Thứ Sáu, 24 tháng 4, 2015
TRÁI TIM NGƯỜI LÍNH Truyện ngắn: Hồ Tĩnh Tâm
TRÁI TIM NGƯỜI LÍNH
Truyện ngắn: Hồ Tĩnh Tâm
Tìm lòng vòng một hồi, cuối cùng tôi phải lội ra tận ngoài ruộng mới gặp được ông. Ông vận xà lỏn, phong phanh cái áo bạc phếch đã trổ màu phèn.
- Cha, cái thằng dữ hôn. Sao biết tao ở đây mầy?
Vừa nói ông vừa nhe răng cười. Nụ cười hết cỡ, trắng lấp lóa trên gương mặt đen sạm. Đã vậy đầu lại hói trụi lủi suốt từ chân mày lên tận đỉnh.
Như đọc được ý nghĩ của tôi, ông cựu trung tá bước từ dưới ruộng lên bờ.
- Tao vậy chớ khỏe nha mầy! Suốt từ ngày còn quân ngũ tới về hưu đến giờ, tao hổng tốn của nhà nước tới một cắc tiền thuốc trị bịnh. Bịnh tật nó sợ tao như sợ tà. Ngay cả cấp ở trong tù, bị tụi nó uýnh tàn canh tận mạng, tao cũng cứ trơ ra.
Phải rồi. Tôi có nghe chú Sáu kể về ông. Ông bị tụi lính sư 7 bắt được trong một trận đánh sanh tử. Tiểu đội trinh sát của ông bị trực thăng đổ quân vây bọc gần Giáp Nước. Nện nhau đùng đùng suốt từ tám giờ sáng tới bốn giờ chiều. Cuối cùng còn lại mình ông. Đạn hết. Lựu đạn cũng hết. Ông liệng cây K2 xuống sông, ngồi tựa lưng vô gốc cây còng vấn thuốc giồng, ung dung châm lửa hút phì phà. Sau này anh em hỏi sao không trốn, ông nói gọn bưng: “Nó bọc đặc ngừ tứ phía, trốn đi đâu?”. Anh em lại hỏi: “Sao không liều mạng với tụi nó?”. Ông trả lời: “Tay không mần gì nổi tụi nó. Để tụi nó bắt còn hy vọng trốn tù”.
Ông ở tù đúng một tháng, rồi kết nối với anh em, bí mật dùng dây gân siết cổ chết thằng giám thị, nhào ra giựt súng của tụi quân cảnh, đánh thẳng từ trong ngục ra ngoài. Mười lăm người chết hết bảy, hai người bị thương tụi nó bắt trở lại, còn đâu đều chạy thoát được vô vùng.
Năm 1970 ông được cho về thăm nhà mấy ngày. Gặp hồi du kích xã đánh đồn Bàu Ráng, ông chụp súng nhào vô cùng đánh với anh em. Bứt xong cái đồn gai mắt, cô xã đội trưởng trẻ khô bước tới cám ơn ông. Ông nói: “cám ơn suông vầy coi sao được. Cho hun miếng khỏi cám ơn”. Cô xã đội trưởng cười tủm tỉm: “Lính chủ lực khôn ác địa. Nè, hun lẹ đi, để người ta thấy chọc quê chết hà!”. Vậy là ông ôm ghị lấy cô, hun búa xua búa xụi. Cô xã đội bị nhột cười khanh khách. “Ăn gian vừa thôi cha! Xin hun một miếng mà hun qúa trời. Bắt thường sớm mơi theo người ta đi phục lộ uýnh xe, được hông?”. Ông nhe răng cười. “Được! Nhưng phải thưởng gấp mười lần như vầy mới đi!”.
Mờ sáng hôm sau ông ôm súng theo du kích đi phục lộ. Tụi nó chạy hai chiếc xe jeep từ trên quận xuống. Ông bấm cóc điện. Mìn nổ hất lật ngược chiếc xe chạy phía trước. Xăng bốc lửa cháy bùng bùng. Chiếc xe phía sau qúa trớn đâm sầm vào chiếc xe phía trước, cũng bén lửa cháy đùng đùng. Tụi lính nhảy tạt ngang qua phía bên kia vệ đường, triển khai bắn trả rần rần rát mặt. Du kích nhắm đánh không lại, kéo nhau rút nhẹm vô bưng. Chạy tới con mương cạn, ông giả đò vấp té, kéo tuột cô xã đội xuống theo.
- Nhớ hồi hôm hứa gì không?
- Nhớ.
- Vậy thưởng cấp kỳ ngay bây giờ nghen?
- Lính nó rượt tới nơi, ở đó mà đòi thưởng.
- Chặt đầu tụi nó cũng không dám rượt. Mà giả như tụi nó rượt tới, hai đứa mình uýnh luôn. Hun nhau ngoài mặt trận mới đã.
Vậy là ông đè cô xã đội xuống, hun tới tới, tới tới.
Những chuyện đó là ông kể cho tôi nghe, khi tôi với ông nướng lèo mấy con rắn nước nhỏ như ngón tay, ngồi nhậu ngay tại bến cây còng nhà ông.
Nghe ông kể mắc ham, tôi hỏi:
- Hun suông chớ có làm bậy không cha?
Ông rọi ánh nhìn sắc lẻm vô mắt tôi rồi nói:
- Tao chỉ xin hun chớ có xin làm bậy đâu mầy! Quân lịnh như sơn. Cổ cho bi nhiêu đó, tao hưởng bi nhiêu đó. Nói có bờ ruộng đây chứng giám. Tin hay không tùy mầy.
- Tin. Nhưng rồi sao nữa?
Đang vui, ông bỗng trầm ngâm, hạ giọng kể lại chuyện riêng của mình.
- Tối đó tao ngủ hổng được, cứ trăn trở nhớ mùi mồ hôi ngai ngái của cổ. Tao nghĩ như vầy. Chiến tranh còn dài dài, cũng cần phải có con nít để tụi nó lớn lên tiếp mình uýnh giặc. Vậy là tao lần dò mò tới nhà cổ, tao đột vô mùng của cổ. Thấy cổ giật mình, tao dùng tay bụm miệng cổ lại, nói nhỏ: Ra ngoài vườn anh biểu. Chuyện hệ trọng lắm. Nói xong tao lủi ngay ra vườn. Đợi hoài không thấy cổ ra, tao tính chắc tiêu rồi. Lúc đó tao nghĩ như vầy. Chắc mình xấu trai, cổ hổng chịu. Thôi, rút nhẹm trở về đơn vị cho rồi. Đằng nào hết ngày mai cũng đã hết phép. Vậy mà tao vừa dợm chân bước đi thì cổ ra tới mầy ơi. Chiến tranh rần ì mà cổ xức dầu thơm. Mầy biết cổ xức dầu thơm để chi không? Để câu tao chớ chi nữa. Hổng lẽ có thứ thuốc chống muỗi nào lại thơm dữ dằn vậy. Bởi vậy, tao chụp lấy cánh tay của cổ, kéo cổ tới cây xoài, hỏi cổ có chịu tao không. Cổ im lặng một lúc rồi gật đầu. Lúc đó tao sướng như điên, tao nói với cổ, vậy thì cưới luôn bây giờ nghen. Cổ lại gật đầu. Ngay lập tức tao làm chồng, cổ làm vợ; lấy nhau trong vuông vười tối thùi lùi, không hề thấy trăng sao gì ráo. Lúc đó lối đâu mười giờ, mười một giờ khuya. Muỗi cỏ chích hai đứa tao sưng hết mình mẩy mà có hay đâu. Lúc đó sướng quá, quên ráo trọi mày ơi! đGần sáng tao với cổ lại lấy nhau lần nữa.
Tôi ngóng cổ nhìn ông, hỏi:
- Rồi sao nữa?
Ông nói buồn bã:
- Được có chừng đó thôi mầy. Tao với cổ đang cuộn lấy nhau thì nghe tiếng trực thăng ì ì đổ quân ngoài đồng trống. Biết chắc là tụi nó tổ chức càn quy mô. Dù chỉ còn một ngày phép, nhưng tao không thể bỏ anh em du kích để ra đi lúc này. Tao cùng với anh em dàn mặt đối đầu với tụi nó. Tụi nó càn dai như đỉa. Một ngày. Hai ngày. Rồi bốn ngày luôn. Tới chiều ngày thứ tư, tụi nó co cụm rút quân. Tụi nó rút theo đường lộ đất. Còn tụi F5 thì đến bằng đường trời. Bom nổ rền rung rinh mặt đất. Dứt trận bom, tao tìm hoài không thấy cổ. Tới tận bây giờ cũng không thấy mầy ơi! Bom tấn đào đất tanh bành như từng cái ao lở lói, thử hỏi có thứ nào còn nguyên được với nó. Bấy giờ tao muốn hóa điên, nằm úp mặt xuống đất khóc hù hụ như đứa con nít. Về tới đơn vị rồi, suốt mấy ngày tao vẫn còn bần thần như đứa mất hồn. Bị cấp trên phê bình về chuyện trễ phép tao cũng không thèm thanh minh thanh nga lấy nửa tiếng. Bởi vậy tới tận giờ nầy, ngoài mầy với bà xã tao ra, hổng một ai biết rằng tao đã qua một đời vợ.
À, mà chuyện ông lấy bà vợ sau cũng ngộ kỳ đời.
Bấy giờ là năm 1978, ông đang là trung đoàn trưởng. Trung đoàn lên đóng chốt ở biên giới. Trong một lần xuống tiểu đoàn thăm bộ đội, ông bắt gặp một gia đình mẹ góa con côi. Người đàn bà coi còn trẻ mà đã có tới bốn đứa con. Đứa lớn nhất mười bốn, đứa nhỏ nhất vừa lên bảy. Chồng của chị trước là du kích xã, ngày 30 tháng tư năm 75, trên đường tiến về tiếp quản huyện lỵ quê hương, anh đạp nhằm trái gài mà chết. Ông ghé vào nhà chị lúc cả nhà đang ăn cơm trưa. Nói là ăn cơm nhưng thực ra cả nhà đang húp cháo trắng. Thức ăn duy nhất chỉ thấy một tộ đầy tú hụ rau cải trời luộc, với chén nước tương. Mấy đứa nhỏ, đứa nào đứa nấy ốm tong teo, đứa nào cũng chỉ độc cái quần xà lỏn, phơi hết xương sống xương sườn ra ngoài. Đến đứa bé gái út cũng đánh trần như mấy anh nó.
- Bả giống vợ cưới trong đêm của tao qúa mầy ơi! Tạng người cũng tầm tầm. Nước da cũng trắng như bông bưởi. Tới mái tóc cũng giống y chang. Lúc bả ngước mắt lên, tao sững cả người. Tao nói với thằng liên lạc cứ chạy honda về trước, sáng mai cho xe Jeep xuống tiểu đoàn rước tao. Lúc đám nhỏ đi chơi hết ở đâu đó, tao ngồi nói chuyện với bả một hồi, rồi tao huỵch tẹc luôn rằng tao muốn cưới bả, muốn cùng với bả chung sức nuôi sắp nhỏ. Nghe tao nói, bả gục đầu khóc nấc lên. Thấy thương lắm mầy ơi! Khóc đã đời bả mới nói rằng bả không dám, rằng bởi vì tao mới cưới vợ có một đêm coi như tao còn con trai. Tao nắm lấy bàn tay bả, tao nói dứt khoát không để bả một mình nuôi con nheo nhóc như vầy. Nước hòa bình rồi, trẻ con cần phải được đi học. Bả rút tay khỏi tay tao, chạy vô trong buồng nằm khóc. Chiều đó tao hỏi mượn tay tiểu đoàn trưởng mấy ngàn bạc, nhờ nó nói khéo để đưa cho bả mua gạo, mua quần áo cho sắp nhỏ. Tụi tao hổng có cưới xin gì ráo trọi. Tới giờ cũng không có miếng giấy hôn thú lận lưng. Coi như tao hai lần lấy vợ lậu đó mầy. Mà cái thời đó, sao tụi mình nghèo mạt vậy không biết. Lương bỗng nhẹ hều. Lĩnh lương tuần trước, một hai tuần sau đã bù trớt, không còn một trinh dính túi. Nhìn đám trẻ cứ một ngày một xanh rớt ra, tao cầm lòng hổng thấu. Tính tới tính lui nát nước, vẫn không kiếm được cách nào làm ra tiền. Cuối cùng, tao phải viện lý do bị thương nhiều lần mất sức để xin nghỉ hưu non. Uýnh giặc hà đùng hàng trăm trận mà tao chưa bao giờ lo như lo phải ra hội đồng y khoa giám định sức khỏe. Thương tích cùng mình mà tim, gan, phèo phổi của tao hổng hề hấn gì. Bởi vậy tao phải “y vận” tụi nó chầu rượu đế với khô sặc rằn, để tụi nó chế cho. Tụi nó nhậu bể thùng sáng đêm, vậy mà còn cười tao là thằng mê đờn bà. Ai đời đang khỏe sơn sởn lại xồng xộc đòi xin hưu. Tụi nó bảo cái số sanh bọc điều như tao, chịu ăn thua đời lính, chí ít cũng hai sao bự trảng. Rồi tụi nó lại khen tao là thằng khôn thành tinh, không tốn đồng xu cắc bạc mà cùng lúc vừa được vợ, vừa được con đình huỳnh đâu vào đấy. Giờ thì tao lên ngôi rồi nghe. Ông nội đàng hoàng. Ba đứa lớn, đứa nào cũng tốt nghiệp đại học, đứa nào cũng có công ăn việc làm, cũng đã thành gia thất. Chỉ còn nhỏ út đang học đại học y trên thành phố là chưa có chồng. Nhưng nhỏ đó thì tao hổng lo. Nó đẹp còn hơn cả hai bà vợ của tao cọng lại. Tao chỉ lo thằng mắc ôn mắc dịch nào nó bắt chước tao thuở trước, nó kiếm cớ đòi con nhỏ thưởng tùm lum. Bởi vậy tháng nào vợ chồng tao cũng lên thăm nó, tiếp tế tiền bạc cho nó ăn học. Con nhỏ lém lắm. Nó biểu tao với bả đừng qúa lo cho nó mà mau già, mau xuống sức; ở nhà cứ việc tẩm bổ rượu ngâm tắc kè, ngâm cá ngựa thoải mái, hết nó biểu mấy anh nó gởi về. Bởi vậy tao với bả mới khỏe như đất cục. Ai cũng lo giữ xuân sắc, lo ăn thịt chuột, thịt rắn cho cường tráng.
Trời đất! Cái ông trung tá ốm nhom ốm nhách, hói đầu như bác học vầy đây mà cũng còn lo xuống sắc nữa sao. Té ra ông vẫn còn máu lắm.
Ông chiếu ánh mắt sáng rực vào mắt tôi, nói rổn rảng:
- Tao là thằng đẹp trai ngầm nghen mầy. Đờn bà con gái muốn biết tao đẹp, phải ăn đời ở kiếp với tao. Mầy thấy bả đẹp như bông súng trắng ngoài đồng không? Còn khuya mới tới màn da thịt trổ đồi mồi năm mươi nghen mầy. Hồi khó khăn chồng chất, tao nhờ mỗi ngày mỗi thấy bả đẹp lồng lộng mà đủ sức bươn chải vượt qua đói kém. Tao đào ao thả cá. Tao nuôi vịt hãng lấy trứng đem ấp bán vịt con. Tao tom góp tiền bạc mua đất lập vườn. Ở quê, chục công ruộng, hai chục công vườn như tao là vua nghen mầy. Giờ tao là tư lệnh khuyến nông của xã, là tư lệnh cựu binh của xã. Tụi nó phong tao hàm trung tướng. Trung tướng nhãn da bò. Tỷ như tao đeo theo đời lính cả đời, văn hóa ù lần như vầy, dễ gì có được hàm tướng nầy há mầy? Nói mầy biết, lính cựu tụi tao ở xã, cộng cả lính chống Pháp, chống Mỹ, chống Pôn Pốt, tất tật phải hơn một đại đội. Tao là trung tướng nhãn da bò, chỉ huy đại đội nông binh, chiến đấu lăn xả trên ao đìa, ruộng vườn. Hết ý lắm nghen mầy! Ở xã tao, giờ có bói cũng không kiếm ra một thằng cựu binh nào nghèo. Đứa nào nghèo là tụi tao kiểm thảo, bắt phải nhận vốn viện trợ, vốn cho vay, bắt phải trần lưng vật lộn với đất để làm giàu.
Đang lai rai trò chuyện, thốt nhiên tôi nghe tiếng dê be be vọng tới từ sau nhà ông.
- À quên. Để tao ới bả đem sữa dê tươi ra uống. Tao nuôi tới mười con dê sữa Hà Lan. Cái giống dê cái Hà Lan, con nào con nấy vú bự chần dần. Không biết đờn bà con gái xứ ấy ra làm sao, mà ti vi cứ quảng cáo rùm beng sữa cô gái Hà Lan ngon lắm. Con gái thì lấy đâu ra sữa! Mà đã có sữa thì còn gì là con gái nữa há mầy! Nhưng thôi, tới Ông Thọ còn có sữa nữa là!
Trung tướng nhãn da bò phá ra cười. Nụ cười hết cỡ, trắng lấp lóa trên khuôn mặt đen sạm. Qủa thật, nhìn cách ông cười mới thấy ông đẹp- đẹp dễ dãi, đẹp thật tình, đẹp ngầm một cách gần gụi.
Mở phanh áo ngực cho mát, phẩy tay một cái, trung tướng nhãn da bò nói rổn rảng như tiếng máy tàu nổ trên sông:
- Mầy hay gì chưa? Đ.má mấy thằng Tàu chơi đểu. Kì này tao hú hết ba thằng con nhập ngũ, sung tên lửa, bắn nát đầu tụi nó. Cần thì tao cũng nhào ra Trường Sa ăn thua đủ với tụi nó. Đ.má quân Tàu khựa! Vừa ăn cướp vừa la làng! Hôm nay mầy ở đây với tao, tao kêu đám cựu binh tới, quậy tưng với nhau để nhớ thời xưa ấy!
Tôi cười theo trung tướng nhãn da bò để ngắm nụ cười vui vẻ, trẻ trung, rất đàn ông của ông. Và tôi chợt nhận ra rằng, phía sau nụ cười ấy, là một trái tim người lính, vẫn còn đập sôi nổi nhịp thanh xuân tưng bừng rạo rực.
H.T.T.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét