Thứ Ba, 31 tháng 1, 2012

E207- Kết nạp Đảng cho người đã mất

E207- Kết nạp Đảng cho người đã mất

Tháng 4 năm 1975, tiểu đoàn tôi được lệnh đánh cầu Bà Tồn trên quốc lộ 4, đoạn thuộc huyện Cái Bè- Tiền Giang bây giờ. Lâu quá nên tôi không nhớ rõ là trận đánh diễn ra vào ngày nào. Lúc đó tôi là trung đội trưởng C3- D1- E5(tức E207 cũ)- F8- QK8. Trung đội tôi được lệnh bám sát mặt lộ, chặn đánh bộ binh sư 7 từ Đồng Tâm xuống tăng viện, đảm bảo cho đặc công đặt mìn phá sập cầu. Với cương vị của mình, tôi không biết được toàn cục trận đánh, chỉ biết hướng tiến công của chúng tôi phải vượt qua rất nhiều mương đìa, nhiều vườn cây ăn trái. Đây cũng là trận đánh đầu tiên mà tôi gặp rất nhiều nhà dân, với rất nhiều người dân đang ở trong nhà. Tất nhiên khi chúng tôi xuất hiện, hầu hết những người dân ở đây đều dùng ghe xuồng chạy đi nơi khác, vì sợ bị bom pháo. Bởi vậy, khi chúng tôi bám sát được mặt lộ, lập tức pháo từ Cái Bè, từ Cai Lậy dập xuống như mưa, với đủ loại pháo phát quang, pháo chụp. Chớp lửa rừng rực. Mảnh pháo veo véo rú rít. Đất cát bay vù vù.


Thế rồi từ hướng Cái Bè, xuất hiện hai chiếc xe nồi đồng, vừa chạy vừa khạc đạn 2ly7 xối xả, với tiếng nổ đùng toác toác, đùng toác toác chói chát, nhức cả óc, khiến bộ đội phải dạt lui về phía sau. Trước tình thế ấy, tôi lệnh cho Kiệm ôm DKZ57(thu được trong trận đánh chốt Gãy Kinh Nhứt), tiếp cận mặt đường để bắn diệt xe nồi đồng. Chúng tôi dùng AK bắn yểm trợ cho Kiệm trườn lên sát con lộ. Dưới ánh sáng của chớp lửa pháo chụp, tôi nhìn thấy Kiệm đã tiếp cận ngay mép lộ, nằm xoãi phía sau khẩu DKZ. Khi chiếc xe nồi đồng quay trở lại, Kiệm lập tức nhắm bắn, thế nhưng viên đạn lại bay cao, vọt qua chiếc xe. Súng máy trong đồn lính bảo an, tập trung bắn xối xả về phía Kiệm. Tôi nghĩ rằng Kiệm sẽ phải lùi lại, thế nhưng anh vẫn nằm tại chỗ đón bắn chiếc xe nồi đồng thứ hai. Và khi chiếc nồi đồng thứ hai chạy tới, cách gần trăm mét, Kiệm đã ngồi dậy, nâng súng trong tư thế quỳ bắn. Đây là một hành động rất nguy hiểm đến tính mạng, vì dưới chớp lửa đạn pháo và ánh sáng của pháo dù treo trên cao, Kiệm sẽ thành mục tiêu lộ thiên; nhưng tôi biết, chỉ có cách đó, Kiệm mới có thể bắn diệt được chiếc xe nồi đồng; bởi vì với tư thế nằm bắn dưới thấp, khó hòng bắn trung được mục tiêu đang chạy giữa lộ, do bị mặt đường che khuất. Và quả nhiên khi Kiệm vừa ngồi dậy, vừa mới nâng khẩu DKZ57 lên, trọng liên trên chiếc xe nồi đồng đã bắn xối về phía anh. Tôi thấy Kiệm bị hất tung lên cao, rồi ngã xuống, lăn mấy vòng về phía sau. Chúng tôi tập trung bắn quyết liệt về phía chiếc xe, để hai người lao lên lấy xác Kiệm và lấy khẩu DKZ57. Cùng lúc ấy, chúng tôi được liên lạc tiểu đoàn thông báo rút lui về vị trí tập kết, vì vừa có lệnh từ cấp trên không được đánh sập cầu nữa.

Chúng tôi thay nhau cõng xác Kiệm về bờ kinh Cổ Cò, phía ngoài vòng đang bị pháo địch bắn phá. Bấy giờ chúng tôi lấy một chiếc chiếu trong nhà dân, trải xuống cái sân đất, đặt Kiệm nằm lên trên. Kiệm bị đạn 12ly7 bắn xuyên qua ngực phải, trổ ra phía sau lưng vết rách toác to như miệng chén. Tại điểm tập kết này, lúc đó có tôi và Hoành là trung đọi phó của tôi, cùng với anh Tùng C trưởng C3, anh Ruộng trợ lý quân giới, anh Thử Y sĩ, anh Ngôi tham mưu trưởng tiểu đoàn. Khi anh Thái chính trị viên tiểu đoàn đến, tôi ngồi quỳ xuống vuốt mắt cho Kiệm, thì bỗng nhiên thấy Kiệm từ từ mở hé cả hai mắt. Tôi liền quờ tay về phía sau, kéo anh Thái ngồi xuống. Và điều làm tôi vô cùng sững sốt, là tôi nhìn thấy hai môi Kiệm đang mấp máy, nên tôi vừa khóc vừa gọi, Kiệm ơi… Kiệm ơi…. Bấy giờ tôi nhìn thấy anh Thái cũng khóc, nước mắt rơi lả chả từng giọt. Và tôi càng bất ngờ hơn, khi tôi thấy Kiệm nhìn thẳng vào anh Thái, hỏi thều thào, nhưng nghe rất rõ. “Anh Thái ơi, em có được kết nạp vào Đảng không anh?”. Lúc này tiếng pháo đã dứt, đêm vắng lặng và yên tĩnh đến lạ lùng, nên tôi tin chắc rằng, rất nhiều người cũng nghe được câu hỏi của Kiệm, vì tôi thấy ai cũng khóc nấc lên. Còn anh Thái thì cúi sát xuống mặt Kiệm và nói, “đồng chí là đảng viên của Đảng!”.

Sau 30 tháng 4 năm 1975, khi tiểu đoàn tôi lên chốt giữ biên giới ở búng Bình Thiên, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang, lúc được điều về làm trợ lý chính trị tiểu đoàn, tôi nhắc lại câu hỏi, “Anh Thái ơi, em có được kết nạp vào Đảng không anh?”, và anh Thái, với cương vị là bí thư đảng bộ tiểu đoàn, đã làm Lễ kết nạp Đảng cho Kiệm. Cũng có cờ Đảng, cờ tổ quốc, ảnh Bác Hồ, có các đảng viên K bộ tham dự. Chỉ có Kiệm, người được kết nạp là không có mặt. Khi anh Thái đọc quyết định kết nạp Kiệm vào Đảng, rồi thay mặt Kiệm đọc lời tuyên thệ dưới cờ Đảng, tất cả chúng tôi đều khóc nấc lên nghẹn ngào.

Hồ Tĩnh Tâm

Thứ Bảy, 7 tháng 1, 2012

hoa gao- hoa Moc Mien




HOA MỘC MIÊN
Hồ Tĩnh Tâm


Lâu rồi. Đã lâu lắm rồi phải không Mộc Miên. Buổi chiều ấy. Buổi chiều mùa đông. Có mưa phùn, có gió bấc, có âm âm một nỗi niềm. Anh nói là nỗi niềm Mộc miên. Còn em nói, nỗi niềm heo may. Lối về làng, em còn nhớ không, hung hung hai vệt cỏ may chạy dài hun hút. Chúng mình ngồi với nhau bên bờ sông Công. Chúng mình thở ra khói. Gió bấc thở điệu buồn thườn thượt. Hoa Mộc Miên đỏ đến chạnh lòng. Em ném hòn cuội xuống sông Công. Anh cũng ném hòn cuội xuống sông Công. Hai vòng sóng lan tỏa. Đan vào nhau. Giao thoa ấm nóng. Em lượm một đóa Mộc Miên đưa lên miệng. Anh thấy em nhấm nhỏ nhẻ cánh Mộc Miên đỏ rực. Anh cũng lượm một đóa Mộc Miên. Cũng bắt chước em nhấm nháp sắc đỏ xốn xang như lửa. Mộc Miên cháy rừng rực mà anh với em chẳng nói được gì. Nước sông Công vô tình ngủ lịm trong heo may hiu hắt.

Lâu rồi. Đã lâu lắm rồi phải không Mộc Miên.

HTT

Chào HT.

Mấy hôm nay anh lu bu toàn những chuyện gì đâu, chẳng còn mấy thời gian cho chuyện viết lách, nên cũng ít đọc trên mạng, chỉ thỉnh thoảng ngồi xem vài bộ phim tư liệu để bổ sung kiến thức. Trời lạnh nên nhớ mùa đông phương Bắc, thành ra bần thần viết cái đoản văn về hoa gạo cho đỡ nhớ.

Hoa gạo còn có tên gọi là Hoa Mộc Miên, gắn với sự tích mối tình Hoa Mộc Miên ở miền núi Tây Bắc, Việt Bắc, nơi anh từng sống một thời tuổi trẻ. Cứ vào tháng ba là hoa gạo bắt đầu nở. Mới đầu chỉ là những nụ hoa đỏ lấm tấm như những đốm lửa trong gió rét mùa đông. Rồi những nụ hoa lớn dần lên, xòe ra năm cánh to dày. Nhìn từ xa thấy đỏ chói chang như lửa, khiến mùa đông chợt ấm lên lạ thường. Khi hoa gạo tàn phai gieo mình xuống lòng đất thì những quả gạo ra đời, bên trong chứa đầy sợi bông xốp, người ta vẫn thường lấy đem về nhồi vào ruột gối- nhiều người còn dùng nhồi và chăn bông.

Cây gạo ở Miền Bắc là hình ảnh của những miền quê nghèo thương khó, đẹp một cách bình dị trong yên ả thanh bình. Cứ mỗi năm khi trời se lạnh là anh lại nao nao nhớ về loài hoa đỏ, có cái tên rất đỗi thân thương là hoa gạo- Hoa Mộc Miên của tình yêu và nỗi nhớ.

Chúc HT vui khỏe cùng năm mới nhen.

Gửi Hồ Tĩnh Tâm

tranhoangvy

Chúc HTT và gia đình năm mới an khang, tài lộc dồi dào, sáng tác hay. Tình thân

Trần Hoài Thắm( CTDY)


Em cũng nghe nhiều về hoa gạo ở miền bắc. Nhưng cái tên Hoa Mộc Miên thì bây giờ mới biết đó. Cám ơn anh cho em biết thêm một điều quý giá về hoa gạo.( Thú thật em chưa được ngắm hoa gạo nở và biết rất ít về hoa gạo)
gởi anh tranhoangvy

hotinhtam

Chào anh Trần Hoàng Vy.

Dạo này bận bịu toàn chuyện gì đâu nên tôi cũng chẳng viết được gì mấy anh ạ. Hơn nữa do ảnh hưởng sức khỏe nên nguồn cảm hứng cũng không được như trước, đầu óc cứ ù lì thế nào ấy.

Đầu năm chúc anh vui khỏe và viết được nhiều nhen.

gởi cuatungdauyeu

Chào HT.

Quê mình hình như không có cây gạo em ạ. Cây gạo là loài cây rất đặc trưng đối với nông thôn Miề̀n Bắc. Vào mùa đông cây gạo rụng sạch lá, chỉ còn trơ lại nhánh cành khẳng khiu với thân cây sầ̀n sùi. Đến tháng ba cây gạo bắt đầu trổ bông, rồi nở rộ một màu đỏ chói chang như lửa. Lúc này chim chóc tụ về rất đông, hót ríu ran suốt cả ngày. Sau đó hoa gạo rụng dần, và quả gạo bắt đầu lớn dần lên. Đến tháng 5 quả gạo chín nở bung ra, rắc vào không gian từng chùm sợi bông trắng xóa, theo gió bay đi khắp nơi, nhìn đẹp lắm.

Chẳng biết có thể lấy giống đem về quê mình trồ̀ng được không. Nhưng anh nghĩ chắc là không được, vì nếu được thì người ta đã trồng rồi.