Thứ Sáu, 1 tháng 5, 2015
ÔNG LÃO BÁN VÉ SỐ VÀ CON CHÓ TRẮNG Truyện ngắn: Hồ Tĩnh tâm
ÔNG LÃO BÁN VÉ SỐ VÀ CON CHÓ TRẮNG
Truyện ngắn: Hồ Tĩnh tâm
Bao giờ cũng như bao giờ, con chó đi trước, ông lão đi sau; con chó và ông lão nối với nhau bằng một sợi dây vải đã xỉn màu. Họ cùng đi bán vé số.
Ông lão có mái tóc bạc như cước, cái lưng còng xuống, làn da răn riu đầy vết sạm thời gian. Con chó mắt xanh, lông trắng, cái mũi nhỏ đen ướt; thoạt nhìn, ai cũng tưởng nó còn ít tuổi, nhưng nhìn kỹ ánh mắt nó, mới biết nó cũng già nua không thua gì ông lão. Chó và người tới hàng quán nào, chủ quán và khách cũng mua cho vài tấm vé số. Không hiểu họ mua vì thương ông lão già cả hay vì mến con chó dễ thương. Chỉ biết bao giờ cũng có người mua. Kể không mua cũng tội. Ông lão đứng cúi đầu ủ rủ. Còn con chó ngước cặp mắt ươn ướt như cái mũi ươn ướt của nó lên nhìn khách một cách âu sầu. Có người mua một lúc cả mấy tấm. Nhờ vậy, ông lão và con chó sống được qua ngày. Và ngày nào cũng như ngày nào, ông lão và con chó cũng đi với nhau. Con chó lủn củn như cái dấu chấm màu trắng, chấm vào mặt đất. Ông lão còng lưng như cái dấu hỏi, hỏi vào mặt đất. Cả hai nối với nhau bằng sợi dây vải xỉn màu. Nhiều người cho rằng ông lão sợ mất con chó qúy. Nhưng sau này có người phát hiện, mắt ông lão đã mờ tới mức, nhìn gì cũng chỉ thấy loa lóa xám.
Ông lão thui thủi một thân một mình với con chó trong một căn chòi dưới rặng ô môi bên bờ kinh cụt. Ông là người xứ khác dạt về đây. Thuở hàn vi, ông nhờ có sức bắp và võ nghệ, được địa chủ nuôi làm người ở coi nhà. Một bận, có gánh hát tuồng về neo thuyền hát trên sông. Đêm đêm, cả một khúc sông, đèn măng xông sáng rực. Tiếng ca tiếng đờn hòa quyện, loang dài theo con nước. Ghe tam bản ken dày coi hát, đông như trẩy hội. Gánh hát lưu diễn tuồng tích Lưu Bình- Dương Lễ, Thoại Khanh- Châu Tuấn hơn một tuần. Hơn một tuần ông lão(bấy giờ là anh trai lực điền) đeo theo gánh hát. Đúng hơn là ông lão đeo theo cô Chín, một đào hát có nước da săn giòn, có đôi mắt lúng liếng, có giọng ca mùi bứt ruột. Đeo riết rồi mết, rồi quen nhau, phải lòng nhau.
Căn duyên cũng bởi tay địa chủ chịu chơi. Ban ngày, một vài lần y mời cả gánh hát lên bờ, đãi tiệc tùng ăn nhậu bù khú. Rượu ngà ngà, y biểu ông lão ra múa võ góp vui. Ông lão cỡi trần, thoa dầu dừa bóng lưỡng; toàn thân cuồn cuộn cơ bắp, hừng hực sức lửa của kẻ đương trai. Ông đi quyền, múa mã tấu, múa côn vun vút như gió, như chớp. Cô đào Chín ngồi coi, mắt mở to không chớp. Tới chừng ông bầu bắt cô hát góp vui, cô Chín lựa khúc tiêu tao, ca đứt ruột. Ông lão đứng ngay đơ góc nhà, nghe như nuốt từng lời. Cả hai đều nhìn thấy nhau, thấy tận lòng nhau. Hôm gánh hát nhổ sào đi xứ khác, ông lão vượt tường trốn theo. Ông đeo theo ghe, dầm mình dưới nước cả ngày, tới gần chiều mới leo lên, phủ phục trước mặt ông bầu, xin được làm đệ tử. Lênh đênh sông nước cùng gánh hát gần nửa năm trời, cô Chín có bầu với ông. Cả hai bị đuổi.
Rời gánh hát, ông lão đưa cô Chín dạt vô đồng tràm, sống bằng nghề câu tôm, câu rắn. Bấy giờ, đêm nào ông lão cũng bồng bềnh trên chiếc xuồng con, xuôi ngược theo con nước lớn ròng. Cô Chín ở nhà, ngồi lựa từng con tôm, con rắn để sáng ngày đem ra bán ngoài chợ huyện. Một lần, không biết xớ rớ làm sao, đang đêm, cô Chín bị rắn hổ hoa mổ nhằm mu bàn tay. Bốn bề mênh mông nước nổi, bốn bề đen kịt màn đêm, cô Chín đành chịu chết trào đờm, chết tím tái, chết cong người trên bộ ván còng. Chán đời, ông lão bỏ ra thành. Bị bắt lính. Bị đày sang Algeria đánh nhau suốt mấy năm trời. Từ Algeria, ông lão về Sài Gòn với chiếc chân què. Từ đó, ông trở thành người làm tạp dịch cho một viên sĩ quan cấp úy. Viên sĩ quan đó về sau leo lên đến cấp chuẩn tướng hải quân của Ngụy quyền Sài Gòn.
Khi Sài Gòn thất thủ, viên chuẩn tướng bỏ chạy ra nước ngoài, để lại cho ông con chó trắng và cả cơ ngơi dinh thự ngồn ngộn của cải. Ông lão không lấy bất cứ một món gì, chỉ đem theo con chó về sống dưới rặng ô môi bên bờ kinh cụt. Sống cho tới tận bây giờ bằng nghề bán vé số.
Tới mùa hoa ô môi này, ông lão đã già lắm. đôi mắt gần như lòa câm. Đôi chân bước đã chuệch choạc. Con chó trở thành người dẫn đường cho ông mỗi ngày. Nó cũng già yếu, cũng gần sức tàn lực kiệt. Mỗi lần về tới nhà, nó liếm láp lấy có vài hột cơm, rồi nằm cuộn tròn trong chiếc ổ lót bằng giẻ rách, ngủ mê mết như chết. Mỗi buổi sáng, tưởng nó không dậy nổi. Vậy mà nó vẫn dậy trước để đánh thức ông lão bằng những tiếng sủa khàn khàn của tuổi tác. Họ lại ra đi. Con chó lủn củn đi phía trước, như cái dấu chấm, chấm vào mặt đất. Ông lão còng lưng đi sau, như cái dấu hỏi, hỏi vào mặt đất. Im lặng, trầm tư, như đất đồng cày ải. Mọi người vẫn mua vé số cho ông và cho con chó. Ông và con chó vẫn sống qua ngày bằng những tấm vé số bán được mỗi ngày.
Chiều chiều, khi trở về căn chòi dưới rặng ô môi bên bờ kinh cụt. Ngoài niềm vui vuốt ve con chó trung thành, hiếu để, ông lão còn có thêm thằng Cọt. Thằng Cọt là cháu ngoại bồ côi của bà Sáu Lụa. Nó đã học tới lớp năm, thân hình tròn lẳn, đen bóng, nhưng vẫn mang cái danh ngày xưa là thằng Cọt.
Thằng Cọt học toán thế nào thì không biết, chứ đọc thơ và búng đờn mũi thì khỏi chê.
Em đi lấy chồng
Sao đành bỏ anh?
Anh ơi!
Kiếp này lắm ngang trái
Để kiếp sau ta gặp nhau.
Anh ơi số trời định trước
Anh đừng giận vô cớ
Kỳ lắm anh ơi! (*)
Ông lão biết bài ca ấy thằng Cọt học được ở cô Đôria. Đôria là một cô gái Chăm, vẫn thường sang thăm và cho trái cây ông lão. Mỗi lần sang với ông, bao giờ cô cũng cởi bỏ tấm chàng mạng, để lộ gương mặt bầu bầu với cặp mắt đen và chiếc răng khểnh sáng nhấp nhánh. Cô yêu đắm đuối Sathall. Sathall có gương mặt hình chữ nhật, đẹp như đá tạc. Nhà nghèo nhưng Sathall bao giờ cũng tinh tươm, sạch sẽ, và hay cười bằng đôi mắt có đuôi như mắt con gái.
Hai người vẫn thường trốn nhà đến căn chòi của ông lão, mỗi khi ông lão đi bán vé số trở về. Sathall ngồi như bức tượng, luôn gỏ gỏ ngón tay nơi ngạch cửa. Đôria vui như con chim sáo, hát miết một cách say sưa những bản tình ca Chăm huyền diệu. Trước khi chia tay, bao giờ cô cũng chun mũi hôn con chó trắng, và nói: “Ôi, cục cưng của Đôria!”. Và bao giờ cũng vậy, khi đôi tình nhân đã khuất mỗi người một ngã ở hai phía bờ kinh, thằng Cọt lại búng đờn mũi tăng tẳng, dọn giọng ca thánh thót:
Con chim trao trảo
Nó rất dạn
Đã bay khắp nơi
Được sống sung sướng
Sanh con đẻ cháu
Được ở khắp bụi bờ.(*)
Đôria và Sathall thỉnh thoảng mới tới thăm ông lão. Đôria đêm nào cũng phải ngồi quay xa kéo chỉ, dệt sary. Sathall ban ngày bơi xuồng độc mộc chở bầy chim cốc đi gỏ phàng bắt cá, ban đêm phải đi giăng câu kiếm tiền nuôi mẹ. Chỉ có thằng Cọt là đêm nào cũng đến. Nhưng đêm nay thằng Cọt không đến. Vậy mà ông lão đang ngây ngấy sốt, ngây ngấy lịm đi trong chập chờn ảnh hình những hình ảnh vá víu của một đời người sắp trở về nước Chúa.
Những cánh đồng ngút ngát. Những mùa bông tràm ngào ngạt. Cô Chín rực lên dưới ánh đèn măng xông với giọng ca mùi mẩn. Cô Chín rã rượi, tím tái, xỏa mái tóc dài như nước trên bộ ván còng. Những cánh rừng khô ráp gai góc, muỗi mòng ở Algeria. Viên chuẩn tướng cuống cuồng nhét vội tiền của vào va ly. Vừa tọng nhét, vừa hấp tấp hỏi ông lão có xuống tàu đi với hắn. Thấy ông lão lắc đầu, hắn phẩy tay chán nản: “Vậy là xong! Là thoát nợ! Tới ông Thiệu vừa hùng hổ tuyên bố tử thủ cũng cút hồi sáng nay rồi! Khỏi đánh thì khỏi chết. Vậy là thoát nợ!”. Ra tới cửa, không hiểu nghĩ sao, hắn lột cái đồng hồ Omega đắt tiền đưa cho ông. Và không hiểu sao, ông lão còn cất giữ tới tận bây giờ.
Ông lão cố gượng sức kéo con chó vào lòng. Con chó dụi dụi chiếc mũi đen ướt lên mặt ông. Nó liếm những giọt nước mắt nóng hổi của ông lão đang trào ra. Nó rên lên ư ử. Trong khi đó, ngoài bờ kinh, hoa ô môi đang đơm đầy màu hồng phấn. Chùm chùm hoa cứ rực lên như mời gọi mùa xuân về phồng căng sức trẻ. Trong khi đó, từng cơn rùng mình lạnh buốt, từng lúc lại chạy rùng rùng dọc sống lưng ông lão, báo hiệu phút lâm chung sắp tới. Trong khi đó, ngọn gió đồng vẫn vô tình đưa mùi hương cỏ mật phả xuống dòng kinh lấp lánh sao trời. Trong khi đó,.. những gì sắp tận diệt một đời người vẫn đang rùng rùng kéo tới.
Kỷ niệm dội về. Dội về.
Ông lão ôm con chó trong lòng, theo dòng người hồ hởi, ào ạt đổ ra lộ lớn, kéo tới nhà thờ Đức Bà, rồi ùn ùn đổ xô về phía dinh Tổng thống. Những chiếc xe thiết giáp của giải phóng hùng dũng nghiến xích sắt trên đường. Sao mà họ trẻ vậy. Trẻ không tưởng được. Một cô gái vận bà ba đen, nón tai bèo, ngồi bên tháp pháo. Thấy ông lão, cô gái nở nụ cười tươi roi rói, huơ cao khẩu AK, gọi ríu rít như chim: “Ông ơi! Ông ơi!”. Ông lão trào nước mắt, muốn nhào tới, muốn la thật to cho hả nỗi vui sướng. Nhưng một tay phóng viên nước ngoài đã chen tới, hướng ống kính về phía cô gái mà bấm lia lịa. Ông lão muốn đẩy tay phóng viên sang một bên, nhưng rồi ông chỉ đứng lặng lẽ với những giọt nước mắt tuôn trào lả chả. Niềm hạnh phúc qúa lớn khiến tim ông như nghẹn lại.
Kỷ niệm vẫn dội về.
Người đàn bà Algeria tóc xoăn, ôm đứa con thiêm thiếp trong lòng, ngồi bất động trước căn nhà đã cháy rụi thành đống tro tàn ngún khói. Ông lão móc ba lô đưa cho bà ta hộp thịt. Bà ta gạt phắt tay ông, mắt rực lửa. Những người lính lê dương dận dày đinh rầm rập bước qua một cách hùng hổ. Họ đã chiến đấu vì cái gì cơ chứ?
Kỷ niệm vẫn dội về. Dội về.
Lần ấy ông mắc mưa lặm gió, nằm liệt giường. Đôria dùng ống giác giác cho ông và chích máu cho ông. Bà Sáu Lụa bưng qua cho ông chén cháo cá. Lúc xuống bếp nấu cho ông nồi nước xông, bà lọng cọng thế nào bị vấp té, trặc chân, phải bốc thuốc Nam, vừa uống vừa thoa cả tháng trời.
Và… trong khi quầng sáng chói lọi của nước thiên đàng đang diễn ra tất cả những gì trong cuộc đời sắp tắt lịm của ông lão, con chó trắng quật sức chạy như mũi tên dọc bờ kinh cụt tới nhà thằng Cọt. Vừa thấy thằng Cọt đang lụi cụi học bài bên ngọn đèn dầu hôi, nó đã cất tiếng rên đau đớn, rồi lập tức cắn ống quần thằng Cọt lôi đi. Không kịp nói với ngoại một lời, thằng Cọt nhảo ngay ra cửa, chạy guồng giò mà chạy. Nó chạy như cuốn lốc trên bờ kinh.
Qùy chân bên bộ ván còng, thằng Cọt dùng cả hai tay nâng bàn tay co rút của ông lão, gọi hào hển trong tiếng nấc: “Ông ơi! Ông ơi!”. Phải lâu lắm ông lão mới hé được đôi mắt đục lờ đã đờ đẫn không còn sinh khí. Nhưng ông vẫn nhận ra nó. Hình như ông cố lục tìm trong ký ức một điều gì đó. Gương mặt ông như căng lên cùng với những tiếng nói hào hển, đứt quảng: “Ông… ông có… cái… này… cho con!..”. Ông lão móc trong ngực ra cái đồng hồ lóng lánh sắc vàng. “Con… bán lấy… tiền ăn học”. Nói xong, ông lão thở hắt ra những gì còn sót lại lần cuối trong cuộc đời, rồi ngật đầu sang một bên, nhắm mắt.
Không biết bằng cách nào, con chó trắng già nua đã leo lên được bộ ván còng, nằm gác đầu lên ngực ông lão. Thân thể còn ấm nóng, nhưng nó đã tắt thở.
Thằng Cọt hiểu ra tất cả.
Nó vùng chạy ra ngoài. Vừa chạy vừa gọi vang vang trong đêm hoa ô môi đơm đầy bờ kinh cụt.
- chị Đôria… aaa! Anh Sathall… aaall!
H.T.T.
(*) : Trích dân ca Chăm An Giang.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét