Thứ Sáu, 17 tháng 4, 2015
OAN HỒN CÔ GÁI TRẺ Truyện ma của Hồ Tĩnh Tâm
OAN HỒN CÔ GÁI TRẺ
Truyện ma của Hồ Tĩnh Tâm
Mùa đông năm 1971, tôi theo khoa Trắc Đạc lên sơ tán tại một xã miền bán sơn địa của huyện Phổ Yên – Bắc Giang. Đây là một xã nghèo xơ xác, nhà cửa nằm rải rác trên các sườn đồi bát úp. Nhà nào cũng chỉ lè tè bằng đất trình, mái lợp bằng cỏ tranh đánh thành tấm.
Gia đình tôi trọ chỉ có hai bà cháu. Người bà khoảng hơn 80 tuổi, đôi mắt đã loà, lưng đã cụp xuống. Cô cháu dâu trắng trẻo, đẹp hây hẩy. Chồng cô đã vào chiến trường B gần một năm. Bấy giờ, cô là thư ký kế toán của hợp tác xã, nên ban ngày rất ít khi ở nhà. Bà già thì lúc nào cũng thui thủi ở dưới bếp, chuyên lo thái cây chuối, băm bèo cho lợn.
Hai bà cháu sống ở cái nhà dưới, có hai buồng và một chái nhà làm bếp. Nhà trên là nơi thờ tự, không hiểu sao họ lại dành cho tôi và Quảng trọ.
Ngay ngày đầu tiên đến sống, khi bước vào căn nhà ba gian ẩm thấp, có mùi mốc, tôi đã cảm thấy rờn rợn, như thể có gì đó ám theo mình. Tôi hỏi Quảng có cảm thấy điều gì bất ổn không, nó cười nhếch một cái rồi phẩy tay: Nhà này thuộc diện gia đình thương binh liệt sĩ, vì thế họ mới ưu tiên cho mình sống ở nơi thờ tự.
Sau khi dọn dẹp xong chỗ ngủ ở gian nhà bên trái, Quảng nói: Mày ngủ trên bộ ngựa bên phải đó, gần với nhà dưới. Bây giờ tao phải đi Phổ Yên, có khi mai mới về, mày muốn ngủ chỗ của tao cũng được. Nó ném cho tôi gói thuốc Nhị Thanh, rồi hỏi mượn tôi cái xe đạp phượng hoàng. Tôi chưa kịp ừ hử thì Quảng đã nhảy lên xe đi mất.
Lúc đó đã gần 11g00 trưa. Ở nhà chỉ có bà cụ già lụi cụi dưới bếp. Tôi xuống định bắt chuyện làm quen, nhưng hỏi gì bà cụ cũng chỉ hử hử, dướn dướn đôi mắt kèm nhèm, như cố nhìn cho được gương mặt của tôi nó ra làm sao. Chán quá, tôi đành bỏ lên nhà trên, lôi cái bánh mì không ra ngồi nhai trệu trạo.
Vừa ăn tôi vừa nhìn lên bàn thờ. Trên đó có một người đàn ông rất đẹp trai, mặc áo trấn thủ, đội mũ có thắt những tua vải dù. Nhìn là biết ngay chồng bà cụ, liệt sĩ đã hy sinh trong trận phố Lu thời chống Pháp. Thấp một chút phía dưới bên trái, là hình một cô gái còn rất trẻ, mặt trái xoan, mắt buồn buồn, mái tóc cắt cum bê- kiểu tóc rất phổ biến ngoài Bắc lúc đó. Sau này tôi mới biết, cô chỉ mới mất chưa được hai tháng. Ai đó đã hãm hiếp cô trên đồi, khi cô lên đó nhổ sắn. Cô bị giết bằng một sợi dây thừng xỏ mũi trâu, to như ngón tay. Nghe nói người đó giết xong mới hiếp được. Như thế có nghĩa là cô vẫn còn trinh trắng cho đến lúc qua đời. Mà như người ta đồn, con gái trinh chết đi thì linh lắm. Nếu vì oan ức, nhục nhã, thì linh hồn rất khó siêu thoát, dù có cầu đảo thế nào. Đó là chuyện sau này. Còn vào buổi sáng đầu tiên ấy, tôi với Quảng không ai hay biết gì cả.
Do vừa phải đi bộ dẫn chiếc xe đạp chất đầy va li, túi du lịch của bạn bè, suốt quãng đường từ trường đến nơi sơ tán xa mấy chục cây số, quá mười hai giờ trưa, hai mí mắt tôi sụp xuống, nặng như đeo đá. Cưỡng lại không được, tôi vác cái chõng tre ra ngoài hiên nằm ngủ. Vừa nằm xuống, lập tức tôi đã chìm ngay vào giấc ngủ mê mệt. Nhưng chỉ một lúc là tôi bắt đầu thảng thốt. Dường như có ai đó khiêng cả cục đá tảng đè lên ngực, khiến tôi không thở được. Tôi gắng dùng hai bàn tay đẩy tảng đá ra, nhưng dường như tay tôi còn nặng hơn cả đá, không thể nhấc lên. Tôi cố gắng nghiêng người lăn sang một bên, nhưng cũng không thể lăn được. Tảng đá cứ đè xuống. Đè xuống. Tôi vật vả ú ớ, muốn la lên, mà cũng không la được. Tôi cảm giác toàn thân như đang căng ra, đầm đìa mồ hôi.
Thế rồi tôi chập chờn nhận ra, có một bóng người xẫm đen, nhoà nhạt, nhờ nhờ đứng dưới chân tôi, nắm lấy hai chân tôi kéo xuống. Sức kéo mạnh lắm. Mỗi lúc mỗi mạnh. Tôi quật sức ghị lại. Người đó mạnh hơn tôi. Người đó sắp kéo tôi tụt khỏi cái chõng. Tôi biết là phen này tôi sẽ bị kéo tụt xuống tận âm ti địa ngục. Bởi vì lúc đó đầu tôi rất tỉnh táo, mặc dù vẫn đang trong cơn hoảng loạn, căng cứng toàn thân. Là sinh viên, dù hoàn toàn tin tưởng vào khoa học, tôi vẫn buộc phải nhớ rằng, rõ ràng tôi đang bị ma đè, ma kéo. Ở quê tôi, bất cứ một người già nào cũng có cả lô cả lốc chuyện bóng đè rùng rợn. Tôi đã từng cười nhạo họ là nhát ma, nhưng lần này thì rõ ràng tôi đang bị ma đè thật sự, bị ma kéo thật sự. Nó đang kéo tôi thun thút tụt xuống. Tụt xuống. Có lẽ đã sắp đến âm ti địa ngục, bởi vì tôi đã nghe rõ từng cơn ớn lạnh, chạy rùng rùng dọc theo xương sống.
Trong cơn tuyệt vọng cùng cực, tôi nhớ tới mẹ tôi. Mẹ tôi kể hồi trẻ mẹ đã từng bị ma dẫn lúc nửa đêm. Lúc đó trời chỉ sáng sao nhờ nhờ. Đang ngủ thì mẹ nghe ai đó gọi ngoài ngõ. Thế là mẹ thức dậy, tụt xuống giường bước ra theo tiếng gọi. Rồi cứ thế mẹ đi theo tiếng gọi. Băng qua cánh đồng ông Cả Hoa rộng tút tít. Leo lên bờ đê làng Hoàng. Tụt xuống bờ đê, băng qua bãi Sói. Rồi cứ nguyên cả áo xống mà lội xuống sông. Lội theo tiếng gọi văng vẳng thảm thiết. Đến lúc nước gần ngập tới ngực, thì may có người kéo vó đêm nhìn thấy, lội ra kéo vào.
Sáng ngày cả làng ai cũng biết chuyện mẹ bị ma gia dụ xuống sông thế mạng. Là bởi ngay khúc sông tại bãi Sói ấy, cách đây mấy năm, có một cô gái bị chết vì lật thuyền nan. Năm nào cô cũng tìm cách dụ một người xuống thế mạng cho cô, để hồn cô được siêu thoát về trời. Nhưng chẳng biết tại làm sao, tới lúc bấy giờ, cô vẫn chưa dụ được ai. Mà chưa dụ được ai thì hồn cô không thể về trời. Bởi vậy cô sẽ còn phải tìm cách dụ người khác xuống sông chết nước thế mạng, đặng hồn cô thoát khỏi nơi lạnh lẽo. Dân làng ai cũng biết, nhưng ai cũng nghèo xơ xác, kiếm đâu ra tiền bạc cúng quẫy cho cô. Có thể vì không ám được mẹ tôi, giờ đây cô ta tìm đến kéo tôi xuống âm ti thế mạng.
Sợ quá. Tôi hét váng lên: Mẹ ơi!
Thế là tôi bừng tỉnh. Mồ hôi túa đầm đìa trên mặt. Lưng áo cũng ướt đẫm mồ hôi. Trời vẫn vàng vọt nắng. Hừng hực hanh hao trong giá lạnh Những thân cây đứng lả ra vì không hề có mảy may chút gió.
Nghĩ tới bữa cơm chiều, tôi phải xuống bếp mượn bà chủ nhà cái nồi đồng, cái soong nhôm để nấu cơm, nấu canh. Quái lạ là cái bếp cũng âm u thế nào. Ngay cả khi ngọn lửa rơm đã cháy giần giật, tôi vẫn cảm giác chái bếp chật hẹp lành lạnh, và có vẻ thâm u nữa là khác. Đó là thứ cảm giác mà từ trước tới nay, bây giờ tôi mới gặp.
Vừa đẩy rơm, cời tro, tôi vừa thắc mắc: sao cô cháu dâu bà chủ nhà tới giờ này vẫn chưa về. Bà cụ đã sắp tàn hơi xế bóng, sao cô ta dám bỏ đi cả ngày thế nhỉ? Lỡ bà cụ có bề gì thì… Nghĩ vậy nên lúc ăn cơm tôi có bưng một chén cơm, chén canh xuống kính cẩn mời bà. Bà xua tay lắc đầu quầy quậy. Phải tập trung hết mức tôi mới nghe được bà nói bà đã ăn sắn nướng, bà chờ đứa cháu về tới ăn với nó chén cơm luôn thể.
Hơn năm giờ chiều cô cháu dâu mới về. Cô ta đẹp hơn tất cả những gì tôi đã tưởng ra. Da trắng hồng, màu nước da của các cô gái Thái. Môi mọng và đỏ như ớt chín, kiểu môi của con gái H’mông. Đôi mắt to, đen, sâu thăm thẳm, giống mắt con gái Cầu Lim xứ Quan họ. Mái tóc dày óng ả, chảy xoã sau lưng như suối. Thân hình khoẻ căng, vun vút những đường cong lìm lịm. Tôi có cảm giác ngực và mông cô ta to khác thường. Hừng hực sinh lực của một sức lửa luôn ngún cháy. Nó luôn xui khiến tôi dại dột và tò mò nhìn trộm.
Cô gái có vẻ đoán biết được tâm trạng của tôi, cô nói:
- Xã người ta báo có hai người cơ mà! Bạn em đâu?
Tôi nói với cô là Quảng ra thị trấn thăm bạn, có thể đêm nay chưa về. Cô ta nhìn tôi, cười và nói: “Ngủ một mình ở nhà trên, em có sợ không?”. Chỉ có thế. Rồi thì cô ta xuống bếp ăn cơm. Ăn xong thì ngồi ngay ngạch cửa hát bài “Trai anh hùng gái đảm đang”. Sau đó cô vào buồng thắp đèn ngồi tính toán sổ sách gì đó cho hợp tác xã.
Phần tôi, tôi cũng ngồi xuống bên cái bàn gỗ lim đen bóng, thắp ngọn đèn dầu Hoa Kỳ ngồi đọc sách. Tôi đọc cuốn “Ai Van Hô”, vì chẳng có bài vở gì để học, do cả tuần qua, khoa Trắc – Đạc của chúng tôi chỉ rục rịch lo chuyện sơ tán. Nhưng đêm nay, nàng Rê Béc Ca xinh đẹp và đau khổ trong tuyệt vọng không còn hấp dẫn được tôi. Tôi nhìn như lướt trên những trang sách. Các dòng chữ nối nhau chạy luống cuống như thể đang bị ai đó rượt đuổi và đe doạ.
Đến đoạn Rê Béc Ca bị trói trên dàn hoả, thốt nhiên tôi thấy có hơi gió thổi lạnh buốt sau gáy; toàn thân ngây ngấy, tê rần từ hai bên thái dương, từ sau gáy, xuống tận gần hai gót chân. Dường như có ai đó đứng sau lưng tôi, nhìn qua vai tôi để đọc cuốn sách của tôi. Cảm giác ấy càng lúc càng mạnh, khiến tôi bị co cứng mọi cơ bắp; người cứng đơ ra như một con cá đang bị ướp bằng nước đá. Dù không dám nhìn, tôi vẫn đoán biết chắc chắn người đứng sau lưng tôi là một cô gái. Toàn thân cô đang phả ra mùi và màu của giá lạnh. Thon thót. Thon thót.
Thế rồi, không biết từ đâu, có hai giọt nước rơi xuống trang sách, đúng ngay chữ Rê Béc Ca. Tôi rùng mình hoảng loạn. Người tôi căng cứng, da mặt se thắt lại, lấy đâu ra mồ hôi. Hai mắt tôi cũng ráo hoảnh. Vậy thì hai giọt nước ấy ở đâu? Tại sao chúng lại rơi ngay vào tên người thiếu nữ Di Gan bất hạnh? Phải chăng là thế lực huyền bí ở cõi âm sau lưng tôi đang khóc? Phải chăng oan hồn của cô gái bị xiết cổ bằng sợi dây thừng trên nương sắn đang đứng sau lưng tôi. Đang cùng đọc trang sách với tôi?
Run lên vì hoảng loạn, tôi leo lên bộ ngựa, kéo tấm chăn dạ Nam Định, trùm kín từ đầu đến chân.
Bóng tối trùm lấy tôi đen đặc. Tôi cố ru mình vào giấc ngủ, nhưng hai mắt vẫn mở thao láo. Rõ ràng là tôi thấy bóng tối đang chuyển động. Từng vạt, từng vạt đen ngòm đang chuyển động. Rùng rùng. Cuộn xoáy. Những sắc đậm nhạt của bóng tối vần vũ như ra sức lôi tôi vào thế giới miên tưởng. Tôi thấy mình trôi đi hun hút, tuồn tuột, trên con đường hoang vắng dày đặc cỏ may, thoảng mùi tanh tanh của máu.
Văng vẳng dọc hai bên con đường vô định ấy, có vô vàn những tiếng khóc thê thiết của các âm hồn. Chúng hoà vào nhau. Quyện vào nhau. Rất rõ, nhưng cũng rất mơ hồ. Chúng như hùa vào với nhau, lôi kéo tôi, nuốt chửng tôi. Chúng khiến tôi bấn loạn và bại liệt. Chúng dìm tôi vào giấc ngủ thiêm thiếp, mê lịm, ướt rịn mồ hôi trong buồng tim, lá phổi.
Sáng ngày thức giấc, người tôi gặp đầu tiên là Xoan, cô cháu dâu của bà chủ nhà lụm cụm.
- Em lạ chỗ không ngủ được à? Mới một đêm mà đôi mắt quầng thâm, trủng sâu như hai lỗ đáo thế này. Xuống bếp ăn ngô bung với chị đi! Có muối vừng và mấy con cá quả kho mặn. Cá chị bắt dưới chân ruộng, gần cầu đá, chỗ có cây gạo to nhất làng, ngon lắm!
Tôi tìm cách thoái thác lời mời, viện cớ là phải tìm đến nhà mấy đứa bạn cùng lớp đang trọ, hỏi xem lúc nào Khoa tổ chức học trở lại. Và tôi đã đi thật. Tôi đi đến xế chiều mới về.
Lúc trở về, rất tình cờ tôi đã đi băng qua đỉnh đồi, rồi từ trên đó đi xuống theo nương sắn, nơi cô cháu bà chủ nhà bị hiếp và bị xiết cổ bằng sợi dây thừng cho đến chết. Ở đó tôi đã gặp ngôi mộ của cô. Một ngôi mộ đắp bằng đất, khô rang, chưa có một đám cỏ nào mọc lên. Chính giữa ngôi mộ có chất mấy viên đá tròn to như nón cối của bộ đội.
Nắng quái chiều hôm đỏ đòng đọc, chiếu xiên vào nấm mộ, đượm một màu tang thương, lạnh lẻo; tất cả toát lên sự trống vắng lạnh lùng. Đứng trước khung cảnh rợn ngợp này, không hiểu vì sao tôi nghĩ: có lẽ mình phải xin chuyển nhà thôi, mình không thể trọ được trong ngôi nhà đang bị ma ám.
Quảng vẫn chưa về.
Vậy là tôi lại phải nấu lấy cơm và ăn cơm một mình, lại phải một mình trước cái bàn thờ có cô gái trẻ lúc nào cũng nhìn xuống tôi chòng chọc, ám ảnh tôi bằng những suy nghĩ không thành ý tưởng.
Chiều đó tôi chuẩn bị sẵn chỗ ngủ cho mình, bằng cái chăn dạ của tôi, cọng thêm cái chăn dạ của Quảng; cả hai cái chăn ấy tôi trải sẵn trên bộ ván ngựa, định bụng lúc cần chỉ chui vào là có thể ngủ ngay được, chẳng cần phải mất công làm thêm bất cứ một động tác gì.
Nhưng thật kỳ lạ, khi tôi đang ngồi đọc sách bên cái bàn gỗ đen bóng, dường như tôi thấy hai cái chăn của mình có vẻ như lùm lên, có vẻ như đang nhúc nhích, làm như có người đang nằm trong đó. Một lần. Hai lần. Ba lần nhìn vào cái chăn tôi đều có cảm giác như vậy. Để tránh nỗi ám ảnh, tôi cuộn cả hai cái chăn lại.
Trời ạ! Khi chạm vào cái chăn, tôi tưởng như tay mình đang chạm vào băng giá, ớn lạnh rùng rùng.
Và càng khủng khiếp hơn, khi tôi buộc phải đi ngủ, buộc phải đắp lên mình cả hai cái chăn ấy, tôi không hề thấy ấm áp như mọi lần, mà chỉ thấy giá lạnh phả ra nhon nhót. Thế rồi trong lúc chập chờn bởi tự kỷ ám thị, tôi cảm giác như có ai đó đang nằm sát bên tôi, thở ra mùi chết chóc. Cảm giác ấy càng lúc càng rõ, nó khiến tôi căng cứng toàn thân, từng lỗ chân lông như mở hoác cả ra. Người run bần bật.
Sợ quá, tôi vùng ngồi dậy, bước đến bên cái bàn, vặn thật to ngọn đèn dầu hoả.
Ngọn đèn cháy đỏ đòng đọc, muội khói bay lên đen sì sì, uốn éo thành những hình kỳ quái. Hoa đèn toé ra những ba cục than hồng. Điều đó khiến tôi không thể tập trung được tư tưởng, nhất là khi tôi bắt đầu cảm giác có người nào đó đứng ở sau lưng, nhìn qua vai tôi xuống cuốn sách. Cảm giác ấy giống hệt như cảm giác đêm đầu tiên tôi ngồi đọc cuốn Ai Van Hô của Oan Tơ Scôt.
Tôi đã ngồi chết cứng như vậy hàng giờ. Cho đến lúc kiệt sức, gục xuống ngủ ngồi ngay bên cái bàn gỗ lim đen bóng.
Chập chờn trong cơn mê lú, tôi thấy có bóng người nhờ nhờ, lãng đãng nơi ngạch cửa, ngoắt tay vẩy gọi tôi ra ngoài. Nghe rõ tiếng kẹt cửa rít lên khe khẻ, rồi một làn gió lạnh lùa vào. Hu hú hu hú.
Trùm kín người bằng cái chăn dạ, tôi nhón gót bước theo cái bóng như xa như gần ấy; và cứ thế lặng lẽ bước âm thầm theo nó. Bấy giờ tôi chẳng nhìn thấy gì ngoài cái bóng nhờ nhờ, bước hụp hửi là đà trên mặt đất. Tai nghe văng vẳng những tiếng gọi thê thiết. Toàn thân căng cứng sự ớn lạnh.
Cái bóng hư ảo dẫn tôi lên đồi sắn, đến ngay chỗ nấm mộ, xúi tôi ngồi xuống, trùm cái chăn lên đó. Rồi tôi thấy tôi đứng dậy, đi ngược trở lại về nhà. Tiếng kẹt cửa rít lên khe khẻ. Tôi thấy tôi trở lại bộ ván ngựa của mình. Một ánh sáng chói loá đập vào mắt. Và rồi tôi không còn hay biết gì nữa, cho đến lúc tôi giật mình thức giấc.
Trời ạ! Không phải tôi đang nằm trên bộ ván ngựa của mình. Rành rành là tôi đang nằm trên cái giường đôi, đang nằm trong tấm chăn bông vải chéo hoa màu đỏ của cô cháu dâu bà chủ nhà. Hơi hướm phụ nữ vẫn còn ấm sực trong chăn. Run sợ như kẻ tội đồ, tôi rón rén đẩy cửa bước ra ngoài.
Mặt trời đã lên cao cỡ cây sào, toả chiếu ánh sáng nhợt nhạt mùa đông. Bà cụ mù loà đang đứng ở góc sân, rắc từng vụm ngô xay cho bầy gà chíu chít. Cô cháu dâu đang nấu gì đó trong bếp. Khi cô bước ra, tôi thấy cô cười rất tươi. “Đêm qua em bị mộng du đấy. Chị đi trực về, thấy em cứ đi lòng vòng ngoài sân, nên chị đã dẫn em vào buồng của chị. Thú thật, hồi mới về nhà này, ngủ một mình trên ngôi nhà thờ tự ấy, chị cũng từng mấy lần mộng du, cứ quá nửa đêm là bước ra ngoài đi lang thang. Khi cô ấy qua đời, sợ quá, chị phải dọn hẳn xuống dưới này với bà”.
Tôi không biết chuyện gì sẽ còn xãy ra trong ngôi nhà ấy, bởi vì trưa hôm sau Quảng về tới, nó rủ tôi chuyển xuống trọ trong một ngôi nhà gần bờ sông Công, gần với khá đông bạn bè cùng lớp đang trọ ở những nhà xung quanh.
Có thể đây không phải là chuyện ma, mà chỉ là ảo tưởng về ma, do tôi đã phải sống một mình hai đêm liền trong ngôi nhà trống vắng, lạ lẩm, giữa một mùa đông hun hút gió bấc thở dài sườn sượt trên các triền đồi. Nhưng rõ ràng cảm giác có người kéo tôi xuống vực sâu tuồn tuột, có người đứng sau lưng tôi, nhìn qua vai tôi đọc sách, có người đã chui vào nằm trong chăn với tôi, có người đã ngoắt gọi tôi ra ngoài đi lang thang, thì tôi không bao giờ quên được. Lại còn cái chăn chiên Nam Định, rõ ràng là tôi đã đắp lên nấm mộ của cô gái trẻ trên nương sắn. Cái chăn ấy, khi đem về nhà trọ, tôi đã phải dùng cái nồi đồng ba mươi, luộc lên bằng nước lá bạch dàn cả tiếng đồng hồ.
Sau này, khi đã chuyển đến nhà trọ khác, nhiều đêm liền tôi vẫn bị ám ảnh bởi có người nào đó đang đứng lặng lẽ sau lưng, lặng lẽ nhìn qua vai tôi xuống những trang sách của tôi đang đọc.
Người đó, phải chăng là oan hồn của cô gái trẻ?
HTT
Nói thêm với bạn đọc:
Quảng là bạn thân thời tôi còn học ở Đại học Mỏ - Địa chất tại Phổ Yên- Thái Nguyên. Trong blog này, các bạn có thể thấy một số truyện ngắn tôi nhắc tới Quảng, như truyện "Nụ hôn rướn mình qua cổng rào với Phụng". Sau năm 1980, Quảng về làm Trưởng phòng Giáo dục Chính trị của Trường Trung học Lâm nghiệp Thuận Hải (nơi có thuốc lá Vĩnh Hảo nổi tiếng). Chính Quảng xúi tôi đổi nhà trọ, vì Quảng muốn trọ gần nhà trọ của Phụng, mà Phụng lúc đó lại chí thiết với tôi, bởi tôi biết chơi ghi ta, thổi armonica dập tông bá cháy. Tại nơi sơ tán ngắn ngủi này, thời gian tuy ngắn, nhưng chúng tôi có rất nhiều kỷ niệm với nhau- vì lúc đó chúng tôi dường như chẳng học hành gì cả trong gần một tháng. Nhàn cư vi bất thiện.
Tiền nhân dạy vậy.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét