Thứ Tư, 15 tháng 4, 2015
Ông Cố Hoạch truyện ngắn của Hồ Tĩnh Tâm
Truyện ngắn:
ÔNG CỐ HOẠCH
Hồ Tĩnh Tâm
1.
Không biết đứa nào lại nghĩ ra cái tên kì quặc: Ông Cố Hoạch. Đã cố lại còn ông. Cố phải hơn ông tới một sợi dây thừng tuổi ấy chứ. Tám Bỉnh nhớ, hồi nhỏ bà cụ cố dặn: ra đường, hễ ai hơn mình trên hai con giáp, mới gọi chú hay bác; còn dưới hai con giáp, tuốt tuột đều là anh hoặc chị. Ông cố hơn bà cố tới hai chục tuổi, thì cũng là anh với em lúc trẻ, ông với bà lúc già, sanh ra cả đại gia đình họ Phạm, trấn giữ cả vùng cửa sông. Có sao đâu nào. Ông Cố Họach, nghĩ mắc cười.
Không biết vì cơn cớ gì, ở làng Vàm, đàn ông ai cũng có tục danh. Chú Sáu của Tám Bỉnh, lúc nhỏ, không hề một chữ lận lưng, nhờ có khuôn mặt trắng trẻo dễ thương, được cả làng gọi là thằng Tú, tức là thằng khôi ngô tuấn tú. Sau lớn lên đi lính dõng, trèo lên được chức đội, vậy là có tên ông Đội Tú. Tên tủng chẳng ra gì, ra đường gặp ai cắc cớ, họ cứ nói lái ngược lại, vậy mà chú Sáu mặt lúc nào cũng vênh lên: “Kiếng tui là Đội Tú, còn kêu ca chọc chủng cái nỗi gì. Đội Tú đấy, bàn ngày đây còn công việc nhà nước giao phó bộn bề, bàn đêm mới có thời gian để giã gạo chứ. Đây là Đội Tú đấy!”.
Nhiều hôm chú nhậu say khướt về nhà, vợ không cho lên giường, chú cứ trần như nhộng dưới trăng, rượt thím Sáu chạy lòng vòng có cờ quanh nhà. Sau cùng, chú túm được cái đũng quần dây chun của vợ, kéo tuột luốt, thím Sáu đành thất trận nhảo vô buồng. Chừng đó chú Sáu mới dịu cơn, đứng giữa sân, huơ huơ cái quần trên đầu, như một chiến tích thắng trận của tướng cướp quân cờ đen. Rồi thì chú khật khưởng mò vào. Rồi thì chú mệt quá, say quá, lăn ra khò một mách tới sang, quên cả chuyện rượt vợ đòi giã gạo.
Về tục danh, chú Sáu còn phải bái phục mười lần ông Tư Đạo. Ông thứ tư, theo đạo bùa gì đó, thường đốt giấy vàng mã, lấy tro cho vào tộ nước, ngửa cổ uống ừng ực làm phép. Người làng đồn thổi, Tư Đạo học võ bùa. Tư Đạo cười khùng khục: “Bùa chú cái ôn hoàng, tao to đầu Đại Gáo, tao đạo gái, không thấy đầu tao bự chần dần vầy à”. Quả thật Tư Đạo đầu to khác người. Trong đó chất tầng tầng lớp lớp tị hiềm, nhỏ nhặt, thù vặt, tham thố, mưu mẹo, với không biết bao nhiêu giống ôn hoàng dịch dọc gì ở trỏng, mà tới đâu bàn dân cũng rủa “đồ ăn không chừa cặn”. Đạo gái đích thị là đại gáo. Có cái đầu to khác người, thì khác người cũng là điều bình thường. Lấy vợ người ta không được thì thù chồng người ta. Lúc Tư Đạo leo lên được cái ghế chức sắc ở làng, giữ chân Quản học, không biết bao nhiêu đàn ông, đàn bà trong làng khốn khổ tới không ngóc được đầu vì Tư Đạo. Nhiều người cùng cực, chửi độc: “Cứ ngửa bàn đèn cho đồ chó nó châm điếu thuốc phiện, mất miếng thịt nào mà tiếc. Rồi thì nó cũng chết ngập mặt chỗ đó!”.
Ấy là tục danh. Còn như Ông Cố Hoạch thì quả là khó hiểu. Ông Cố Hoạch chỉ bằng tuổi Tám Bỉnh, lại cũng họ Phạm với nhau, cũng là cánh trẻ trâu hồi nhỏ, cũng trửng giỡn đình miếu tưng bừng hồi nhỏ. Có điều, bà cụ cố nói với Tám Bỉnh: mầy họ Phạm là họ Phạm, còn nó họ Phạm là họ Trần, tổ của nó là Trần Cư, tức thuộc dòng cư dân họ Trần chạy vô lánh nạn, phải hèn hạ cải họ cả dòng tộc.
Bấy giờ Tám Bỉnh với Ông Cố Hoạch cùng là binh bét được cử đi học trường bổ túc văn hóa. Lính tráng mấy năm, đứa nào cũng ghiền thuốc. Thứ thuốc đen vấn tay, bán từng bó hai chục điếu, hút có mùi khét, nghe đau xóc cần cổ, nhưng với học viên, không phải lúc nào cũng sẵn. Hoạch thuộc dân ghiền nặng, gặp ai cũng xe xe hai đầu ngón tay: “Cho xin hơi coi!”. Được cả điếu, Hoạch ngửa cổ, cười tít mắt, cảm ơn rối rít như con nít. Được người ta cho ké rít vài hơi đỡ ghiền, Hoạch chỉ rít một cái đã hết cả lóng tay, tàn đỏ rực như hòn than. Ai cũng biết Hoạch dấu thuốc ở trong người. Anh ta mắc tật, cứ mua thuốc xong là xé lẻ, phân tán túi trên túi dưới; nhét cả trong từng cuốn sách; nếu ở trong phòng ký túc, thuốc còn được Hoạch phát tán, ém nhẹm trong kẹt giường, trong vách lá, trong tấm đắp cuộn ở đầu giường. Thấy Hoạch ki bo quá, bạn bè thường nói: “Mầy ông cố nội người ta vừa phải thôi, tới thuốc đen cũng kiết”. Có thể tên Ông Cố Hoạch là do đó mà ra. Chứ thực tình, năm đó, Ông Cố Hoạch chỉ mới hăm tám, người cao lỏng khỏng, tiền bạc cũng không đến nổi nào, râu ria thì bói cả ngày cũng không ra một cọng, mặt cứ nhẳn bong như cái ấy của con nít.
Người làm sao tào hao làm vậy. Tới ăn uống, Ông Cố Hoạch cũng khác người. Bao giờ cũng cà rịch cà tang, đi sau bạn bè cả vài điếu thuốc. Là anh ta không muốn ngồi chung với ai. Gắp nhiều sợ bị chê, gắp ít sợ bị thiệt; anh ta cứ phần ai nấy hưởng, khoản ăn uống là phải sòng phẳng. Nợ miệng điếu thuốc không sao, nợ miếng thịt heo, mắc nghèo danh giá. Chỉ khoản xin thuốc thôi, cũng đã là ông cố nội rồi, thêm khoản ăn chực, ăn ké thì còn ra làm sao. Hoạch không ăn ké ai, thì cũng không ai ăn ké được Hoạch. Học tới mười giờ đêm, đói bụng, Hoạch nấu cả lít gạo, hấp thêm hột vịt dầm nước mắm, cứ một mình ngồi chắp bằng trên giường, đủng đỉnh và từng chén cơm; bấy giờ, thế giới chỉ còn có Ông Cố Hoạch.
Một hôm, lối chín giờ tối, có người nhắn tin Tám Bỉnh, nhờ đi nói giùm cho Ông Cố Hoạch một tiếng. Ra là vì cái sự nhục ăn cắp quần của người khác. Ông Cố Hoạch tắt mắt rút quần của người ta phơi ngoài dây, bị người ta túm được, sỉ vả cho một trận ra trò. Chỉ là cái quần vải săng gai, may ống bát bành bành. Đáng là bao mà Ông Cố Hoạch thọ nạn ngang xương. “Mầy làm mất mặt họ Phạm vừa thôi. Cái quần vải thô là thứ gì”. “Tao có định chôm chỉa gì đâu, chỉ tại cái tay tự nhiên quơ trúng, làm rớt trên đầu, bực quá thì túm lấy. Mới đi vài bước, mấy thằng khỉ chạy theo chửi bới. Tụi nó đông, sợ bị đánh nên tao ớ lưỡi. Cám ơn mầy nói giùm! Bữa nay tao khao chuối nếp nướng”. Ây da, Ông Cố Hoạch mà chịu móc hầu bao khao chuối nếp nướng, là nguyệt thực tới nơi rồi, không tàu bay rớt xuống biển, thì cũng tàu hỏa lao xuống vực.
Ông Cố Hoạch thường lỉnh đi ngồi học một mình. Tám Bỉnh biết chỗ đó. Là ngôi nhà hoang, chìm giữa um tùm cây trứng cá và cỏ nhám. Thứ cỏ lá sắc như dao mà có gai như răng cưa, cứa vào da thịt là bật máu, rát như xát ớt. Mùa mưa lại còn thêm nước tèm nhẹp. Chỉ có ma mới ngu mò ra đó ngồi học. Nhưng Tám Bỉnh đã một lần đi tìm Ông Cố Hoạch nên biết. Ngồi trên bục cửa sổ, nhìn xuyên qua đám lá trứng cá, thấy ràng ràng dãy cầu cá nữ cất day lưng lại. Mấy miếng tôn che cầu cá thấp lè tè, cô nào leo lên, trước khi ngồi xuống hay đứng dậy, cũng phơi ra lồ lộ hai bàn mông trắng ởn. Không ai ngờ Ông Cố Hoạch đang ngồi học trong tiếng thả bom lủm tủm của họ. Không phải Ông Cố Hoạch đạo gái như ông Tư Đạo ở làng. Cũng không phải chả tò mò nhìn trộm. Chỉ đơn giản Ông Cố Hoạch thích trốn ra đó, để được ăn những trái chuối, những củ mì một mình, không bị ai ké vào.
Cái pháo đài hoang ấy là nơi làm tình của mèo chuột. Mèo và chuột thật sự, chứ không phải mèo chuột của người. Vậy mà hôm đi tìm Ông Cố Hoạch về gặp người nhà lên thăm, Tám Bỉnh bắt gặp dưới nền xi măng ẩm ướt có manh chiếu cũ rách, nhầy nhụa mấy cái bao cao su nhớt nhờn nhợt, dúm dó ở góc nhà. Pháo đài của Ông Cố Hoạch vậy là tiêu. Đã có chuyện mèo chuột của người một lần, tất phải có lần khác, lần khác nữa. Ông Cố Hoạch cười khùng khục: “Thằng Chín Thù Thì với con Hường Ngứa chứ ai. Tao rình quay phim được mấy lần. Tính bữa nào hù cho một trận để ăn chia. Tụi nó có yêu nhau con mẹ họ gì đâu. Có chồng có vợ cả rồi. Đi học xa nổi ngứa thì tửng lên, gải với nhau cho đã ngứa, vậy mà còn hèn, còn phải mặc áo mưa. Chỉ tao với mầy là ngu. Vậy mà cũng đòi là Tám Bỉnh”.
2.
Hết cấp ba, Ông Cố Hoạch xin về huyện làm việc ở ngành kinh tài. Cái tính ki bo của chả, nghề này là hợp hơn cả. Một đồng một cắc cũng không thể sơ sẩy được. Nếu huyện có thất thoát đồng nào, thì chắc cũng chỉ một mình Ông Cố Hoạch xơ múi tí chút hút thuốc, chứ người khác thì đừng có mà hòng. Chả tính toán răng rắc từng con số, chả tỉ mẩn từng con số, ai mà qua mặt nổi. Với nữa, chả cũng chẳng có nhu cầu gì, ngoài mấy điếu thuốc đen, ngoài cái bụng chỉ đói cơm trắng với hột vịt.
Vậy mà đùng một cái, Ông Cố Hoạch phải trồi mặt về tỉnh. “Tao ngu mới ra nỗi này. Mình không ăn, tụi nó ăn sao được; ăn không được thì tụi nó phải tống khứ tao khuất mắt. Kỳ này, dẫu có phải ra gác cổng, tao cũng tìm mọi cách để ăn. Ăn như cá tra mới mau lớn”. “Gác cổng chan chát ngày phơi nắng hai buổi, ăn được cái nổi gì mà ăn”. “Nói là nói vậy, chớ không phải vậy đâu mầy. Cứ chờ đó rồi coi”.
Tám Bỉnh không phải chờ lâu. Hai năm sau có tin nhắn, Ông Cố Hoạch đã phải về làng Vàm trồng khóm.
Lại ngu nữa rồi. Cũng tại cái tật hút thuốc lẻ, cái tật xe xe hai đầu ngón tay xin thuốc người ta. Ki bo vậy, làm lớn sao được. Ngồi gác cổng mà nhớ từng người đi trễ mấy phút, về sớm mấy phút, vác cái gì ra khỏi cơ quan. Đến chuyện nửa đêm sếp vác vợ người ta vào phòng làm việc mà cũng biết, chết đứt đuôi con nòng nọc là đáng kiếp.
“Tao biết ngậm miệng ăn tiền, nhưng hàm răng tao vổ, nó hở ra hồi nào đâu có hay. Hôm trời mưa, ngồi trực đêm thèm thuốc, tao cạy cửa văn phòng giám đốc chỉa gói thuốc, ai dè gặp ổng với con mẹ Tuất Ngựa nằm ăn táo cấm vườn địa đàng với nhau ở trỏng. Tay tao cầm gói ba số, còn thanh minh thanh nga nước non gì nữa. Mẹ con đĩ bà chúng nó. Chúng nó ăn thịt nhau hồng hộc thì hổng sao, tao ăn có gói ba số thì bị tống cổ”.
Tám Bỉnh lắc đầu ngao ngán. Nhưng Ông Cố Hoạch lại chỉa hàm răng vổ ra, cười sáng lóa: “Có là cái quái gì! Mất tên Ông Cố Hoạch, nhưng tao thành danh thằng Bảy Khóm. Khóm là thơm đó mầy. Giờ trắng tay sạch bách, vợ con bán xới xứ người, tao thơm một mình tao cũng sướng chán vạn đời!”.
Vâng, đời Ông Cố Hoạch đã thơm, nhưng đâu phải thơm một mình. Ông Cố Hoạch lên hương cùng đứa con gái bán vé số dạo, chốp được ở ngoài đường. Con nhỏ mới chừng xấp xỉ hai mươi, thua Ông Cố Hoạch hơn 30 tuổi. Chênh lệch bằng trời, nhưng cũng có là gì. Luật hôn nhân đâu có quy định khoản tuổi tác. Ông Cố Hoạch rước được con nhỏ ngoài đường về trồng khóm, coi như cứu nó khỏi giang đầu trần mưa nắng sớm chiều. Với nữa, cóc cách cọc cạch vậy mà lại hay, bởi Ông Cố Hoạch chăm nom bảo bọc nó như con, còn nó thì răm rắp nghe lời Ông Cố Hoạch cun cút như chó con nghe lời chủ. Đến cả cái khoản ấy cũng ngoan ngoãn nghe theo mới lạ chứ. Một lần Bỉnh chạy xe mấy chục cây số đến ruộng khóm thăm Ông Cố Hoạch. Thấy cửa nhà trống lổng, nghĩ Ông Cố Hoạch ở ngoài ruộng khóm, Bỉnh liền mò đi tìm. Đi mãi tới lút ruộng khóm thì gặp ngay cảnh Ông Cố Hoạch đang giã gạo với con nhỏ dưới mí rặng tràm chắn gió ở bờ bao. Ông Cố Hoạch nằm dưới đất, con nhỏ thượng bên trên. Cả hai thòi ra bốn cái ống chân nhem nhuốc bùn sình, ngay bên cạnh cái chậu thau đựng cả đống cá. Bên cạnh họ, cách khoảng một mét, con chó phèn ngồi chống chân, lưỡi thò ra, nhểu ròng ròng nước miếng. Không biết con chó ngồi chiêm ngưỡng cảnh thần tiên, hay ngồi canh chừng, bảo vệ cái quần xà lỏn của ông chủ vứt đè lên cái quần nái đen của bà chủ trẻ. Đứng nép bên gốc mít chờ hoài, hổng thấy Ông Cố Hoạch bị cối gạo giã xuống hùm hụp buông tha, sốt ruột quá, Bỉnh phải đánh tiếng, gọi um lên. “Cố Hoạch, Ông Cố Hoạch ơi, mày đang làm gì ở đâu vậy?!”. Chừng đó hai người nghe con phèn sủa quá chừng, mới buông nhau ra, mới xỏ bốn ống giò lấm lem bùn sình, vô bốn cái ống quần dài ngắn khác nhau. Rồi thì tiếng Ông Cố Hoạch cất lên sang sảng. “Bỉnh hả mầy. Đứng yên đó đợi chút đi. Tao đang tát cá”. Tát cá cái nỗi gì há trời. Ràng ràng cái ao ở trên cái gàu sòng đó thôi. Đến chừng nhậu với nhau đã ngà ngà, nghe Bỉnh chê cảnh hai người sướng với nhau mà làm biếng không chịu cởi áo, Ông Cố Hoạch phát cười khà khà. “Vậy là mầy đứng rình quay phim tụi tao phải hông? Mầy thấy tự nhiên giữa thiên nhiên có đúng là đã hông?”. Biết nói sao nữa. Dẫu hổng cưới xin, cả hai cũng đã là vợ chồng. Vợ chồng thì nổi hứng thích lúc nào, cứ công khai mà thích. Đụng trận kiểu đó, chỉ Ông Cố Hoạch, mới đáng mặt đã cố lại còn ông.
3. Dài dài chuyện ngộ kì đời của Ông Cố Hoạch còn nhiều chuyện lắm. Vốn là bạn nối khố với nhau đã nhiều năm, Bỉnh có cả hàng đống, kể cả ngày cũng không hết. Mà những chuyện Bỉnh chưa kể về Ông Cố Hoạch, càng về sau càng hay hơn, càng đã hơn, càng mức gân hơn. Nhưng của ngon thì phải để dành. Ai muốn nghe thêm, Bỉnh uỵch tẹc luôn. Cứ mỗi chuyện hạng ba, phải khao một chầu cà phê. Còn muốn nghe chuyện hạng nhất, dứt khoát phải một chầu nhậu tới bến. Khao chuối nếp nướng như Ông Cố Hoạch ngày xưa thì… chịu khó nghe chuyện lá cải vậy.
H.T.T.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét