Thứ Bảy, 27 tháng 8, 2011

chuyện nón lá, nón bài thơ Việt Nam





nụ cười con gái nghiêng sau nón
càng bí ẩn hơn càng dễ thương
Đimitrova

CHUYỆN NÓN LÁ NÓN BÀI THƠ THƯỞ NÀO

Hồ Tĩnh Tâm






Cách đây mấy hôm, vợ tôi cho hay, có bà trong Ngọn bị té xe nặng lắm, hổng biết có qua khỏi hay không. Hỏi thì bả cho biết, không phải bà này bị người ta đâm, mà là bà ta ta đâm xe vào người ta, khiến người ta cũng phải đi cấp cứu. Nghĩ tới chuyện hai cái xe, mỗi chiếc hơn ba chục triệu bị dập nát, người thì phải nằm hồi sức cấp cứu, sống chết treo đầu sợi tóc, tôi lạnh cả người. Nghĩ bụng như vậy, tôi nói với bà xã, em chở con đi học mỗi ngày, phải cẩn thận đấy. Bà xã nghe tôi nói thì trả lời, em té xe hoài chớ gì, tại em không nói cho anh biết. Ra là vậy. Hèn chi lâu lâu, tôi lại thấy cái xe của bả, lúc thì bể bửng, lúc thì bể vè, lúc thì phải thay kiếng chiếu hậu.



Sự bất cẩn của bà xã thì tôi còn lạ gì.

Thời Nhà nước chỉ mới tuyên truyền đội mũ bảo hiểm, tôi đã sắm cho cả nhà mỗi người mỗi cái mũ bảo hiểm, lại còn dư ra hai cái để xơ cua, vậy mà cấm bao giờ bả chịu đội, thứ mà bả coi là “nồi cơm điện”. Cứ leo lên xe là bả chụp nón lá lên đầu. Đội nón lá thì chắc chắn bả phải chạy xe một tay, bởi nón lá rộng vành, khác gì cái thúng đựng gió, không dùng tay giữ chặt, thì nó bay vèo xuống đường tức khắc. Lo cho con gái ngồi phía sau lưng mẹ, tôi cứ phải nhắc hoài, rồi chuyển sang cằn nhằn, rằng nếu bả không chịu đội nón bảo hiểm, thì làm ơn đội giùm nón vải rộng vành, bởi dầu gì, nón vải cũng ôm chặt lấy đầu hơn nón lá. Nhưng tôi nói gì thì nói, bả cứ chứng nào tật nấy, rằng bả là người Việt, bả đội nón lá quen rồi.



1. Nón lá của người Việt



altTrên thế giới, chắc chắn có nhiều tộc người, của nhiều quốc gia đội nón lá, nhưng nón lá kiểu người Việt, hình như chỉ có người Việt mới đội. Nó có hình chóp, chiều dựng cao khoảng gần ba chục xăng ti mét, vành nón có đường kính khoảng hơn hai gang tay người lớn, tức khoảng hơn bốn chúc xăng ti mét một chút, với mười sáu vòng cật tre vót tròn, to nhỏ khác nhau, đỡ cứng một cách chắc chắn ở bên trong.



Đã gọi là nón lá, thì vật liệu làm nên nón, chỉ có lá và tre, và ngay cả sợi dây chằm nón, cũng là dây được tước ra từ một thứ lá trên rừng, thường là dây đoác. Nếu việc phơi lá nón, rồi dùng bàn là than ủi lá cho thật phẳng, đòi hỏi công phu bao nhiêu, thì việc ngâm lá đoác cho mục phần lá, tước lấy phần sợi thành dây nhỏ, cũng công phu bấy nhiêu. Ngay cả việc vót cật tre thật tròn, thật đều, cũng đòi hỏi phải quen tay mới làm được. Nhiều người cả đời ngồi còng lưng vót nan tre, lúc về già lưng cụp xuống, phải chống gậy mà đi; còn ngón trỏ với ngón cái, hầu như dấu vân tay bị mòn lì đến mất sạch. Có được cái nón lá mỏng manh, giản đơn, bình dị, coi vậy, nhưng cũng là cả một công phu của biết bao nhiêu người; từ người lên rừng chặt lá non đem về, đến người đốn tre vót vành nón, người ngâm lá đoác tước thành dây chằm, người ủ lá, người phơi lá, người dùng bàn ủi than là cho lá phẳng phiu, người tạo khung gỗ làm nón, người tạo hoa văn, tạo bài thơ cho nón, người chằm nón… ấy là chưa kể đến người dệt lụa làm quai nón, người đưa nón đến với mọi nhà, mọi người.



Nón này che nắng che mưa

Nón này để đội cho vừa lòng nhau



Nón lá Việt Nam, từ bao đời nay, đã lặng lẽ hoá thân vào đời sống dân Việt, thành thơ, thành nhạc, thành tranh, thành một nét văn hoá thuần Việt, thấm đậm biết mấy tình đời, tình người; và có thể, đã trở thành một biểu tượng thanh thao, nhẹ nhỏm, cùng với áo dài, áo bà ba, đôi quang gánh, chiếc thuyền nan, chiếc ghe tam bản, làm nên nhan sắc duyên dáng Việt Nam, dịu dàng dịu dàng, và đằm thắm đằm thắm biết bao.



2. Nón lá trong đời sống cộng đồng dân tộc Việt



altChiếc nón lá Việt Nam, không biết khởi nguồn từ đâu, nhưng chắc chắn, nó đã có mặt với cộng đồng người Việt từ hàng ngàn năm nay. Và đến tận bây giờ, khi thời đại @ bùng nổ, với sự ra đời của hàng muôn ngàn chủng loại nón vải, nón nhựa, nón sắt, nón sợi tổng hợp, nón lá Việt Nam vẫn tìm được chỗ đứng khiêm nhường của nó, trong tâm hồn người Việt, ở khắp mọi nẻo đồng quê tổ quốc.



Giữa muôn vàn sự phô trương của các chủng loại nón, với muôn vàn chất liệu, kiểu dáng, đôi khi tôi vẫn tự hỏi, liệu các nhà thiết kế, được ăn học, đào tạo hẳn hòi, đã ai tạo ra được sự cân đối, đạt đến tiêu chuẩn tỉ lệ thiết kế vàng, như chiếc nón lá Việt Nam. Chiều rộng, chiều cao, sao mà hài hoà đến thế, hình dáng, màu sắc, sao mà đẹp chạnh lòng đến thế. Người phương Đông, người phương Tây, người da màu, người da trắng, ai đội nón lá cũng đẹp. Thật đúng như nhà thơ Đimitrova, lần đầu đến Việt Nam, ngỡ ngàng trước vẻ đẹp dung dị của nón lá Việt Nam đã viết.



Nụ cười con gái nghiêng sau nón

Càng bí ẩn hơn càng dễ thương



altÔi là Đimitrova, nếu bà biết thêm rằng, cái nón lá Việt Nam, từ muôn đời nay, nó đã là một góc tâm hồn Việt, gắn bó với người dân Việt, như một vật dụng thiết thân hàng ngày không thể thiếu, nhất là ở những miệt vườn, miệt đồng chiêm, đồng mùa. Với phụ nữ Việt Nam, nón lá là vật che nắng che mưa, dùng trong lao động hàng ngày, dùng trong đi Hội, đi Lễ, đi đám cưới, đám ma, đám chạp, đám giỗ… và dùng để đến với người yêu, cùng nhau thuỷ chung đi suốt cùng trời cuối đất. Nhẹ nhỏm, thanh tao và duyên dáng, nón lá làm nên vẻ đẹp dịu dàng của phụ nữ Việt Nam, làm nên tính cách và tâm hồn phụ nữ Việt Nam. Cũng nhẹ nhỏm, thanh tao và duyên dáng như thế, nón lá Việt Nam bước vào sân khấu nghệ thuật Việt Nam, qua năm tháng, làm nên điệu múa nón say đắm lòng người; chinh phục, không chỉ nền văn hoá phương Đông, mà còn chinh phục cả nền văn hoá phương Tây, vốn rất xa lạ với chiếc nón lá Việt Nam.



Hình ảnh nón lá Việt Nam, từ bao đời nay, gắn với hình ảnh tần tảo của người phụ nữ Việt Nam, với đôi quang gánh trên vai, với đôi guốc mộc dưới chân, với bộ váy áo tứ thân, với tà áo dài, với tấm áo bà ba, với chiếc khăn rằn quấn cổ. Một trưa hè trên nẻo đường quê, bà lão già móm mém, hạ đôi quang gánh dưới bụi tre làng, ngồi ghé trên chiếc đòn gánh, phe phẩy cái nón lá quạt gió trưa nồng. Một chiều tím trên sông, thiếu nữ nghiêng vành nón đợi chuyến đò ngang. Nao lòng làm sao, khi giữa đồng làng, những người phụ nữ nón lá trên đầu, nối nhau gánh lúa về làng. Càng nao lòng tới muốn khóc, khi ta đi xa trở về, đến bờ đê đầu làng, gặp những trẻ mục ngồi vắt vẻo lưng trâu, đầu đội nón mê, đang véo von sáo trúc.



altThưở xa xưa ấy, khi những cô gái sang sông, cất bước về nhà chồng, dường như bao giờ, người mẹ cũng trao cho con chiếc nón lá cầm tay. Chiếc nón lá đơn sơ ấy, theo con gái mẹ về nhà người làm dâu. Rồi cô dâu hay lam hay làm đội nón lá ra đồng. Rồi cô dâu hay lam hay làm đội nón lá lên nương. Rồi người mẹ tảo tần nón lá trên đầu, quang gánh trên vai, xuôi ngược dặm đường buôn thúng bán bưng. Rồi người mẹ dùng nón lá che nắng cho con, lọc cọc trên chiếc xe ngựa lên chợ huyện. Rồi chiếc nón lá ấy vục xuống dòng sông, múc nước lên rửa khuôn mặt ướt đẫm mồ hôi, múc nước lên để uống. Chiếc nón lá, chiếc nón lá quê nhà gần gụi ấy, đôi khi còn chao nghiêng, che giấu nụ cười cô thôn nữ, lúc xốn xang buông thả câu hẹn thề với chàng trai cùng xóm. Chiếc nón thân thương ấy, bởi vậy, trong đời sống cộng động người Việt, tự bao đời, đã trở thành quà tặng trao nhau.



Ra đường nghiêng nón cười cười

Như hoa thơm nở, như người trong tranh



Từ chiếc nón lá bình dân của người lao động, đến chiếc nón bài thơ, nón lá Việt Nam đã làm một cuộc hành trình lý ngựa ô, lý chim sáo, suốt dọc dài từ Bắc vào Nam, tấu lên biết bao giai điệu tím biếc tình đời.



3. Biến tấu đời thường của nón lá



altNón lá góp phần làm nên văn hoá nón lá Việt Nam, văn hoá Việt Nam. Nón lá là cốt cách, là tâm hồn Việt Nam, làm nên vẻ đẹp thuỳ mị, dịu dàng, duyên dáng Việt Nam. Khi còn mới, nón lá mỏng nhẹ như cánh hạc, tươi trắng như đoá sen, tôn vinh gương mặt thôn nữ thành thơ. Khi cũ rách, nón lá thành nón mê. Từ chiếc nón bài thơ của cô gái e ấp mái tóc thề, đến chiếc nón của bà hàng xáo mỗi ngày gánh gạo lên chợ huyện bán buôn, đến cái nón của anh thợ cày, cái nón dấu của anh lính thú, cái nón quai thao của liền anh liền chị Quan họ Bắc Ninh. Nón lá lặn vào duyên tình người lao động chân quê chân chất. Nón lá theo chân người lên sân khấu, huyền ảo sắc màu, lung linh giai điệu. Nón lá lên công trường. Nón lá vào chợ búa. Nón lá cùng trẻ em đến trường đi học. Nón lá theo dòng chảy giao lưu văn hoá, vượt vạn dặm trời biển, đến với năm châu bốn biển. Nón làng Chuông Hà Tây. Nón Phủ Tây Hồ xứ Huế. Nón Gò Găng Bình Định. Khắp nước Việt tre trúc, lá buông lá đoác, dường như ở đâu cũng có làng nghề chằm nón. Bởi vậy, văn hoá nón lá là văn hoá vật chất, văn hoá tinh thần, của cả nước Việt dài như rau muống biển. Bởi vậy, biến tấu của văn hoá nón lá Việt Nam, là biến tấu của vô tận vô cùng.



altCông dụng đầu tiên của nón lá là che nắng che mưa, là góp phần làm nên tính dân tộc đằm thắm của người phụ nữ Việt Nam, làm nên thơ ca nhạc hoạ, thấm đẫm tình đất tình người nước Việt. Ấy vậy mà nhiều người, khi nghỉ ngơi đồng áng mệt nhọc, khi nghỉ chân đường dài quang gánh bán buôn, vẫn dùng nón lá như chiếc quạt, quạt mát cho mình, quạt mát cho người, hoặc đôi khi, họ dùng ngay chiếc nón lá đội đầu ấy, lót luôn xuống mông để ngồi. Ở bến xe bến tàu, nhiều người trong lúc chờ đợi mỏi mệt, đã dùng nón che đầu nằm ngủ. Rồi thì… nói ra thì tệ lắm… người ta còn dùng nón lá che mắt thiên hạ, giở trò móc túi, trộm cắp tiền bạc ngay giữa thanh thiên bạch nhật.



Biến tấu của nón lá, biết nói sao bây giờ.



4. Nón lá Việt sẽ về đâu



Trở lại chuyện vợ tôi, suốt một thời chỉ thích đội nón lá, tự nhiên tôi cứ rưng rưng nghĩ mãi, vì không biết, rồi đây nón lá Việt Nam sẽ đi về đâu, khi mà văn minh mũ nón đội đầu, đang bị sự lấn lướt ức hiếp oan uổng của mũ bảo hiểm, bắt buộc phải đội đầu, khi lưu thông xe máy trên đường.



Số lượng người Việt sử dụng xe máy đi đường, đi làm việc, đi học, đã tăng lên với số lượng chóng mặt. Đó chính là bản án khai tử nền văn hoá nón lá Việt Nam. Chẳng ai người ta chịu phiền toái, đem theo chiếc nón lá khi đi xe máy, để rồi được đội nón lá khi phải đi bộ. Thế nhưng cứ thử nhìn phụ nữ đi chợ quê mà xem, sùm sụp cái mũ bảo hiểm đỏ chót, xanh lè, vàng khè, đen thui trên đầu, nom nó cứ thế nào, coi ngàu tới nhức mắt, khó chịu.



Nón lá lâm vào cơn thoi thóp giãy dụa, chỉ còn có thể sống trên sâu khấu múa dân tộc, hay lùi vào làm vật trang trí cho các nhà hàng. Nhưng thử hỏi, rồi thì nó còn tồn tại được bao lâu, khi mà những cánh rừng lá buông, lá đoác ít ỏi còn lại, cũng bị triệt phá đến lịm chết. Thời hoàng kim của nón lá đã chấm hế rồi ư?



Còn tồn tại bao nhiêu lâu nữa, câu ca dao mẹ nắm tao nôi ru con ngủ.



Cưới nàng đôi nón Gò Găng

Xấp lãnh An Thái, một khăn trầu nguồn



HTT

Không có nhận xét nào: