Thứ Sáu, 29 tháng 6, 2007

Chuột kêu rúc rích - HTT

Tiểu phẩm:

CHUỘT KÊU RÚC RÍCH

Hồ Tĩnh Tâm


Lạ thay là con chuột!
Cắn nát ruộng lúa. Nhá bấy rẫy khoai. Gặm sụm cả kho tàng, bến bãi. Ấy vậy mà con người vẫn phải cầm tinh nó, phải tốn giấy mực vì nó.
Bắt đầu từ tranh làng Hồ chăng? Đám cưới chuột ấy vậy mà cũng linh đình võng lọng. Chỉ cần cúng bác mèo con cá béo là cô dâu, chú rễ và quan viên hai họ, cứ tha hồ mà vênh mặt lên với thiên hạ. Hay là bắt đầu từ chuyện quan thanh liêm về hưu chăng? Cả một đời làm phụ mẫu thanh bạch, nay giã từ quan trường, không còn vướng bận công danh, vậy mà bà lão ngốc thế, can cớ gì không bịa ra quan tuổi sửu; con chuột vàng làm sao to bằng con trâu vàng được. À, mà cũng có thể bắt đầu từ chuyện ngụ ngôn của La Phông Ten được qúa đi chứ! Ôi là Đại hội chuột! Trí tuệ chuột tuyệt qúa! Nhưng ai dám đứng ra đeo chuông vào cổ cho mèo? Chuông chứ có phải cá béo đâu. Đừng có mà chê mèo ngu nhé! Mèo thừa biết cái vòng kim cô của Tôn Ngộ Không lợi hại thế nào, nhưng cá béo thì… quan mèo không chê đâu! Nếu chê của đút thì mèo dại gì lại đứng ra làm quan cho rách việc.
Tôi nhớ câu ca dao dân dã ngày xưa:

Mèo nằm giàn bếp vinh râu
Thấy con chuột chạy lắc đầu hổng ăn.

Không phải mèo chê chuột đâu nhé! Chẳng qua là nó lục bếp no rồi. Khi đã no cành hông thì tới người còn làm biếng, còn dễ dãi, nói chi tới mèo. Dân gian chẳng đã từng nói: ăn no ấm cật, dậm dật khắp nơi là gì.
Thuở nhỏ, tôi vẫn thường nghe ngoại tôi hát ru bài dân ca, phát triển trại ra từ câu ca dao đó. Giai điệu và tiết tấu ngộ lắm, cứ như tiếng mèo kêu ngoao ngoao nơi xó bếp. Lời ca nghe lại càng ngộ hơn rất nhiều.

Mèo nằm giàn bếp tạ lới lới kêu ngoao
Kêu ngoao ngoao kêu ngoao tình rồi kêu ngoao ư
Thấy con chuột chạy hổng bắt lắc đầu
Tạ lới lới kêu ngoao
Kêu ngoao ngoao kêu ngoao tình rồi kêu ngoao ư

Dân gian biến đổi câu ca dao thành bài ca đồng dao hay qúa. Ngoại hát giả tiếng mèo kêu ngoao ngoao nghe mắc tức cười. Nhờ vậy mà chỉ nghe vài lần là tôi nhớ, tôi có vốn để hò hát, vui chơi với đám bạn coi trâu ngoài đồng, ngoài bãi. Tiếng ngoao ngoao đeo dính tuổi thơ tôi tới tận bây giờ.
Có đời thuở nào mèo chê chuột bao giờ. Có chăng là chuột tinh ranh, chuột xỏ mũi mèo, để trẻ con có ca dao mà học.

Con mèo mà leo cây cau
Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà
Chú chuột đi chợ đàng xa
Mua mắm mua muối giỗ cha chú mèo.

Bài ca dao ấy được Lê Thương phổ nhạc, đưa thêm vào từ chuột chích. Trẻ con thích lắm. Người lớn cũng thích. Nhiều người còn gọi đứa con mới lẩm chẩm biết đi của mình là chuột chích. Nghe thấy nhỏ nhoi, thấy dễ thương, thấy âu yếm lạ lùng.
Nhưng ràng ràng chuột là loài gặm nhấm, vừa láu lỉnh vừa láu cá. Nhát trần thân mà cũng khôn trần thân, nghịch trần thân. Ăn vụng như chớp, phá phách như qủy, gieo dịch bệnh như ma. Nổi tiếng làm vậy, thành ra con người phải đặt “Lý con chuột” dành riêng cho nó.

Chuột chê thóc lép không ăn
Chuột chê nhà dột ra nằm bụi tre.

Điệu lý ấy, trình diễn theo phong cách nhạc trẻ, nghe tưng bừng tới mức, muốn lập tức rủ nhau đàn đúm hội hè để phá phách cho phỉ sức đang xuân. Cái mộc mạc của đời, cái dân dã của người, vận vào thành giai điệu, tiết điệu, hát lên thấy ngời ngợi cái tình lung liêng lúng liếng; thêm dàn nhạc Jaz đệm chát bùm bùm vào là bốc lửa, cháy hết những con mắt trót dại nhìn nhau.
Không hiểu người đời thực bụng khen hay chê giống chuột. Chuột dùng trong y học, là vật thí nghiệm, giúp ta tìm ra phương sách cứu người. Chuột nhảy vô thực đơn là món khoái khẩu, đến mức hóa thành ca dao.

Cần chi cá lóc, cá trê
Thịt chuột, thịt rắn nhậu mê hơn nhiều.

Chao ôi là chuột khìa, chuột nướng, chuột chiên, chuột xào lá cách… Lừng lựng thơm cái mùi thèm nhậu. Nghe đâu ở Úc, người ta đã có chương trình xuất khẩu thịt chuột túi để giúp làm giàu đất nước. Chẳng biết thịt chuột túi xứ tân thế giới ngon tới cỡ nào, chứ chuột đồng, chuột dừa, chuột cống nhum xứ mình thì… đố ai đã lỡ ăn rồi mà quên được.
Chuột ngoài đồng, chuột trên ngọn dừa, đi một lèo, một mách vô ca dao- đi luôn cả vào tình yêu đôi lứa mới lạ.

Chuột kêu rúc rích trong rương
Anh đi cho khéo đụng giường bả hay.

Chữ “rúc rích” gieo vào giữa câu thơ sao mà tài thế. Cứ như đang diễn ra chuyện của con người. Còn sự chân tình của cô Bảy, cô Ba nào đó, sao mà dễ thương. Bà già lỡ nghe được, chắc cũng chỉ còn nước bụm miệng mà cười, mà thông cảm cho lứa đôi tuổi trẻ. Ca dao đôi khi hóm thế. Dám để cho con gái kêu mẹ đẻ là “bả” cơ đấy!
Có điều, nghe chuột xạ rúc rích kêu khách tới lúc nửa đêm thì… cô Ba, cô Bảy ơi, xin nhớ lấy câu này:

Gió Nam non thổi lòn hang chuột
Chuyện lộ rồi dong tuốt luốt anh đi.

Ngặt trời ông địa là chuyện gái trai tình tự lúc đêm hôm. Ca dao của ông bà hết buông ra lại buộc vào, dạy lẽ đời hay quá!

H.T.T.


Không có nhận xét nào: