Thứ Sáu, 29 tháng 6, 2007

chuyện phiếm đầu năm

Chuyện phiếm đầu năm

QUANH QUẨN BÊN BÀN TRÀ

Hồ Tĩnh Tâm

Cánh văn nghệ có tật, buổi sáng thường tập trung dưới gốc cây trứng cá của Hội, mỗi người kêu một cái đen. Không phải kêu vậy cho rẻ, mà chủ yếu là kêu vậy để uống trà cho sướng. Với cà phê, đen mới là thượng thặng. Cà phê đá chỉ là thứ nước dở hơi, dành cho người mới tập làm quen với thứ sản phẩm ngoại được nhập từ Brazin vào nước ta non non một thế kỷ. Còn các thứ nước công nghiệp khác, chỉ là thứ nước giải khát uống lấy le- thà uống chanh nóng, chanh muối còn được đánh giá là có tinh thần dân tộc.
Uống cà phê đen tất nhiên là phải có trà. Quán nào pha trà bồm thì coi như quán đó đang tìm cách đuổi khách. Đã uống cà phê thì phần nào cũng đủ phê về caféin rồi, khách không đòi hỏi phải trà Thái chánh hiệu, chỉ cần Trà Lâm Đồng có ướp hương là đủ để say sưa đàm luận mọi chuyện về thời tiết chính trị, kinh tế ở trên đời- có khi còn bàn cả về triết học. Hao trà hơn cà phê là cái chắc. Nhưng hao nhất vẫn là hao chỗ ngồi. Dân văn nghệ có khi chỉ kêu mỗi cái đen hai ngàn mà ngồi gần hết cả buổi sáng. Lao động văn nghệ là lao động quanh bàn trà bàn rượu- kể cũng chẳng giống ai. Bà chủ Phượng riết rồi cũng quen. Nhăm nhắm chỉ thấy toàn gọi chăm thêm nước sôi. Thế thì lời vào đâu. May mà còn có mấy ông thỉnh thoảng lại kêu thêm vài điếu thuốc.
Tôi cũng là người thường xuyên gia nhập vào đạo quân đó. Gia nhập chẳng vì cà phê, cũng chẳng vì trà, mà chủ yếu là vì để ăn cắp. Tôi ăn cắp lời vuột ra từ cửa miệng của những tay hẩu chuyện.
Bảy Ngộ là tay săn ảnh hẩu chuyện nhất, tôi ăn cắp được khối của cải vuột ra từ cửa miệng của ông.

Bảy Ngộ từng bị ong vò vẻ đánh bầm mình. Không phải một lần mà tới hai lần. Ong đánh chủ nhà ngay trong vườn của chủ. Vậy thì đích thị là ong phản chủ. Rõ là Bảy Ngộ “nuôi ong tay áo, nuôi cáo trong nhà”; vậy mà ổng cứ bô bô khoe ra như là một chiến tích. Té ra ổng sướng vì được ong đánh. Bởi theo ông, từ ngày bị ong vò vẻ đánh cho năm dích vào đầu, bệnh thấp khớp thường niên của ông sợ qúa, trốn ra khỏi người ông mất biệt. Bảy Ngộ khoe rổn rảng: “Từ đó tới giờ tui hổng còn thấy ra mồ hôi trộm dưới gan bàn chân, hai đầu gối cũng không còn sưng nhức mỗi khi trái gió trở trời, tha hồ mà cưỡi ngựa sắt nhong nhong đi khắp nơi săn ảnh”. Tôi hỏi Bảy Ngộ, ong đánh có đau không, ổng trợn mắt nhìn tôi như nhìn người mới rớt xuống từ hành tinh An Pha. “Tưởng chết chứ đau gì! Sa sẩm mặt mày, sốt cao hầm hập. Không cấp cứu kịp thời thì coi chừng đi đứt”. Vườn nhà Bảy Ngộ sâu lút trong phường ba, tôi hỏi bằng cách nào mà cấp cứu kịp thời cho đặng. Bảy Ngộ cười khà khà. “Hổng có bí quyết gì ráo trọi mà phải giấu. Ong đánh năm dích trên đầu, tui lấy cọng môn ngứa, vạch tóc ra chấm vào cho nó hút nọc. Chấm chấm vài cái là môn ngứa hút nọc ra sạch trơn, chỉ mươi phút sau là cơn đau choáng bị cắt. Vừa kết hợp hút nọc ra bằng môn ngứa, vừa kết hợp gội đầu bằng nước dừa tơ, hiệu nghiệm cấp kỳ. Có điều sau đó tui vẫn vô bệnh viện uống thêm thuốc Tây cho chắc cú”. Té ra la vậy. Bảy Ngộ kết hợp Đông – Tây y trong chữa trị. Ông này ghê thiệt!
Ai biểu phải có rượu mới nổi hứng. Uống cà phê như Bảy Ngộ cũng dễ hứng lắm. Ông vừa nhắp nhắp từng ngụm nhỏ, vừa đãi tôi cùng lúc tới bốn món đặc sản cá mòi Nam Bộ.
Món thứ nhất là cá mòi bần chát. Bần phải kiếm những trái no tròn, đang độ tuổi mơn xuân nhất. Bần xắt thành từng khoanh tròn thật mỏng, xếp thành lớp trên dĩa. Xong xuôi thì đổ hộp cá mòi lên trên. Màu sắc phối vào nhau ngời ngợi tươi trẻ, chưa ăn đã thấy ngon tới chảy nước miếng.
Món thứ hai là lá đậu rồng non với trái đậu rồng. Lá đậu rồng lót dưới, trái đậu rồng xếp bên trên. Khui hộp cá mòi đổ lên trên cùng hết thảy. Ba tầng màu sắc. Xanh mơn, xanh đậm và nâu đỏ. Cứ như giữa đồng bằng tươi mát mọc lên một ngọn Thái Sơn. Gắp đũa vào đó cũng giống như ta đang khai thác nông lâm thủy sản của đồng đất quê mình. Khỏi viết ra thì ai cũng biết là món ấy ngon tới cỡ nào.
Món thứ ba là món cá mòi rau đắng. Rau đắng biển phải chọn thứ thật non mơn, thật đẹp- và nhớ là phải rửa cho thật sạch. Chỉ duy nhất rau đắng thôi. Từng cọng dài cỡ gần gang tay, lăn tăn lá nhỏ, xoắn xuýt vào nhau như đoàn tụ màu xanh Nam Bộ. Cá mòi cũng đổ lên trên, tạo sự nổi bật của gam màu nóng trên gam màu lạnh, vậy là giống hệt một bức tranh thủy mạc. Phá ra ăn cũng tiếc. Nhưng đó là tác phẩm tranh để ăn chứ không phải để ngắm. Mời bạn cứ việc nhẩn nha mà thưởng thức. Nhớ là ăn từ từ để còn kịp tận hưởng vị đắng có hậu ngọt của rau đắng biển, vị bùi bùi béo béo của cá mòi, và hương thơm tuyệt vị của nước sốt.
Chừng ấy món đã đủ ngon tới lịm người, ấy vậy mà ông bạn hẩu chuyện còn dọn ra bàn tiệc món thứ tư độc chiêu nữa. Ấy là món cá mòi với rau cù nèo(hay rau tai tượng). Cù nèo phải lựa thứ cọng nhỏ vừa phải, lá còn bum búp chưa xoè hết cánh; càng tươi bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu. Cù nèo chớ cắt ra bằng dao, mà phải bẻ ra bằng tay thành từng khúc vừa đủ để dễ dàng gắp được bằng đũa. Và tất nhiên, cũng chỉ độc nhất một thứ rau của đồng quê dân dã ấy thôi. Cái hay của người dọn tiệc là phải biết bày rau ra dĩa tượng sao cho thật khéo, đổ cá mòi lên rau sao cho thật đẹp. Nghĩa là người có tâm hồn ăn uống, trước hết cần phải có tâm hồn nghệ sĩ cái đã. Ăn uống là thứ nghệ thuật ẩm thực thanh cao, không thể dọn tiệc cẩu thả theo thói phàm phu tục tửu được. Cá mòi ngự trên hạ tầng rau sạch ấy, sẽ tương tác màu sắc cùng hương vị với nhau, đảm bảo tới ông họa sĩ khó tính nhất cũng không thể còn moi móc ra điểm nhỏ nào để mà chê được nữa.

Mùa xuân ngồi bàn trà dọn tiệc mồm đãi nhau, nhắm chừng lại còn ngon hơn ngồi vào bàn ăn thực thụ. Ấy vậy mà khi kể xong, Bảy Ngộ khoát rộng vòng tay mời tất cả chúng tôi: “Thôi, mời hết thẩy bạn bè vô vườn uyển của tui, tui đãi rượu chuối cơm với gỏi bưởi tôm khô và lẩu dưa hấu”.
Chắc là phải mò vô thật. Bởi lẽ không vô thì khó mà ăn cắp cách chế hai món ăn này của ổng.

H.T.T.

Không có nhận xét nào: