hắn. Lưỡi và tay đầu củ chuối đã làm mềm nhủn tấm thân vò võ ba năm trời của Bích. Rồi Bích lịm đi khi hắn bắt đầu. Hắn bắt đầu nhè nhẹ và chầm chậm. Rồi hắn tăng tốc dần lên cũng nhè nhẹ. Thật sâu. Thật sâu. Lúc hắn lật ngửa Bích. Lúc hắn lật nghiêng Bích. Lúc hắn ôm ghì một chân Bích. Lúc hắn gác hai chân Bích lên vai. Từ trên ấn xuống. Rồi từ phía sau tống vào. Lại lúc nhanh, lúc chậm. Dường như cô hầu phòng đã biến hắn thành một kẻ làm tình sành điệu, khiến Bích lúc thì căng người lên, lúc thì nhủn người đi, lạc khoái dâng tràn đến tuôn ra ào ạt. Bích nghĩ rằng, xong xuôi đâu đấy, đầu củ chuối sẽ bật đèn như đêm đầu hắn đè Bích ra hành hạ. Bích run lên vì sợ, vì hình dung ra cách hắn đứng trố mắt nhìn lom lom tấm drap. Vậy mà hắn lại dịu dàng, nhưng đầy cả quyết. - Cô nhắm mắt lại theo tôi về nhà. Không được nói chuyện này với ai đâu đấy. Từ nay tôi sẽ dịu dàng với cô. Từ nay tôi sẽ đáp ứng cô tới nơi tới chốn, tới cô phải lả ra vì sung sướng. Hắn đưa Bích về nhà, về phòng của Bích. Trong bóng tối đặc quánh, hắn hôn nhẹ lên môi Bích và nói: - Coi như chuyện này không hề có. Cô không được hở ra với ai đâu đấy. Tôi mà biết cô hở ra, tôi thề… Hắn lại hôn lên môi Bích, dùng môi kéo lưỡi Bích vào mồm hắn mà mút chùn chụt. Rồi hắn buông Bích ra, cùng với câu, “không được hở ra với ai đâu đấy. Tôi thề...”. Khi nghe tiếng cửa khép lại, Bích lả ra và ngủ lịm. Mùi hoa nhài thoang thoảng.Thoang thoảng. Đêm sau. Rồi đêm sau nữa, Đêm sau nữa. Sau nữa. Đêm nào đức ông chồng cũng đến và kéo Bích ra ngoài, dẫn Bích đến ngôi nhà mà Bích không hề biết ở đâu. Tất cả đều diễn ra trong bóng tối mịt mùng. Bích không nhìn thấy gì. Không nghe thấy gì. Bích chỉ cảm giác là đêm có trăng, và căn phòng thoang thoảng hương nhài. Bích chỉ cảm giác có trăng, bởi Bích lần nào cũng nhắm nghiền mắt đi theo chồng riu ríu. Và rất lạ lùng, kể từ hôm ấy, cả ngày ở trong buồng, lúc nào Bích cũng bồn chồn chờ cho đêm buông xuống, chờ nghe tiếng kẹt cửa để được riu ríu theo chồng. Cho đến một hôm, mẹ chồng đường đột xuất hiện vào giờ trưa. Bà tự động vào phòng Bích, tự động kéo ghế ngồi xuống cạnh bàn trang điểm của Bích. Bà lạnh lùng nhìn Bích một cách xăm xoi, rồi hỏi: - Cô có nghén phải không? Coi mặt cô xanh ra nhiều. Mà chồng cô, nó đến với cô vào lúc nào nhỉ? Hay là… Bích nghe hỏi đã toan dạ một tiếng cho phải đạo, nhưng thốt nhiên cô nhớ tới lời đe dặn của chồng, với lại cô cũng có phần tự ái, nên chỉ khẻ gật đầu mà không hề lên tiếng. Khi mẹ chồng đã ra khỏi phòng, Bích liền khóa trái cửa, đến ngồi trước cái bàn trang điểm. Quả nhiên gương mặt Bích có phần xanh ra thật. Bích vén áo nhìn xuống bụng mình, thấy bụng vẫn thon gọn, da bụng vẫn căng và trắng mịn. Bích mở nút áo, tự ngắm hai bầu ngực mình. Hai trái thiên thai vẫn tròn căng, hai đầu núm vẫn đỏ hồng. Hơn nữa, Bích đã thấy thèm chua đâu. Vậy thì tại sao da mặt mình lại có phần xanh ra nhỉ. Chắc là tại đức ông chồng hộ pháp đòi hỏi nhiều quá, hôm nào cũng từ nửa đêm tới gần sáng mới cho về. Mà tại sao đức ông chồng lại không đòi chuyện ấy vào buổi trưa nhỉ. Bích ngủ suốt từ lúc trở về đến gần bữa cơm mới thức dậy. Ăn xong, uống xong ly sữa, Bích luôn thấy mình bứt rứt khát thèm, bồn chồn ngóng cho màn đêm mau buông xuống. Nếu là buổi trưa, chắc Bích còn sung mãn hơn nhiều. Tại sao đức ông chồng hộ pháp lại không đòi chuyện ấy vào buổi trưa!? Tại sao!? Quay quắt trong ý nghĩ khát thèm, một hôm Bích đã rón rén tìm đến phòng chồng. Bích vừa đi vừa lấm lét nhìn trước nhìn sau, cứ như thể Bích không phải là người trong ngôi nhà này. Khi đứng trước cửa phòng chồng, toàn thân Bích căng như sợi dây đàn, trống ngực đập thình thình. Phải định thần một lúc, chắc chắn giờ này không có ai ở trên lầu, Bích mới khom người nhìn qua lỗ khóa. Hắn đấy. Thằng hộ pháp đang chỏi hai tay, quỳ trên nền nhà, tống hùng hục của nợ vào cô hầu phòng. Cô hầu phòng chắc phải gồng mình chịu trận, nên toàn thân nhễ nhại mồ hôi. Có vẻ như cô ta đang chấp nhận chịu đựng, chứ không hề tỏ ra một chút gì hứng thú. Ôi trời ôi là cái thằng chồng khủng bố của cô. Hắn hùng hục như vậy, đêm xuống còn sức đâu mà không nhẹ nhàng, mà không tìm cách thư giãn lúc nhanh lúc chậm, mà không kéo dài cuộc hoan lạc cả hơn tiếng đồng hồ. Bích lặng đi, nghèn nghẹn quay trở về. Chiều hôm ấy, khi cô hầu phòng vào dọn bàn ăn, cô đã nắm lấy tay Bích mà nói: - Chắc em sẩy thai mất chị ơi! Ông ấy không phải là người. Ông ấy là con quỷ. Bích đưa bàn tay sờ vào bụng cô hầu phòng, tự nhiên hai dòng nước mắt rơi lả chả. Thấy Bích khóc, cô Hầu phòng dùng cả hay tay ôm lấy Bích mà nói: - Dạo này em thấy chị xanh ra nhiều. Hình như chị buồn, chị thức ròng từng đêm phải không. Hay là chị em mình trốn khỏi nơi này đi chị! Nghĩ tới cảnh vừa thấy hồi trưa, Bích ghì xiết cô hầu phòng vào lòng, nói trong nước mắt: - Chị nghe em. Ở đây như ở tù, đêm nay, lúc trăng thượng tuần mọc lên, chị em mình sẽ trốn. Và rồi đêm hôm đó đã đến. Khi nghe tiếng kẹt cửa, Bích nghĩ là cô hầu phòng đã đến, Bích định bật ngọn đèn ngủ lên, nhưng rồi Bích không thể nào ngồi dậy nổi. Chìm trong bóng tối, Bích lại bị đức ông chồng hộ pháp, câm lặng một cách vô hình, kéo tuột đi. Lại vẫn ngôi nhà tăm tối ngần ngật mùi hoa nhài. Lại vẫn cái lưỡi và đôi bàn tay lượn khắp trên thân thể, rồi đột kích sâu vào chỗ ấy. Rồi bắt đầu thật nhẹ, thật lịm. Mùi hoa nhài. Lại vẫn cứ mùi hoa nhài ngần ngật. Đang lúc Bích đê mê tột đỉnh, thốt nhiên Bích nghe thấy có tiếng sấm, rồi những lưỡi tầm sét bủa xuống nhoáng nhoàng. Bích cảm giác đức ông chồng đầu củ chuối buông Bích ra rất nhanh, biến mất rất nhanh. Mở choàng mắt ra, Bích nhìn thấy người hầu gái đang ngồi ôm lấy mình lay gọi. - Chị ơi, tỉnh dậy đi! Sao chị lại ra đây ngồi một mình thế này! Trời mưa, đầu tóc, áo quần chị ướt sũng thế này, khéo rồi cảm hàn mất chị ơi! Bích bàng hoàng. Bích run lên hoảng sợ. Rõ ràng Bích đang ngồi trước nấm mộ người em chồng. Đó là ngôi mộ đá xây rất đẹp, ở trong khu vườn phía sau ngôi nhà, hai bên có trồng hai cây hoa nhài. Đấy là mộ người em song sinh với đầu củ chuối, anh ta qua đời đã hơn một năm. Chuyện về người em chồng xấu số này, Bích đã một lần được nghe bà bếp già trong nhà kể lại, khi Bích buồn chân, tha thẩn ra khu vườn, gặp bà bếp già đang làm cỏ xung quanh ngôi mộ. Bà ta nói, người em bị ông anh trong một cơn nóng giận dùng dao đâm chết. Cha mẹ họ giấu chuyện này kỹ lắm, bởi vậy đi đâu họ cũng khóa cửa nhà, khóa cổng nhà rất chặt. Chính bà bếp là người đầu tiên nhìn thấy người em quằn quại hấp hối trong vũng máu. Chính bà là người vuốt mắt cho người em, và nghe người em trối lại: “Chết rồi tôi cũng hiện hồn trả mối nợ tình với chả. Chả cưỡng hiếp người yêu tôi. Tôi sái lời tôi không siêu thoát”. Nhớ lại những lời bà bếp già kể, từng cơn rùng mình ớn lạnh chạy dần dật trong sống lưng Bích, khiến Bích tê cứng cả người, cơn sốt dâng lên hầm hập. Cố rướn người lên, Bích dùng cả hai bàn tay đang co quắp, bíu lấy hai ống quần cô hầu phòng, rên lên thảng thốt: - Cứu chị với em ơi! Đưa chị trốn khỏi nơi này nhanh đi em! Trời sầm sập mưa. Sấm chớp bùng bùng. Ngôi mộ đá lấp lóa rợn người. HTT

CHUYỆN Ở NÚI MỎ QUẠ Hồ Tĩnh Tâm

CHUYỆN Ở NÚI MỎ QUẠ (chuyện của một thời) Lúc còn đóng quân ở Đông Bắc, trong khi chờ tuyển quân đưa vào chiến trường B2 Nam Bộ, có một giai đoạn, tiểu đoàn giao cho tôi phụ trách một tiểu đội gồm toàn tiểu đội trưởng, gọi là tiểu đội khung huấn luyện. Điều đó có nghĩa là, chúng tôi toàn là tiểu đội trưởng với nhau, sống nhàn cư với nhau để chờ đợt đi tuyển quân, thành lập tiểu đoàn tân binh, rồi huấn luyện tác chiến để đưa vào Nam. Người xưa có câu, nhàn cư vi bất thiện. Chắc chắn tiểu đoàn trưởng biết điều đó, nên cứ sống ở đâu được một hai tuần, ông lại ra lệnh cho chúng tôi dời đi chỗ khác, để tránh chuyện lính tráng ở không bày đặt chuyện mèo mỡ với gái bản, đồng thời cũng để cho chúng tôi rèn lối sống cơ động theo kiểu sống dã chiến. Do chuyện này, có lần tiểu đội của tôi về sống ngay dưới chân đầu một dãy núi, có tên là núi Mỏ Quạ, bởi nó giống như một con quạ, xoãi cánh nằm phủ phục, và cái mỏ nhọn hoắt thì mổ ngay xuống mấy cái nhà đìu hiu nơi chúng tôi đang sống. Về phong thủy, không ai ngu gì lại sống ở một nơi thất địa như thế, bởi vì sống ở đó, thế đất không làm chết người, cũng làm cho khuynh gia bại sản. Quạ mà. Lại là mỏ quạ, nó sẽ lần hồi rỉa đi mạng sống của từng người; chỉ có mấy gia đình ở xuôi mới lên, bất đắc dĩ phải cặm dùi mà sống. Nguyên tắc nhà binh, tiểu đội bao giờ cũng chia thành những tổ ba người, để sống và sinh hoạt. Tiểu đội khung của tôi có tất cả mười lăm tiểu đội trưởng, được chia làm năm tổ, tổ của tôi có Mỗ quê Hải Dương, và Trường quê ở Hà Bắc. Mỗ học hết lớp bảy, mới thi vào trường y tá chưa được một năm thì đi nghĩa vụ. Trường học xong lớp mười, thi rớt đại học nên đi lính. Tôi là sinh viên năm thứ nhất đại học Mỏ - Địa chất. Chúng tôi trọ trong gia đình một bà giá tuổi chừng gần năm mươi, có hai cô con gái tuổi đôi mươi mười tám. Trong ba mẹ con, người được gọi là nhan sắc giòn dã nhất, lại chính là người mẹ, chứ không phải hai cô gái còn trẻ. Ngôi nhà của họ là nhà tranh ba gian, vách là khung tre trát đất đỏ trộn với rơm. Hai bên cái bàn thờ tuềnh toàng là hai cái buồng, buồng bên phải nhìn vào là buồng của người mẹ, hai cô gái sống với nhau trong cái buồng còn lại, ba người lính chúng tôi ngủ trên hai bộ ngựa ở phía ngoài. Và tất nhiên, chúng tôi chẳng có việc gì để làm, ngoại trừ việc thỉnh thoảng đi lấy củi đem về cho tiểu đội nấu cơm. Việc nấu cơm là do tiểu đội phó phụ trách, hàng ngày phân người đi chợ, và cử người lo nấu nướng, chúng tôi chỉ có việc, đến buổi là kéo qua nhà tiểu đội phó ăn cơm. Cả xóm mới ở đầu núi Mỏ Quạ này, chỉ có gần chục ngôi nhà, ở rải rác, cách xa nhau từ vài chục mét đến vài trăm mét, lại toàn là đàn bà với trẻ con. Xin nói rõ, hồi đó ở Miền Bắc rất hiếm đàn ông, vì con trai cứ lớn lên là đi lính, rồi vào chết ở chiến trường Miền Nam, hay chiến trường Lào và Kampuchia. Vì điều này, khi tiểu đội khung của tôi đến đồn trú, cả xóm mới vốn đìu hiu, bỗng trở nên có sinh khí hẳn ra, là nhờ có hơi hướm đàn ông của lính. Tôi biết rõ, lính tráng không bao giờ bỏ lỡ những cơ hội vàng như thế, với những người đàn bà mòn mỏi trong nỗi thèm khát đàn ông, vì họ, hoặc là chồng đã có giấy báo tử, hoặc là bằn bặt tin chồng, không biết chết sống thế nào ngoài mặt trận. Nhiệm vụ quan trọng hàng đầu mà chính trị viên tiểu đoàn giao cho tôi, là phải bằng mọi cách, ngăn chặn không cho lính tráng đi o mèo. Nhiệm vụ được giao là thế, nhưng tôi ngăn thế nào được, khi tất cả mười lăm người đều là tiểu đội trưởng như tôi, mà trong đó, nhiều người có thâm niên tiểu đội trưởng đã hai ba năm, hơn hẳn tôi về tuổi tác và kinh nghiệm sống. Có điều, được cấp trên tin cậy giao phó, tất nhiên tôi phải nêu gương nghiêm túc thì mới hy vọng ngăn được anh em lúc nào cũng lăm le chuyện o mèo. Chính Mỗ và Trường đã nhiều lần nói với tôi, ngu gì nhịn đói, để rồi vào chiến trường chết khát, không biết cái đó nó dọc ngang thế nào. Họ nói thế, có nghĩa họ tuyên bố không chịu khuất phục số phận, trong khi đám đàn bà con gái, lúc nào cũng hừng hực dâng hiến. Tôi nói điều này, những người thuộc thế hệ chúng tôi, chắc chắn đều biết. Vào cái thời Miền Bắc, vừa phải đánh trả cuộc chiến tranh đường không của Mĩ, vừa phải huấn luyện đưa quân vào chiến trường, chuyện trai gái mèo mỡ là chuyện cấm kị số một, được coi là xấu xa số một; tuy nhiên thực tế cuộc sống vẫn là thực tế, chẳng có ông ba đầu sáu tay nào đủ phép thuật tài ba mà ngăn chặn được cả, kể cả các vị chỉ huy tiểu đoàn mà tôi được biết. Đúng ra, các ông ấy còn tợn hơn nhiều. Tình tang tình em đi rình trung úy mà. Ai chả biết thế. Cứ súng lục bên hông là đàn bà con gái theo nườm nượp. Khi ba anh em chúng tôi đến trọ trong ngôi nhà héo lánh, bà chủ nhà đã nói với tôi, khu đất này ma qủy nhiều lắm, nhà bà lại ngay đúng nơi mỏ quạ mổ xuống, vì thế, hai đứa con trai nhỏ của bà đều đã chết từ khi lên mười, còn chồng bà thì chết trận ở chiến trường Quảng Trị. Bà còn nói thêm, đừng có vác chõng ra nằm ở hiên nhà, vì nằm ở đó thế nào cũng bị bóng đè; và, ban đêm mà thấy đất đá từ ngoài ném vào vườn, vào nhà, thì đó không phải là người ném, mà là ma ném, cứ lờ đi cho xong chuyện, chớ dại dính vào mà lụy đến mạng sống. Là sinh viên, nên tôi không tin vào những chuyện mê tín dị đoan, vào một buổi trưa, tôi đã vác cái chõng tre ra góc hiên nằm ngủ, quả nhiên là tôi bị bóng đè thật. Đang ngủ, tự nhiên tôi thấy tức ngực và nghẹt thở, rồi thấy cái chõng nghiêng hẳn về một bên, nên tôi phải gồng người lật lại, vì thế tôi bị rớt bịch xuống đất mới tỉnh. Tỉnh dậy, tôi lại leo lên chõng nằm ngủ, và cảnh ấy lại tái diễn. Sau ba lần như thê, tôi cạch hẳn, không còn dám nghĩ tới chuyện vác chõng ra hàng hiên nằm ngủ. Chúng tôi đến gia đình bà góa vào buổi sáng, buổi chiều tôi đã thấy Mỗ cò kè với cô chị gái hăm hai tuổi ở ngoài đồi sim. Sáng hôm sau đến lượt Trường dẫn cô em gái hai mốt tuổi đi đâu mất tăm mất tích, bỏ cả cơm trưa không ăn. Được vài ngày thì họ dính thành cặp, cứ xong cơm chiều là kéo nhau lủi đi mất dạng. Ở nhà chỉ còn có tôi và bà chủ mà tôi gọi là thím Hương, và xưng cháu, bởi lẽ tôi cũng chỉ đáng tuổi con cháu của bà. Vào một đêm mà Mỗ và Trường đã dẫn hai cô con gái đi đâu đó, khoảng hơn tám giờ tối, tự nhiên tôi nghe tiếng đất đá ném vào vườn rào rào, liền bấm đèn pin ra xem có chuyện gì. Khi tôi bước ra sân quét đèn thì tiếng đất đá không còn nghe nữa, nhưng khi tôi trở vào, lại nghe tiếng đất đá rớt lịch bịch trước sân. Chuyện đó cứ diễn ra hai ba lần, khiến tôi cũng thấy rờn rợn. Thím Hương trong buồng bước ra nói: - Kệ thây nó. Ma ném đá đấy, em sợ thì vào trong buồng với chị. Ôi trời! Tôi hết cả hồn vía. Ai đời người đàn bà gần năm mươi tuổi lại gọi tôi bằng em, lại rủ tôi vào buồng nằm ngủ. Đã thế, lúc ấy thím lại mặc cái áo cánh phin, dưới ánh đèn dầu tờ mờ, tôi nhìn thấy rõ cả hai bầu ngực ngồn ngộn. Hoảng qúa, tôi lấy cớ phải đi kiểm tra tiểu đội, liền khoác khẩu Ak lên vai, rồi xách đèn pin ra đi. Bình thường, tôi chẳng biết sợ mà là gì, nhưng đêm hôm ấy, tự nhiên tôi thấy hồi hộp kì lạ; chẳng phải vì tôi sợ ma, mà vì tôi cứ nhớ tới hai bầu ngực căng vồng và câu nói của thím Hương. Ở đâu lại ra một người đàn bà như thế nhỉ, gần năm mươi mà vẫn còn đẹp hây hẩy. Loanh quanh một lúc rồi tôi cũng phải về. Mỗ và Trường đã ngủ ở bộ ngựa bên kia. Họ ngủ trong cái màn vải cáu bẩn màu nâu đất của bà chủ nhà cho mượn. Còn tôi thì giăng cái màn tuyn Liên xô để ngủ. Đêm rừng Đông Bắc lành lạnh, nên nằm xuống một lúc thì tôi ngủ thiếp đi. Thế rồi tôi mơ thấy chuyện ấy. Tôi thấy mình đang ngồi với Phụng, chúng tôi ôm chặt lấy nhau và hôn nhau thật đắm đuối; rồi chúng tôi từ từ đổ xuống vệ cỏ bên bờ sông Công. Đây là chuyện mà từ khi quen nhau, tôi không bao giờ dám nghĩ tới, bởi vậy tôi run bần bật, toàn thân căng ra như có lửa ở bên trong. Mở choàng mắt ra, tôi nhận thấy thím Hương ngay bên cạnh, trắng ngồn ngộn. Lạ nhất là tôi cũng A Đam bên cạnh bà E Va mà tôi chỉ đáng tuổi con. Giật tay thím ra, tôi ngồi bật dậy, vơ vội quần áo mặc vào. Thím Hương dùng một bàn tay bịt miệng tôi, nói nhỏ hào hển. “Đừng sợ. Không có gì phải sợ. Vào trong buồng với chị đi em!”. Run như cầy sấy, tôi tụt khỏi bộ ngựa, rón rén bước ra sân, rồi đi thẳng ra con dốc, ngồi tựa xuống một thân cây mà khóc. Lúc hừng đông bật sáng ưng ửng phía chân trời tôi mới trở về. Chiều đó, tôi lấy cớ có nhiệm vụ mới, kéo cả tiểu đội đến một nơi ở khác phía bên kia núi Mỏ Quạ, thuộc một bản nhà sàn của người Cao Lan. Xóm núi đìu hiu Mỏ Quạ, đã trở thành một kỉ niệm rất khó quên. Dzu- htt