Thứ Sáu, 29 tháng 6, 2007

Cụ Tổ - truyện ngắn hotinhtam

ta thiền ta

thiền không hết được nhiệm mầu
ta về với gió ru sầu hư vô
một bầu thu nguyệt Nam mô
ái ân trắng cánh sen hồ tĩnh tâm


htt



Truyện ngắn:

CỤ TỔ

Hồ Tĩnh Tâm


Nội kể:
Lối hơn trăm năm về trước, chỗ bến cây gáo có miễu thờ thần hoàng, trước cửa có cặp kỳ lân tượng từ đá xanh, oai vũ lắm. Mùa mưa năm ấy, không hiểu tự làm sao, thường ngày sóng cứ nổi cuồn cuộn trước miễu; tuồng như có cặp rồng trầm mình vùng vẫy. Rồi một đêm dông gió, dân làng nghe sóng đánh đùng đùng thâu đêm, hừng đông thì không ai còn thấy cặp kỳ lân đâu nữa cả. Vào đúng đêm hôm đó cụ tổ ra đời.
Cụ tổ vóc vạc cao lớn, mạnh dạn, cơ bắp nổi có cuồn, sức vật cả trâu cui ngã qụy. Cụ tổ leo cây như sóc, lội nước như rái; cụ lặn một hơi, chấp người ta cả ba hơi. Mấy ông thầy nò còn phải kiếng cụ tổ bằng sư phụ. Một lần có con sấu độc từ Cao Miên lạc xuống, gặp trâu bầy qua sông nó cũng dám lao vào tấn công đục nước. Một cú ngoạm của nó, trâu lớn cách mấy cũng rách toạc cả cuống họng. Một cú quật đuôi của nó, ghe lườn chở mười thiên lúa cũng chìm lỉm. Vậy mà cụ tổ dám thả mài bè chuối, đốt mỡ người dụ nó, phóng liên tiếp hai mũi giáo nhọn lểu vào cuống họng. Cánh câu sấu kiếng cụ cái bao tử, xé ra thấy nhóc nhách các vòng vàng xuyến bạc; hẳn là nó đã tàn sát không biết bao nhiêu người. Nội cái đuôi sấu, vòng vòng lối xóm đủ nhậu rần ì cả đêm. Lại lần khác, có con cọp vằn chột mắt về làng, giữa thanh thiên bạch nhật dám nhảy xổ vào chuồng heo, cõng heo trên trăm ký chạy tuốt vô đồng đưng. Một hôm cụ tổ rình thấy nó chun vô bọng cây nằm ngủ, liền chạy tới, xuống tấn ghị đuôi nó lôi ra. Con cọp gồng sức bươn tới, rống chói lói, ỉa đái vung vít cả ra. Khi kéo được nó ra khỏi bọng cây, cụ tổ buông tay phải rút phắt cây búa, vung tay nện cho nó một cú bể toang hộp sọ, óc văng ra lầy nhầy. Tấm da cọp căng ra rộng hơn cả sãi tay, móng vuốt sắc lem lẻm như lưỡi dao cau.
Dân làng phục nhất là sức ăn của cụ. Chè xôi nước là thức ăn dễ ngán, người lực lưỡng cũng chỉ ăn tới ba bốn chén là cùng, vậy mà cụ tổ ăn một hơi hết cả sãi. Đã nhiều lần người ta múc chè đậu ra chén, xếp san sát cả sãi tay, cụ tổ đứng xổng lưng, bưng từng chén húp sạch bách. Tháng chạp, tới mùa kéo che ép mật, cụ tổ bó một ôm mía lau ba bốn chục cây, riết cứng khừ như cột nhà, vậy mà cụ chỉ vung cây thiết bản có một cái, bó mía đã đứt lìa làm đôi, ngọt như người ta dùng phảng chém cây chuối.
Năm mười chín, cụ tổ được ông Thiên Hộ tuyển làm vệ sĩ, sung vào đội dân binh cảm tử đánh Tây. Ông Thiên Hộ cũng cao lớn dềnh dàng, mặt vuông chành chạnh, mày rồng mắt phụng, xếch ngược lên dữ dằn. Nghe nói ông có luyện thiên linh, dao chém không đứt, đạn bắn không lủng. Danh tiếng ông Thiên Hộ nổi như cồn, người Tây nghe tới tên ông cũng phải sợ.
Mỗi lần xung trận, ông Thiên Hộ múa cây xích đao lao lên trước. Đao múa vù vù, ánh thép loang loáng, tiếng xích rổn rảng như mưa bão. Đạn nhọn của Tây săng đá, không hiểu tự làm sao chưa bao giờ dính tới được một cọng lông chân của ông. Bởi vậy tiếng đồn ông Thiên Hộ có bùa phép càng lúc càng xui khiến người ta tin tưởng, càng khiến người ta ùn ùn kéo về đầu quân rất đông.
Duy chỉ có cụ tổ là không tin vào điều linh thiêng ấy. Cụ tổ dặn đám nghĩa sĩ của mình, Khi xung trận phải dũng mãnh, liều mình như chẳng có, nhưng lúc nào cũng phải nhớ phòng thân cho khéo, lỡ dính đạn Tây thì khó toàn tính mạng. Bởi vậy cụ tổ theo Thiên Hộ tả xung hữu đột, xông pha chinh chiến khắp miền kinh rạch, bưng biền, nhưng lúc nào cũng biết phòng bị trước đạn nhọn của Tây săng đá bắn chiu chiu chát chát. Lối xáp trận của cụ tổ là phục binh, bất ngờ đổ quân đánh nhàu một trận tạt sườn thật nhanh rồi gom quân rút nhẹm. Thiên Hộ khác hẳn. Khi giáp trận, ông dóng trống phất cờ, kéo hết tiền quân hậu quân ào lên như đá băng thác đổ, coi hòn tên mũi đạn nhẹ tựa lông hồng.
Thấy đoàn nghĩa binh càng đánh càng mạnh, Tây săng đá quyết một trận ăn thua đủ. Đại quân của chúng từ Tân Châu, Hồng Ngự hiệp binh kéo tới. Thế mạnh như rồng cuộn. Tới hợp lưu sông Tân Thành, sông Hồng Ngự, chúng cho dừng binh dàn trận. Quân Thôi Hộ từ đất gò đất bãi kéo ra, cặm cờ thủ trận. Thôi Hộ vận bà ba màu đất, dựng đứng xích đao bên hông, sau lưng có cụ tổ là nghĩa tướng, sau nữa là các cơ trưởng, cơ phó, ai nấy đều hùng dũng.
Trước tiền quân của Tây săng đá, chồm hổm hai khẩu đại liên lạ hoắc. Thôi Hộ vẫy tay cho đội nghĩa quân vác mộc gỗ tiến lên. Rồi không hiểu sao, ông ra lệnh cho cụ tổ trở lui chỉ huy hậu quân, chuẩn bị sẵn sàng đánh tiếp cứu. Xong xuôi, ông cho phất cờ đổ quân thốc tới.
Hai cây đại liên nhất loạt sủa ằng ặc từng tràng đạn nhọn veo véo. Đoàn nghĩa binh bị đốn rạp xuống. Riêng Thôi Hộ vẫn lừng lững, không hề hấn mảy may. Khinh thường đạn nhọn không đâm lủng được da thịt của mình, Thôi Hộ thét vang như sấm, múa xích đao tiến lên vọt vọt. Đoàn nghĩa sĩ noi gương ông, múa giáo ào lên, bất chấp hai làn đạn chéo cánh sẻ quạt như quạt lửa. Không biết có tới bao nhiêu người ngã gục. Nhưng Thôi Hộ vẫn lừng lững. Tiền quân của ông thấy vậy lại liều mình băng tới. Lại té sấp rạp rạp như bị người ta phạt lác đồng đưng.
Đang hồi gay cấn, thốt nghe hậu quân của Tây săng đá rối loạn, hàng ngũ nháo nhào túa chạy. Đó là quân của cụ tổ theo mật lệnh của Thiên Hộ tiến binh tập hậu, phá vỡ thế trận của kẻ thù. Lúc gom quân, ai cũng thấy Thiên Hộ dính đạn cùng mình, nhưng chỉ trầy da tróc thịt, chứ không đến nổi trọng thương.
Đoàn nghĩa binh tiếp tục tồn tại được một năm nữa thì tan tác bởi thế cùng lực kiệt.
Cụ tổ trở về làng khi Thôi Hộ đã qua đời. Với sức vóc của mình, cụ tổ trần ra phá rừng mở đất, dần dần tạo nên cơ nghiệp. Tôi là cháu đời thứ sáu của cụ, thuộc về dòng vợ bé của cụ. Nội nói, cụ tổ có tới bốn vợ, hai mươi sáu người con. Cụ thọ hơn trăm tuổi. Năm bảy mươi tuổi cụ còn vác nổi cối đá giã gạo. Năm tám mươi tuổi cụ tổ vẫn đi quyền vun vút, vẫn một mình bủa chài, thả lưới quăng bắt cá hô ngoài sông cái. Chừng thác về trời, cụ tổ cũng ra đi rất nhẹ nhỏm. Buổi chiều cụ kéo miệng nò đổ cá. Buổi tối cụ ngồi uống rượu với ba người bạn nghĩa binh thời Thôi Hộ. Bốn người ăn hết hai con rùa, một con rắn ri voi bằng cầm tay, năm con ếch. Sức ăn như vậy là còn rất khỏe. Vậy mà buổi sáng hôm sau cụ tổ đã ra đi từ lúc nào, nét mặt vẫn hồng hào quắc thước. Mộ cụ tổ là ngôi mộ đá lớn nhất trong khu mộ của dòng họ.
Tương truyền trong dòng họ có chuyện kể về cụ tổ. Ấy là chuyện khi cụ tổ về làng, có thằng quan Tây vận sơ mi trên tỉnh mến mộ danh tiếng cụ tổ, nhiều lần lặn lội xuống xin gặp. Thấy quan Tây vất vả nhiều lần, lại tỏ ý thành thật, cụ tổ đã đồng ý dạy cho ông quan Tây môn xích đao, môn thiết bảng, với điều kiện ông ta phải dạy cho cụ tổ tiếng Tây. Bởi vậy cụ tổ là người đầu tiên trong dòng họ biết tiếng Tây khi chưa rành chữ quốc ngữ. Nhờ vốn tiếng Tây đó, cụ tổ xin được vào học lớp kỹ nghệ Sài Gòn, trở thành thợ máy tàu, máy xe. Ai dè bỉu, chưởi xiên chưởi xéo cụ tổ theo Tây, gặm bánh mì lạt, uống rượu mùi của Tây, cụ tổ cũng chỉ im lặng làm thinh. Mãi sau này, khi đệ tử theo cụ tổ học nghề nhiều hơn học võ, cụ tổ mới nói: Nghĩa binh theo ông Thiên Hộ có đông, nhưng võ khí thô sơ, không đủ mạnh chống lại súng ống rần rộ của Tây săng đá. Muốn thắng Tây, ngoài lòng dũng cảm can trường, cần phát huy kỹ nghệ cho bá tánh. Người Tây giỏi kỹ nghệ thì phải học theo người Tây. Cái chí phục quốc không thể nôn nóng, tính ngày một ngày hai. Còn ông Tây vận đồ sơ mi trên tỉnh, nghe nói ông ta là học giả, qua nước ta nghiên cứu văn hóa, ông ta không phải là người xấu. Không phải người xấu thì đích là người tốt, cần phải kết bạn để hiểu hơn về người Tây mà tìm cách đánh Tây. Ông nội tôi sau này noi theo chí hướng của cụ tổ, cũng theo học thợ máy, rồi làm sốp phơ chạy xe máy than đường liên tỉnh. Sau này ông nội có hẳn mấy chiếc xe máy than chạy phành phạch, cũng kể là người tân tiến của thời kỹ nghệ.
Ngày tôi lên đường tòng quân, tôi theo ông nội ra thắp nhang vái lạy mộ tổ. Thấy phía sau ngôi mộ cụ tổ có lùm cây rậm rạp, tôi xin nội cho dọn sạch lùm cây ấy đi để lấy đức trước khi vô bưng biền. Nội cản lại, biểu trong lùm cây ấy có con rắn rồng tá túc đã ngoài hai chục năm, đã thành linh xà coi giữ khu mộ dòng tộc. Hơn chục năm nay, quanh quanh cuộc đất khu mộ tổ không hề có lấy một con chuột, con chồn, con cáo. Trong dòng họ, những ai biết tới con rắn ấy đều gọi là ông rồng. Ông rồng lột xác mỗi năm một lần. Xác vảy của ông vắt trên lùm cây sau ngôi mộ cụ tổ, dài tới hơn sãi ruởi tay người lớn. Rất ít ai được thấy ông rồng, họa lắm mỗi năm mới có một hai người may mắn nhìn thấy. Những người nhìn thấy đều nói, ông rồng mọc râu trên đầu, giống hệt con rồng họa trong ngôi từ đường thờ tổ. Nhưng có nhiều người nói ngược lại, cho rằng ông rồng không phải là rắn rồng, mà là rắn hổ ngựa, biết quăng mình lao vù vù như ngựa phi trên cây cỏ, bởi vậy ông mới sống tới mấy chục năm. Nghe đâu vào năm lũ lớn, đói kém tràn lan, sinh đạo tặc khắp nơi, có kẻ mò tới khu mộ tổ tính quật mồ kiếm chác. Khi xà beng vừa chạm vào mặt gạch, kẻ đạo chích thấy ràng ràng ông hổ ngựa ngóc cao đầu sau khu mộ tổ, bành mang phun khè khè dọa nạt. Kẻ đạo chích hết hồn vùng chạy, vấp nhằm rễ cây té lăn bất tỉnh. Sáng ngày được người dòng họ tôi vực dậy, y nói năng ngơ ngơ ngáo ngáo như người mất hồn. Từ đó tiếng đồn khu mộ tổ dòng họ tôi có linh xà coi giữ mới lan truyền khắp nơi.
Nội nói tôi tuổi rồng là núp tuổi cụ tổ, mạng dương, số hên lắm. Chẳng biết có phải vậy không mà tôi khoác áo lính bấy nhiêu năm không hề dính miểng bom, miểng pháo, không hề đạp nhằm mìn hay dính đạn nhọn lấy một lần. Duy nhất vào mùa nước nổi năm 72, tôi đi trinh sát mở tuyến với tay thông tin vô tuyến điện, đang đi thì nghe tiếng thét ré lên sợ hãi. Nhìn qua lùm cây, tôi thấy một cô gái đứng chết trân trên gò đất, trước một con hổ chúa đang ngóc đầu bành mang phun nọc phè phè. Con rắn to như bắp tay nằm ngoằn ngoèo dưới đất. Không hiểu sao lúc đó tôi nổi gan cùng mình, dám rẽ lùm cây bước qua, nhìn thẳng vào con rắn. Tôi với con rắn nhìn nhau chừng gần một phút. Tụ nhiên con rắn cuộn người lại, không còn ngóc đầu đe dọa. Con rắn nằm im chừng tàn nửa điếu thuốc, rồi từ từ duỗi thân hình trườn vô lùm ô rô.
Sau này tôi mô tả lại hình dạng, màu sắc của con rắn ấy cho ông thầy thuốc rắn nghe, ông thầy cho tôi biết, đó là thứ rắn biết phun nọc độc vào mắt bất cứ con mồi nào, hay bất cứ con vật nào dám đe dọa tính mạng của nó. Nọc loài rắn ấy giết chết cả trâu bò chứ đừng nói tới người. Ông thầy thuốc rắn tặng tôi mấy liều thuốc rắn hộ thân rồi nói: số tôi có thánh nhân phù trợ.
Tôi nghĩ, thánh nhân phù trợ cho tôi chính là cụ tổ chứ còn ai vào đó.


H.T.T.

Không có nhận xét nào: