Thứ Ba, 19 tháng 5, 2015

VỀ VIỆC HỌC TẬP TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH.

VỀ VIỆC HỌC TẬP TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH. Chào anh Thắng! Tôi đã đọc liền một mạch bài viết khá dài của GS.Tương Lai, bàn về phương pháp luận nghiên cứu và học tập tư tưởng Hồ Chí Minh. Đó là một bài viết được, có những ý tưởng được, giúp chúng ta thấy được nhiều vấn đề, trong qúa trình diễn ra cuộc vận động học tập tư tưởng Hồ Chí Minh. Không hiểu tại sao tới tận bây giờ, tôi vẫn còn nhớ một câu của GS.Menxten(Nga), nhận xét về Hồ Chí Minh vào năm 1924 (xin nói rõ là tôi đọc được câu này vào năm tôi đang học lớp 9, tại Trường cấp 3 Quỳnh Lưu 1- sơ tán ở Quỳnh Ngọc). Câu ấy đại khái thế này: “Dáng dấp của con người đang ngồi trước mặt tôi đây, đồng chí Nguyễn Ái Quốc, đang toát ra một cái gì đó, không phải là văn hóa phương Đông, cũng không phải là văn hóa phương Tây, mà đó là văn hóa Tương lai”. Có lẽ điều nhận xét này của Menxten, chúng ta không cần phải bàn cãi nữa. Chính ông Tương Lai cũng dẫn ra hình ảnh Hồ Chí Minh ngắt một bông hồng trong vườn Phủ Chủ tịch, tặng một người phụ nữ Pháp, rồi lại dẫn ra hình ảnh Hồ Chí Minh nâng chén nước chè xanh, uống với những người nông dân, nhằm chứng minh sự hòa nhuyễn hai nền văn hóa khác nhau trong Hồ Chí Minh. Chi tiết dẫn ra này của ông Tương Lai, khiến tôi nhớ lại những cuộc viếng thăm Hồ Chí Minh trong tù của bà vợ ông toàn quyền Anh tại Hồng Kông. Luật hình chỉ cho phép gặp gỡ trong 15 phút. Vậy thì trong 15 phút ấy, Hồ Chí Minh đã nói gì, mà có thể chinh phục được một bà mệnh phụ phu nhân thuộc dòng dõi quý tộc Anh, khiến bà ấy phải nói chồng cắm cờ Toàn quyền Anh lên tàu, đưa Hồ Chí Minh ra tận hải phận quốc tế an toàn? Tất nhiên, đó phải là sự tài hoa rất Tây Phương của Hồ Chí Minh . Còn chất Đông Phương ở Hồ Chí Minh, thiết tưởng tôi không cần phải dẫn thêm ra ở đây nữa. Đó chính là sức mạnh chinh phục của Hồ Chí Minh, với rất nhiều giai tầng khác nhau, không chỉ ở Việt Nam mà còn cả ở thế giới. Xuất phát từ những dẫn luận đó, tôi đồng ý với ông Tương Lai, khi vận động học tập tư tưởng Hồ Chí Minh, chúng ta trước hết phải học tập những đức tính trong con người hành động của Hồ Chí Minh, chứ không nhất thiết bất cứ điều gì thuộc về Hồ Chí Minh, cũng cứ phải tìm cách thần thánh hóa lên thành hệ thống lý luận, tư tưởng luận của Hồ Chí Minh về Cách mạng, về quốc gia dân tộc- điều mà chính Hồ Chí Minh cũng không thừa nhận, không tự cho mình là nhà tư tưởng, mà chỉ tự nhận là học trò của Các Mác và Lê Nin. Thưa anh, hiện nay có nhiều ý kiến cho rằng, việc tổ chức học tập tư tưởng Hồ Chí Minh của chúng ta, là quá tốn kém và không có hiệu quả. Tôi sẽ không dám bàn sâu về vấn đề này, vì sợ phải đụng đến những vấn đề rất phức tạp trong nhận thức. Nhưng những điều mà chúng ta nhìn thấy, đã và đang diễn ra trong đời sống xã hội, quả là rất khó giúp chúng ta thuyết phục được được mọi người tin theo. Ý thức hệ là do giai cấp cầm quyền đặt ra, để bảo vệ vị trí cầm quyền của nó. Điều đó cho thấy, chính trị là biểu hiện tập trung cao nhất các lợi ích kinh tế của giai cấp. Đảng Cộng sản của chúng ta là Đảng của giai cấp công nhân, tức nhiên Đảng phải xuất phát từ các quyền lợi kinh tế của giai cấp công nhân. Song nước ta lại là một nước nông nghiệp nghèo nàn và lạc hậu, đại đa số 90% dân cư là nông dân (trước 1945), còn giai cấp công nhân thì rất èo uột, cho nên có một thời chúng ta đã coi bần cố nông là thành phần cơ bản, thành phần sức mạnh của Cách mạng. Chúng ta đã vùng lên đánh đổ giai cấp địa chủ ở nông thôn một cách quyết liệt đến mức sai lầm nghiêm trọng. Chúng ta đã tập trung tiêu diệt giai cấp tư sản cũng quyết liệt và sai lầm không kém. Điều đó đã ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của Đảng, mà rõ ràng người chịu trách nhiệm cao nhất là Hồ Chí Minh. Chính Hồ Chí Minh cũng đã tự kiểm điểm nghiêm khắc về điều này, đã đứng ra xin lỗi trước quốc dân. Bởi vậy, trước sự bùng nổ của thông tin toàn cầu, chúng ta không thể không đề cập đến vấn đề này, trong việc tuyên truyền và giáo dục toàn dân, học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Hồ Chí Minh. Tới đây, một lần nữa tôi thống nhất với ông Tương Lai, rằng chúng ta không nên biến con người rất Người của Hố Chí Minh, thành con người huyền thoại, con người thần thánh, mà hãy để toàn dân thấy rằng, Hồ Chí Minh với dân tộc này là Bác Hồ. Hồ Chí Minh là con người của hành động, tất nhiên cũng giống các tiền nhân trong lịch sử, không thể không mắc những khuyết điểm nhất định- mà theo tôi là cũng không nên đổ thừa cho hoàn cảnh lịch sử. Con người dũng cảm, con người tranh đấu cho lợi ích của dân tộc và quốc gia trong Hồ Chí Minh, là con người của sự vươn tới, con người của đổi mới, không và không hề bao giờ là con người của sự rập khuôn máy móc. Học tập tư tưởng Hồ Chí Minh, chính là học tập đạo đức và tác phong làm việc của con người Hồ Chí Minh. Học tập ý chí kiên quyết đấu tranh cho độc lập tự do, cho hòa bình và thống nhất nước nhà của Hồ Chí Minh. Và bởi vì chính điều này, chúng ta cần cho người dân thấy và hiểu đúng con người thật, con người bản năng, con người lãnh tụ của Hồ Chí Minh. Con người luôn đấu tranh cho giải phóng, giải phóng con người khỏi mọi sự áp bức bất công, giải phóng con người khỏi mọi sự nô lệ, cả thần quyền và chính quyền, giải phóng con người khỏi mọi hủ tục lạc hậu, mọi tệ nạn xấu xa, giải phóng con người khỏi đời sống nghèo nàn, cả về vật chất và cả về tinh thần… Gần đây báo chí Trung Quốc đã công bố nhiều sự kiện về cuộc đời hoạt động Cách mạng của Hồ Chí Minh thời kì ở Trung Quốc. Thông tin mạng, mà đặc biệt thông tin mạng trên blogs, là bộ phận rất nhạy cảm. Chúng ta sẽ phải giải quyết vấn đề này như thế nào, trong cuộc vận động học tập rất lớn này?! Có lẽ cách tốt nhất, là chúng ta nên bình thường hóa nhận thức về một con người kiệt suất thật sự của thời đại, cũng trước hết là một con người như tất cả mọi con người; nhưng con người đó là con Người Hồ Chí Minh, con người thật, chứ không phải là con người thần thánh. Thưa anh Thắng. Biết anh cũng là một blogger rất xông xáo trên nhiều lĩnh vực ngóc ngách của cuộc đời, khi thấy anh post bài viết của GS.Tương Lai lên blogs của anh, tôi hiểu là anh muốn gởi thông điệp đến bạn đọc về vần đề gì; và tôi đoan chắc rằng, anh cũng có đọc một entry trong blogs của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, trong đó có nói đến đời sống riêng tư rất đời thường của Hồ Chí Minh. Tôi nghĩ một người luôn năng động và xông xáo như anh, chắc anh đã biết được rất nhiều những thông tin về con người và cuộc đời của Hồ Chí Minh. Đến đây, tôi phải xin thưa thêm với anh rằng, khi chúng ta nói đến tư tưởng Hồ Chí Minh, thì chúng ta chỉ gọi Người là Hồ Chí Minh, chứ không nên gọi là Bác Hồ hay gọi là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chức vị có nhiệm kì, tuổi tác có thời gian, những tư tưởng vĩ đại thì tồn tại mãi. Hiện tại, nhiều cá nhân, nhiều thế lực thù địch đang tìm cách hạ bệ “thần tượng Hồ Chí Minh”. Khi viết là “thần tượng Hồ Chí Minh”, dù là với mục đích hạ bệ, chính họ cũng đã phải công nhận tên tuổi, sự nghiệp và những cống hiến của Hồ Chí Minh cho nhân loại, cho lịch sử. Nhưng ít nhiều, họ cũng đã tác động khá mạnh đến một bộ phận công dân Việt biết đọc tiếng Việt, biết lên mạng sục sạo thông tin mỗi ngày. Con người Hồ Chí Minh trong thời đại bùng nổ thông tin này, đã hiện ra dưới nhiều góc cạnh khác nhau, người đọc không có bản lĩnh chính trị nhất định, rất dễ dẫn đến những nhận thức khác nhau về Hồ Chí Minh. Rõ ràng là chúng ta không thể, và thực sự là không thể, ngăn chặn được những thông tin đang bùng phát rất mạnh trên mạng internet toàn cầu. Chính vì lẽ đó, có lẽ chúng ta, nói như GS.Tương Lai, không nên cọng thêm vào cho Hồ Chí Minh những huyền thoại về một bậc vĩ nhân “siêu Thánh”, mà nên để cho mọi công dân nước Việt thấy rằng, lãnh tụ kính yêu của mình, đằng sau con người của công việc, con người của Cách mạng, cũng là một con người rất Người, như chính đồng bào của Người. Trở lại ý kiến của những người cho rằng việc vận động học tập tư tưởng Hồ Chí Minh của chúng ta là quá tốn kém và không có hiệu quả, tôi nghĩ rằng, không có bất cứ một công việc nào toàn hảo, mà đều có những mặt trái của nó. Nếu song song với cuộc vận động này, mà chúng ta không vận động có hiệu quả việc chống tệ tham nhũng, chống tệ quan liêu, còn để xãy ra những vấn đề mà tự thân nó, người dân ai cũng biết, thuộc về những trọng án cần giải quyết triệt để bằng “chính luật”, chúng ta rất khó tạo được niềm tin đạo đức ở dân chúng. Tôi nhớ các cuộc Cách mạng- mà Tổng bí thư Lê Duẫn lúc đương thời từng nói là “đại Cách mạng”- của Trung Quốc, như Cách mạng Văn hóa, Cách mạng Đại Nông trang ở nông thôn… họ đã làm được những gì, để tư tưởng của Mao Trạch Đông trở thành “Trước tác” bỏ túi áo ngực, của mỗi một người dân, trên đất nước chiếm một phần năm dân số thế giới này. Có lẽ là người luôn quan tâm tới thời cuộc, thì anh cũng đã biết rất rõ. Chim sẻ chết như ngã rạ, tất nhiên chuột phải sinh đàn sinh đống; ấy là tôi không muốn nhắc tới chuyện xãy ra ở quãng trường Thiên An Môn và sau này là pháp luân công. Trong bài viết của mình, ông Tương Lai có nhắc đến tư tưởng hòa bình luôn thường trực trong Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh không bao giờ coi vấn đề giải quyết vấn đề hòa bình bằng họng súng, mặc dù dân tộc này(Việt Nam) luôn phải đứng lên bảo vệ hòa bình bằng bạo lực của họng súng. Vua Thái Lan từng nói với một quan chức Chính phủ của chúng ta rằng: “Các ngài tự hào vì đã đánh thắng ba đế quốc lớn, còn chúng tôi thì tự hào vì không phải đánh với một đế quốc lớn nào”. Tôi nhắc câu nói này, tuy nhiên tôi vẫn đánh giá rất cao, giá trị cách mạng, của hai cuộc kháng chiến thần thánh của chúng ta; mặc dù tôi hiểu, cái giá mà chúng ta phải trả là quá đắt, cho độc lập tự do, cho hòa bình thống nhất của chúng ta. Thưa anh Thắng! Nếu chúng ta không giải quyết triệt để những cái được gọi là gốc rễ, khi kiến tạo mặt bằng hạ tầng cơ sở của chúng ta, tức nền kinh tế vĩ mô và vi mô của chúng ta, liệu chúng ta sẽ vận động người dân tin tưởng vào điều gì, khi mà tham nhũng tham ô xãy ra tràn lan, một cách dường như có vẻ được bảo kê từ những thế lực nào đó. Tuổi trẻ của chúng ta từng được coi là tuổi trẻ “thế hệ Hồ Chí Minh”. Chúng ta có quyền tự hào về việc chúng ta đã góp phần nào đó, cùng với đồng bào của mình, chiến đấu cho lý tưởng tốt đẹp mà Hồ Chí Minh đã đặt ra, đã lãnh đạo cả dân tộc chiến đấu hết mình cho lý tưởng đó. Dù không và không hề bao giờ muốn, nhưng rõ ràng, lịch sử của dân tộc chúng ta, trong suốt bốn nghìn năm dựng nước và giữ nước, chúng ta đã phải buộc viết nên bằng máu và nước mắt, của những cuộc chiến tranh giải phóng. Thế hệ trẻ thời đại @ hôm nay, cần phải được học về đạo đức cách mạng, trên một nền tảng giáo lý(nếu có thể gọi như thế) về đạo đức Cách mạng, khác với thế hệ chúng ta chứ. Lịch sử là vận động, vậy thì mọi giá trị lý luận, tất yếu cũng phải vận động theo đó để tự hoàn chỉnh, tự đáp ứng thích nghi với nhận thức của thời đại. Mọi giá trị triết học, kể cả của Đức Phật cũng như của Jesu Chrit, cũng không thể là bất biến mà tồn tại được. Khi con người đã khám phá ra thế giới Hạt và thế giới Phản Hạt, tất nhiên cũng sẽ có những tư tưởng mới, phản lại tư tưởng cũ(như ông Trần Mạnh Hảo đã bàn về thơ và phản thơ); như vậy, việc học tập tư tưởng Hồ Chí Minh, phải được đặt ra trên một bình diện hoàn toàn mới, khi mà vấn đề hội nhập toàn cầu, đang được đặt ra như là một tất yếu của loài người, trên hành tinh trái đất của chúng ta. Tôi nhớ những bài học về luân lý đạo đức mà tôi được học từ thời vỡ lòng ở thành phố Vinh, không phải là một cái gì to tát, lớn lao và ghê gớm cả, ngược lại nó rất đời thường, như ăn quả nhớ kẻ trồng cây, ăn cơm phải nhớ người trồng lúa(suốt một đời ăn hạt gạo nhân dân, mà không biết thế nào là cây lúa- Chế Lan Viên). Ở lứa tuổi chúng tôi lúc đó(xin phép anh Thắng, tôi lại phải nhắc tới bốn câu thơ của ông Nguyễn Duy mà tôi rất thích: “Thế hệ chúng tôi những đứa bé chăn trâu, đầu tóc vặn củ khoai củ sắn, thầy giáo dạy nước mình giàu lắm, lớp lớp trẻ con cứ thế học thuộc bài), chúng tôi làm sao hiểu được thế nào là chủ nghĩa xã hội; bởi vậy chúng tôi tiếp thu nền tảng giáo dục đạo đức luân lý từ 5 điều dạy của Bác Hồ(yêu tổ quốc yêu đồng bào, học tập tốt lao động tốt, đoàn kết tốt kỉ luật tốt, giữ gìn vệ sinh thật tốt, khiêm tốn thật thà dũng cảm) rất đơn giản, qua các bài học về những con người cụ thể, trong đó có con người sinh động, con người hành động Hồ Chí Minh. Từ đó tôi suy ra, chúng ta nên vận động học tập tư tưởng đạo đức Cách mạng của Hồ Chí Minh, từ những bài học cụ thể của con người sống để làm Người, chứ không phải từ những hệ thống lý thuyết(sẽ xám màu theo thời gian, nói như Gớt) quá ư là lớn lao- nhất là đối với thế hệ trẻ. Thưa anh Phan Chí Thắng. Bài viết của tôi cũng đã dài, cũng là xuất phát từ việc đọc một bài viết của GS.Tương Lai, mà anh cho đăng tải trên blogs của anh. Tất nhiên tôi không hề nghĩ là tôi sẽ viết thành một bài viết, về một vấn đề quá lớn, đến mức phải vận động trong cả nước, thành một cuộc vận động lớn, do cả một hệ thống tổ chức lớn đứng ra tổ chức, chỉ đạo. Tôi chỉ đơn giản nghĩ rằng, Hồ Chí Minh trước sau như một là một con người, nhưng đó là con người của Cách mạng, con người của dân tộc và dân sinh, con người của hành động, hãy để cho chúng ta học tập đạo đức Hồ Chí Minh, từ những bài học sống để làm Người của Người và của mọi con người đang sống để làm Người. Cám ơn anh đã chọn giới thiệu bài viết của GS.Tương Lai, vào đúng thời điểm mà bài viết ấy cần phải được giới thiệu thật rộng rải! HTT

Không có nhận xét nào: