Thứ Năm, 7 tháng 5, 2015

TẢN MẠN SAU ĐẠI HỘI CÁC NHÀ VĂN VIỆT NAM KHU VỰC ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG VÀ KHU VỰC ĐÔNG NAM BỘ Hồ Tĩnh Tâm

TẢN MẠN SAU ĐẠI HỘI CÁC NHÀ VĂN VIỆT NAM KHU VỰC ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG VÀ KHU VỰC ĐÔNG NAM BỘ Hồ Tĩnh Tâm Trong chuyến đi dự Đại hội Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và Khu vực Đông Nam Bộ lần này, sau đại hội, tôi chỉ ở lại Tiền Giang một ngày, du lịch sông nước cùng các anh ở Vũng Tàu buổi sáng, do anh Trần Đỗ Liêm tổ chức, sau đó tôi mời hết các anh trong đoàn về ăn cơm trưa với vợ chồng nhà báo Đậu Viết Hương và Nguyễn Thục Như. Nhà báo Đậu Viết Hương nói với tôi, quý quá, có tới ba nhà thơ nhà văn Vũng Tàu ghé thăm tệ xá của vợ chồng tôi, vậy mà không báo trước, để vợ chồng tôi chuẩn bị hoành tráng hơn. Tôi nhìn bàn đồ ăn ê hề, cười mà nói, tôi biết tính hai ông bà lúc nào cũng chu đáo, nên đổ bộ như vầy mới vui, ăn thua là có cơm canh cá thịt với bia rượu tưng bừng, mà mấy thứ đó nhà ông bà đâu có thiếu. Vâng, nữ sĩ Thục Như chu đáo lắm, ngoài cơm ngoài bún, còn có cả xôi lạc nữa đấy. Nếp cái. Nếp Bắc Hoa Vàng đàng hoàng. Vừa vào nhà là đã lập tức mở trận. Tôi nói, cứ thư thư chờ các anh chị Hội Văn học Nghệ thuật Tiền Giang tới đủ, rồi a lê hấp mới vui chứ. Đậu Viết Hương phẩy tay, trưa rồi, đứng ngọ rồi, các bác đã đói mèm cả ra rồi, việc gì mà chờ, ai đến sau thì ta kéo thêm bàn nữa. Đồ ăn đang nóng, để nguội mất ngon. Vậy là cuộc hàn huyên vầy ra ngay. Vừa ăn vừa trò chuyện, vừa lần lượt đón tiếp các nhà văn nhà thơ Tiền Giang. A hà, ra là đánh theo lối Nam Bộ, cứ càng lúc càng kéo dài ra, càng lúc càng đông vui ra. Khi thấy khách cứ càng ngày càng đông, nhà thơ Lê Huy Mậu hoảng thật sự, vì cứ kiểu du kích chiến trường kì Nam Bộ này, tối sao về tối Vũng Tàu, vậy là anh to nhỏ gì đó với nhà văn Phạm Văn Đoan, rồi xin phép gia chủ cho cả đoàn quân bốn người của Ô Cấp lui quân. Thục Như nắm tay nhà thơ xứ biển nói, em còn chưa hát “úp mặt sông quê” mà anh Lê Huy Mậu. Còn Đậu Viết Hương thì ôm lấy ông nhà văn duy nhất của ngành dầu khí Việt Nam, nói rổn rảng, anh Đoan ơi, anh “nợ trường Sơn” thời chiến tranh còn chưa đủ sao, mà hôm nay lại còn “nợ Tiền Giang”. Nhà văn Thường Xuân phải nói giùm ông lính lái xe Trường Sơn, thôi, cho chúng tôi kiếu đi, lần sau các anh xuống Vũng Tàu, chúng tôi chiêu đãi tắm biển mênh mông cả ngày. Vậy là đoàn Vũng Tàu lên đường. Vậy là mất nghiến một phần ba quân số. Nhưng, ai đến cứ đến, ai đi cứ đi, chiến trường súng nổ. Cuộc vui té ra lúc này mới vào đỉnh điểm, vì nhà văn Trương Trung Nghĩa đã cầm lấy micro, đã bắt đầu cao giọng hát. Nào thì hát. Đủ cả nhạc Tây nhạc Ta. Đủ cả tình ca, anh hùng ca. Cả đọc thơ. Cả cổ nhạc. Luôn cả tiếu lâm ba miền Bắc Trung Nam. Phát hoảng thật sự, nên Lão Dzu tôi phải đánh bài chuồn. Là bởi, tôi còn ý định bon về Càng Long của Trà Vinh, tranh thủ chụp hình cầu treo dây văng Cổ Chiên để viết bài, chứ lớ mớ chậm chân, 19 tháng 5 này họ thông cầu kỹ thuật, mình viết còn ý nghĩa gì nữa. Một mình chạy xe qua cầu Rạch Miễu, rồi đến ngã ba rẻ phải về Vĩnh Long, thẳng tiến là Trà Vinh, lúc này tôi mới thấm mệt, mới hối hận không nghe lời Thục Như ở lại cho khỏe, rồi sáng mai về sớm. Vậy là tôi đổi kế hoạch, về luôn Vĩnh Long để tiết kiệm hơn bốn chục cây số chạy xe thui thủi một mình. Nhưng khi đã qua cầu Hàm Luông, bia rượu ì xèo suốt hai ngày mới hành tôi buồn ngủ rả người. Vậy là tôi tấp vào một cái quán rợp mát bóng xoài, nói với cô chủ quán, chị làm ơn cho tôi ngủ nhà một lúc, nhớ chừng bốn mươi phút thì đánh thức, bởi tôi còn tới năm chục cây số nữa mới về tới nhà. Vậy là ngủ. ngủ ngon lành. Ngủ trong hương xoài. Ngủ trong sự canh chừng của cô chủ quán xinh đẹp. Lúc thức dậy, lúc uống trái dừa xiêm, tôi mới nghiệm ra rằng, hình như các cô gái đẹp bán quán, ai cũng tốt cả. Về đến nhà lúc gần mười giờ đêm, bà xã ra mở cửa hỏi ngay, sao, rớt rồi phải không, bầu đại biểu mà anh là dân ngụ cư thì làm sao mà trúng. Nghe mà phật cả lòng. Mười năm trước, nhà thơ Trần Mạnh Hảo đã nói tôi là dân ngụ cư ở Nam Bộ, chỉ có lo mà viết, chứ đừng tham thố làm gì cả. Ây da, đất nước mình, nói như nhà văn Hồ Phương, “nông trường ta rộng mênh mông, trăng lên trăng xuống vẫn không ra ngoài”; đến cái nông trường miệt Ba Vì ông được cử đến nuôi bò để thực tế viết văn, còn rộng mênh mông, huống nữa là cả vùng đất Nam Bộ. Tôi phì cười. Ơn trời, anh em chưa đến nổi ghét cái thằng Quảng Trị ngụ cư này. Nghe vậy bà xã lại hỏi. Vậy những ai bị gạch. Chán mớ đời cho cái câu “những ai bị gạch”. Nhà văn với nhau cả, sao lại bị gạch, sao lại gạch nhau cơ chứ. Bả đâu có biết, do cơ chế đại hội đại biểu, nó buộc anh em phải gạch nhau, phải đau đầu đọc đi đọc lại tên nhau, rồi đắn đo, rồi khổ tâm, rồi cuối cùng cũng phải nhắm mắt mà gạch tên nhau. Vậy mà cũng có tới sáu phiếu không hợp lệ. Không hợp lệ là bởi có sáu người không chịu gạch tên đồng nghiệp của mình. Thương quá. Thương tới trào nước mắt. Ngẫm mà cám ơn, đã có tới hơn mười nhà văn đang sống ở Nam Bộ tự động xin rút tên ra khỏi danh sách bầu, nhường xuất đi Hà Nội cho các nhà văn khác. Cứ cho là cả vùng đất Nam Bộ, có khoảng 50 nhà văn đi, cứ cho là 20 nhà văn đã tự xin rút tên đi, vậy thì còn 30 người, có khác gì nhúm muối trong biển nhà văn Việt Nam khoảng 1300 người, sao Đại hội không biểu quyết bằng tay, cho đi hết cho rồi. Bầu 24 đại biểu, vậy là sáu người háo hức ra Hà Nội gặp bạn bè văn chương cả nước phải ở lại. Vui sao nổi mà vui. Mừng sao nổi mà mừng. Cứ nhìn buổi cơm chiều bế mạc Đại hội, nhà ăn trống lổng, vì tới hơn phân nửa đại biểu đã ra về. Anh chị em rớt danh sách của các tỉnh buồn mới ra về. Nhiều người trúng cử cũng buồn cho đồng nghiệp nên bỏ về theo. Sao ban tổ chức Đại hội toàn quốc, không đoái thương cho sự thiệt thòi của văn chương Nam Bộ nhỉ?! Năm 2014 đấy, trong danh sách kết nạp hội viên mới, Nam Bộ chỉ có mỗi một nhà văn mới. sự thiệt tòi ấy, khiến cho đến hôm nay, cả Nam Bộ cũng chỉ có 48 nhà văn trên tổng số mấy trăm người đang viết, đang vắt kiệt mình ra trên từng trang viết. Ôi chao là buồn! Buồn mênh mông buồn. Chợt nhớ lại đêm qua, nhà thơ Nguyễn Hữu Nhân gọi điện cho tôi, xin số của Nguyễn Ngọc Tân ở Cà Mau, rồi nhắc tôi, bớt nhậu đi nhen, còn dành sức mà ra Hà Nội. Tự nhiên cứ rưng rưng thế nào. Tự nhiên cứ muốn nói với bạn bè, chuyến này phải tìm cách bầu lấy mười nhà văn Nam Bộ vào Ban chấp hành, đặng thực hiện câu của cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, mình phải tự cứu lấy mình. Hay nói như nhà văn Lê Đình Bích, Nam Bộ không cứu lấy Nam Bộ thì ai cứu. HTT

Không có nhận xét nào: