Thứ Hai, 11 tháng 5, 2015
CON CỦA BIỂN Truyện ngắn: Hồ Tĩnh Tâm
CON CỦA BIỂN
Truyện ngắn: Hồ Tĩnh Tâm
Theo lời giới thiệu của Lê Tân, tôi cùng người bạn là phóng viên nhiếp ảnh, tìm về Nhà Mát- Trường Long Hòa. Trời sáng trăng hạ tuần nên chúng tôi ra đi từ ba giờ sáng. Qua phà Láng Chim lúc mặt trời đã chín ưng ửng, chạy thêm chừng mười mấy phút thì thấy biển. Ngực biển căng vồng, thơm mặn mòi mùi muối . Vầng thái dương đã nhô khỏi mặt nước khoảng gang tay, đỏ rực như qủa cầu thép vừa tôi trong lò lửa. Con đường ven động cát đang lúc trải nhựa, lổn nhổn đá hộc, đá dăm, chúng tôi đành phóng xe theo mép sóng. Cát mịn và dẻ cứng. Biển vắng và mát lạnh. Những hàng dương dường như vẫn còn thiu thiu ngủ.
Chạy khoảng vài cây số, chúng tôi gặp một người đàn ông ngồi trên yên Honda 67 hút thuốc, liền ngừng lại hỏi đường về Nhà Mát còn bao xa. Ông già nheo mắt nhìn tôi một chặp rồi hỏi:
- Mà hai chú về Nhà Mát tìm ai?
Nghe tôi trả lời tìm Ông Được, người đã dùng súng trường mát bắn hạ chiếc OV10 trên động cát vào năm 1961, ông già mời tôi một điếu thuốc giồng, nói:
- Cứ đến Nhà Mát, leo qua động cát, theo lộ đá tới ngã ba, quẹo phải chạy khoảng cây số, hỏi ông Được, ai cũng biết.
&
Tiếp chúng tôi là một người đàn bà cao lớn, da màu bánh cam, tóc bạc trắng, nhưng ánh nhìn từ đôi mắt to ngoại cỡ vẫn còn rất linh hoạt. Biết chúng tôi đi lấy tư liệu viết bài, bà cười:
- Ổng ra biển kéo lưới. Mấy chú ngồi uống trà, chút xíu ổng về tới, chừng đó lai rai với ổng mà hỏi chuyện. Chuyện đánh đấm ở Trường Long Hòa sắt thép này thì vô thiên lủng, người già xứ này, ai cũng có tới mấy bồ truyện để kể.
Tôi với anh bạn tranh thủ lúc đợi chủ nhà, kéo nhau đi săn ảnh. Lúc trở lại đã thấy trên bộ bàn gỗ dầu cũ kĩ bày ê hề mồi nhậu. Toàn là cá biển. Nào là cá đối chiên, cá đối nấu chua, cá khoai nấu mẳn, cá dứa kho lạt. Lúc Hai Được xuất hiện, tôi giật mình nhận ra đó là người đàn ông chúng tôi gặp trên biển.
Hai Được cười hề hề:
- Duyên tao ngộ phải hông? Để tui ới Tám Quắn qua nhậu cho vui. Tay bắn bá đỏ bá phát một thời. Hơn tui hai tuổi, nhưng còn nhớ vanh vách chuyện hồi đó.
Dân Duyên Hải Trà Vinh uống rượu như thần, càng uống càng tỉnh, càng hăng lên kể chuyện tào lao thiên địa. Nhờ vậy tôi biết được khá kỹ lưỡng Hai Được là ai.
Hai Lá dân gốc ngoài Quảng Ngãi, gia đình đã mấy đời sống trong rừng lá tối trời. Đến đời ông là đời thứ chín mà vẫn trắng tay trong cảnh cùng đinh, nghèo tới mức không có tiền cưới vợ. Một lần vào rừng thăm bẫy cạm, Hai Lá mừng hú khi thấy con heo rừng gần hai trăm ký bị mắc bẫy. Con heo chắc cả đêm giãy đạp tìm cách thoát thân, nên coi mòi đã kiệt sức, đã chịu thúc thủ nằm phủ phục, mồm sùi bọt mép một đống trắng toát. Vậy mà vừa nhìn thấy người, nó liền quật sức vùng dậy, thở hồng hộc, mắt đỏ vằn những tia máu. Hai Lá lựa thế bước tới, tìm cách phóng ngọn mác đâm cho nó chết; nhưng ông bước tới phía nào con heo cũng quay về phía đó, chỉa hai cái răng nanh nhọn hoắt như hai lưỡi kiếm đe dọa. Xoay trở một hồi, Hai Lá cũng phóng được một mũi mác vào ức trái con thú. Con thú hộc lên dận dữ, chồm sức lao tới, giật tung được khúc cây cặm to như cột nhà. Vậy là cuộc hỗn chiến giữa người với thú trở nên quyết liệt. Hai Lá một mình một ngọn mác sắc lẻm. Con heo bị vướng cột cặm, nhưng vẫn còn lợi hại với sức vóc ô dề và cặp răng nanh nhọn hoắt. Lợi thế thuộc về người. Hai Lá vốn dân võ nòi nên chủ động đâm dính thêm mấy mũi mác vào con heo. Nhưng do một lần sơ suất, Hai Lá nhảy vướng gốc cây, té lăn ra bãi chiến trường bị cày nát. Con heo chỉ chờ có vậy, nó lao tới húc văng đối thủ lên cao cả nửa mét. Vết húc dính gần háng trái, làm rách bìu giái của Hai Lá tới lòi cả trứng ra. May cho ông là con heo mất qúa nhiều máu, đã kiệt sức tới mức gần chết đến nơi. Sau cú húc trời đánh ấy, nó xoãi chân ngồi phủ phục, nhìn lom lom đối thủ. Hai Lá lết ra xa, cắn răng chịu đau, thả ngọn mác kế người phòng hờ. Tranh thủ lúc con heo rừng không tấn công, ông xé vạt áo buộc nối lại để băng đùi cầm máu. Với kinh nghiệm lội rừng gài bẫy từ đời ông cha để lại, nhìn mắt con heo, Hai Lá biết chắc nó sắp chết tới nơi, nên dù bị thương rất nặng, ông vẫn thấy vững trong bụng.
Qủa nhiên chỉ sau vài phút, con heo bỗng ngật đầu sang một bên, lật nghiêng xuống đất, lịm đi rồi chết. Đúng lúc đó có hai cha con người câu rắn xuất hiện. Họ dùng xuồng câu chở Hai Lá về nhà, dùng thuốc lá bó vết thương cho ông, dùng chỉ may khâu bìu trứng cho ông. Cũng từ cuộc hạnh ngộ này, người cha cảm sức vóc và tính khí mạnh mẽ của Hai Lá, đã gã cô con gái một cho ông. Nhờ vậy mà Hai Được ra đời. Được như là được của trời, bởi nếu không có chuyện rách bìu trứng, dễ gì Hai Lá có cơ hội ở lại nhà cha con người câu rắn tới mấy ngày, để thành duyên, thành số, thành phận kiếp đời người.
Tới Hai Được lấy vợ cũng vậy.
Lần đó ông với người bạn móc hang được mấy con chèng heng, bèn lượm phân bò khô nhúm lửa nướng mọi, rồi leo lên động cát, ngồi xuống kế lùm lau cù ngồi nhậu. Bấy giờ đã gần sáu giờ chiều, vậy mà không hiểu sao có chiếc OV10 từ hướng Trà Vinh bay xuống, lượn tới lượn lui trinh sát. Sẵn cây trường mát, Hai Được chong súng lên trời, đế cho nó một phát bỏ ghét. Ai dè chỉ một viên đạn mà chiếc máy bay xịt khói, bay cà niễng cà niễng rồi rớt ùm xuống biển Nhà Mát. Hai tay súng của xã sướng qúa, bỏ cuộc nhậu trở về cứ. Khi đã trượt xuống khỏi động cát, Hai Được bỗng đổi ý, muốn ghé về thăm cha gần cửa biển Đông Hải. Sẵn trong túi còn mấy ngàn bạc, ông lội tắt đến xóm muối, mua cặp rượu Anít vuông, gói trà, mấy bọc kẹo đậu phộng. Khi lội trở lại động cát, tính đi cặp theo mé biển về nhà, thì pháo bầy ngoài hạm đội bắn xối vào như giàn nhạc thổi lửa. May cho Hai Được là lúc ôm súng lăn xuống mí động, ông rớt trúng miệng một căn nhà âm trong lòng cát. Chui vào, thấy có người phụ nữ ô dề ở trỏng. Vừa thấy Hai Được, người phụ nữ cao to đã hỏi ngay, có phải ông là người bắn rớt chiếc OV10. Biết chuyện, bà ta tỏ ra khâm phục lắm.
Chừng dứt trận pháo giàn, người phụ nữ nói:
- Trời tối, lại đang nổi dông, ông không ngại thì ngủ lại, hừng đông rồi về.
Biết đường còn dài, lại sắp nổi mưa tới nơi, Hai Được liền gật đầu.
Ông trời hôm đó cũng cắc cớ, trút mưa rần rỉ cả đêm. Không biết làm gì, Hai Được lôi ve rượu ra uống, lôi mấy bọc kẹo ra mời bà chủ. Bà chủ nheo mắt nhìn ông, cười cười mà nói: “Bộ ông coi thường tui phụ nữ, không mời rượu sao? Không mời thì uống rượu suông, mời thì tui nướng khô cá khoai, nấu mẳn cá dứa cho nhậu”. Vậy là họ thành cặp bài trùng, vừa uống vừa kể cho nhau nghe đủ thứ chuyện đời. Khi khui tới chai thứ hai, Hai Được nổi hứng, cầm chai rượu lên tu rồi nói: “Nãy giờ tui với bà hiểu nhau qúa trời rồi, giờ tui hỏi thiệt, bả chịu tui không, chịu thì mình tính theo kiểu du kích cho rồi”. Vậy là họ thành thân ngay trong đêm.
Lần đầu tiên được hưởng hạnh phúc đời người, hai người quấn lấy nhau mấy ngày; chừng người bạn ra tìm, Hai Được mới chịu chia tay vợ. Chia tay hôm trước, hôm sau Hai Được đã trở lại, cho bà vợ không đám cưới hay rằng, chuyến này ông phải đi xa, bà thu xếp về Đông Hải với cha mẹ ông mà sống.
Hai Được nhìn tôi, hỏi:
- Mầy biết chuyến đó tao đi đâu không? Đi Ma Cao, đi Quảng Đông bằng tàu cây 15 tấn nghe mầy! Đời du kích miệt biển mà cũng có lần biết quê xứ người ta ở xa lơ xa lắc nghen mầy!
&
Con tàu không số có sáu người, với cái la bàn cũ và một số lương thực thực phẩm, ra khơi được chín ngày thì gặp bão. Gió xoáy giật cánh buồm vải rách tơi tả. Sóng lưỡi bủa đập bể be tàu tanh banh nhiều chỗ, rồi đánh dạt vào một hải cảng sầm uất. Đó là xứ Ma Cao. Người xứ này giúp đoàn thủy thủ giả danh tàu buôn miền Nam vá buồm, sửa tàu, rồi giúp họ về Quảng Đông. Đến Quảng Đông, họ được gặp cán bộ lãnh sự quán Việt Nam, được hướng dẫn về cảng Hải Phòng.
- Hai chú biết không? Là lính quèn mà tui được gặp Bác Hồ, gặp đại tướng lừng danh Võ Nguyên Giáp, gặp cả thủ tướng Phạm Văn Đồng, gặp luôn cả tư lệnh hải quân; lại còn được sống ở thủ đô cả năm trời để học văn hóa. Nếu không có chuyến đi ấy, dễ gì tui biết chữ, biết làm tính, dễ gì tui tự nhiên từ du kích thành bộ đội chủ lực, thành chiến sĩ hải quân Việt Nam.
Đúng là Hai Được đích danh là lính Trường Sơn trên biển từ thế hệ đầu tiên. Ra Bắc với con tàu cây 15 tấn, họ trở về với con tàu sắt 55 tấn đầy súng đạn. Rồi sau đó là những con tàu 100 tấn chất đầy vũ khí. Nơi họ đổ hàng là những cánh rừng bạt ngàn ở U Minh đất đen, nước đen. Suốt mấy năm trời như vậy, dù nóng ruột chuyện nhà, nhưng Hai Được cũng không thể nào về thăm cha mẹ, thăm vợ; công việc đòi hỏi phải bí mật tuyệt đối; đến cả tên họ từng người cũng phải thay đổi, nấp danh dưới những căn cước giả của chính quyền Sài Gòn.
Khi được Hai Thắng cho biết sẽ có chuyến hàng đặc biệt vào Duyên Hải, Trà Vinh theo cửa Đông Hải, Hai Được liền làm đơn xin cho theo chuyến hàng ấy. Con tàu nương theo mưa gió, cặp vào rừng lá trót lọt. Bộ đội và du kích đến chuyển vũ khí một cách lặng lẽ ngay trong đêm. Ngồi trên bờ, nhìn thấy một người phụ nữ cao to vác thùng đạn K2, linh tính mách Hai Được đó là vợ mình. Ông lần lần chạy theo để nhìn cho rõ mặt. Khi biết chắc là người vợ không đám cưới của mình, lòng dạ Hai Được xốn xang như có lửa đốt, chỉ muốn chạy à tới ôm chần lấy mà hỏi chuyện nhà, hỏi chuyện quê hương; nhưng ông biết làm vậy là vi phạm kỷ luật chiến trường. Ngay cả chuyện hỏi thăm người khác xem vợ mình đã có con chưa ông cũng không dám. Kỷ luật của thủy thủ tàu không số rất nghiêm ngặt, nỗi nhung nhớ, yêu thương chỉ biết trào lên thổn thức mà không thể khóc được, không thể bày tỏ được.
Chuyến hàng thứ hai cho Trà Vinh cũng vào theo cửa Đông Hải trong một cơn dông mù mịt. Nhưng lần này, dù căng mắt nhìn xuyên qua bóng đêm dày đặc, Hai Được cũng không hề nhìn thấy vợ. Lòng ông ngổn ngang biết bao tâm sự, lo lắng. Chiến trường ác liệt quá, vợ ông là du kích, biết đâu đã ngã xuống trong một trận đánh nào đó. Suốt đêm ấy, và suốt hai đêm neo tàu đợi dông để thoát ra biển, Hai Được nằm chong mắt không thể nào ngủ được. Ruột gan ông xốn như có kiến bò, lúc nào ông cũng phấp phỏng cầu khấn cho vợ mình đang chiến đấu ở những nơi mà ông nghe súng nổ dữ dội. Bởi lẽ mỗi khi có tàu vào đổ hàng, bộ chỉ huy chiến trường bao giờ cũng lệnh cho chủ lực đánh lớn ở đâu đó để câu kéo lực lượng địch, để đảm bảo bí mật và an toàn cho hàng, cho tàu. Điều mà ông thao thức mong muốn tới cháy lòng, là vợ ông có sanh được cho ông một thằng con trai thật to, thật khỏe hay không.
Chuyến hàng thứ ba cho Trà Vinh phải lênh đênh đợi ngoài khơi xa tới mấy ngày mà không thể nào vào lọt được cửa biển, bởi lẽ tình báo Hoa Kỳ đã đánh hơi thấy vũ khí của ta đang được tuồn vào Trà Vinh theo đường biển, nên bố trí tuần tra phòng thủ các cửa biển rất chặt. Tới ngày thứ năm, lợi dụng một cơn mưa mù mịt, thuyền trưởng quyết định cho tàu vào cửa biển lúc nửa đêm. Nhưng khi tàu còn cách cửa biển hơn cây số thì bất giác phát hiện tàu địch bí mật mai phục. Con tàu tức tốc trở lái ra khơi, nhưng không ngờ từ ngoài khơi có hai chiếc tàu chiến bật đèn pha, xé sóng lao tới tấn công. Rồi tàu địch trong cửa biển lao ra. Thế chiến đấu không hề cân sức, buộc thuyền trưởng phải ra lệnh hủy tàu. Thủy thủ xuống thuyền nhẹ tìm cách thoát vào bờ, còn thuyền trưởng ở lại vặn đồng hồ hẹn giờ châm điện, cho nổ khối thuốc quyết định số phận con tàu.
Chiếc thuyền nhẹ vừa tách tàu vài trăm mét đã bị trọng liên từ tàu địch bắn xối xả, chẳng mấy lúc đã bị dập nát, lọt nước chìm xuống biển. Thủy thủ tản mát, mất hút vào biển thẳm đen ngòm dông gió. Hai Được vừa bơi vừa lo cho số phận của người thuyền trưởng, người đã cùng anh gắn bó trên nhiều chuyến vượt biển ra Bắc chở vũ khí, hàng hóa vào Nam. Hủy tàu cũng có nghĩa là quyết tử, đem mạng sống của mình ra để bảo đảm cho hàng hóa, súng đạn, thuốc men không lọt vào tay giặc. Nước mắt của Hai Được trào ra, hoà với nước mưa và sóng biển mặn chát.
Một tiếng nổ chói chát bùng lên. Lửa loé sáng chói mắt. Đêm bị xé nát trong phút chốc, rồi sập chìm vào bóng tối dày đặc. Tàu địch hốt hoảng bắn pháo sáng nổ lụp bụp trên trời. Mưa vẫn ầm ầm dội xuống. Dông vẫn giật điên cuồng dận dữ. Hai Được ôm được một miếng ván bơi thoát vào bờ. Lột khẩu AK báng gấp sau lưng ra cầm tay, anh nhanh chóng vượt qua động cát, lẩn nhanh vào rừng sú vẹt, rồi trú lại ở đó, hy vọng gặp lại đồng đội trên con tàu không số.
Đêm trôi qua chậm chạp tới bực dọc.
Mờ sáng, Hai Được lần đi theo lối rừng sình một cách thận trọng; vừa đi vừa căng mắt tìm kiếm. Anh không hy vọng gặp lại thuyền trưởng, bởi khối thuốc hủy tàu qúa lớn, sức ép của sóng mạnh đến mức, cá mập cách xa hơn trăm mét cũng khó mà sống sót; nhưng thật bất ngờ, khi anh leo lên một doi đất khô rậm rạp cây cối, anh lại nghe tiếng thuyền trưởng gọi tên mình. Hai người ôm chầm lây nhau, khóc nấc lên sung sướng.
Đến tám giờ sáng, tụi lính sư 9 bắt đầu đổ quân càn vào những cánh rừng ngập mặn. Lập tức chúng bị bộ đội và du kích nổ súng đánh chặn. Hai người mừng tới trào nước mắt, cứ nhắm hướng nương theo tiếng súng mà tìm đồng chí, đồng đội để cùng chiến đấu. Vốn là dân thổ địa, việc kiếm tìm lối đi đối với Hai Được không có gì là khó. Chỉ khoảng hơn ba chục phút, hai người đã nhập được vào đội hình chiến đấu của du kích Trường Long Hòa. Họ vừa đánh vừa luồn lách tránh những mũi nhọn hỏa lực qúa mạnh của địch. Nhưng dù thế nào họ cũng chỉ loanh quanh trong những cánh rừng ven biển, với mong muốn cứu được những thủy thủ còn may mắn sống sót, mà chẳng may bị thương do đạn nhọn tàu địch bắn xối xả trên biển.
Lúc luồn vào cánh rừng chà là gai góc, Hai Được thoáng thấy bóng một người phụ nữ to lớn đang cúi lom khom băng đầu cho một thương binh. Nhìn tấm lưng to bè và hơi gù của người đàn ông, Hai Được nhận ra ngay đó là người đồng đội trên tàu không số. Bước tới gần, Hai Được ngớ ra khi thấy người phụ nữ chính là vợ của mình. Linh tính của người vợ cũng khiến chị quay lại và nhận ra chồng. Cuộn băng đang cầm trên tay tuột xuống đất, xõa ra một đống trắng xóa.
Người thương binh nhìn thấy Hai Được và người thuyền trưởng, liền vụt đứng dậy, dang rộng hai cánh tay, la rổn rảng:
- Trời đất! Thủ trưởng và thằng Đấu còn sống hả? Còn ai nữa? Thằng Chiến bơi sát bên tôi, gần tới bờ thì bị sóng và đạn pháo bắn dạt đi mất. Tới tận lúc đó nó vẫn còn mạnh cùi cụi. Số nó trời đánh không chết. Còn thằng Quyết, làm như nó cũng đã bơi thoát được vô bờ. Thằng đó dân hạ bạc rặt ròng, bơi như rái.
Khi biết vợ chồng Hai Được gặp nhau sau ròng rã nhiều năm trời xa cách, cả hai đều tự dưng trào nước mắt, khóc mừng cho hạnh phúc của họ. Câu đầu tiên người vợ nói với chồng là câu thông báo họ đã có một đứa con trai bảy tuổi, đang sống với ông bà. Nghe nói vậy, người thương binh tên Lợi, ôm chặt cứng lấy Hai Được, vừa lắc lấy lắc để vừa nói: “Nếu vợ tao có con gái, tụi mình kết sui gia nghe! Lớn lên, cho tụi nó theo mình guýnh giặc mù trời luôn!”. Người thuyền trưởng tên Thắng cười khà khà: “Chừng sắp nhỏ lớn, còn giặc đâu nữa mà guýnh. Nếu cánh mình còn sống đủ, Quyết- Tâm- Chiến- Đấu- Thắng- Lợi, đâu để cho chúng nó phải khổ sở trận mạc”.
&
Người con trai lớn của Hai Được cũng có mặt trong bàn nhậu, anh nói với chúng tôi:
- Tía tui gan cùng mình. Sau ngày hòa bình, thấy sắp nhỏ ở xóm Nhà Mát không có trường để học, ổng lặn lội đi xin cây cất lớp học, rồi đứng ra vừa làm hiệu trưởng vừa làm giáo viên của ngôi trường chỉ có một lớp, mà hổng cần xin phép ai. Tui già đầu, lớn con cồ cộ ổng cũng bắt ngồi học.
Chuyện dạy học của Hai Được cũng như cổ tích của vùng đất sắt thép sau chiến tranh. Mới đầu lớp học chỉ là cái chòi lá dạy cho hơn mười đứa trẻ. Về sau, Hai Được cứ mỗi ngày mỗi đi gom học trò, lớn nhỏ hơn ba chục người, buộc lòng ông phải che chái nhà ra ba phía để mở rộng lớp. Khi hay tin người thủ trưởng từ Bắc trở về làm cán bộ trên tỉnh, ông lặn lội lên thăm, rồi cụ bị rinh về một bao bố sách giáo khoa cấp một. Ông chỉ đọc sách mà dạy. Dạy theo cách ông học bổ túc cấp một khi theo tàu ra Bắc lần đầu. Lũ trẻ cũng như người lớn đều thích học, không phải vì Hai Được dạy học thật tình, mà cái chính là vì họ thích học hát. Hai Được tướng tá to lớn, gồ ghề, nhưng hát khá hay và thuộc rất nhiều bài hát. Ngôi trường sáng chiều, lúc nào cũng rộn rã tiếng hát. Dân tình nhiều người đi làm rẫy, hay đi kéo lưới, đi đẩy xệp ngoài biển về, rất thích ghé xem lớp học. Có người ghé riết, nghe riết cũng thuộc nằm lòng nhiều bài hát. Những người này thấy vợ Hai Được buổi trưa thường nấu cơm, nấu cháo cho những đứa học trò nhà nghèo, xa xôi ở lại ăn, thỉnh thoảng họ cũng đem cho mớ tôm, mớ cá, mớ trái cây. Có người biết vợ chồng Hai Được nghèo, còn đem tới cho cả gạo, cả bắp, cả khoai lang.
Lớp học mở ra được ba tháng thì phòng giáo dục cử xuống một cô giáo trẻ ngoài Bắc vào tăng cường cho tỉnh. Cô giáo phân loại sức học, chia ra thành hai lớp; lớp học sáng, lớp học chiều. Cô giáo gọi Hai Được là hiệu trưởng. Từ đó dân Nhà Mát gặp Hai Được ở đâu cũng gọi ông là hiệu trưởng. Khi ông thủ trưởng ở trên tỉnh xuống thăm, biết Hai Được làm việc không có lương, mới bàn với xã cho ông phụ trách chức trưởng ban văn xã. Tiền trợ cấp không đủ mua trà thuốc cho cái miệng lúc nào cũng thở khói mù mịt như ống khói xà lúp, nhưng Hai Được vẫn lăn ra làm việc như trâu cui. Những lúc rảnh, ông chui tọt vào lớp, chống cằm ngồi nghe cô giáo dạy học. Mới đầu cô giáo có ý ngại, nhưng Hai Được nói tỉnh queo: “Bây coi tao như hiệu trưởng dự giờ được không. Tao dự giờ để học cách dạy học. Dân xã mình lo đánh giặc hồi nào tới giờ, còn nhóc nhách người mù chữ”.
Khi trường học đầu tiên của ấp Nhà Mát được dựng lên ở chân động cát, đang làm cán bộ xã, Hai Được lại làm đơn xin chuyển làm giáo viên dạy lớp một, lớp hai. Chưa có chủ trương của cấp trên, ông hiệu trưởng chính thức không dám nhận, nhưng vì thiếu giáo viên nên vẫn lén để cho Hai Được dạy học. Có điều là không biết lấy đâu ra tiền để trả lương cho ông thầy giáo không hề có bất cứ một mảnh bằng nào lận lưng. Biết vậy, Hai Được nói uỵch tẹc: “Bây cho qua lên huyện thi giáo viên giỏi, nếu đạt, qua biết cách tự xoay xở cho mình”. Hai Được thi đạt danh hiệu giáo viên giỏi. Huyện báo lên tỉnh, tỉnh nảy ra sáng kiến hợp đồng những người có tâm huyết đứng ra dạy học, bởi lẽ miệt ven biển Trà Vinh bấy giờ thiếu giáo viên trầm trọng. Vậy là Hai Được đàng hoàng trở thành ông giáo chánh hiệu trong biên chế. Do có lương tháng, Hai Được bỏ qua không khai báo thương tích để lãnh thêm chế độ. Ông cho rằng, đã ăn lương rồi thì tham chi tiền thương binh liệt sĩ. Mình sống còn được hưởng chút đỉnh này nọ, chứ tụi nó chết được gì.
Hàng ngày, Hai Được lúc thì ra biển kéo cá với vợ, lúc thì kéo cá với con, nhưng bao giờ ông cũng chỉ kéo từ năm giờ tới bảy giờ thì nghỉ. Ông nghỉ để về lo dạy học. Công việc rẫy bái ban ngày ông phó hết cho vợ con. Nhưng hễ sập chiều xuống thì ông giành phần gánh nước tưới năm công dưa hấu để đỡ phần nào cho vợ con. Khi gia đình đã vượt qua thời khó khăn, Hai Được là người đầu tiên trong ấp mua về một cây đèn măng sông. Đêm đêm, ông bơm dầu thắp đèn sáng choang. Có đèn thì có người tới chơi, xúm nhau đờn ca hát xướng. Tự dưng gia đình ông thành câu lạc bộ đờn ca tài tử, đờn ca tân nhạc. Cũng đủ lệ bộ đờn cò, đờn kìm, song loan, đờn ghi ta phím lỏm, đờn ghi ta tân nhạc.
Lúc chúng tôi xuống lấy tin thì Hai Được đã nghỉ hưu. Nghỉ hưu nhưng không hề có một chế độ lận lưng. Nghe tôi hỏi chuyện này, Hai Được cười hề hề:
- Tui chỉ là giáo viên hợp đồng, làm sao có lương hưu. Được dạy học mấy năm là đủ tự hào rồi. Mấy đứa con tui ít chữ nghĩa, đứa nào cũng sống nhờ nghề rẫy, nghề biển. Nhờ vay được vốn ngân hàng, tụi nó xúm nhau nuôi tôm, nuôi cua, nuôi nghêu; nhà tui có đói đâu mà xoay xở xin chế độ làm rộn Nhà nước. Như Tám Quắn nè. Bám trụ đánh giặc hà rầm mấy chục năm trời, trúng đạn trúng miễng nát cả mình mẩy, mà có thèm làm giấy chứng thương đâu. Thêm một vài trăm bạc mà nhằm gì. Mình thắng được thằng giặc Mỹ, thì mình cũng phải biết tìm cách thắng được thằng giặc nghèo đói chớ. Mấy chú rảnh, chiều ra thăm ruộng tôm của ổng. Tỷ phú đình huỳnh rồi đó. Vợ chồng tui mà trúng thêm vụ tôm nầy nữa, tui lên nhà lầu mái bằng, gắn cả máy lạnh cho coi. Biển rộng hằng hà, mình con nhà biển, dốt với làm biếng mới chịu nghèo mấy chú ơi! Còn như siêng làm lụng, toan tính, giàu mấy hồi!
Nhờ nói tới việc làm giàu từ biển, tôi mới biết thêm Hai Được còn có nghề đóng đáy hàng khơi. Năm 1977, ông lần dây đáy đi thăm cá, chẳng may gió chướng quất sóng lừng rớt xuống biển, trúng nhằm đám bọt biển, bị cuốn trôi gần ba chục cây số. Nhờ vóc dạc mạnh mẽ mà thoát chết trong gang tấc. Giờ tuổi tác, ông mới chịu giao lại mấy miệng đáy hàng khơi cho người con trai áp út chăm nom săn sóc.
Tôi hỏi: “Chú Hai coi còn gân vậy, sao đã chịu rời biển lên bờ?”. Hai Được phát cười hề hề:
- Vợ chồng tui cùng đánh giặc rần ì bi nhiêu năm, vậy mà cũng còn kịp có với nhau chục đứa con. Các con tui sống quần tụ xúm xít, cháu chắt ê hề cả đàn cả đống, bả là cấp dưỡng cho cả gia đình, còn tui là ông giám đốc điều hành ráo trọi công việc chớ bộ. Tới bữa cơm chiều mấy chú biết. Đông tới chóng mặt. Tui hồi chiến tranh là lính, nhưng giờ là tư lệnh của cả gia đình mấy chục người.
Vừa chợp câu chuyện tới đó, tôi thốt nghe có tiếng máy xe công nông nổ phành phành ngoài đầu ngõ. Nhìn ra thấy một cái rờ moọc chất đầy dưa hấu đang lù lù tiến vào. Ngất nghểu trên đống dưa là hai cô gái tuổi chừng mười sáu, muời bảy, còn người lái xe là một phụ nữ tuổi chắc đã ngoài bốn mươi.
- Con Tư đó. Cũng ô dề như mẹ nó. Không học mà cũng biết chạy xe công nông, chạy ghe máy ra đáy hàng khơi đổ cá; nó còn biết cả nghề sửa máy tàu, máy nổ. Hai đứa nhỏ là con nó, học không giỏi nhưng làm việc khỏi chê.
Chiếc xe chở dưa về nhà được một lúc, lại thấy một chiếc xe công nông nữa chở đầy rễ cây chạy vào. Cầm lái cũng là một người phụ nữ.
- Vợ thằng út. Nó chở rễ cây thuốc cá về phơi, bán cho xý nghiệp chế thuốc trừ sâu.
Chưa kịp nhìn rõ mặt người phụ nữ chở rễ cây, tôi đã thấy một đứa bé trai tròn lẳn, đen thùi lùi ở đâu ló ra. Nó xách một xâu gần cả chục con cua biển, toét miệng cười với chúng tôi. Hai Được nạt:
- Mầy bỏ học há Tửng? Mầy coi chừng tao nghen!
Thằng bé lại toét miệng cười, rồi nói rổn rảng:
- Bữa nay thầy đi họp đột xuất trên huyện, con với mấy đứa nó tiếc buổi nên đi móc cua. Để con luộc cho lẹ hén nội?
Nói chưa dứt câu thằng bé đã vọt xuống bếp. Tôi biết bà nội nó với hai đứa cháu gái đang lui cui nấu cơm trưa cho cả đại gia đình ở dưới.
Nhìn ra sân thấy bóng nắng đã gần đứng. Nắng miệt biển vàng tới nao lòng. Càng nhìn càng thấy nắng rung rinh như múa. Có lẽ nắng và cát ong óng của xứ này đã hun nên tính cách người con của biển đang ngồi trước mặt tôi. Tôi xoay qua, tính nói anh bạn bấm một tấm chân dung Hai Được, nhưng anh ta đã xách máy chạy ra sân săn ảnh từ hồi nào.
Sân nắng hực lên màu vàng, thơm giòn như miếng bánh, mời mọc tới lịm người.
HTT
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét