Thứ Ba, 31 tháng 1, 2012

E207- Kết nạp Đảng cho người đã mất

E207- Kết nạp Đảng cho người đã mất

Tháng 4 năm 1975, tiểu đoàn tôi được lệnh đánh cầu Bà Tồn trên quốc lộ 4, đoạn thuộc huyện Cái Bè- Tiền Giang bây giờ. Lâu quá nên tôi không nhớ rõ là trận đánh diễn ra vào ngày nào. Lúc đó tôi là trung đội trưởng C3- D1- E5(tức E207 cũ)- F8- QK8. Trung đội tôi được lệnh bám sát mặt lộ, chặn đánh bộ binh sư 7 từ Đồng Tâm xuống tăng viện, đảm bảo cho đặc công đặt mìn phá sập cầu. Với cương vị của mình, tôi không biết được toàn cục trận đánh, chỉ biết hướng tiến công của chúng tôi phải vượt qua rất nhiều mương đìa, nhiều vườn cây ăn trái. Đây cũng là trận đánh đầu tiên mà tôi gặp rất nhiều nhà dân, với rất nhiều người dân đang ở trong nhà. Tất nhiên khi chúng tôi xuất hiện, hầu hết những người dân ở đây đều dùng ghe xuồng chạy đi nơi khác, vì sợ bị bom pháo. Bởi vậy, khi chúng tôi bám sát được mặt lộ, lập tức pháo từ Cái Bè, từ Cai Lậy dập xuống như mưa, với đủ loại pháo phát quang, pháo chụp. Chớp lửa rừng rực. Mảnh pháo veo véo rú rít. Đất cát bay vù vù.


Thế rồi từ hướng Cái Bè, xuất hiện hai chiếc xe nồi đồng, vừa chạy vừa khạc đạn 2ly7 xối xả, với tiếng nổ đùng toác toác, đùng toác toác chói chát, nhức cả óc, khiến bộ đội phải dạt lui về phía sau. Trước tình thế ấy, tôi lệnh cho Kiệm ôm DKZ57(thu được trong trận đánh chốt Gãy Kinh Nhứt), tiếp cận mặt đường để bắn diệt xe nồi đồng. Chúng tôi dùng AK bắn yểm trợ cho Kiệm trườn lên sát con lộ. Dưới ánh sáng của chớp lửa pháo chụp, tôi nhìn thấy Kiệm đã tiếp cận ngay mép lộ, nằm xoãi phía sau khẩu DKZ. Khi chiếc xe nồi đồng quay trở lại, Kiệm lập tức nhắm bắn, thế nhưng viên đạn lại bay cao, vọt qua chiếc xe. Súng máy trong đồn lính bảo an, tập trung bắn xối xả về phía Kiệm. Tôi nghĩ rằng Kiệm sẽ phải lùi lại, thế nhưng anh vẫn nằm tại chỗ đón bắn chiếc xe nồi đồng thứ hai. Và khi chiếc nồi đồng thứ hai chạy tới, cách gần trăm mét, Kiệm đã ngồi dậy, nâng súng trong tư thế quỳ bắn. Đây là một hành động rất nguy hiểm đến tính mạng, vì dưới chớp lửa đạn pháo và ánh sáng của pháo dù treo trên cao, Kiệm sẽ thành mục tiêu lộ thiên; nhưng tôi biết, chỉ có cách đó, Kiệm mới có thể bắn diệt được chiếc xe nồi đồng; bởi vì với tư thế nằm bắn dưới thấp, khó hòng bắn trung được mục tiêu đang chạy giữa lộ, do bị mặt đường che khuất. Và quả nhiên khi Kiệm vừa ngồi dậy, vừa mới nâng khẩu DKZ57 lên, trọng liên trên chiếc xe nồi đồng đã bắn xối về phía anh. Tôi thấy Kiệm bị hất tung lên cao, rồi ngã xuống, lăn mấy vòng về phía sau. Chúng tôi tập trung bắn quyết liệt về phía chiếc xe, để hai người lao lên lấy xác Kiệm và lấy khẩu DKZ57. Cùng lúc ấy, chúng tôi được liên lạc tiểu đoàn thông báo rút lui về vị trí tập kết, vì vừa có lệnh từ cấp trên không được đánh sập cầu nữa.

Chúng tôi thay nhau cõng xác Kiệm về bờ kinh Cổ Cò, phía ngoài vòng đang bị pháo địch bắn phá. Bấy giờ chúng tôi lấy một chiếc chiếu trong nhà dân, trải xuống cái sân đất, đặt Kiệm nằm lên trên. Kiệm bị đạn 12ly7 bắn xuyên qua ngực phải, trổ ra phía sau lưng vết rách toác to như miệng chén. Tại điểm tập kết này, lúc đó có tôi và Hoành là trung đọi phó của tôi, cùng với anh Tùng C trưởng C3, anh Ruộng trợ lý quân giới, anh Thử Y sĩ, anh Ngôi tham mưu trưởng tiểu đoàn. Khi anh Thái chính trị viên tiểu đoàn đến, tôi ngồi quỳ xuống vuốt mắt cho Kiệm, thì bỗng nhiên thấy Kiệm từ từ mở hé cả hai mắt. Tôi liền quờ tay về phía sau, kéo anh Thái ngồi xuống. Và điều làm tôi vô cùng sững sốt, là tôi nhìn thấy hai môi Kiệm đang mấp máy, nên tôi vừa khóc vừa gọi, Kiệm ơi… Kiệm ơi…. Bấy giờ tôi nhìn thấy anh Thái cũng khóc, nước mắt rơi lả chả từng giọt. Và tôi càng bất ngờ hơn, khi tôi thấy Kiệm nhìn thẳng vào anh Thái, hỏi thều thào, nhưng nghe rất rõ. “Anh Thái ơi, em có được kết nạp vào Đảng không anh?”. Lúc này tiếng pháo đã dứt, đêm vắng lặng và yên tĩnh đến lạ lùng, nên tôi tin chắc rằng, rất nhiều người cũng nghe được câu hỏi của Kiệm, vì tôi thấy ai cũng khóc nấc lên. Còn anh Thái thì cúi sát xuống mặt Kiệm và nói, “đồng chí là đảng viên của Đảng!”.

Sau 30 tháng 4 năm 1975, khi tiểu đoàn tôi lên chốt giữ biên giới ở búng Bình Thiên, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang, lúc được điều về làm trợ lý chính trị tiểu đoàn, tôi nhắc lại câu hỏi, “Anh Thái ơi, em có được kết nạp vào Đảng không anh?”, và anh Thái, với cương vị là bí thư đảng bộ tiểu đoàn, đã làm Lễ kết nạp Đảng cho Kiệm. Cũng có cờ Đảng, cờ tổ quốc, ảnh Bác Hồ, có các đảng viên K bộ tham dự. Chỉ có Kiệm, người được kết nạp là không có mặt. Khi anh Thái đọc quyết định kết nạp Kiệm vào Đảng, rồi thay mặt Kiệm đọc lời tuyên thệ dưới cờ Đảng, tất cả chúng tôi đều khóc nấc lên nghẹn ngào.

Hồ Tĩnh Tâm

Không có nhận xét nào: